SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
7
3
4
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 Tháng Sáu 2009 10:50:00 SA

Xây dựng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nông thôn thành phố Hồ Chí Minh bao gồm vùng ven đô và ngoại thành; đó là vùng không gian không chỉ phát triển về nông nghiệp theo truyền thống trước đây, mà còn là địa bàn tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch. Do đó việc xây dựng nông thôn mới bao hàm nhiều nội dung mới, hình thức mới, giải pháp mới đa dạng hơn, rộng lớn hơn và cũng nặng nề khó khăn hơn.

 

Nghị quyết lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng xã hội - kinh tế hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.

Để triển khai mục tiêu đó, Ban Bí thư quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình xây dựng “nông thôn mới” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban chỉ đạo đã chọn 11 xã thuộc các tỉnh, thành phố có tính chất đại diện cho các vùng nông thôn khác nhau trong cả nước để làm điểm chỉ đạo. Chính phủ đã quyết định ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới làm căn cứ để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình, kiểm tra công nhận, xã, huyện, tỉnh thành đạt nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nông thôn thành phố Hồ Chí Minh bao gồm vùng ven đô và ngoại thành; đó là vùng không gian không chỉ phát triển về nông nghiệp theo truyền thống trước đây, mà còn là địa bàn tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch. Do đó việc xây dựng nông thôn mới bao hàm nhiều nội dung mới, hình thức mới, giải pháp mới đa dạng hơn, rộng lớn hơn và cũng nặng nề khó khăn hơn.

Nông thôn thành phố Sài Gòn - Gia Định trước đây trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là địa chỉ đỏ của thành phố, là niềm tự hào của đồng bào, đồng chí cả nước với biết bao chiến tích lẫy lừng. Đó là Đất thép Thành đồng Củ Chi, là Chiến khu Rừng Sác, là Ngã Ba Giồng, Mười tám thôn Vườn Trầu, là Dân Công Hỏa Tuyến, Láng Le - Bàu Cò, là Vùng Bưng Sáu Xã, là Chiến khu An Phú Đông, là Địa đạo Phú Thọ Hòa,…. Mỗi một mảnh đất nông thôn thành phố đã từng thấm máu biết bao đồng bào đồng chí chúng ta, đã trở thành di sản thiêng liêng của Thành Đồng Tổ quốc.

Nông thôn thành phố Hồ Chí Minh từ sau ngày giải phóng là nơi nối tiếp truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, vượt lên trên hoang tàn hủy diệt, khôi phục lại vành đai xanh, phát triển vành đai lương thực thực phẩm, xây dựng vành đai công nghệ mới với biết bao tìm tòi sáng tạo, đột phá đi lên. Rừng đước bạt ngàn, đàn bò sữa, đàn heo nạc, những cánh đồng rau xanh an toàn, những đầm tôm, bãi nghêu, những vườn phong lan đậm đà hương sắc, hàng trăm cơ sở sản xuất giống con, giống cây,…. chia xẻ đắng cay, ngọt bùi với bà con nông dân cả nước.

Nông thôn thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là bộ phận của một thành phố trung tâm về nhiều mặt ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; nơi đây không chỉ có khả năng và tiềm năng về nhân lực, vật lực, tài lực mà còn là đầu mối về thông tin, thị trường, khoa học kỹ thuật, giao lưu quốc tế,….

Tuy vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn vừa qua chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tiềm năng của thành phố; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng với yêu cầu, tình trạng triều cường, mưa lớn gây ngập úng kéo dài ở một số nơi; ô nhiễm môi trường gia tăng; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, không ổn định. Nguyên nhân chính là có lúc có nơi các cấp Ủy Đảng, Chính quyền chưa nhận thức sâu sắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra đúng mức nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhận thức vị trí, vai trò của xây dựng “nông thôn mới” trong tiến trình xây dựng và bảo vệ thành phố theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần VII, Thành ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình xây dựng “nông thôn mới” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gồm 26 đồng chí, do Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao. Ngoài xã Tân Thông Hội (Củ Chi) đại diện vùng ven đô ở các tỉnh phía Nam, thành phố chọn 5 xã: Tân Nhựt (Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Lý Nhơn (Cần Giờ), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Thái Mỹ (Củ Chi) làm các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng nông thôn mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải nhằm đạt và vượt các tiêu chí quốc gia một cách thực chất, bền vững: bảo đảm đem lại cho cộng đồng dân cư đời sống vật chất, đời sống văn hóa ngày càng giàu đẹp, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội văn minh hiện đại, giải quyết rốt ráo những vấn đề nhức nhối về xã hội, khôi phục những giá trị và truyền thống tốt đẹp ở địa phương….

Tổ chức Đảng ở cấp xã là hạt nhân lãnh đạo quá trình xây dựng nông thôn mới phải thật sự trong sạch vững mạnh, mỗi đảng viên phải thật sự đi đầu, gương mẫu trong việc tổ chức thực hiện và tích cực vận động từng gia đình, từng người dân cùng nhau ra sức thực hiện các chương trình, mục tiêu ở địa phương; chính quyền cơ sở phải thật sự là của dân, do dân, vì dân; các đoàn thể chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp phải là cầu nối giữa dân với Đảng và hơn ai hết người dân phải là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở từng gia đình, khu phố, ấp, xã của mình.

Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới là bước tiến chuẩn bị về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách, xác định mối quan hệ và trách nhiệm của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền trong việc chỉ đạo, thực hiện,…. để hỗ trợ, bảo đảm từ các xã chỉ đạo thí điểm triển khai toàn diện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đạt tốc độ nhanh và hiệu quả thiết thực./.

 

             Trương Hoàng

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Tp. Hồ Chí Minh.

Số lượt người xem: 20979    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm