I/ Công tác chỉ đạo chung :
- Ngay sau khi UBND Thành phố quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu rau an toàn, Ban Chỉ đạo Chương trình rau an toàn Thành phố đã được thành lập với thành phần gồm Sở Nông Nghiệp – PTNT, Sở Y Tế, Sở Thương Mại, UBND Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các Sở ngành liên quan.
- Ngành Nông nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Sở để điều hành chương trình trong phạm vi quản lý của ngành.
- Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp Thành phố được thành lập, Sở Y tế làm phó ban thường trực để phối hợp các Sở ngành trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có dư lượng độc chất trong rau củ quả.
- UBND các xã, các quận huyện có sản xuất rau đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc chỉ đạo, khuyến khích hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất có hiệu quả, hình thành các tổ sản xuất rau an toàn, thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn.
1.Công tác quy hoạch, khảo sát công nhận vùng rau an toàn :
Từ năm 2000 – 2001, ngành nông nghiệp Thành phố tổ chức quy hoạch vùng rau an toàn; trên cơ sở đó năm 2002, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Tiêu chuẩn công nhận vùng sản xuất rau an toàn, làm cơ sở cho việc mở rộng sản xuất và công nhận các vùng sản xuất rau của ngoại thành gồm các bước như sau :
· Bước 1: Thẩm định vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn
· Bước 2 : Công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn
· Bước 3 : Công nhận vùng rau an toàn
· Bước 4 : Tái công nhận vùng sản xuất rau an toàn hàng năm
Bảng 1: Kết quả công nhận vùng rau an toàn.
STT
|
Quận Huyện
|
Chỉ tiêu (ha)
|
Diện tích công nhận vùng sản xuất RAT (ha)
|
Diện tích tái công nhận vùng sản xuất RAT (ha)
|
|
1
|
Bình Chánh
|
249,80
|
249,80
|
168,5
|
|
2
|
Củ Chi
|
881,54
|
881,54
|
333,9
|
|
3
|
Hóc Môn
|
618,50
|
618,50
|
274,0
|
|
4
|
Quận 9
|
112,50
|
112,50
|
|
|
5
|
Quận 12
|
17,50
|
17,50
|
|
|
CỘNG
|
|
1879,84
|
1879,84
|
776,4
|
|
· Diện tích đã công nhận vùng sản xuất rau an toàn: 1.879,84 ha (đạt 100% diện tích hiện hữu có điều kiện sản xuất rau an toàn).
· Diện tích không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn: 234,8 ha (trong đó bao gồm 160,67 ha đang canh tác rau muống nước cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc cây trồng không phải cây lương thực thực phẩm).
Đến cuối năm 2005, ngành nông nghiệp đã hoàn thành công tác công nhận 100% diện tích hiện hữu có điều kiện sản xuất rau an toàn và tái công nhận 776,4 ha diện tích vùng sản xuất rau an toàn ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi.
- Đối với rau muống nước (RMN) :
Nhằm hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu trong rau muống nước, UBND Thành phố đã ban hành chỉ thị 10/2002/CT-UB ngày 15/5/2002 và ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các Sở ngành liên quan triển khai thực hiện điều tra khảo khát quy hoạch và tạo điều kiện chuyển dịch vùng rau muống nước an toàn đến địa bàn huyện Củ Chi.
Bảng 2: Diện tích rau muống nước (2002-2005)
Tình trạng
|
2003
|
2004
|
2005
|
Tổng diện tích
|
497,15
|
483,21
|
483,21
|
Diện tích cần chuyển đổi.
|
|
214,25
|
214,25
|
Diện tích đã chuyển đổi
|
|
53,38
|
53,38
|
Diện tích chưa chuyển đổi
|
|
160,87
|
160,87
|
-Diện tích chưa chuyển đổi (vẫn còn canh tác RMN không an toàn) : 160,67 ha tập trung tại các Quận 12, Thủ Đức, Bình Tân.
-Diện tích RMN an toàn phát triển mới (vùng Bình Mỹ-Củ Chi, Thới Tam Thôn-Hóc Môn) : 66,10 ha.
2. Công tác phát triển vùng sản xuất rau an toàn
Bảng 3: Kết quả thực hiện công tác phát triển diện tích rau an toàn
|
2001
|
2002
|
2003
|
2004
|
KH 2005
|
TH 2005
|
Diện tích rau
|
9.797
|
9.340
|
9.126
|
8.842
|
9.000
|
8.524
|
Diện tích rau an toàn
|
134
|
505
|
1.636
|
4.390
|
8.000
|
8.382,7
|
Năng suất (tấn/ha)
|
17.84
|
18.14
|
18.15
|
19.00
|
19.00
|
21.9
|
Sản lượng (tấn)
|
174,766
|
169,427
|
165,616
|
168,000
|
171,000
|
183.581
|
Nếu như năm 2001, diện tích gieo trồng rau an toàn chỉ đạt 134 ha tập trung chủ yếu tại xã Tân Phú Trung (Củ Chi), đến nay diện tích gieo trồng rau an toàn trên địa bàn Thành phố đã đạt 8382,7 ha (đạt 104,78 % kế hoạch năm) tập trung ở Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn. Năng suất rau an toàn bình quân đạt 21,9 tấn/ha với sản lượng rau an toàn trong năm 2005 đạt 183.581 tấn (chiếm 90.35% sản lượng rau sản xuất tại TP.HCM).
