I. Kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2011:
1. Tổ cây ăn trái Trung An:
1.1. Công tác tổ chức:
- Với 17 thành viên tham gia tổ cây ăn trái từ năm 2008, đến nay đã có 48 thành viên, với diện tích vườn cây ăn trái 40 ha, chiếm 50% diện tích vườn cây ăn trái của xã.
- Tiến hành tổ chức bầu lại Ban điều hành mới gồm 5 thành viên và củng cố nhóm dịch vụ tư vấn kỹ thuật cắt cành, tạo tán.
- Tổ sinh hoạt định kỳ vào ngày 16 hàng tháng, có sự tham gia của cán bộ Trung Tâm Khuyến nông, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
- Toạ đàm thành lập Hợp tác xã cây ăn trái xã Trung An, với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, Hội Nông dân và Ủy ban nhân xã Trung An, Ban điều hành tổ và tổ viên của tổ.
- Trên cở sở những nội dung trao đổi của Sở Nông nghiệp và PTNT về Dự án xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi, Tổ cây ăn trái Trung An đã họp bàn bạc thống nhất các nội dung, giải pháp thực hiện ở giai đoạn II (2011 – 2013), nhất là các vấn đề đóng góp vốn đối ứng để xây dựng các mô hình sản xuất và văn phòng phục vụ cho sinh hoạt của tổ trong quá trình sản xuất và du lịch.
1.2. Công tác tập huấn, huấn luyện và xúc tiến thương mại:
- Tổ chức tập huấn về vai trò, tác dụng của phân bón đa, trung và vi lượng cho cây ăn trái do Giáo sư Lã Minh Hùng trình bày.
- Tổ chức thi kiểm tra kỹ thuật chăm sóc vườn.
- Tham gia Hội thi Trái ngon - An toàn Nam bộ lần 3 năm 2011, tại Khu Du lịch Văn hoá Suối Tiên, quận 9; với hơn 50 tổ viên của tổ tham dự, có 6 chủng loại tham dự hội thi như: chôm chôm, ổi không hạt, mít nghệ, măng cụt, sầu riêng và thơm; trong đó sản phẩm mít nghệ đạt giải ba.
- Tổ chức khai mạc vườn du lịch sinh thái tại tổ.
1.3. Xây dựng mô hình:
- Triển khai mô hình trồng bưởi đường da xanh, với 1.350 cây giống, diện tích 2,7 ha, 5 hộ tham gia.
1.4. Các hoạt động khác:
- Phối hợp với Giáo sư Lã Minh Hùng – Chuyên gia Đài Loan, Viện Cây ăn quả miền Nam khảo sát và đưa ra một số biện pháp khắc phục, phòng trị bệnh trên các loại cây ăn trái, như bệnh nứt trái dâu, cháy lá chôm chôm, bệnh thối rễ trên cây dâu cho các nhà vườn.
- Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát vườn cây ăn trái và xây dựng kế hoạch triển khai tuyến du lịch sinh thái trong thời gian tới.
- Đoàn Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình.
- Đoàn chuyên gia Banglades do Hội Làm vườn Việt Nam hướng dẫn đến trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình.
- Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã đầu tư đường giao thông nông thôn mới với 10 tuyến đường, dài 2 km, đạt 80% tiến độ công trình.
- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã giúp đỡ xây dựng 2 pano giới thiệu Khu du lịch sinh thái Trung An.
2. Tổ rau an toàn Nhuận Đức:
2.1. Công tác tổ chức:
- Với 8 thành viên nồng cốt tham gia từ năm 2007, đến nay tổ sản xuất rau đã có 32 thành viên, với diện tích sản xuất rau an toàn khoảng 20 ha.
- Tiến hành tổ chức bầu Ban điều hành với 5 thành viên và củng cố nhóm dịch vụ tư vấn kỹ thuật.
- Định kỳ vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tham dự các buổi sinh hoạt của tổ sản xuất rau ấp Bầu Trăn. Trong các buổi sinh hoạt tổ đã tập trung thực hiện các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện các mô hình điểm, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, chia sẽ kinh nghiệm của nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt để thảo luận và đi đến thống nhất những nội dung, giải pháp, nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện ở giai đoạn II Dự án hỗ trợ của Tập đoàn Chinfon (2011 – 2013), cam kết tham gia thực hiện dự án và đóng góp vốn đối ứng theo dự thảo của Sở Nông nghiệp và PTNT.
