Từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã nhiều lần điều chỉnh tăng mức tiền công khoán bảo vệ rừng để đảm bảo đời sống cho người giữ rừng; từ 75.000 đồng/ha/năm (năm 1995), 185.000 đồng /ha/năm (2000), 316.000 đồng /ha/năm (2003), 445.000 đồng /ha/năm (2006) và hiện nay là 495.000 đồng /ha/năm (trong đó Trung ương cấp 100.000 đồng/ha/năm)
Theo kết quả thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, diện tích đất lâm nghiệp là 36.183,08 ha, chiếm 17,26% diện tích tự nhiên của thành phố. Bình quân diện tích đất lâm nghiệp là 58,13 m2/người. Trong đó, diện tích đất có rừng 33.532,76 ha (rừng tự nhiên 12.079,94 ha; rừng trồng 21.452,82 ha), diện tích đất chưa có rừng 2.650,32 ha; đất rừng cây bụi 1.057,05 ha; đất khác trong lâm nghiệp 1.593,27 ha. Rừng và đất lâm nghiệp được phân theo 03 chức năng gồm rừng đặc dụng: 29,92 ha, rừng phòng hộ: 33.860,00 ha (chiếm tỉ lệ cao nhất, tập trung ở huyện Cần Giờ); rừng sản xuất: 2.293,16 ha; rừng đặc dụng: 29,92 ha.
Diện tích rừng và đất rừng phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Rừng tự nhiên có diện tích là 11.617,03 ha, bằng 32,11%, chủ yếu là rừng ngập mặn (rừng phòng hộ) tập trung ở huyện Cần Giờ do tái sinh rừng tự nhiên trên đất mới bồi và trên đất địa hình cao ít ngập thuỷ triều, rừng tự nhiên mới phục hồi tại Khu di tích lịch sử địa đạo Bến Dược Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi). Rừng trồng có diện tích 21.915,72 ha chiếm 60,57%; còn lại là đất khác chưa có rừng với diện tích 2.646,33 ha, chiếm 7,13% đất lâm nghiệp gồm đất trống, cây bụi rãi rác mọc tự nhiên chưa thành rừng, đất mặt nước nuôi thuỷ sản dưới tán rừng, đất ruộng muối ở vùng rừng ngập mặn Cần Giờ và các loại đất chuyên dùng như: đường giao thông, kênh mương, đất thổ cư. Rừng ở thành phố Hồ Chí Minh mang tính chất của 3 hệ sinh thái rừng: hệ sinh thái rừng miền Đông Nam bộ (huyện Củ Chi, Quận 9); hệ sinh thái rừng ngập phèn (huyện Bình Chánh và phía Tây của huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn); hệ sinh thái rừng ngập mặn phía Nam của thành phố (huyện Cần Giờ).
Từ ngày giải phóng đến nay, thành phố đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển rừng và cây xanh, đặc biệt là khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cần Giờ, góp phần cải thiện môi trường thành phố. Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới (là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam). Đến năm 2000, thành phố đã hoàn thành cơ bản công tác trồng rừng tập trung, diện tích rừng đạt 35.296 ha, trong đó rừng trồng chiếm đa số là 23.444 ha và rừng tự nhiên là 11.852 ha. Đây là thành tích nổi bật của thành phố trong việc khôi phục trồng lại rừng, quản lý và bảo vệ tốt, tạo điều kiện cho rừng tự nhiên phát triển.
Thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác trồng cây phân tán, tổ chức Hội thi môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn thành phố, đồng thời phê duyệt và đầu tư một số dự án phát triển rừng như dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ huyện Bình Chánh; nâng cấp rừng thực nghiệm Tân Tạo (30 ha); xây dựng Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn (4 ha); xây dựng Vườn thực vật Củ chi (40 ha) và đầu tư các phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng vv…
Thời gian qua, Thành phố đã ban hành các chủ trương chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp như giao đất giao rừng cho các đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ nhân dân trồng cây gây rừng và chăm sóc rừng; quy định về cơ chế quản lý và vận dụng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đối với nông – lâm – ngư nghiệp tại Cần Giờ; tăng cường công tác quản lý và kinh doanh rừng ngập mặn Cần Giờ; chuyển Lâm trường Duyên Hải thành Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố; quy chế tổ chức hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố; quy định về khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng và trồng rừng thuộc rừng phòng hộ môi trường, rừng đặc dụng TP; quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và quy chế quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.
Từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã nhiều lần điều chỉnh tăng mức tiền công khoán bảo vệ rừng để đảm bảo đời sống cho người giữ rừng; từ 75.000 đồng/ha/năm (năm 1995), 185.000 đồng /ha/năm (2000), 316.000 đồng /ha/năm (2003), 445.000 đồng /ha/năm (2006) và hiện nay là 495.000 đồng /ha/năm (trong đó Trung ương cấp 100.000 đồng/ha/năm)
Quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách về giao khoán bảo vệ rừng có những mặt tích cực và tồn tại nhất định, Thành phố chưa có quy định về kinh doanh rừng, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách việc quản lý bảo vệ rừng kết hợp với công tác sản xuất thuỷ sản. Do vậy, khi nguồn thu nuôi trồng thuỷ sản giảm sút thì rừng không được quan tâm bảo vệ và hệ quả là nạn phá rừng gia tăng.
Từ năm 2000, Ủy ban nhân dân thành phố đã thu hồi các quyết định giao đất, giao rừng của các đơn vị nông lâm trường, địa phương quản lý kém hiệu quả để giao cho Lâm trường Duyên hải thực hiện thí điểm giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình trực tiếp quản lý bảo vệ thông qua các hợp đồng giao khoán có thời hạn đến 30 năm. Đồng thời, Thành phố đã tăng mức kinh phí khoán cho công tác bảo vệ rừng, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn được hưởng lợi từ rừng khi tỉa thưa chăm sóc rừng với tỷ lệ ăn chia chiếm 65% sản phẩm tận thu từ tỉa thưa, chăm sóc rừng.
Từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã ra lệnh đóng cửa rừng ngập mặn Cần Giờ không cho tác động đến rừng nên các đơn vị, hộ gia đình chỉ nhận tiền công khoán bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách của Trung ương và thành phố.
Hàng năm theo kế hoạch, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, tiếp nhận phần kinh phí do trung ương cấp để thực hiện các chỉ tiêu được giao về công tác bảo vệ rừng hiện có với định suất 50.000đ/ha/năm và ngân sách thành phố cấp bổ sung để đảm bảo đời sống cho các hộ giữ rừng. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã ký hợp đồng giao khoán công tác bảo vệ rừng cho 127 hộ gia đình, với tổng diện tích giao khoán là 9.696,06 ha và 12 đơn vị tổ chức quản lý bảo vệ là 18.599,28 ha đất có rừng.
Chi cục Lâm nghiệp được thành phố giao quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh, quản lý trực tiếp Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân Tạo (rừng đặc dụng), rừng phòng hộ Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Từ năm 2004, Chi cục Lâm nghiệp đã giao khoán cho 03 hộ gia đình trực tiếp bảo vệ: 75,08 ha; năm 2005 giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho Trung tâm Hoa kiểng và DVNN H.Bình Chánh 150,78 ha và cho 01 hộ nhận khoán 26,34 ha tại Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo. Từ năm 1995, Chi cục Lâm nghiệp đã hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ ở Củ Chi cho Hạt Kiểm lâm Củ Chi 191 ha quản lý bảo vệ. Sau khi bàn giao một phần diện tích rừng phòng hộ cho các đơn vị quân đội, từ năm 2005, Chi cục Lâm nghiệp tiến hành giao khoán diện tích rừng phòng hộ 39,49 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi cho 02 hộ gia đình quản lý bảo vệ.
Các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng, ngoài thu nhập từ kinh phí khoán bảo vệ rừng, còn có những quyền lợi khác như tổ chức các loại hình sản xuất (ngư nghiệp, chăn nuôi, …) và hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm tạo ra đảm bảo không xâm phạm đến rừng và đất rừng phòng hộ cũng như các tài nguyên động, thực vật rừng theo quy định của pháp luật. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước như được trợ cấp cho con em đi học nâng cao trình độ, được vay vốn sản xuất (vốn ngân hàng và vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ) với lãi suất ưu đãi để thực hiện các loại hình sản xuất dưới tán rừng (hàng năm có trên 100 hộ vay vốn sản xuất vối tổng số 800 triệu đồng đến 1,0 tỷ đồng); được hỗ trợ về nhà ở bình quân 6 triệu đồng/hộ; cấp xuồng ghe đi lại và thiết bị thắp sáng, sinh hoạt bằng năng lượng mặt trời. Ngoài ra các cá nhân và hộ gia đình còn được hưởng phúc lợi như khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tập huấn về quản lý kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Nhìn chung, việc thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng trong thời gian qua đã duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán, hạn chế nạn chặt phá rừng trái phép. Đời sống của hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao; nguồn thu nhập từ kinh phí bảo vệ rừng đã trở thành nguồn thu nhập chính, tạo động lực khuyến khích bảo vệ rừng. Tuy vậy, các hộ giữ rừng chỉ hưởng tiền công khoán bảo vệ rừng, còn những nguồn thu nhập khác như trồng, tỉa thưa, chăm sóc, khai thác rừng thì chưa được thực hiện; chưa có quy định quản lý của Nhà nước để hộ gia đình yên tâm sản xuất ngư nghiệp như: quy định về qui mô, diện tích, cơ sở hạ tầng; chưa có hướng dẫn cụ thể sản xuất ngư nghiệp dưới tán rừng; thiếu những điều kiện cơ bản để đảm bảo quyền tự chủ sản xuất, người dân chỉ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, mọi tác động vào rừng và đất rừng đều phải có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Những khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp cho nuôi trồng thủy sản phát triển, các hộ nhận khoán diện tích rừng càng nhiều thì mức thu nhập càng lớn (với tỷ lệ rừng trồng >60% tổng diện tích).
Về vốn đầu tư sản xuất hiện nay là vấn đề hết sức khó khăn và bức xúc, để phát triển kinh tế tăng thu nhập nhận khoán cho bảo vệ rừng, một số hộ đang còn lúng túng chưa lựa chọn được phương hướng sản xuất phù hợp, chưa có điều kiện để phát triển sản xuất và ổn định đời sống. Còn tồn tại một số hộ thường ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước không tự chủ về sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp thành phố, các ngành, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ rừng và các thu nhập khác bao gồm các khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng theo hướng xã hội hoá, để thay thế dần cơ chế khoán bằng kinh phí ngân sách cấp; điều chỉnh lại định mức khoán, đảm bảo người nhận khoán bảo vệ rừng có mức thu nhập bình quân tối thiểu khoảng 1,5 lần mức chuẩn nghèo của từng địa phương; tăng nguồn vốn hỗ trợ, cho vay đến hộ nhận khoán bảo vệ phát triển rừng sản xuất, tạo việc làm và giúp đỡ hộ dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; đồng thời tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm nhằm đưa khoa học kỹ thuật và kiến thức quản lý cho các hộ gia đình để nâng cao hiểu biết kỹ thuật và trình độ quản lý sản xuất kinh doanh; hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật, xác định giá trị của rừng để làm cơ sở cho việc quản lý và kinh doanh rừng trên địa bàn thành phố có hiệu quả./.
Phòng kế hoạch-TC