Thực hiện nội dung văn bản số 2910/BNN-TT ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình và đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên lúa giai đoạn 2014 - 2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo như sau:
I. Đánh giá tình hình sản xuất các loại cây trồng hàng năm:
1. Rau an toàn:
Năm 2006, diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố là 9.235 ha, trong đó diện tích gieo trồng rau an toàn là 8.773 ha (chiếm 94,9% diện tích gieo trồng rau); năng suất trung bình 19,1 tấn/ha; sản lượng 176.146 tấn.
Năm 2012, diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố là 14.456 ha, trong đó diện tích gieo trồng rau an toàn là 14.167 ha (chiếm 98% diện tích gieo trồng rau); năng suất trung bình 22,4 tấn/ha; sản lượng 324.270 tấn.
So sánh với năm 2006, diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố năm 2012 tăng 56,5%, diện tích gieo trồng rau an toàn tăng 61,5%; năng suất trung bình tăng 17,3%; sản lượng tăng 84,1%.
2. Lúa:
Năm 2006, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn thành phố là 36.256 ha; năng suất trung bình 3,2 tấn/ha; sản lượng 114.679 tấn.
Năm 2012, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn thành phố là 20.461 ha; năng suất trung bình 4,6 tấn/ha; sản lượng 94.800 tấn.
So sánh với năm 2006, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn thành phố năm 2012 giảm 43,6%, năng suất trung bình tăng 43,8%, sản lượng giảm 17,4%.
3. Hoa, cây kiểng:
Năm 2006, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố là 1.115 ha; trong đó diện tích hoa mai: 257 ha, hoa lan: 63 ha, hoa nền: 535 ha, bon-sai, cây kiểng: 260 ha.
Năm 2012, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố là 2.010 ha; trong đó diện tích hoa mai: 500 ha, hoa lan: 210 ha, hoa nền: 800 ha, bon-sai, cây kiểng: 500 ha.
So sánh với năm 2006, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố năm 2012 tăng 80,2%, trong đó diện tích hoa mai tăng 94,6%, hoa lan tăng gấp 233,0%, hoa nền tăng 49,5%, bon-sai, cây kiểng tăng 92,3%.
4. Bắp:
Diện tích trồng bắp tại thành phố là 845 ha, chủ yếu là sản xuất bắp giống, tập trung tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, năng suất đạt 3,6 tấn/ha, sản lượng đạt 3.042 tấn.
5. Cỏ phục vụ chăn nuôi:
Diện tích cỏ trồng đạt 4.000 ha, giống cỏ Mulato được ưu tiên khuyến khích phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu cỏ xanh chất lượng cho đàn bò sữa của thành phố.
II. Các mô hình canh tác trên đất lúa và hiệu quả kinh tế:
1. Mô hình rau các loại: Các đơn vị trực thuộc Sở đã xây dựng và nhân rộng các nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng cơ giới hóa, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao; mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
Về sản xuất rau theo quy trình VietGAP: Đến nay, có 329 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên các HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 6 công ty và các nông hộ) với tổng diện tích canh tác 145,7 ha, (tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 16.505 tấn/năm.
Một số mô hình điển hình:
- Mô hình sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã Thỏ Việt với diện tích 5,2 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
- Mô hình cơ giới hóa sản xuất rau (máy xới) tại hộ Vũ Văn Hưng, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích 3.000 m2, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.
- Mô hình cơ giới hóa sản xuất rau (hệ thống tưới phun) tại hộ Trần Ngọc Yêm, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích 2.000 m2, thu nhập bình quân 108 triệu đồng/ha/năm.
2. Mô hình hoa, cây kiểng:
Phát triển hoa, cây kiểng là một hướng đi phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân thành phố tăng thu nhập và đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp.
Một số mô hình điển hình:
- Mô hình cơ giới hóa sản xuất hoa lan (hệ thống tưới phun) tại hộ Nguyễn Văn Lữ, ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với diện tích 1.200 m2. Thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm.
- Mô hình sản xuất hoa lan của hộ Nguyễn Văn Phương, tại ấp Tân Lập, Tân Thới Nhì, Hóc Môn với diện tích 1.500 m2. Thu nhập bình quân trên 800 triệu đồng/ha/năm.
