SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
8
6
1
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 14 Tháng Giêng 2009 4:30:00 CH

Công tác phòng chống dịch bệnh động vật và xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh năm 2008

I. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ CHĂN NUÔI AN TOÀN DỊCH BỆNH

1. Tình hình dịch bệnh

         - Tình hình dịch cúm gia cầm trong cả nước diễn biến rất phức tạp. Bệnh cúm gia cầm đã tái phát tại 27 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyền Quang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre; có 96 ổ dịch đã xảy ra tại các hộ chăn nuôi với tổng đàn gia cầm chết và tiêu hủy là 75.170 con gồm có 29.048 con gà, 43.157 con vịt, 2.965 con vịt xiêm.

- Tình hình dịch LMLM đã xảy ra tại 14 tỉnh, thành trong cả nước, hiện nay bệnh LMLM trên đàn gia súc đang lan rộng và chưa được khống chế tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Tình hình bệnh PRRS thể độc lực cao xảy ra tại 26 tỉnh thành. Tại khu vực phía Nam dịch đã xảy ra tại Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Phước, Bạc Liêu gây nhiều thiệt hại cho Ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

2. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

* Công tác giám sát dịch bệnh

- Chi cục Thú y đã xây dựng hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh động vật đến từng ấp và tổ chức tập huấn về nhận biết tình hình dịch bệnh; xây dựng biểu mẫu, quy định chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất khi phát hiện hoặc nghi có dịch bệnh với 455 nhân sự được hưởng chế độ bồi dưỡng 100.000 - 200.000 đồng / người / tháng tuỳ theo số hộ chăn nuôi phụ trách trên địa bàn. Quy định chế độ báo cáo tình hình dịch tễ định kỳ hằng tháng đối với các CSCN tập trung. Chi cục Thú y thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch tễ tại các hộ, CSCN. Đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi gia súc đực giống và khu vực chăn nuôi hộ tạm cư.

- Triển khai thực hiện quản lý tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn qua Sổ  quản lý tình hình chăn nuôi, dịch tễ đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi. Qua đó đã theo dõi được tình hình biến động tổng đàn và cơ cấu đàn gia súc; Quản lý công tác thú y đến cá thể bò sữa theo số tai; Quản lý sức khoẻ đàn gia súc qua tiêm phòng, xét nghiệm và điều trị. Đặc biệt trong công tác tiêm phòng được quản lý qua Sổ quản lý dịch tễ, không cấp giấy chứng nhận tiêm phòng như trước đây. Từ đó giảm thủ tục hành chính, ngăn chận tình trạng các hộ kinh doanh giết mổ sử dụng  giấy chứng nhận tiêm phòng để hợp thức hoá gia súc chưa tiêm phòng khi nhập gia súc vào CSGM và thực hiện công tác KDĐV vận chuyển chặt chẽ.

- Tổ chức công tác điều tra thống kê đàn gia súc hằng năm, xây dựng phần mềm quản lý tình hình chăn nuôi, dịch tễ đến hộ chăn nuôi, cập nhật biến động đàn gia súc qua phần mềm làm cơ sở đánh giá tỷ lệ tiêm phòng qua từng thời điểm, đánh giá tình hình chăn nuôi, dự trù số lượng vaccine hàng năm...

- Chi cục Thú y đã thực hiện định vị tọa độ các hộ, CSCN các quận huyện chăn nuôi trọng điểm, CSGM gia súc; cơ sở chế biến, chợ kinh doanh SPĐV và cập nhật dữ kiện chăn nuôi vào cơ sở dữ liệu GIS. Trên cơ sở đó phục vụ cho công tác theo dõi tình hình chăn nuôi; phục vụ phòng chống dịch, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; xây dựng bản đồ dịch tễ.

*. Công tác phòng chống dịch PRRS

- Chi cục thú y thành phố đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch PRRS theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.  Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 09/2008/CT-UBND, ngày 28/4/2008 về việc tập trung triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên đàn heo.

