I. Kết quả tổ chức triển khai thực hiện:
1. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật:
- Chi cục Thú y: đã tổ chức tập huấn cho các đối tượng cơ sở giết mổ (CSGM), hộ kinh doanh giết mổ được tham gia tập huấn về áp dụng GMP trong giết mổ gia súc, chấn chỉnh điều kiện VSTY (theo Thông tư 60/2010/TT-BNN-PTNT và Thông tư 61/2010/TT-BNN-PTNT); tập huấn cho các hộ chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không sử dụng các chất kích thích tố tăng trọng, sử dụng thuốc thú y đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho gia súc, thực hiện khai báo kiểm dịch khi nhập xuất đàn gia súc, gia cầm... phối hợp với các cơ quan báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về công tác nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng sản phẩm động vật bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền cho người tiêu dùng việc lựa chọn sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh thú y, kiên quyết không sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm tra của ngành thú y. Trong tháng hành động Chi cục Thú y đã thực hiện 797 băng rôn tuyên truyền, phân phối 23.570 tài liệu bướm, phát loa tuyên truyền 3.088 lần, tổ chức 75 lớp tập huấn với 4.704 người người tham dự.
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản phối hợp với công ty QL và KD chợ Bình Điền tổ chức 02 lớp tập huấn về các điều kiện an toàn thực phẩm cho 45 chủ cơ sở, điểm kinh doanh thủy sản các nhà lồng chợ về quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011) và quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản (Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/8/2011); phát hành 300 tờ rơi tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các hành vi vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 và Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản tại các nhà lồng - chợ Bình Điền; treo 03 băng rôn tuyên truyền ở tất cả 03 nhà lồng chợ với nội dung “Thương nhân kinh doanh hưởng ứng thực hiện Tháng hành động vì chất lượng ATTP phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc và các Lễ hội và Thương nhân kinh doanh quyết tâm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012”.
- Chi cục Bảo vệ Thực vật: Tổ chức in ấn cấp phát 05 tờ rơi (mỗi loại 8.000 tờ) với các nội dung: Hướng dẫn xử lý thuốc BVTV và bao bì đã qua sử dụng trên đồng ruộng; những qui định hình thức xử phạt, mức phạt về quản lý thuốc BVTV và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn và chế biến rau quả; hướng dẫn kinh doanh rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tham gia Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012 cấp thành phố và cấp quận, huyện tổ chức.
2. Kết quả thực hiện cụ thể:
2.1. Chi cục Thú y:
2.1.1. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật:
- Công tác kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật: Chi cục Thú y đã tổ chức kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật cho: 569 con trâu hơi, 13.971 con trâu bò tuột, 152.286 con heo hơi, 68.019 con heo bên, 958.584 con gia cầm sống, 1.294.531 con gia cầm tươi, 86.611.680 trứng gia cầm.
- Công tác kiểm soát giết mổ: Chi cục Thú y đã kiểm soát giết mổ 903 con trâu bò, 171.956 con heo và 986.212 con gia cầm.
2.1.2. Công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP sản phẩm động vật:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh thú y trong kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tuân thủ quy trình giết mổ treo đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
- Ngành Thú y và các đoàn liên ngành phối hợp đợt thanh tra diện rộng, tổ chức kiểm tra chấn chỉnh điều kiện vệ sinh và quy trình kỹ thuật trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Kết quả như sau :
Ø Ngành thú y và liên ngành phối hợp kiểm tra:
+ Kiểm tra cơ sở giết mổ : 289 lần tại 22 cơ sở
+ Kiểm tra cơ sở chế biến : 2.214 lần tại 438 cơ sở.
+ Kiểm tra chợ : 2.827 lần tại 267 chợ
+ Kiểm tra bếp ăn tập thể : 214 lần tại 142 bếp ăn tập thể.
+ Kiểm tra nhà hàng quán ăn : 4.114 lần tại 1.223 nhà hàng, quán ăn.
Ø Kết quả kiểm tra 03 Đoàn Thanh tra Liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên Đán 2012 của thành phố:
Từ ngày 13/01/2012 đến ngày 18/01/2012 đã tổ chức 9 lượt kiểm tra với tổng cộng 22 cơ sở (các loại hình: công ty, nhà máy xử lý trứng, cơ sở chế biến, chợ, siêu thị và cửa hàng). Kết quả: có 03/22 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh thú y, 05/22 cơ sở sản phẩm nhập không có ngồn gốc rõ ràng, chi cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 02/22 cơ sở.
Ø Kết quả kiểm tra 03 Đoàn của Chi cục Thú y:
Từ ngày 13/01/2012 đến ngày 18/01/2012 đã tổ chức 21 lượt kiểm tra, với tổng cộng 39 cơ sở (gồm kho lạnh, CSGM, chợ, CSKD trứng và điểm kinh doanh trâu bò sĩ và 08 hộ chăn nuôi). Kết quả: Có 11/39 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh thú y; 03 cơ sở có sản phẩm không nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kinh doanh hoặc sai số lượng; Đòan kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 13/39 cơ sở với tổng số tiền phạt là 9.750.000 đồng và đã đề nghị chấn chỉnh khắc phục các nội dung còn thiếu sót tại 03/39 cơ sở.
Ø Công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh nhập vào thành phố:
- Ngày 19/1/2012: tại Quốc lộ 1A, Tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện 05 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác Phòng chống dịch gia súc, gia cầm, tổ công tác đã lập hồ sơ vi phạm hành chính và buộc xử lý tiêu hủy những lô hàng không rõ nguồn gốc theo quy định (Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ); đã xử lý tiêu hủy 49 con gà thịt, 04 con vịt thịt, 108 ký phụ phẩm heo, 10 con heo con tương đương 164 kg.
- Ngày 20/1/2012 tại Quốc lộ 1A, Tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện 06 trường hợp VPHC trong công tác Phòng chống dịch gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch; không bảo đảm vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật; trốn tránh việc kiểm dịch. Tổ công tác đã lập hồ sơ vi phạm hành chính và buộc xử lý tiêu hủy những lô hàng không rõ nguồn gốc theo quy định; đã xử lý 270 ký thị heo, 37 con gà thịt.
- Ngày 21/01/2012 tại Quốc lộ 1A, Tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện 07 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác Phòng chống dịch gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch; không bảo đảm vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật; trốn tránh việc kiểm dịch gồm. Tổ công tác đã lập hồ sơ vi phạm hành chính và buộc xử lý tiêu hủy những lô hàng không rõ nguồn gốc trên; xử lý tiêu hủy 1.609 kg động vật, sản phẩm động vật và kiểm dịch lại 539 kg chả lụa và 42 kg thịt heo có dấu kiểm sóat giết mổ của Chi cục Thú y Đồng Nai.
2.1.3. Công tác xét nghiệm kiểm tra chất kích thích tố tăng trọng:
- Về kiểm tra chất cấm: Chi cục Thú y đã tiến hành kiểm tra sử dụng hóa chất cấm họ beta-agonist tại 11 cơ sở giết mổ (Thông tư 54/2010/TT-BNNPTNT) qua đó đã thông báo các tỉnh có nguồn heo đưa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ dương tính với chất cấm, kết hợp Chi cục Thú y tỉnh liên quan để tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi vi phạm.
- Xét nghiệm thịt tươi: Chi cục Thú y đã tiến hành lấy mẫu thịt tươi để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh tại nhà hàng, quán ăn, điểm chế biến, cơ sở kinh doanh, chợ và siêu thị; qua kiểm tra đã kịp thời thông báo và phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành quận huyện tổ chức chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm động vật phục vụ cho người tiêu dùng.
2.1.4. Kết quả xử phạt:
- Xử lý vi phạm hành chính: đã tiến hành xử phạt 383 trường hợp, trong đó phạt tiền 361 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 712.100.000 đồng.
- Xử lý kỹ thuật: Hủy: 6.155 con gia cầm; 21 con heo; 24.243 kg thịt các loại và 74.788 quả trứng gia cầm các loại; Luộc: 43 con heo, 913 kg thịt các loại và 10 con gia cầm; hạ phẩm: 13 con heo.
2.2. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản:
2.2.1. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền:
Hàng đêm cán bộ Chi cục tập trung tăng cường kiểm tra ngoại quan, cảm quan sản phẩm thủy sản của các điểm kinh doanh thuộc nhà lồng D, F. Trong quá trình kiểm tra nhắc nhỡ và yêu cầu thương nhân không được xử lý, phân loại, sơ chế sản phẩm dưới nền, chú ý đủ lượng đá bảo quản, bày bán sản phẩm trên kệ,…Kết quả đánh giá các chỉ tiêu cảm quan được 11.500 tấn sản phẩm thủy sản đảm bảo về độ tươi, không lẫn tạp chất để làm thực phẩm.
- Kiểm tra nhanh: Chi cục đã thực hiện kiểm tra nhanh hàn the cho 30 mẫu chả cá tại các điểm kinh doanh tại chợ, kết quả không phát hiện hàn the trong mẫu kiểm.