- Mô hình sản xuất hoa đồng tiền của hộ Nguyễn Văn Trọng, phường 12, quận Gò Vấp, với diện tích 1.000 m2. Thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm.
3. Mô hình bắp:
Sản xuất bắp trên địa bàn thành phố chủ yếu là sản xuất luân canh bắp giống và lúa do người nông dân hợp tác với các công ty sản xuất giống cây trồng thực hiện. Công thức luân canh chủ yếu được áp dụng là 1 vụ bắp Đông Xuân, 2 vụ lúa Mùa và Hè Thu.
Mô hình điển hình:
Mô hình sản xuất bắp giống tại hộ Nguyễn Văn Dò, ấp Bình Thượng 2, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với diện tích 7.800 m2, năng suất trung bình 9 tấn/ha. thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/ha/năm.
4. Mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi:
Các mô hình trồng cỏ Mulato có kết quả khả quan, trong đó năng suất chất xanh đạt 300 - 350 tấn/ha/năm, tỷ lệ thân/lá đạt 15/85, khả năng sử dụng cỏ lên 90% (đối với cỏ voi là 70/30, tỷ lệ sử dụng là 65%), vật chất khô đạt 17 - 21%, protein thô đạt 12,5 -15,5 %.
Mô hình điển hình:
Mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng cỏ Mulato, tại hộ Phạm Văn Vũ, ấp Xóm mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, quy mô 32 con bò sữa, diện tích trồng cỏ 7.000 m2, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm.
III. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa:
Trong giai đoạn 2006 – 2010:
+ Quyết định số 718/QĐ-UB ngày 25/02/2004 Về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
+ Quyết định số 98/2006/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 Về phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2006 – 2010.
Trong giai đoạn 2011-2015:
+ Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 Phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.
+ Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 Về phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.
IV. Những khó khăn, tồn tại trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng:
- Mặc dù có bước tăng trưởng, tuy nhiên nông nghiệp thành phố còn gặp nhiều khó khăn, như: thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây ra, thị trường nông sản thiếu ổn định, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận dân cư nông thôn, dù đã giảm dần nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa dân cư nông thôn và thành thị.
- Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh thấp; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp - dù có chuyển biến, nhưng vẫn chậm đổi mới, chưa phát triển sản xuất hàng hóa mạnh ở nông thôn.
- Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, dù có tập trung, đạt một số kết quả ban đầu, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
V. Đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên lúa giai đoạn 2014 - 2020: (Đính kèm phụ lục).
VI. Đề xuất giải pháp và chính sách:
a) Về quy hoạch:
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn đến 2020 và tầm nhìn đến 2025.
- Phối hợp với các ngành, các quận huyện để triển khai thực hiện quy hoạch; khoanh vùng và quản lý sử dụng đất các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định đến năm 2020, 2025; xác định chi tiết các vùng sản xuất giống cây, giống con, các loại cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất nông sản hàng hóa và công khai, phổ biến các quy hoạch được phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng nông nghiệp ổn định.
b) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật:
- Tổ chức thực hiện chương trình phát triển công nghệ sinh học, các đề án tăng cường và nâng cao các hoạt động khuyến nông; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp; đầu tư nhân rộng các mô hình theo VietGAP.
c) Phát triển giống cây trồng chất lượng cao:
- Đầu tư phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện, ủng hộ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học; nhập khẩu công nghệ mới; tiếp nhận và ứng dụng kết quả nghiện cứu trong và ngoài nước để sản xuất, lai tạo giống mới và sản xuất giống chất lượng cao.
- Tăng cường đầu tư công tác sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống địa phương.
- Phát triển mạng lưới các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác và phát triển sản xuất. Phấn đấu đến năm 2015 trên 50% các loại giống sản xuất tại thành phố đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch bệnh.
d) Về công tác xúc tiến thương mại:
- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của thành phố như rau an toàn, hoa lan Denbrobium và Mokara…; tổ chức các hội chợ, hội thi, triển lãm giống, sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các làng nghề và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm ở trong nước và nước ngoài.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.
e) Về chính sách:
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015.
- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thực hiện các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 02/2010/NĐ-CP về công tác khuyến nông, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản./.