2.2. Công tác phối hợp:
Tổ Tư vấn kỹ thuật canh tác cây rau xã Nhuận Đức được thành lập trong năm 2009, đã xây dựng quy chế và phân công nhiệm vụ các nhóm tham gia thực hiện dự án như sau:
2.2.1. Nhóm kỹ thuật: có nhiệm vụ tiếp nhận vận dụng cho phù hợp kỹ thuật của chuyên gia Đài Loan để chuyển giao cho nông dân tham gia dự án; xây dựng kế hoạch sản xuất cho các hộ tham gia dự án; cung cấp và hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của chuyên gia Đài Loan; hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phòng trị sinh vật hại cho các hộ tham gia dự án; hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và tư vấn thủ tục chứng nhận VietGAP. Qua đó, kịp thời tư vấn giải quyết sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bệnh héo cành, thối trái của cây ớt; bọ trĩ, bệnh khảm trên cây dưa leo; giải quyết và hướng dẫn kịp thời các nhu cầu về dinh dưỡng cho cây trồng.
2.2.2. Nhóm tư vấn hoạt động tổ nông dân: có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của nhóm nông dân với hình thức phù hợp tình hình của nông dân địa phương tương tự như hoạt động IPM cộng đồng và GAP; xây dựng quy chế hoạt động của nhóm; hướng dẫn tổ chức sinh hoạt nhóm về kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất và chuẩn bị vật tư cho sản xuất; tạo điều kiện mua vật tư giá rẽ, đảm bảo chất lượng để hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tổ, đã từng bước thay đổi hình thức sinh hoạt tổ và xây dựng qui chế sinh hoạt tổ phù hợp với tình hình mới.
2.2.3. Nhóm tư vấn sản xuất, tiêu thụ và xúc tiến thương mại: có nhiệm vụ hướng dẫn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong tổ sản xuất và hợp tác xã; tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm ban đầu cung cấp cho các thương nhân và chợ đầu mối; cung cấp và chào hàng cho các siêu thị, các bếp ăn tập thể; quản lý được sản xuất trong nhóm về thời vụ, cây trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng cây trồng. Ngoài ra, còn hướng dẫn các thành viên trong tổ sử dụng bao bì có nhãn hiệu của hợp tác xã đã giúp giá thành cao hơn khi không sử dụng bao bì có nhãn hiệu, giúp cho nông dân tham gia các kỳ hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm cho thị trường tiêu thụ
2.3. Công tác tập huấn, huấn luyện và xúc tiến thương mại:
- Phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tập huấn 2 lớp với chuyên đề “Lập kế hoạch sản xuất nông hộ và tổ, nhóm nông dân” và “Thông tin về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn phù hợp với nhu cầu địa phương”.
- Phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam tập huấn qui trình sản xuất cây dưa leo và cây khổ qua ở vụ Hè Thu năm 2011.
- Hàng ngày các sản phẩm của tổ như: khổ qua, bầu, bí, đậu đũa, mướp hương được Siêu thị Tân Hiệp Nông (quận 12) thu mua từ 200 - 240 kg.
- Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Nhuận Đức cũng đã cung ứng vật tư đầu vào cho 6 hộ nông dân xuống giống vụ Hè Thu năm 2011.
2.4. Xây dựng mô hình:
- Triển khai kế hoạch gieo trồng vụ Hè Thu năm 2011 cho các hộ sản xuất.
- Phối hợp Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cung ứng vật tư cho 6 hộ nông dân đã xuống giống.
2.5. Các hoạt động khác:
- Hàng tuần cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam xuống tận đồng ruộng để tiến hành theo dõi tiến độ sản xuất, điều tra sinh vật hại và tư vấn biện pháp phòng trị.
- Tổ chức họp Tổ Tư vấn kỹ thuật cây rau xã Nhuận Đức và phân công các thành viên phụ trách kỹ thuật, tư vấn hoạt động Tổ nông dân và Tổ tư vấn sản xuất, tiêu thụ và xúc tiến thương mại.