- Kiểm tra định lượng: tiến hành lấy 103 mẫu sản phẩm thủy sản gửi phòng kiểm nghiệm phân tích các chỉ tiêu ATTP gồm: 17 mẫu phân tích chỉ tiêu vi sinh; 86 mẫu phân tích chỉ tiêu kháng sinh, hóa chất độc hại các loại. Kết quả phân tích có 14/103 mẫu phát hiện nhiễm vi sinh, kháng sinh và hóa chất cấm hoặc vượt ngưỡng cho phép, trong đó:
+ Về vi sinh: 04 mẫu phát hiện E.Coli; 04 mẫu phát hiện S.aureus; 01 mẫu phát hiện Salmonella.
+ Về kháng sinh, hóa chất độc hại: 04 mẫu phát hiện Trifluralin; 01 mẫu phát hiện Leucomalachite Green.
Chi cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 8.000.000 đồng.
2.2.2. Công tác kiểm tra và chứng nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản:
Ø Kiểm tra chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP tại chợ Bình Điền:
Chi cục tiếp tục tiến hành kiểm tra điều kiện ATTP cho 58 điểm kinh doanh thủy sản trong nhà lồng D, F (Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 và Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/08/ 2011). Kết quả thực hiện:
- Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 26 cơ sở, trong đó có 01 cơ sở xếp loại A, 25 cơ sở xếp loại B.
- Chi cục đang hoàn tất hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận cho 32 điểm kinh doanh còn lại.
Ø Kiểm tra và chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP các cơ sở khác:
Chi cục tiến hành kiểm tra đánh giá, công nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 2 tàu cá của Xí nghiệp Khai thác chế biến thủy sản thực phẩm, số đăng ký SG 99117-TS; SG 99118-TS.
2.2.3. Công tác kiểm tra điều kiện VSATTP cơ sở:
Chi cục đã tiến hành kiểm tra 04 cơ sở Kinh doanh thức ăn thủy sản và trại sản xuất và thuần dưỡng tôm giống (gồm: 03 cửa hàng kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và 01 trại thuần dưỡng tôm giống), kết quả các cơ sở kinh doanh chấp hành việc đảm VSATTP tại cơ sở.
2.2.4. Công tác kiểm soát dư lượng và kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ:
Chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại huyện Cần Giờ: Chi cục tiến hành lấy 6 mẫu nghêu và 12 mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu về dư lượng chất độc hại. Kết quả không phát hiện dư lượng độc chất trong mẫu kiểm.
2.3. Chi cục Bảo vệ Thực vật:
2.3.1. Công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV):
Kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu bằng phương pháp kiểm tra nhanh:
- Vùng sản xuất: đã lấy 92 mẫu phân tích, kết quả 01/92 mẫu dương tính với test nhanh; đã gửi 01 mẫu dương tính với test nhanh kiểm tra định lượng và đang chờ kết quả.
- Tại các chợ đầu mối: đã lấy kiểm tra 750 mẫu, kết quả 5/750 mẫu dương tính với test nhanh; đã gửi 05 mẫu dương tính với test nhanh kiểm tra định lượng và đang chờ kết quả.
2.3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng thuốc BVTV và điều kiện đảm bảo VSATTP:
2.3.2.1. Tại vùng sản xuất rau:
- Đã tổ chức 03 đợt thanh kiểm tra sử dụng thuốc BTVT tại 74 hộ dân (trong đó: Củ Chi: 12 hộ; Bình Chánh: 12 hộ; Hóc Môn: 19 hộ; Quận 12: 12 hộ; Thủ Đức: 10 hộ và Quận 9: 9 hộ). Kết quả không phát hiện hộ vi phạm, hầu hết các hộ sản xuất rau đều chấp hành việc sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng; phun xịt thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng phun xịt thuốc bằng các bình phun và đảm bảo thời gian cách ly của thuốc. Qua thanh kiểm tra sử dụng thuốc, đoàn thanh tra chưa phát hiện hộ dân sử dụng dầu nhớt thải để phun thuốc, đặc biệt các hộ sản xuất rau đã thực hiện việc lưu chứa và thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng để nơi cố định, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Kết quả giám sát, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau: Cùng với hoạt động thanh kiểm tra sử dụng thuốc, đoàn kiểm tra đã thường xuyên giám sát và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV. Đã tổ chức giám sát, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc tại các vùng sản xuất rau cho 139 hộ (trong đó: Củ Chi: 17 hộ; Bình Chánh: 43 hộ; Hóc Môn: 46 hộ; Quận 12: 17 hộ; Thủ Đức: 9 hộ và Quận 9: 7 hộ). Kết quả các hộ nông dân thực hiện khá tốt các quy định trong quản lý, lưu trữ, sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng. Qua giám sát, hướng dẫn chưa phát hiện hộ nông dân nào vi phạm việc sử dụng, lưu chứa và bảo quản thuốc BVTV ngoài danh mục và thuốc cấm.
