Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay thời tiết Nam Bộ ban ngày có nắng nóng oi bức và sau đó chiều tối sẽ xuất hiện mưa, trong cơn mưa thường có giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gió giật… đây chính là hiện tượng của thời kỳ chuyển mùa. Thời kỳ chuyển mùa năm nay ở Nam Bộ dự báo sẽ diễn ra đồng loạt trên toàn bộ khu vực kể từ nửa đầu tháng 4 cho đến khi bắt đầu vào mùa mưa. Điển hình là lượng mưa ngày 18-4-2011 tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 120,6 mm, trạm Tân Sơn Nhất là 125,5mm và trạm Nhà Bè là 118mm đã gây ngập úng nhiều tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Dự báo mùa mưa năm 2011 sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm, bắt đầu vào khoảng đầu tháng 5 và kết thúc trong khoảng giữa tháng 11, mưa tập trung nhiều vào các tháng 5, tháng 9 và tháng 10, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và trong thời đoạn ngắn.
Thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố; để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, giông gió, lốc xoáy gây ra, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các sở - ban – ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị, phường - xã - thị trấn trực thuộc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa lớn, giông gió, lốc xoáy sau đây:
1. Đối với mưa lớn:
a) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoàn thành các hạng mục tu bổ, gia cố và nâng cấp các cống, đập, bờ bao theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
b) Thông báo cho các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc và nhân dân để chủ động rà soát, kiểm tra các hạng mục bờ bao sông, kênh, rạch; đề phòng tình trạng các bờ bao bị xói lở, sụp lún do mưa lớn dẫn đến nguy cơ gây bể bờ, tràn bờ vào thời điểm triều cường; bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.
c) Các địa bàn có nguy cơ sạt lở như huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, quận Bình Thạnh… cần có phương án đề phòng mưa lớn kết hợp với chân triều rút sâu gây sạt lở làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và nhà nước.
d) Các địa phương, đơn vị có các trạm bơm, máy bơm chống ngập úng phải chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để thực hiện bơm chống ngập úng. Khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
đ) Thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để bảo đảm an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn, ngập úng.
2. Đối với giông gió, lốc xoáy:
a) Trên biển:
Các cơ quan chức năng thông báo, yêu cầu và kiểm tra các chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Khi ra biển phải có phao cứu sinh và toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao vào khi đang ở trên biển, nhất là khi có giông gió, lốc xoáy;
- Khi thấy ổ mây giông thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;
- Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, nhóm, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền để hỗ trợ nhau khi gặp nạn.
- Đảm bảo sự hoạt động của hệ thống, thiết bị thông tin liên lạc để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi gặp sự cố, tình huống nguy hiểm, bất lợi.
b) Trên đất liền:
- Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy;
- Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các dàn giáo của công trình cao tầng đang thi công.
- Khi có mưa lớn kèm theo giông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn.
3. Công tác khắc phục hậu quả:
Sau khi xảy ra mưa lớn, giông, lốc xoáy, gió giật, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung một số công việc cấp thiết:
- Khai thông cống, mương, rãnh thoát nước, chống ngập úng kéo dài và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định.
- Khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản;
- Khẩn trương sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng;
- Khắc phục các sự cố tàu thuyền bị đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng và tổ chức tìm kiếm người, tàu thuyền bị mất liên lạc;
- Cứu trợ các cá nhân, gia đình khó khăn sau thiên tai;
- Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân.
4. Tổ chức trực ban ngay khi trên địa bàn mình quản lý xảy ra sự cố do giông gió, lốc xoáy gây ra; thống kê, báo cáo, thông tin kịp thời mọi tình huống về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định tại Điều 7, Điều 9 mục 2 của Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố (số điện thoại liên hệ: 38.297.598, fax: 38.232.742)