- Duy trì hoạt động các Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục quản lý thị trường chủ trì phối hợp với lực lượng Công an, Thanh niên xung phong kiểm tra tại các cữa ngõ ra vào thành phố, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh niên xung phong trực cùng với lực lượng thú y trực 24/24 tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, đã kiểm tra phát hiện một số trường hợp vận chuyển heo sữa cấp đông từ các tỉnh miền Trung vận chuyển trái phép trên các phương tiện xe khách đưa về thành phố tiêu thụ.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, Cục Thú y và để chủ động phòng chống dịch bệnh PRRS trên địa bàn thành phố.  Chi cục Thú y tổ chức tập huấn về đặc điểm, nhận biết bệnh, biện pháp phòng chống dịch bệnh PRRS trong hệ thống thú y cơ sở, phát hành 90.000 tờ bướm phòng chống dịch bệnh PRRS.

- Triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm giám sát trên đàn nọc, đàn nái tại các cơ sở chăn nuôi quốc doanh, cơ sở chăn nuôi tập trung để chủ động giám sát tình hình dịch bệnh.

*. Công tác phòng chống dịch LMLM

Trong năm 2008, tình hình bệnh LMLM trên địa bàn thành phố ổn định, không phát sinh tại các hộ, cơ sở chăn nuôi.

- Chi cục thú y tiếp tục duy trì thực hiện chủ trương tiêm phòng miễn phí vaccine LMLM cho đàn trâu bò, trợ giá 50% vaccine LMLM cho các hộ chăn nuôi heo, miễn phí vaccine LMLM cho các hộ chăn nuôi heo thuộc diện xoá đói giảm nghèo, qua đó giữ ổn định tình hình dịch tễ đàn gia súc trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra hiệu giá kháng thể sau khi tiêm phòng làm cơ sở khoa học để đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng, căn cứ vào kết quả kiểm tra thanh toán chi phí tiền công tiêm phòng từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ thú y phụ trách địa bàn.

- Tổ chức kiểm tra lâm sàng chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ, đối với các CSGM quy mô lớn bố trí CBTY trực 24/24, trong 8 tháng đầu năm 2008 Chi cục đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp với 133 con heo bệnh LMLM tại các cơ sở giết mổ, chủ yếu heo bệnh có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai, kết quả xét nghiệm dương tính serotype O.

- Kết quả kiểm tra hiệu giá kháng thể sau khi tiêm phòng vaccine LMLM đạt yêu cầu bảo hộ:

 

Kiểm tra hiệu giá

kháng thể

Số mẫu XN

Bảo hộ

Ghi chú

 

 

Số mẫu

Tỷ lệ %

 

LMLM trên heo

370

302

81,62

Thực hiện tại 11 QH

LMLM trên bò

78

74

94,87

Thực hiện tại 04 QH

 

*. Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm:

- Thành phố tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y. Chi cục thú y tiếp tục thực hiện giám sát virus trên đàn gia cầm từ các tỉnh nhập về các cơ sở giết mổ, đàn chim hoang dã, chim kiểng trong năm 2008 không phát hiện các trường hợp dương tính.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1405/QĐ-TTG, ngày 16/10/2007 của Thủ Tướng Chính Phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm và Thông tư hướng dẫn số 92/2007/TT-BNN, ngày 19/11/2007 của Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Chi cục thú y đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Công văn số 2458/UBND-CNN, ngày 22/4/2008 về việc đăng ký chăn nuôi, thẩm định và cấp phép cho các hộ chăn nuôi gia cầm. Qua công tác thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, đã cấp phép cho 2 cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi với quy mô khoảng 84.000 con/vòng quay, trong năm 2008 đã chăn nuôi trên 420.000 con gia cầm. Đối với các cơ sở chăn nuôi khác đều nằm trong khu vực dân cư, hoặc nuôi chung với các loại gia súc khác nên điều kiện chăn nuôi không đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.

- Chi cục thú y đã tăng cường công tác chấn chỉnh điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ gia cầm, vận động các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm đầu tư các dây chuyền giết mổ công nghiệp tại CSGM An Nhơn, tổng số gia cầm giết mổ năm 2008 khoảng 16 triệu con.

- Thực hiện 1.316 mẫu xét nghiệm giám sát virus cúm gia cầm trên gà, vịt, đà điểu, chim hoang dã, chim kiểng tại các khu vui chơi giải trí, hộ chăn nuôi, chi hội chim kiểng TP. HCM, và các mẫu nghi ngờ tại các quận huyện trong thành phố gởi về, kết quả không phát hiện mẫu dương tính.

- Thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh, Chi cục đã chủ động khảo sát trên 250 đàn gia cầm có tiêm phòng với  mẫu gồm 3.548 mẫu gồm 3.458 mẫu máu và 90 mẫu swab lấy trên tổng đàn 299.585 con gia cầm có nguồn gốc từ  tỉnh như Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hà Tây, Tiền Giang, Daklak, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Kết quả đánh giá hàm lượng kháng thể trên các đàn tiêm phòng như sau:

+ 70 đàn tiêm phòng trovac gồm 943 mẫu máu trên tổng đàn là 90.221 con gà  xét nghiệm ELISA cho kết quả âm tính không nhiễm virus cúm A.

+ 180 đàn tiêm phòng vaccin vô họat với số mẫu xét nghiệm là 2.515 mẫu trên tổng đàn 207.564 con  thì có 749/2.515 mẫu có kháng thể đủ bảo hộ đạt 29,78% cao hơn so với năm 2007 (20,97%)  và 50/180 đàn đạt tỉ lệ bảo hộ 27,78% cao hơn với năm 2007 (14,62%).  Tỷ lệ bảo hộ trên gà là 51,24%, cao hơn tỷ lệ bảo hộ trên vịt (18,07%). Tỷ lệ đàn bảo hộ trên gà và vịt đều cao hơn tỷ lệ này cùng kỳ năm 2007 (Gà: 37,58%; vịt: 5,66%).

*. Công tác phòng chống bệnh dại

- Thành phố Hồ Chí Minh có đàn chó khá lớn với tổng đàn 206.734  con với 120.966 hộ chăn nuôi. Chi cục thú y đã tổ chức công tác tiêm phòng đại trà vaccine dại tính đến tháng 12/2008 đã tiêm phòng được 188.985 liều vaccine dại, đạt 91,41% tổng đàn.

- Chi cục thú y đã triển khai cho các quận, huyện đăng ký xây dựng 34  phường xã an toàn đối với bệnh dại từ nhiều năm qua. Tổ chức công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại cho các tỉnh trong khu vực. Thực hiện công tác bắt chó chạy rong và tập huấn cho các tỉnh bạn như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh triển khai thực hiện.

-   Trong năm 2008, trên địa bàn thành phố có 01 trường hợp Ông Nguyễn Mạnh Sang 18 tuổi, tổ 50, ấp Phú Lộc, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi chết vì bệnh dại ngày 08/4/2008. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị chó thả rông không rõ nguồn gốc cắn, bệnh nhân không tiêm phòng dại mà đi lấy nọc và chữa trị bằng thuốc nam. Chi cục Thú y đã có Công văn gởi Trung tâm Y tế dự phòng huyện Củ Chi v/v điều trị dự phòng bệnh dại cho những người liên quan, yêu cầu Trạm Thú y Củ Chi tổ chức tập huấn và tiêm phòng bệnh Dại, đến nay không phát sinh ca bệnh Dại mới trong khu vực.

*. Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

-    Chi cục thú y đã kết hợp UBND huyện Củ Chi tổ chức trao giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật cho 13 cơ sở chăn nuôi heo được Cục Thú y công nhận an toàn dịch năm 2007 tại 04 quận/huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Q.12 và Q.9. Phối hợp với Đài phát thanh, Đài truyền hình đưa tin, quảng bá những cơ sở đã được công nhận.

- Năm 2008 tiến hành thẩm định và được Cục thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho 09 CSCN heo, 5 CSCN bò sữa và 02 phường an toàn bệnh dại tại phường 4 và phường 6, Quận Tân Bình. Vận động các cơ sở đã đăng ký và được công nhận an toàn dịch trong thời gian qua cùng tham gia giám sát dịch bệnh trong vùng đệm nhằm đẩy nhanh tiến độ đánh giá và công nhận các cơ sở an toàn dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm quản lý tình hình dịch tễ cho các cơ sở chăn nuôi.

-    Xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát huyết thanh học để kiểm tra, đánh giá tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng, tỷ lệ lưu hành bệnh PRRS, LMLM trên trâu bò, heo và tại các phường xây dựng an toàn bệnh dại.

-    Công tác tuyên truyền: Kết hợp Đài Tiếng nói nhân dân Tp.HCM ghi âm và phát hành 323 đĩa tuyên truyền với nội dung VS-ATTP dịp Tết Nguyên đán. In và phát tờ bướm: 150.000 tờ cúm GC, 90.000 tờ LMLM, 90.000 PRRS, 115.000 VSATTP từ trang trại đến bàn ăn cho 24 Trạm Thú y quận/huyện. Phối hợp với Hội Nông Dân tổ chức 20 buổi tập huấn có 1.057 người tham dự  về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quy định về việc khai báo khi xuất nhập gia súc. Triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg về phòng chống bệnh dại tại các phường xã đăng ký xây dựng vùng an toàn đối với bệnh dại.

-     Xây dựng quy chế hoạt động của Ban thú y phường xã; Xây dựng phương án phòng chống dịch PRRS trên địa bàn thành phố; Xây dựng dự toán kinh phí phòng chống dịch PRRS. Cũng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát dịch bệnh và xây dựng chính sách trả thù lao cho cộng tác viên.

II. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI GIA SÚC

  Trong những năm qua ngành chăn nuôi thành phố phát triển ổn định. Kết quả thống kê đàn gia súc thành phố thời điểm 01/8/2008:

1. Tình hình chăn nuôi heo

- Đàn heo thành phố là 354.989 con, với 11.062 hộ chăn nuôi, trong đó có 42.288 nái. Về quy mô chăn nuôi heo có 4.804 hộ chăn nhỏ lẽ quy mô <10 con/hộ với tổng đàn 17.917 con ; quy mô từ 10-50 con có 5.164 hộ chăn nuôi với tổng đàn 106.280 con; quy mô từ 50 con đến 250 con có 1.004 hộ với tổng đàn 88.130 con; quy mô trên 250 con có 90 cơ sở, trại chăn nuôi với tổng đàn 85.834 con.

- So với kết quả thống kê năm 2007, đàn heo (không kể heo con theo mẹ) giảm 81.656 con (21,50%) và 3.445 hộ (23,75%), chủ yếu là giảm tại các quận, huyện Củ Chi (38.112 con), Hóc Môn (4.370 con), Bình Chánh (11.157 con), Gò Vấp (5.616 con), Bình Tân (10.555 con), Nhà Bè (4.956 con). Loại heo giảm chủ yếu là heo thịt 69.022 con và heo cai sữa 10.802 con.

- Nguyên nhân đàn heo thịt giảm là do từ đầu năm đến nay giá heo con giống tăng cao, đồng thời giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 40 45% với mức tăng 50.000đ – 70.000đ/ bao 25kg, trong khi đó giá heo hơi sau một thời gian có tăng lên 42.000đ – 43.000đ/kg, đến nay chỉ còn 33.000đ – 34.000đ/kg, người chăn nuôi không có lãi nên hạn chế tăng đàn phát triển chăn nuôi, một số hộ nghỉ nuôi.

- Tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn có xu hướng tập trung theo quy mô trang trại hoặc chăn nuôi hộ gia đình và có đầu tư cơ sở chuồng trại, con giống, kỹ thuật, mang tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chăn nuôi heo tự phát của người dân nhập cư điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo chiếm tỷ lệ 13-15% tổng đàn heo của thành phố, đây là nguy cơ bộc phát dịch bệnh tiềm ẩn.

2. Tình hình chăn nuôi bò

Tổng đàn bò của thành phố được thống kê tại thời điểm ngày 01/8/2008 là 107.881 con với 18.369 hộ chăn nuôi, quy mô chăn nuôi bình quân 5,9 con/hộ. Cơ cấu đàn gồm: bò sữa 67.084 con, chiếm tỷ lệ 62,18%; bò lai Sind: 26.492 con, chiếm tỷ lệ 24,56%; đàn bò ta 12.348 con chiếm tỷ lệ 11,45%, bò thịt 1.957 con chiếm tỷ lệ 1,81%. So với kết quả thống kê năm 2007, đàn bò tăng 1.674 con (1,58%), tuy nhiên số hộ chăn nuôi giảm 867 hộ (4,51%), trong đó khu vực ngoại thành tăng 5.142 con (6,24%), ngược lại khu vực ven nội giảm 2.989 con (15,27%) và các xí nghiệp chăn nuôi giảm 479 con (11,24%).

Đàn bò sữa đạt 67.458 con với 40.901 con cái sinh sản. Về quy mô chăn nuôi đàn bò có 15.779 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẽ <10 con/hộ  với tổng đàn 59.121 con; quy mô từ 10-50 con có 2.530 hộ chăn nuôi với tổng đàn 40.146 con; quy mô từ 50 con đến 200 con có 57 hộ với tổng đàn 4.513 con; quy mô trên 200 con có 4 cơ sở, trại chăn nuôi với tổng đàn 4.457 con.

- Đàn bò sữa tiếp tục tăng qua 3 năm 2006, 2007 và 2008. So với năm 2006, đàn bò tăng 8.270 con (14,14%). So với năm 2007, đàn bò sữa thành phố tăng 7.402 con (tăng 12,40%). Khu vực chăn nuôi bò sữa dịch chuyển dần về các huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Củ Chi. Số hộ chăn nuôi năm 2008 hầu như tương đương so với năm 2006 và năm 2007 (2006: 8.113 hộ, 2007 : 8.039 hộ, năm 2008: 8.094 hộ), trong khi tổng đàn bò liên tục tăng và quy mô chăn nuôi/ hộ tăng cho thấy yêu cầu phải tăng số đầu con/ hộ thì người chăn nuôi mới có lợi nhuận.

- Mặc dù tình hình chăn nuôi bò sữa có bước tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2007, tuy nhiên người chăn nuôi bò sữa đang gặp phải nhiều thách thức lớn như việc tăng giá thức ăn gia súc, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức ảnh hưởng đến chất lượng sữa tươi, do đó việc Công ty Vinamilk áp dụng mức giá thu mua căn cứ vào các chỉ tiêu chất lượng sữa ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người chăn nuôi. Để duy trì và phát triển chăn nuôi bò sữa cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người chăn nuôi, Cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị thu mua trong việc tháo gở những khó khăn vướng mắc hiện nay.

III. TÌNH HÌNH TIÊU THỤ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

- Ngành chăn nuôi thành phố chỉ đáp ứng khoảng 15-18% nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật cho người dân thành phố, phần còn lại phải tiếp nhận nguồn động vật, sản phẩm động vật giết mổ từ 40 tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu. Do đó có thể ví Thành phố sẽ là túi chứa các loại dịch bệnh, nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả. Đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn gia súc tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển, Chi cục thú y Thành phố luôn xem là nhiệm vụ hàng đầu của Ngành thú y

- Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật rất lớn. Sản lượng tiêu thụ bình quân một năm khoảng trên 3.0000.000 con heo; 230.000 con trâu bò, 25.500.000 con gia cầm, 45.000 tấn thịt gia cầm, 12.000 tấn thịt trâu bò, 18.000 tấn thịt heo nhập khẩu.

IV. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ

1. Dự báo tính hình dịch bệnh

   - Tình hình dịch cúm gia cầm:  Dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng tái phát trở lại, trong thời gian vừa qua dịch đã tái phát tại Hồng Kông, Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Campuchia đã có 01 trường hợp bệnh nhân tử vong do virus cúm gia cầm tại Ai Cập. Tại nước ta dịch cúm gia cầm đã tạm thời ổn định. Trong thời gian vừa qua công tác phòng chống dịch đã có nhiều tiến bộ và đã chủ động hơn, tuy nhiên việc tái phát tại 1-2 tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra, theo các số liệu dịch tễ, các đợt dịch trên gia súc, gia cầm thường phát sinh trong mùa Đông Xuân, nguyên nhân do thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường lạnh tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại và phát triển. Ngoài ra, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm gia tăng trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán là một trong những nguyên nhân có khả năng tạo nguy cơ bùng phát và lây lan dịch

   - Tình hình bệnh PRRS: Cả nước đã tạm thời khống chế thành công dịch bệnh Heo Tai xanh (PRRS), nhưng nguy cơ tái phát dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp do việc lưu trú mầm bệnh tại các hộ có heo bệnh trước đây bán chạy sang địa bàn khác, thương lái thu mua heo bệnh vận chuyển trái phép trong khi đó công tác kiểm dịch tại các tỉnh còn chưa chặt chẽ.  Tại một số địa phương, hệ thống thú y và giám sát yếu kém và mỏng nên việc kiểm tra phát hiện và xác định các ổ  dịch chậm. Thành phố Hồ Chí Minh, do hàng ngày phải nhập số lượng lớn gia súc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nên áp lực dịch trên đàn heo của thành phố là rất cao, các địa phương cần phải tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn gia súc nuôi trên địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn, phòng tránh dịch bệnh xảy ra.

- Tình hình bệnh LMLM: Bệnh LMLM đang tái phát và chưa kiểm soát tốt tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ tiêm phòng trên đàn trâu bò tại một số xã huyện Củ Chi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tình hình chăn nuôi heo tại các hộ chăn nuôi nhập cư điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo, việc vận chuyển đàn gia súc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong đợt Tết tăng cao làm gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên địa bàn, do đó cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, các địa bàn chăn nuôi trọng điểm, khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư, vùng ổ dịch cũ nhằm phát hiện và xử lý dịch bệnh một cách kịp thời tránh phát tán lây lan trên diện rộng.

2. Bài học kinh nghiệm

- Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng Ủy, Chính quyền và các hội đoàn thể địa phương trong việc tổ chức thực hiện xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh là nhân tố rất quan trọng.

- Để quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, cần phải tổ chức hệ thống thú y phường, xã kết hợp với các hội, đoàn thể địa phương như: Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, các hộ, cơ sở chăn nuôi hình thành hệ thống giám sát, cung cấp thông tin dịch bệnh, Chi cục thú y thực hiện tập huấn, xây dựng mẫu biểu, quy định chế độ báo cáo định kỳ.

- Xây dựng và cấp phát Sổ theo dõi tình hình chăn nuôi dịch tễ tại hộ làm cơ sở quản lý công tác tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tránh trường hợp các hộ kinh doanh giết mổ sử dụng giấy tiêm phòng để hợp thức hoá nguồn heo không rõ nguồn gốc.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp các phòng xét nghiệm tại Chi cục thú y chủ động thực hiện công tác giám sát tình hình dịch bệnh nguy hiểm hoặc gây thiệt hại kinh tế lớn như bệnh cúm gia cầm, LMLM, PRRS ….nhằm dự đoán, dự báo tình hình dịch bệnh, kiểm tra hiệu giá kháng thể sau khi tiêm phòng phục vụ cho việc xây dựng các vùng, cơ sở vùng an toàn dịch bệnh động vật.