Đến nay, diện tích nhà lưới trồng rau là 23,4 ha tập trung ở xã Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi, xã Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhì,…thuộc huyện Hóc Môn
3. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
- Nhằm mở rộng tầm hoạt động của các tổ sản xuất rau an toàn, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, xã Tân Phú Trung (Củ Chi) đã thành lập Liên tổ sản xuất rau an toàn trên cơ sở hoạt động của 4 tổ hiện hữu tại xã, hai hợp tác xã: HTX sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung và HTX Ngã Ba Giồng. Hiện nay Liên tổ và hợp tác xã đã được Sở Nông nghiệp hỗ trợ trang bị máy vi tính, máy Fax, xây dựng trang Web để giới thiệu và giao dịch sản phẩm rau an toàn. Hỗ trợ nông dân trồng rau thành lập 22 tổ sản xuất rau an toàn với hơn 4.300 hộ nông dân tham gia
- Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cố gắng làm cầu nối giữa bà con trồng rau an toàn và các nhà thu mua, cung ứng, tiêu thụ; phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại, Sở giáo dục và đào tạo đã có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh rau an toàn để thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn. Đặc biệt là các Hội chợ rau an toàn qua các năm; Hội nghị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được tổ chức vào tháng 11/2005 ở Hội trường Thành ủy đã thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, các ban ngành, trong hội nghị đã có 10 hợp đồng ký kết giữa địa phương, hợp tác xã sản xuất rau an toàn với các doanh nghiệp, tiểu thương ở các chợ đầu mối. Rau an toàn đã được sự tín nhiệm của nhiều đối tác, lượng khách hàng bán và sản lượng rau bán tăng lên hàng năm, sản phẩm rau an toàn được bày bán ở nhiều siêu thị, ở Metro Cash & Carry,…và một số mặt hàng rau an toàn cũng đã được xuất khẩu sang một số nước.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đã giải quyết thủ tục nhanh chóng cho 20 công ty và cơ sở công bố tiêu chuẩn chất lượng rau an toàn. Việc công bố này đã gắn trách nhiệm của người cung ứng rau an toàn với người nông dân trồng rau đối với người tiêu dùng.
4. Công tác kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV và dư lượng thuốc trừ sâu trong rau :
Bảng 4: Kết quả thực hiện công tác theo dõi diễn biến dư lượng TTS trong rau
Diễn giải
|
2002
|
2003
|
2004
|
2005
|
Tổng số mẫu kiểm tra
|
1.060
|
2.386
|
3.107
|
4.631
|
Số mẫu có dư lượng vượt mức cho phép
|
103
|
86
|
37
|
60
|
Tỉ lệ mẫu vượt
|
9,71
|
3,6
|
1,19
|
1,29
|
Bằng công nghệ phân tích nhanh của Đài Loan và Thái Lan để kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trong rau thu hoạch trong sản xuất và đã phối hợp với ngành thương mại Thành phố triển khai kế hoạch kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong các nguồn rau củ quả tại chợ đầu mối. Qua 4 năm thực hiện chương trình rau an toàn cho thấy diễn biến dư lượng đang có chiều hướng giảm rõ rệt: từ 9,71% (năm 2002) xuống còn 1,29% (năm 2005) là bước chuyển biến tích cực của ngành trong sản xuất rau. Điều này cho thấy kết quả rất thuyết phục đối với các biện pháp mà Thành phố cũng như các tỉnh bạn đang thực hiện cho chương trình rau an toàn của từng địa phương.
Bên cạnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật tổ chức mô hình tự giám sát vi sinh vật, hoá chất độc hại tồn dư tại vùng sản xuất rau an toàn xã Nhuận Đức - Củ Chi nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và huấn luyện kỹ năng quản lý dư lượng độc chất trong sản xuất rau an toàn cho người sản xuất. Từ mô hình thử nghiệm này sẽ tiến đến cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau sản xuất theo quy trình an toàn trong thời gian tới.