3. Nhận xét, đánh giá:
- Một số nội dung công việc của giai đoạn 2011 - 2013 được triển khai, phổ biến, đặc biệt là củng cố Ban điều hành, Tổ dịch vụ kỹ thuật và duy trì sinh hoạt tổ định kỳ hàng tháng. Nội dung sinh hoạt thiết thực, giải đáp thắc mắc kịp thời cho tổ viên về những vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật.
- Các tuyến đường nông thôn bắt đầu đưa vào khai thác có hiệu quả, được bà con khu vực rất đồng tình.
- Các đơn vị được phân công tham gia dự án cũng triển khai, phổ biến nội dung công việc và tham gia xây dựng tổ. Tuy nhiên, hướng tới hoạt động của tổ ngày càng đổi mới hơn, cũng như sự đóng góp của các đơn vị tham gia cho tổ được nhiều hơn.
- Cán bộ kỹ thuật nhiệt tình tham gia sinh hoạt tổ và hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất, hình thức sinh hoạt tổ, nhóm.
- Sản phẩm đã được giải quyết đầu ra từ Siêu thị Tân Hiệp Nông, Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức nên bà con phấn khởi.
- Các hộ nông dân có tham gia sinh hoạt nhưng đa số là không đủ số lượng trong các buổi sinh hoạt do công việc gia đình và thời vụ sản xuất chi phối. Mặt khác, do trong tổ thực hiện nhiều loại cây trồng khác nhau, thời vụ khác nhau, thậm chí địa bàn cũng khác nhau nên chưa thu hút sự quan tâm đồng nhất, còn thể hiện tính rời rạc trong sinh hoạt tổ thường kỳ.
- Do điều kiện thời tiết bất thường, lúc nắng kéo dài, lúc mưa liên tục, đã làm lỡ kế hoạch gieo trồng của các hộ; mặt khác, là điều kiện thuận lợi để một số loài sâu bệnh hại phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
II. Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2011:
1. Tổ cây ăn trái Trung An:
- Phối hợp với các chuyên gia Đài Loan, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức cho 17 nông dân của tổ tham quan xây dựng tổ, nhóm tại tỉnh Bến Tre.
- Tổ chức khai mạc và đánh giá tình hình lễ hội vườn du lịch sinh thái năm 2011.
- Triển khai mô hình trồng ổi không hạt, chôm chôm, măng cụt theo quy trình VietGAP, mô hình xử lý chôm chôm trái vụ và mô hình hoa phong lan.
- Tiếp tục theo dõi mô hình trồng bưởi đường da xanh và các mô hình khác có hiệu quả để quảng bá, nhân rộng cho tổ viên.
- Xây dựng kế hoạch tổ chăm sóc vườn cây ăn trái sau thu hoạch để phố biến cho tổ viên thực hiện.
- Phối hợp với các chuyên gia Đài Loan tổ chức tập huấn, hướng dẫn phân loại sản phẩm cây ăn trái.
- Tiếp tục hoàn thiện các văn bản cam kết thực hiện dự án, đóng góp vốn đối ứng, công lao động chăm sóc vườn cây và mặt bằng để xây dựng văn phòng.
- Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn để phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 về chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ở giai đoạn 2011 – 2013 cho 02 tổ rau an toàn và cây ăn trái.
- Tổ chức hội nghị tổng kết năm 2011.
2. Tổ rau an toàn Nhuận Đức:
- Theo dõi các hoạt động mô hình và điều tra sinh vật hại tại ruộng thực hiện mô hình.
- Tiếp tục theo dõi hoạt động tổ nông dân ấp Bàu Trăn và ấp Bàu Lách.
- Hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phòng trị sinh vật hại cho các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP.
- Tổ chức cung cấp phân bón, vật tư, bẫy côn trùng, thiên địch; hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của chuyên gia Đài Loan.
- Theo dõi kế hoạch sản xuất của nông dân tham gia mô hình.
- Xây dựng 6 mô hình (6 hộ dân tham gia) về dinh dưỡng cây trồng (dưa leo, khổ qua, ớt) với diện tích 6.000 m2.
- Xây dựng 8 mô hình (8 hộ dân tham gia) về bảo vệ thực vật (sử dụng thiên địch, bẫy côn trùng).
- Làm việc với Ủy ban nhân dân xã Nhuận Đức và các nông dân tham gia mô hình cam kết tham gia vốn đối ứng về đất đai, công lao động, vật tư, phân bón…