2.3.2.2. Tại 3 chợ đầu mối kinh doanh nông sản thực phẩm:
Chi cục Bảo vệ thực vật ra quyết định thành lập các đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 71 vựa kinh doanh rau quả, bao gồm: Công ty QL & KD Chợ Bình Điền: 25 vựa; Công ty TNHH QL & KD Chợ Nông sản Thủ Đức: 22 vựa, Công ty TNHH QL & KD chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn: 24 vựa. Kết quả kiểm tra như sau
- Đạt yêu cầu về các chỉ tiêu: Khu vực vệ sinh cách ly với khu vực sơ chế, kinh doanh. Người kinh doanh được tập huấn về VSATTP.
- Chưa đạt yêu cầu về các chỉ tiêu: Sản phẩm chưa được để cách ly với nền/sàn. Chất thải chưa được dọn dẹp thường xuyên, để tồn đọng trong khu vực sơ chế và kinh doanh.
Đoàn kiểm tra đã lấy 75 mẫu, bao gồm 65 mẫu rau và 10 mẫu trái cây ngoại nhập (trong đó: Công ty QL & KD Chợ Bình Điền: 25 mẫu rau; Công ty TNHH QL & KD Chợ Nông sản Thủ Đức: 15 mẫu rau và 10 mẫu trái cây ngoại nhập, Công ty TNHH QL & KD chợ đầu mối NS TP Hóc Môn: 25 mẫu rau), Kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV và đối chiếu quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Quyết định 46 /2007 QĐ-BYT và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) tất cả các mẫu đều không phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép.
2.3.3. Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định về VSATTP trong rau quả:
Chi cục BVTV đã thành lập các Đoàn kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật về VSATTP trong kinh doanh rau quả tại doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, đóng gói và kinh doanh rau. Đoàn kiểm tra thanh tra đã tiến hành thanh tra 07 doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, đóng gói và kinh doanh rau (Công ty TNHH XNK Cao Nguyên Xanh, Công ty TNHH Phạm Nguyễn Hoàng, Siêu thị Big C Phú Thạnh, Siêu thị CoopMart Thắng Lợi, Siêu thị Vinatex Lãnh Binh Thăng, Siêu thị CoopMart Xa lộ Hà Nội, Siêu thị CitiMart Bình Thạnh).
- Về cơ sở pháp lý: Các cơ sở kiểm tra thanh tra đều có Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATP.
- Về vệ sinh cơ sở, dụng cụ - trang bị, điều kiện con người của các cơ sở kinh doanh, mua bán rau, quả: Các cơ sở thanh tra đều có hệ thống cấp nước sạch được kiểm nghiệm định kỳ và hệ thống thoát nước tốt, có kệ hàng hóa chứa đựng sản phẩm; Dụng cụ, trang bị có vệ sinh định kỳ; Nhân lực của các cơ sở đều có Giấy tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ; Các cơ sở kinh doanh rau, quả đều có chứng từ, hồ sơ ghi chép nguồn gốc.
- Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 12 mẫu rau gửi Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ phân tích định lượng dư lượng thuốc BVTV. Kết quả phân tích và đối chiếu quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Quyết định 46 /2007 QĐ-BYT và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) tất cả các mẫu đều không phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép.
II. Nhận xét - đánh giá:
- Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát thanh, xe thông tin lưu động, pano, áp phích, tờ bướm,…, từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành của người sản xuất, kinh doanh đối với việc thực hiện quy định sản xuất, kinh doanh an toàn.
- Tập trung công tác phòng chống, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhất là dịch cúm gia cầm, do vậy đã đảm bảo an toàn dịch tễ, không xảy ra dịch trên địa bàn thành phố.
- Chính quyền, ban ngành các cấp đã quan tâm, theo dõi việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán đặc biệt là trong tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012.
- Các đơn vị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát tại các vùng sản xuất, lưu thông, kịp thời ngăn chặn các vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản, nhờ đó chưa xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và các vụ ngộ độc do ăn rau quả có dư lượng thuốc BVTV trên địa bàn, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng của thành phố.