SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
6
1
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 Tháng Sáu 2005 2:05:00 CH

Thành phố Hồ Chí Minh : Bốn bài học về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp

Đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đạt bình quân 3,6%/năm giai đoạn 2001 – 2005 (vượt mức kế hoạch là 2%/ năm), ngày 13/06/2005, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã có bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh - Bốn bài học về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp” (đăng trên báo Sài gòn giải phóng). Ban Biên tập Website Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố xin đăng tải toàn bộ bài viết nói trên để bạn đọc cùng tham khảo.
 
   

 

 Trong khi nông nghiệp TPHCM tăng bình quân 3,6%/năm giai đoạn 2001-2005 (vượt mức kế hoạch là 2%/năm), thì thực tế các ngành của nông nghiệp như trồng trọt giảm 2,7%/năm, chăn nuôi tăng 7,3%/năm, thủy sản tăng 27,3%/năm, dịch vụ tăng 7,8%/năm. Sự tăng trưởng cao của chăn nuôi và thủy sản là yếu tố chủ yếu làm cho nông nghiệp thành phố tăng 3,6%. Phân tích sâu nguyên nhân của tốc độ tăng rất cao của thủy sản sẽ giúp chúng ta nhận ra các yếu tố, bài học có tính quy luật và vận dụng sáng tạo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp, dịch vụ và bản thân ngành nông nghiệp.

Bài học từ tăng trưởng vượt bậc của thủy sản

Từ năm 2000 đến 2003, diện tích trồng lúa giảm từ 75.825 ha xuống 49.381 ha, tức giảm 35%, còn diện tích nuôi thủy sản tăng từ 1.972 ha lên 4.585 ha, tức tăng132%. Giá trị sản lượng lúa toàn thành phố giảm từ 451,96 tỷ đồng năm 2000 xuống còn 308,7 tỷ đồng năm 2003 (giảm 32%).

Chỉ trong vòng 3 năm sản lượng tôm sú tăng 14 lần, từ 481 tấn lên 6.740 tấn và giá trị sản lượng thủy sản nuôi tăng từ 87 tỷ đồng lên 597,5 tỷ đồng (tăng 586%). Tức là trồng lúa chỉ đem lại doanh thu bằng hơn một nửa doanh thu nuôi thủy sản.

Diện tích trồng lúa giảm có nguyên nhân quan trọng là đã chuyển thành đất công nghiệp và đô thị, song sự tăng vọt diện tích nuôi tôm ở ngay những nơi trồng lúa rất kém hiệu quả (Cần Giờ, Nhà Bè) là do hiệu quả rất cao của việc nuôi tôm thúc đẩy. Số liệu thống kê năm 2003 cho thấy, trồng lúa ở TPHCM là hiệu quả kém nhất, doanh thu bình quân 1 ha trong 1 năm chỉ có 6,25 triệu đồng.

Cây công nghiệp năng suất gấp gần 4 lần cây lúa (24,3 triệu đồng/ha/năm) và nuôi tôm gấp hơn 20 lần (130 triệu đồng/ha/năm). Chính hiệu quả của nuôi tôm cao hơn tất cả các loại cây trồng khác (gấp 20 lần so trồng lúa và gần 10 lần so với trồng trọt nói chung) đã làm cho việc nuôi thủy sản, đặc biệt nuôi tôm đã tăng trưởng có tính chất bùng nổ. Bài học thứ nhất rút ra, hiệu quả kinh doanh thực tế là yếu tố động lực quan trọng nhất cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành.

Việc tăng sản lượng tôm sú từ 481 tấn năm 2000 lên 6.740 tấn năm 2003 (tăng 14 lần), trước hết là nhờ lượng tôm sú được xuất khẩu hầu hết và thị trường thế giới với mặt hàng này còn rất lớn. Tuy gần đây, việc bán tôm vào Mỹ bị chựng lại do thuế chống bán phá giá của Mỹ được đưa ra (một cách phi lý), song thị trường Nhật Bản, châu Âu còn rất lớn, nếu việc nuôi và chế biến tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước phát triển. Bài học thứ 2: Thị trường đầu ra phải đủ lớn và có hệ thống tiêu thụ sản phẩm phù hợp để có thể gia tăng nhanh sản lượng mà không làm tụt giá sản phẩm nhanh, từ đó đảm bảo ổn định hiệu quả sản xuất.

Năm 2000 toàn bộ tôm giống của thành phố phải mua ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh lân cận. Giờ đây đã có gần 80 cơ sở ương giống và sản xuất tôm giống tại Cần Giờ và Nhà Bè, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển tiếp tục của tôm. Từ năm 2000, Sở NN-PTNT và Ubnd huyện Cần Giờ, Nhà Bè đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật nuôi tôm. Riêng tại Cần Giờ, hiện nay có hơn 100 kỹ thuật viên nuôi tôm (kỹ sư, trung cấp thủy sản) đeo bám ao ruộng để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho các hộ nuôi.

