Theo KS. Hoàng Văn Ký, Trưởng phòng Kỹ thuật Nông nghiệp của Trung tâm cho biết cách ủ như sau: Trước tiên dùng vỏ trấu, bã thực vật... trộn đều với men vi sinh Trichoderma; sau đó, cho một lớp phân chuồng (trâu, bò, heo, gà...) có ẩm độ 40 – 50% vào hố ủ dày khoảng 20cm, rải một lớp mỏng men vi sinh, và lớp Super Lân và tiếp tục như thế cho đến khi đống phân đạt 1 – 1,5m, rồi dùng bạc phủ kín che nắng, mưa. Sau 3 – 5 ngày, nhiệt độ trong đống phân tăng lên và đạt 70oC, làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như diết các loại mầm bệnh có trong phân chuồng có thể gây bệnh cho người và gia súc; thời gian 20 ngày sau tiến hành đảo trộn từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều, tấp thành đống ủ tiếp khoảng 25 – 40 ngày nữa là có thể sử dụng tốt cho cây ăn trái, cây công nghiệp, các loại rau màu... Hiện trên thị trường có bán 1kg men vi sinh Trichoderma giá 25.000đ; 3kg men vi sinh trộn đều 30kg Super Lân, ủ được 1 tấn phân chuồng. Anh Nguyễn Trọng Trường, xã viên Hợp tác xã RAT Tân Phú Trung tâm sự: "Tôi đã dùng phương pháp ủ như trên, giá thành giảm từ 30 – 50% với các loại phân vô cơ trên thị trường, dùng phân này bón cho cây trồng và rau màu không những đạt năng suất cao, cây lá xanh mướt và được thị trường ưa chuộng mà còn phòng trừ các bệnh vàng lá, thối rễ... Chú ý, khi ủ phân bà con nông dân không dùng vôi, vì làm huỷ diệt các vi sinh vật trong phân, nên bón ngoài ruộng trước khi làm đất là tốt nhất". Được biết, dùng men vi sinh Trichoderma tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất; phân giải nhanh các chất hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây; tăng cường đề kháng cho cây trồng đối với các loại vi sinh vật hại. Hy vọng, phương pháp ủ trên sẽ giúp ích nông dân ngoại thành và các tỉnh lân cận, thay thế phân vô cơ, giảm giá thành tăng năng suất cây trồng...
Nguồn : Trung tâm Nghiên cứu KHKT và Khuyến nông Tp.HCM
|