5. Công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn
- Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được ngành nông nghiệp phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân , Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội làm vườn Trung ương, Chính quyền địa phương và đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp như Metro, Cty DV BVTV An Giang
Với hơn 160 mô hình, điểm trình diễn, trong đó có 7 mô hình rau hữu cơ phối hợp với Viện KHNN Miền Nam và 02 mô hình ; tổ chức trên 700 lớp tập huấn và huấn luyện nông dân, trên 200 cuộc hội thảo, tổ chức 70 chuyến tham quan trong và ngoài thành phố, hơn 200 chương trình phát thanh và phát hình về rau an toàn, 9 pano và 6 lượt thông tin lưu động tuyên truyền cho sử dụng thuốc 4 đúng … và nhiều hoạt động khác đã tạo cho nông dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất ra sản phẩm trồng trọt an toàn hơn, năng suất cao hơn, chất lượng mẫu mã đẹp hơn, chi phí giá thành thấp hơn do giảm số lần phun thuốc và đảm bảo thời gian cách ly và đặc biệt là những chuyển biến tích cực trong khâu sản xuất như sử dụng giống F1, phân bón, thuốc BVTV.
- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hiệp hội Trái cây Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho ngành rau quả (GAP)”.
- Chi cục BVTV đang triển khai thực hiện phần 1 đề tài “ Nghiên cứu xây dựng mô hình nhà lưới phục vụ sản xuất RAT ở ngoại thành TP.HCM”.
- Chi cục PTNT đã hoàn chỉnh đề án “Nghiên cứu các mô hình quản lý, hình thành một cơ chế quản lý phù hợp để hướng dẫn cho các tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng rau an toàn”.
II. Đánh giá chung:
- Mặt làm được:
- Có sự phối hợp triển khai của Sở ngành, đoàn thể, UBND các quận huyện liên quan thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo. Đặc biệt là sự quan tâm của người tiêu dùng Thành phố, nhận thức của người nông dân về việc tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn và sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần cho chương trình đi đúng hướng và phát triển có hiệu quả.
- Đã hoàn thành công tác thẩm định và công nhận vùng rau an toàn trên diện tích 1879.8 ha theo chỉ tiêu đề ra trong năm 2005.
- Bên cạnh diện tích gieo trồng rau an toàn tăng từng năm, hiệu quả sản xuất đã thể hiện rõ trong kết quả sản xuất của nông dân, thu nhập bình quân của nông dân trồng rau đạt 60-100 triệu đồng/ha/năm. Các tổ sản xuất rau an toàn ở xã Tân Phú Trung-Củ Chi sản xuất có thị trường ổn định, bán được giá. Các hộ trồng rau Tân Quí Tây-Bình Chánh đã cải thiện nâng cao năng suất, phẩm chất nhờ chương trình đầu tư khép kín sản xuất-tiêu thụ của Trung Tâm Sao Việt- một đơn vị đi đầu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế và kinh doanh rau an toàn bằng mã vạch.
- Về chi phí sản xuất trung bình trong vụ mùa 2005 nông dân chi 17.967.300 đồng/ha. Trong đó chi phí bảo vệ thực vật là 1.137.900 đồng/ ha chỉ chiếm 6,3 %, (so với vụ mùa 2004 là 11,5 %).
- Dù mô hình nhà lưới còn nhiều khuyết điểm chưa khắc phục được, nhưng nhà lưới vẫn là công cụ đắc lực cho nông dân chủ động sản xuất rau ăn lá trong mùa mưa, tăng số vòng quay và thu nhập cho người dân, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới có thu nhập từ 150 – 180 triệu đồng/ha/năm.
- Trên diện rộng, không còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV cấm trên rau, mức độ an toàn của sản phẩm rau sản xuất và lưu thông đã được nâng cao, tỷ lệ mẫu rau có dư lượng vượt mức cho phép đã giảm đáng kể, chứng tỏ việc quản lý dư lượng (trước mắt là thuốc trừ sâu) đã tác động tích cực đến tâm lý người sản xuất, kinh doanh rau. Điều này cho thấy chương trình rau an toàn đã đạt hiệu quả to lớn cả về mặt xã hội.
- Mặt tồn tại:
- Tốc độ đô thị hoá và áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng tác động mạnh mẽ đến diện tích trồng rau, trong khi đó việc chuyển đổi sản xuất cho người trồng rau trong vùng này rất khó khăn do quy hoạch, thiếu vốn, …
- Lao động nông nghiệp cho ngành trồng rau cũng như các cây trồng khác rất thiếu do ảnh hưởng đô thị hóa, trong khi đó việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa nghề trồng rau chưa được phát triển đồng bộ và kịp thời.
- Sản lượng rau của Thành phố hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 30% thị trường tiêu thụ rau của thành phố do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thành phố và các tỉnh để việc quản lý dư lượng thuốc BVTV trên rau được tốt hơn.