Các thiết bị, vật tư đặc thù như máy bơm nước, máy quạt nước, vải nhựa lót ao… đều có thể mua dễ dàng ở thị trường. Vốn để nuôi tôm một phần có thể vay qua các chương trình của thành phố, mặt khác hộ dân có thể chuyển nhượng một phần đất trồng lúa để có vốn sản xuất tôm. Về đất thì các hộ dân đã có sẵn, hoặc các nhà đầu tư từ nơi khác có thể chuyển nhượng dễ dàng để nuôi ở Cần Giờ, Nhà Bè. Về trình độ quản lý của các chủ hộ nuôi tôm, qua tập huấn của ngành nông nghiệp, qua hoạt động trao đổi kinh nghiệm của câu lạc bộ nghề cá, qua học tập gương các hộ làm giỏi, các chủ hộ tôm đã có được kỹ năng quản lý tương đối tốt.

Như vậy, trong việc phát triển tôm sú, tất cả 8 yếu tố đầu vào đã sẵn sàng (giống, thức ăn -nước, lao động có kỹ thuật, thuốc chữa bệnh đặc thù, thiết bị sản xuất, vốn, đất và trình độ quản lý phù hợp), được cung ứng phù hợp với nhu cầu tăng sản lượng. Do đó sản lượng tôm sú đã tăng 16 lần trong vòng 4 năm 2000-2004. Bài học thứ 3: Phải đảm bảo cung ứng đồng bộ 8 yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất cho các hộ hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh.

Vì sao người dân vẫn trồng lúa dù thu nhập thấp nhất hay là bài học thứ 4

Trong khi ở Cần Giờ và Nhà Bè, nơi đất làm lúa vào loại xấu nhất thành phố (năng suất bình quân 2,1 tấn /ha) chỉ trong vòng 4 năm đã chuyển mạnh từ lúa sang tôm, diện tích nuôi tôm tăng 2,9 lần, sản lượng tăng 16 lần, thì ở các huyện và quận ven khác vẫn còn đến 49.381 ha (chiếm 72,6% diện tích đất trồng trọt của thành phố) trồng lúa với hiệu quả thấp. Vì sao số đông hộ nông dân vẫn cứ “kiên trì” trồng lúa. Có thể thấy các lý do như sau: Dù hiệu quả rất thấp, năng suất chỉ đạt 6,25 triệu đồng/ha/năm, nhưng họ còn có lúa để ăn, tồn tại. Khi bỏ lúa, trồng các cây khác, nếu không thành công là đói ngay, nợ nần. Người nông dân không có đủ thông tin kinh tế về hiệu quả của việc trồng các cây khác, nuôi các con khác.

Ở thành phố không có cơ quan nào định kỳ tính toán và cung cấp cho các hộ nông dân số liệu về hiệu quả kinh doanh của việc trồng mỗi loại cây, nuôi mỗi loại con. Nghĩa là họ không biết làm sao đảm bảo đồng bộ 8 yếu tố đầu vào cho sản xuất của họ. Tức là với cách quản lý của chúng ta hiện nay, việc một hộ nông dân bỏ lúa, chuyển qua cây, con khác có quá nhiều rủi ro, đa số họ không dám làm. Bài học thứ 4: Phải cung cấp cho người dân các thông tin kinh tế cần thiết và có sự hỗ trợ cụ thể cho mỗi hộ để có thể thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế được nhanh và hiệu quả cao.

Từ 4 bài học trên đây, để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp năng suất, hiệu quả cao, phát triển bền vững, cần xem xét các giải pháp sau :

1. Cần có một tổ chức chuyên trách cung cấp các thông tin chính xác về hiệu quả kinh doanh mỗi cây, mỗi con trên địa bàn thành phố và cả nước, triển vọng thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm đó, làm cơ sở cho việc thành phố, các huyện và bà con nông dân quyết định tập trung vào sản xuất các cây con nhất định (vừa qua thành phố đã tập trung vào 2 cây - rau sạch và dứa, 2 con - tôm và bò sữa).

2. Cần có các tổ chức chuyên trách để tư vấn, cung cấp thông tin cho mỗi hộ về tình hình cung cấp 8 loại đầu vào cho mỗi cây, mỗi con mà bà con quan tâm, tình hình và cách thức tiêu thụ các sản phẩm đó ở thành phố, để từ đó bà con có cơ sở lập kế hoạch sản xuất kinh doanh với cây mới, con mới.

3. Đối với mỗi cây con mà thành phố khuyến cáo nên tập trung (rau sạch, hoa, cây kiểng, dứa, tôm, bò sữa, cá sấu, cá kiểng…), cần có sự liên kết giữa người sản
xuất và người phân phối trung gian, để việc tiêu thụ nhanh chóng, thuận lợi, có hiệu quả kinh tế cao với mỗi bên tham gia.

4. Cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hộ nông dân chuyển dịch trồng, nuôi cây con mới, giảm rủi ro cho họ trong giai đoạn đầu sản xuất (Quỹ hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế).

Tháng 5-2005, UBND TP đã quyết định thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tại Sở NN-PTNT TP để làm cơ quan thường trực tiến hành trực tiếp hoặc tham mưu cho thành phố triển khai 4 loại giải pháp nêu trên. 


Số lượt người xem: 4722    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm