1. Ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn.
Trong các năm qua, hoạt động ngành nghề nông thôn luôn được chú trọng phát triển. Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn, trên cơ sở đó, các tỉnh thành đã xây dựng các chính sách thực hiện theo Nghị định, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển ngành nghề (tập trung váo 3 lĩnh vực: bảo tồn và phát triển làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch và phát triển làng nghề mới).
Cũng trong năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hoạt động ngành nghề nông thôn được xếp vào lĩnh vực được hưởng các ưu đãi trong chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, dư nợ cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn trong các năm qua đã tăng mạnh, từ 20.500 tỉ đồng (31/12/2006) đã tăng lên 53.200 tỉ đồng (3/2011), đạt gấp 2,6 lần.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Ngành công thương đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, trong 5 năm từ 2006 đến 2010, đã đào tạo nghề cho trên 400.000 người với tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 94%, đã tạo điều kiện cho các hiệp hội tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các hoạt động lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia như nghiên cứu, điều tra và bảo tồn các làng nghề truyền thống tiêu biểu, phát triển hoạt động du lịch gắn với làng nghề nhằm quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay cả nước có 4.575 làng có nghề với khoảng 900.000 hộ dân tham gia hoạt động và trên 22.000 doanh nghiệp, trong đó có 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Số lượng làng nghề tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, trong đó 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất lần lượt là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương và Thái Bình, chiếm 60% tổng số làng có nghề của cả nước. Hoạt động ngành nghề nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn. Năm 2010, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn ước đạt trên 80.000 tỉ đồng, mang lại thu nhập bình quân từ 450.000 đồng đến 4,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so hoạt động thuần nông.
2. Tuy đã có bước phát triển nhưng đến nay hoạt động ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tập trung ở 4 điểm:
Thứ nhất, hoạt động quản lý ngành nghề nông thôn đang có sự chồng chéo giữa các cơ quan từ TW đến địa phương.
Thứ hai, mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo, chưa gắn bó chặt chẽ.
Thứ ba, các hộ, HTX và doanh nghiệp về ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn.
Thứ tư, việc áp dụng và đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất còn chậm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá thành, cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm.
3. Để đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, là công cụ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn cần tập trung vào các mặt:
Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với nguyên tắc cơ bản là gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồng thời chú trọng đến xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tại làng nghề tham gia nghiên cứu khoa học
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ngành nghề nông thôn, thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống.
Đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: tổng hợp từ Dự thảo Báo cáo Kết quả 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và PTNT
Từ Minh Đức
Một số hình ảnh về hoạt động của làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM