I. Tình hình bão thiên tai:
1. Bão, thời tiết nguy hiểm:
Trong tháng 7 năm 2011, trên biển Đông đã xuất hiện 01 cơn áp thấp nhiệt đới sau đó mạnh lên thành bão (bão số 3), gây biển động mạnh. Để chủ động phòng, chống giảm thiểu tối đa các thiệt hại, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành Văn bản số 197/PCLB ngày 25-7-2011 về cảnh báo áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và Công điện số 02/CĐ/PCLB ngày 28-7-2011. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, nắm toàn bộ tàu thuyền, thường xuyên thông tin, liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh và thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm và báo cáo nhanh cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.
2. Tình hình sạt lở:
Trong tháng 7 năm 2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 03 vụ sạt lở, tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.582 m2 và một đoạn kè dài khoảng 50 m, làm 6 căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống sông, 3 căn nhà bị sụp đổ một phần, cụ thể:
- Ngày 01 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở tại bờ rạch Xóm Củi, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, diện tích sạt lở khoảng 300 m2, làm 4 căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống sông, 3 căn nhà bị sụp đổ một phần và 9 căn nhà có nguy cơ sạt lở. Nguyên nhân do nhà xây dựng trên nền đất yếu lấn ra lòng rạch. Ngay sau khi xảy ra sự cố Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chỉ đạo các phòng – ban phối hợp với xã Bình Hưng di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ gia đình với số tiền 4.850.000 đồng và 9 hộ có nguy cơ sạt lở với số tiền 500.000 đồng.
- Ngày 01 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở tại bờ trái rạch Tắc An Nghĩa, ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, diện tích sạt lở khoảng 1.250 m2 và một đoạn kè dài khoảng 50 m, làm 02 căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống sông, ước thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Nguyên nhân do khu vực này bị ảnh hưởng của dòng chảy, sóng tàu, địa chất yếu. Sau khi xảy ra sự cố Khu Quản lý Đường thủy nội địa đã cắm biển cảnh báo sạt lở, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã An Thới Đông huy động cán bộ và lực lượng xung kích đến hiện trường khoanh vùng sạt lở, tổ chức canh gác và giúp các hộ dân thu dọn nhà cửa, tài sản và di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ gia đình với số tiền 500.000 đồng.
- Ngày 17 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở tại bờ phải sông Sài Gòn (khu đất của Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa) phường 28, quận Bình Thạnh, diện tích sạt lở khoảng 32 m2, không gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân do lấn chiếm và chất quá tải trên bờ sông. Ủy ban nhân dân phường 28, quận Bình thạnh đã có Văn bản (Văn bản số 372/UBND ngày 17-7-2011) đề nghị Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
3. Mưa giông và lốc xoáy:
- Ngày 04-7-2011, do ảnh hưởng cơn mưa giông kèm lốc xoáy đã làm bị thương 6 người (do ngã đổ cổng chào của Hội chợ triển lãm hàng xây dựng và trang trí nội thất VietBuild làm bị thương người đi đường), ngã 01 cây xanh, gãy nhánh 02 cây xanh trên địa bàn quận 11. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân phường 15, quận 11 đã cử các đơn vị liên quan khắc phục sự cố và cử lực lượng bảo vệ trật tự khu vực.
- Ngày 14-7-2011, do ảnh hưởng cơn mưa giông kèm lốc xoáy đã làm tốc mái 01 căn nhà ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân xã đã cử các bộ đến hiện trường xem xét và hỗ trợ 1.000.000 đồng cho hộ dân trên, đồng thời cho lực lượng dân quân đến giúp đỡ khắc phục và ổn định cuộc sống
II. Kết quả thực hiện công tác tháng 7 năm 2011:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành:
a) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với các sở - ngành, đơn vị trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành:
- Quyết định số 3378/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về giao chỉ tiêu thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố năm 2011.
- Quyết định số 3659/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
- Chấp thuận chủ trương đầu tư, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tập huấn, diễn tập, phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2011 cho các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện (Văn bản số 3457/UBND-CNN ngày 12 - 7- 2011).
- Văn bản số 3480/UBND-CNN ngày 12 - 7 – 2011 về triển khai thực hiện Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.
- Văn bản số 3276/UBND-CNN ngày 05-7-2011 về tăng cường công tác quản lý phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố.
- Quyết định ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố (Tờ trình số 192/TTr-PCLB ngày 20-7-2011).
- Điều chỉnh (giảm) chỉ tiêu thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với đối tượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố từ năm 2006 đến năm 2009 (Tờ trình số 186/TTr-PCLB-VP ngày 14-7-2011).
- Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn Phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Tờ trình số 191/TTr-PCLB ngày 19-7-2011).
- Quyết định về phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Tờ trình số 207/TTr-PCLB ngày 29-7-2011).
b) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành:
- Công văn số 184/PCLB ngày 13-7-2011 đề nghị các đơn vị liên quan xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển và bảo đảm an toàn đê điều trong mùa cao điểm sạt lở, mưa bão.
- Văn bản số 195/PCLB ngày 25-7-2011 về đôn đốc các quận – huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bờ bao phòng, chống triều cường, kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011.
2. Công tác tuyên truyền, diễn tập, tập huấn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
- Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với Đài tiếng nói nhân dân thành phố phát chuyên mục “Phòng, chống, ứng phó với thiên tai” chương trình phát thanh nông thôn tuần 2 lần, bắt đầu từ 1-7-2011.
- Ngày 22-7-2011 và ngày 29-7-2011 Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đã tổ chức tập huấn, diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngày 26-7-2011, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tham gia tập huấn Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn cho 210 người là cán bộ các phòng – ban và các phường của quận 6.
3. Công tác khác:
- Báo cáo kết quả kiểm tra công trình thủy lợi, phòng chống lụt, bão trước mùa mưa lũ năm 2011 (số 178/PCLB ngày 05-7-2011).
- Báo cáo tổng kết thực hiện Pháp lệnh Phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (số 80 /BC-UBND ngày 12 - 7 - 2011).
- Triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão theo Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2011 và Quyết định số 3378/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng kết, đánh giá việc thành lập thí điểm lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường trên địa bàn quận 12 và quận Thủ Đức (Báo cáo số 155/BC-SNN-CCTL ngày 27-7-2011).
- Sở Ngoại vụ đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân về việc Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Chương trình giao lưu giữa các thành phố kết nghĩa Việt Nam – Hoa Kỳ về chuẩn bị và ứng phó với thiên tai.
- Thường xuyên cập nhật tin, các quy định, chủ trương chính sách liên quan trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kịp thời, đầy đủ, chính xác.
- Tổ chức trực ban định kỳ và đột xuất để thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả.
III. Nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong tháng 8 năm 2011:
1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng và có giá trị lớn phục vụ công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2011 cho các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện.
2. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố mở rộng việc thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại các quận – huyện, phường – xã – thị trấn có đê.
3. Sở Giao thông Vận tải và các quận - huyện liên quan theo dõi tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý, ứng phó.
4. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố theo dõi và kịp thời xử lý các sự cố ngập úng do mưa lớn gây ra trên địa bàn thành phố.
5. Triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2011 và phần kinh phí năm 2010 chuyển sang năm 2011.
6. Các quận – huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống lụt, bão năm 2009 còn tồn đọng và năm 2011.
7. Xây dựng đề cương, cập nhật thông tin bản đồ hệ thống đê, kè và bản đồ cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố.
8. Tổ chức trực ban định kỳ và đột xuất để thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả. Cập nhật tin trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kịp thời, đầy đủ, chính xác.
Trên đây là báo cáo kết quả công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tháng 7 và nhiệm vụ, kế hoạch công tác tháng 8 năm 2011 của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh./.