- Mức độ rũi ro trong sản xuất rau nhìn chung còn chiếm tỉ lệ cao (trung bình 2 vụ rũi ro không có lãi/ 4 vụ trong năm) do thiếu thông tin thị trường, giá thành sản xuất còn cao, chưa có sự liên kết với các Tỉnh trồng rau cung cấp cho Thành phố.
- Giá thành rau sản xuất tại thành phố khá cao, chủng loại tương tự các tỉnh lân cận tạo một áp lực cạnh tranh đối với rau của thành phố khi mở rộng diện tích sản xuất.
- Việc tăng diện tích gieo trồng rau an toàn lên 11.400 ha (tăng 3.400 ha so với năm 2005) là áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp thành phố trong năm 2006.
- Việc xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP còn chậm, chưa xác lập trình tự thủ tục chứng nhận sản phẩm an toàn tạo tâm lý an tâm trong tiêu dùng, ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của rau an toàn.
III. Định hướng và một số giải pháp chính sản xuất rau an toàn trong thời gian tới
1. Mục tiêu
Phấn đấu đến cuối năm 2006
* Phát triển ≥ 9.500 - 12.000 ha gieo trồng rau (tương ứng 2.500 - 3.000 ha diện tích canh tác). Trong đó 95% đạt diện tích rau an toàn. Ưu tiên chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích rau an toàn.
* Hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng thuốc BVTV, không để xãy ra hiện tượng ngộ độc cấp tính đối với rau lưu thông trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường tổ chức, xây dựng hệ thống kiểm soát, tự kiểm soát dư lượng thuốc BVTV hệ thống sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn.
- Sản xuất rau an toàn với giá thành hạ, chất lượng và năng suất cao để nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập các nước trong khu vực.
- Liên kết với các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu … để triển khai các biện pháp quản lý chất lượng nguồn rau từ các tỉnh về với mức độ an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở quy mô vùng.
Phấn đấu đến năm 2010: Diện tích gieo trồng rau đạt 16.000 ha, trong đó 100% diện tích rau an toàn.
- Các sản phẩm rau sản xuất, lưu thông trên địa bàn Thành phố (trong đó có cả rau từ các tỉnh nhập về) đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng rau an toàn, trong đó các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, nitrate dưới mức quy định của Nhà nước.
- Trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp Thành phố không những phải vừa tổ chức quản lý các vùng sản xuất rau an toàn ngay tại Thành phố mà còn phải phối hợp xây dựng phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tại các tỉnh để có nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng trong Thành phố.
- Tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức của người nông dân, các nhà kinh doanh dịch vụ và người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn và sức khỏe cộng đồng.
2. Các giải pháp chính
- Mở rộng sản xuất: Quy hoạch và mở rộng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, ưu tiên phát triển chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích rau an toàn.
- Về Công nghệ: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong kỹ thuật sản xuất rau an toàn như trồng rau trong giá thể, trồng rau theo hướng hữu cơ; ứng dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác và phòng trừ sinh vật hại rau,...
Nghiên cứu bổ sung xây dựng quy trình canh tác rau an toàn, trong đó chú trọng quy trình canh tác trong nhà lưới và dinh dưỡng trong sản xuất rau an toàn . Đầu tư công nghệ GIS trong quản lý sản xuất rau theo quy trình an toàn.
Đầu tư cơ sở vật chất cho cơ giới hóa và tự động hóa để giảm bớt áp lực thiếu lao động đồng thời tạo sản phẩm an toàn có chất lượng cao, giá thành hạ.
- Nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh: Phát triển rau hữu cơ, đa dạng hoá cơ cấu giống rau, khai thác triệt để thị hiếu thị trường.
Huấn luyện, chuyển giao công nghệ, hướng nông dân thay đổi tập quán sản xuất - sản xuất theo thị trường
Xây dựng và hướng nông dân dần sản xuất rau an toàn và sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP.
Tăng cường quản lý sau thu hoạch, hướng đến sản phẩm rau an toàn “tiện dụng” phục vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng, rút ngắn khoảng cách “chất lượng” với các nước trong khu vực.
Thực hiện Dự án “Tăng cường mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu “rau an toàn”.
Xây dựng Trung tâm thông tin, triển lãm và giao dịch hoa kiểng và rau an toàn tại xã Phước Vĩnh An - huyện Củ Chi.
Tập huấn, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, Hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Tập huấn và hỗ trợ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp công bố chất lượng hàng hoá rau an toàn và xây dựng thương hiệu rau an toàn.
Phối hợp với các ban ngành liên quan vận động tuyên truyền tạo ý thức sử dụng RAT rộng rãi trong người dân vì sức khỏe cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội chợ.
Phòng Nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và PTNT Tp. Hồ chí Minh
|