- Công tác điều tra thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn một cách chặt chẽ, cán bộ thú y phụ trách phường xã phải nắm danh sách các hộ chăn nuôi, chủng loại, số lượng gia súc gia cầm được nuôi trên địa bàn làm cơ sở xây dựng dự trù vaccine hàng năm, đánh giá tỷ lệ tiêm phòng theo từng thời điểm một cách chính xác.

- Việc quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc đưa vào giết mổ, tạo điều kiện cho các cơ sở đầu tư trang thiết bị, nâng cấp dây chuyền giết mổ treo giảm vấy nhiểm vi sinh trên quày thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với các ban ngành địa phương tăng cường chống giết mổ trái phép là nơi thường thu mua gia súc bệnh, vận chuyển trái phép để giết mổ đưa ra thị trường.

- Công tác phối hợp với các ban ngành tăng cường lưc lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong tham gia trực 24/24 tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông để thực hiện chức năng buộc các đối tượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải trình kiểm; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra lưu động trên các tuyến giao thông có nhập xuất đàn gia súc, sản phẩm động vật vào địa bàn.

- Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh cần thiết có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và người chăn nuôi, do đó công tác tuyên truyền quảng bá lợi ích trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện xét nghiệm loại thải gia súc bệnh, chi phí giám sát vùng đệm.

V. CÁC GIẢI PHÁP TẬP TRUNG TRONG NĂM 2009

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông , báo đài, Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi, người tiêu dùng biết để cùng tham gia hổ trợ công tác phòng chống dịch bệnh.

- Tăng cường công tác phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện; các hội đoàn thể địa phương trong công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, đề xuất biện pháp xử lý các trường hợp người chăn nuôi không chấp hành công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm pháp luật quy định bắt buộc phải tiêm phòng.

- Phối hợp với các tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác trong việc phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm động vật an toàn cho thị trường thành phố.

- Cập nhật và hoàn tất việc xây dựng bản đồ dịch tễ cho từng quận, huyện có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và hoàn thiện các phần mềm tiện ích phục vụ quản lý dịch tễ; Kiểm tra việc cập nhật số liệu thống kê đàn gia súc tại các Trạm thú y quận, huyện.

- Tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với tổ chức CEVEO, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bò sữa cho CBTY nhằm hỗ trợ cho phong trào chăn nuôi bò sữa tại các huyện ngoại thành. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa đảm bảo yêu cầu vệ sinh tại Huyện Củ Chi và Hóc Môn. Tuyên truyền các biện pháp vệ sinh trong khai thác sữa, chuyển giao kỹ thuật kiểm tra xác định bò sữa bị viêm vú cho các hộ chăn nuôi.

- Tiếp tục xây dựng và kiến nghị Cục thú y công nhận các CSCN an toàn dịch năm 2009 gồm 13 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch đối với bệnh LMLM và Dịch tã; 8 cơ sở chăn nuôi heo an toàn với bệnh PRRS, Brucellosis, Leptospirosis; 5 cơ sở chăn nuôi bò an toàn dịch đối với bệnh LMLM và 5 phường xã an toàn đối với bệnh dại.Thực hiện quãng bá xây dựng thương hiệu cho các cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh, hỗ trợ các cơ sở áp dụng quy trình chăn nuôi heo an toàn từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho từng cơ sở, từ đó thúc đẩy người chăn nuôi tích cực tham gia xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.  

(CHI CỤC THÚ Y THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)


Số lượt người xem: 14519    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm