SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
7
5
0
5
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16 Tháng Sáu 2011 1:55:00 CH

Quy định Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015

Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Mục đích khuyến khích

Việc ban hành Quy định này nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị, phát triển hiệu quả và bền vững; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, bao gồm: phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển ngành nghề nông thôn; trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp; diêm nghiệp, sơ chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp;

2. Thời gian thực hiện: từ ngày ban hành Quy định này, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015.

3. Thời gian hưởng chính sách được áp dụng từ ngày phương án đầu tư được tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án đầu tư) đến hết ngày thực hiện phương án. Trong thời gian 03 tháng, nếu chủ đầu tư của các phương án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không thực hiện đầu tư thì không được hỗ trợ lãi vay theo quy định này.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (sau đây gọi là các Tổ chức, Cá nhân) trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án, đề án, dự án (sau đây gọi tắt là Phương án) đầu tư phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thành phố.

2. Các Tổ chức, Cá nhân ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có phương án tổ chức sơ chế sản phẩm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích của Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố.

3. Các Tổ chức, Cá nhân đầu tư sản xuất giống phù hợp với mục tiêu             của chương trình giống cây, con chất lượng cao của thành phố.

4. Các Tổ chức, Cá nhân đã được hưởng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ lãi vay khác không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ:

Trong quy định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngành nghề nông thôn”: sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn, gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ ở nông thôn; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn.

2.      “Nông nghiệp kỹ thuật cao”, gồm: ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; công nghệ sản xuất cây giống; kỹ thuật canh tác cây trồng; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất vật liệu mới ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp (áp dụng theo Tiêu chí công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp áp dụng cho các nhà đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố).

3.      “Sản xuất nông nghiệp tốt”: sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

4.      “Lãi suất vay vốn thực tế”: mức lãi suất hỗ trợ cho các phương án đầu tư trong Quy định này được tính theo lãi suất thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

 

Chương II

   NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

 

Điều 5. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo đồng ruộng; cơ sở bảo quản, sơ chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn

Các Tổ chức, Cá nhân vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển ngành nghề nông thôn, gồm: cải tạo đồng ruộng, xây dựng và nâng cấp bờ bao nội đồng, hệ thống tưới tiêu, đào ao, cải tạo ao, đầu tư chuồng trại, xây dựng hầm biogas, nhà lưới, nhà kính, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm và có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trên địa bàn thành phố.

Đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất, bao gồm: các loại máy móc, thiết bị cơ khí, xe cơ giới, xe tải, bạt nhựa sản xuất muối và dây chuyền thiết bị trong các lĩnh vực phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm và ngành nghề nông thôn. Đối với các tổ hợp hay hệ thống máy móc, thiết bị liên hoàn có liên quan với nhau mới hoạt động được, việc xét hỗ trợ sẽ tính chung cho toàn hệ thống.

1. Mức vay được hỗ trợ lãi vay: theo quy mô đầu tư của Phương án.

2. Mức hỗ trợ lãi vay:

a) Các Tổ chức, Cá nhân khi vay vốn từ tổ chức tín dụng được hỗ trợ 100% lãi suất vay thực tế.

b) Hộ nghèo vay từ Quỹ giảm nghèo - tăng hộ khá được ngân sách thành phố hỗ trợ 4%/năm.

c) Tổ hợp tác, Hợp tác xã nếu vay từ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã
áp dụng theo Quyết định số 3749/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án Xây dựng và
phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

3. Thời hạn được ngân sách hỗ trợ lãi vay: theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 05 (năm) năm trên một
Phương án.

4. Phương thức thanh toán vốn và lãi vay: 

a) Các tổ chức tín dụng và chủ phương án tự thỏa thuận lịch giải ngân và trả nợ vốn vay, lãi vay, hình thức đảm bảo tiền vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng Tổ chức, Cá nhân xin vay và quy định của tổ chức tín dụng.

b) Việc chuyển trả phần lãi suất hỗ trợ được hiện theo Điều 10, 11
Chương III của quy định này.

5. Điều kiện hỗ trợ: các loại máy móc, thiết bị cơ khí và dây chuyền thiết bị do các Tổ chức, Cá nhân (có cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam) sản xuất và lắp ráp; có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Điều 6. Đầu tư phát triển sản xuất; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển ngành nghề nông thôn; sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được cấp giấy chứng nhận

Các Tổ chức, Cá nhân vay vốn sản xuất bao gồm: mua giống, vật tư, phân bón, thức ăn, thuốc, nhiên liệu, trả công lao động để sản xuất nông nghiệp hoặc mua nguyên nhiên vật liệu sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được cấp giấy chứng nhận được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay như sau:

1.         Mức cho vay được hỗ trợ lãi vay: theo quy mô đầu tư của Phương án.

2.        Mức hỗ trợ lãi vay:

a) Đầu tư phát triển sản xuất; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mua nguyên nhiên vật liệu sản xuất phát triển các ngành nghề nông thôn:

- Đối với các Tổ chức, Cá nhân vay từ các tổ chức tín dụng được ngân sách Thành phố hỗ trợ 60% lãi suất vay thực tế.

- Đối với những hộ thuộc diện giảm nghèo nếu vay vốn của các tổ chức tín dụng được hỗ trợ 100% lãi suất vay thực tế. Nếu vay từ Quỹ giảm nghèo - tăng hộ khá được ngân sách thành phố hỗ trợ 4%/năm.

- Tổ hợp tác, Hợp tác xã nếu vay từ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thì
áp dụng theo Quyết định số 3749/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

b) Sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được cấp giấy chứng nhận:

- Đối với các Tổ chức, Cá nhân vay từ các tổ chức tín dụng, được ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay thực tế.

- Tổ hợp tác, Hợp tác xã nếu vay từ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thì
áp dụng theo Quyết định số 3749/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

3. Thời hạn được ngân sách hỗ trợ lãi vay:

a) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất dưới 12 tháng: thời hạn hỗ trợ lãi vay không quá 12 tháng trên một Phương án.

b) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất từ 12 tháng trở lên: thời hạn hỗ trợ lãi vay theo chu kỳ sản xuất nhưng không vượt quá 03 (ba) năm trên một Phương án.

c) Đối với các đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất, nhưng tối đa không quá 3 (ba) năm trên một Phương án.

d) Đối với sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn: thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng trên một  Phương án.

4. Phương thức thanh toán lãi và vốn vay:

a) Các tổ chức tín dụng và chủ phương án tự thỏa thuận lịch giải ngân và trả nợ vốn, lãi vay, hình thức đảm bảo tiền vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng Tổ chức, Cá nhân xin vay và quy định của tổ chức tín dụng.

b) Việc chuyển trả phần lãi suất hỗ trợ được hiện theo Điều 10, 11
Chương III của Quy định này.

Điều 7. Đầu tư sản xuất giống:

1. Ngân sách thành phố ưu tiên đầu tư cho sản xuất giống phù hợp với Chương trình giống cây, con chất lượng cao của Thành phố.

a) Các chương trình, dự án nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống.

b) Công nghệ sản xuất giống cây, con, đảm bảo chất lượng và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị.

c) Xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông trình diễn và chuyển giao kỹ thuật về công nghệ sản xuất và chế biến giống, tiếp cận công nghệ sản xuất giống, thay đổi tập quán sử dụng giống từ giống OP sang giống F1.

d) Tư vấn thiết kế, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, chứng nhận thương hiệu giống cây, con.

e) Mua giống ông bà, bố mẹ để phục vụ công tác sản xuất giống.

2. Hỗ trợ lãi vay vốn đầu tư: Các Tổ chức, Cá nhân đầu tư phát triển sản xuất giống, có phương án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay.

a) Mức vay được hỗ trợ lãi vay: tùy thuộc vào quy mô đầu tư của Phương án.

b) Mức hỗ trợ lãi vay:

-  Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay thực tế.

- Tổ hợp tác, Hợp tác xã nếu vay từ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thì
áp dụng theo Quyết định số 3749/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

c) Thời hạn hỗ trợ lãi vay: với nguồn vốn đầu tư làm vốn cố định không vượt quá 05 (năm) năm trên một phương án; với nguồn vốn đầu tư làm vốn lưu động thời gian hỗ trợ được tính theo chu kỳ sản xuất.

d) Nguồn vốn vay: Từ nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

e) Phương thức thanh toán vốn và lãi vay:

- Các tổ chức tín dụng và chủ các Phương án tự thỏa thuận lịch giải ngân, trả nợ vốn, lãi vay, hình thức đảm bảo tiền vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng Tổ chức, Cá nhân xin vay và quy định của tổ chức tín dụng.

- Việc chuyển trả phần lãi suất hỗ trợ được thực hiện theo Điều 10, 11 Chương III của Quy định này.

 

Chương III

QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT

 

Điều 8. Tổ chức và thẩm quyền xét duyệt

1. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ vay vốn theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị cấp thành phố; Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ vay vốn theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị cấp quận - huyện.

a) Thành phần Hội đồng thẩm định cấp thành phố, gồm đại diện: Phòng Công nông nghiệp/Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân các quận - huyện; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Thành đoàn thành phố; Ban Chỉ đạo Giảm nghèo - Tăng hộ khá thành phố.

b) Thành phần Hội đồng thẩm định quận - huyện, gồm đại diện: Ủy ban nhân dân quận - huyện; Ủy ban nhân dân xã - phường; Phòng Kinh tế; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Đoàn Thanh niên; Ban Chỉ đạo giảm nghèo tăng hộ khá; Ngân hàng Chi chánh tại các quận - huyện có thực hiện cho vay vốn theo Chính sách.

c) Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định các cấp: thẩm định nội dung của các Phương án đầu tư vay vốn theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và trình Ủy ban nhân dân các cấp ra quyết định phê duyệt phương án được hưởng hỗ trợ lãi vay theo chính sách đối với các phương án đủ điều kiện, gồm: nội dung đầu tư (cơ cấu cây trồng, vật nuôi) có phù hợp với Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên từng địa bàn cụ thể; tính khả thi của phương án và các quy định khác tại Quy định này.

2. Thẩm quyền xét duyệt:

a)      Các tổ chức tín dụng (kể cả Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã, Quỹ giảm nghèo - tăng hộ khá) và Hội đồng thẩm định quận - huyện có trách nhiệm thẩm định Phương án, xác định nhu cầu vay vốn của các Tổ chức, Cá nhân phù hợp với quy hoạch và chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đối với các hạng mục quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định này.

b)      Đối với các Phương án do các Tổ chức, Cá nhân xin vay vốn để đầu tư đối với các hạng được quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy định này, được tổ chức tín dụng xác nhận đủ điều kiện vay vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thông qua Thường trực Hội đồng thẩm định vay vốn Thành phố thẩm định để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 9. Quy trình vay vốn

1. Đối với các Tổ chức, Cá nhân có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay để đầu tư sản xuất nông, lâm, diêm, ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn các hạng mục ở Điều 5; Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quy định này và có tổng vốn vay dưới 5 tỷ đồng thực hiện theo các bước:

a) Các hộ gia đình, cá nhân vay vốn dưới 100 triệu đồng, đăng ký với
Ủy ban nhân dân xã - phường để tổng hợp xác nhận địa điểm đầu tư; gửi về Hội đồng thẩm định quận - huyện (Phòng Kinh tế quận - huyện) thẩm định, trình Ủy ban nhân dân quận - huyện ra quyết định phê duyệt đối với các Phương án đủ điều kiện.

b) Các Tổ chức, Cá nhân vay vốn trên 100 triệu đồng, tự xây dựng phương án gửi về Ủy ban nhân dân xã - phường để xác nhận địa điểm đầu tư; gửi về Hội đồng thẩm định quận - huyện (Phòng Kinh tế quận - huyện) thẩm định, trình Ủy ban nhân dân quận - huyện ra quyết định phê duyệt đối với các Phương án đủ điều kiện.

c) Giao cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ ở mỗi bước.

2. Đối với các Tổ chức, Cá nhân có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay để đầu tư sản xuất nông, lâm, diêm, ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn các hạng mục ở Điều 5 có tổng vốn vay trên 5 tỷ đồng; điểm b khoản 2 Điều 6 và Điều 7 Quy định này thực hiện theo các bước:

Các Tổ chức, Cá nhân tự xây dựng Phương án, gửi về Ủy ban nhân dân xã để xác nhận địa điểm đầu tư; sau đó chủ đầu tư gửi Phương án về Hội đồng thẩm định quận - huyện (Phòng Kinh tế quận - huyện) để xem xét, đề xuất trình Hội đồng thẩm định cấp thành phố, thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

3. Hộ nghèo vay từ Quỹ Giảm nghèo - Tăng hộ khá: Ban Giảm nghèo - Tăng hộ khá cấp xã thực hiện theo quy trình cho vay của nguồn Quỹ này. Đồng thời lập danh sách gửi về Ban Chỉ đạo giảm nghèo - Tăng hộ khá của quận - huyện giúp xây dựng Phương án chung trình Hội đồng thẩm định quận - huyện thẩm định và Ủy ban nhân dân quận - huyện ra quyết định phê duyệt đối với các Phương án đủ điều kiện vay.

Điều 10. Hồ sơ cấp bù lãi vay:

1.      Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt:

Căn cứ theo phương thức hoàn trả lãi vay của phương án và thỏa thuận với tổ chức tín dụng, Phòng Kinh tế của các quận - huyện gửi hồ sơ cấp phát kinh phí hỗ trợ lãi vay của các phương án cho Phòng Tài chính - Kế hoạch của quận - huyện, bao gồm:

-     Danh sách các Tổ chức, Cá nhân vay tiền của tổ chức tín dụng được hỗ trợ lãi vay theo quyết định phê duyệt của quận - huyện có ý kiến xác nhận của tổ chức tín dụng.

-     Phiếu tính lãi vay theo khế ước nhận nợ do các tổ chức tín dụng tại thời điểm hỗ trợ lãi vay phát hành (bản photocopy) và căn cứ trên tài khoản vay.

2.      Đối với các Phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt:

a) Sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Phương án, chủ phương án gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước thành phố, gồm có:

-        Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt phương án;

-        Bản sao (có thị thực) Hợp đồng tín dụng đã ký với các tổ chức tín dụng;

-        Bảng kê chi phí và phiếu tính lãi vay kèm khế ước nhận nợ do các tổ chức tín dụng tại thời điểm hỗ trợ lãi vay phát hành (bản photocopy) - với các khoản vay thuộc hạng mục chi phí đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi vay;

-        Công văn (hoặc giấy đề nghị cấp phát lãi vay theo mẫu) có xác nhận của tổ chức tín dụng cho vay: về thời gian hỗ trợ lãi vay, số dư nợ thực tế và tổng số tiền hỗ trợ lãi vay.

c) Căn cứ trên hồ sơ của chủ phương án, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp và ra quyết định phân khai nguồn vốn hỗ trợ lãi vay. Trên cơ sở quyết định phân khai nguồn vốn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Thành phố thực hiện chuyển trả lãi vay cho chủ phương án theo quy định.

Điều 11. Thẩm quyền thanh toán lãi vay

1. Các Tổ chức, Cá nhân và tổ chức tín dụng tự thỏa thuận về thời gian giải ngân, phân kỳ trả nợ gốc, lãi vay.

2. Đối với các phương án do các tổ chức, cá nhân xin vay vốn để
đầu tư các hạng mục ở Điều 5; Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quy định này và có tổng vốn vay dưới 5 tỷ đồng
, ngân sách sẽ chuyển trả phần hỗ trợ lãi vay cho tổ chức cho vay định kỳ theo thỏa thuận giữa quận - huyện cho tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng chỉ thu phần chênh lệch còn lại ngoài phần hỗ trợ lãi suất từ ngân sách.

3. Đối với các phương án do các Tổ chức, Cá nhân xin vay vốn để đầu tư các hạng mục ở Điều 5 có tổng vốn vay trên 5 tỷ đồng; Điểm b Khoản 2 Điều 6 và Điều 7 Quy định này , việc chuyển trả tiền hỗ trợ lãi vay do Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện cấp phát kinh phí cho chủ phương án theo quy định.

4. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm tổng hợp kinh phí hỗ trợ lãi vay gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân khai nguồn vốn hỗ trợ lãi vay cho các quận - huyện.

5. Căn cứ kế hoạch hàng năm và báo cáo tiến độ thực hiện hỗ trợ lãi vay các Phương án, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ lãi vay theo định kỳ.

Điều 12. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện có sản xuất nông nghiệp

1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn xác nhận đối tượng được vay vốn theo Quyết định này.

2. Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các Tổ chức, Cá nhân đăng ký, tập huấn và lập phương án vay vốn, hỗ trợ theo chính sách.

3. Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ lãi vay theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị (kể cả các hạng mục đầu tư do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt), gửi các Sở, ngành có liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu hàng năm.

 4. Căn cứ kế hoạch phân khai kinh phí hỗ trợ lãi vay hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân quận - huyện có kế hoạch dự toán rút kinh phí tại Kho bạc quận - huyện theo định kỳ để chuyển trả hỗ trợ lãi vay cho tổ chức tín dụng.

5. Các quận - huyện có trách nhiệm gửi các phương án đã được Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt về bộ phận thường trực - Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, báo cáo. Hàng quý, 6 tháng, năm các quận - huyện phải tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện triển khai Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

6. Theo dõi tình hình sản xuất của các Tổ chức, Cá nhân đã phê duyệt Phương án; phối hợp với các tổ chức tín dụng kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của các tổ chức, cá nhân đúng mục đích. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ
và Ủy ban nhân dân các phường - xã kiểm tra, phù hợp với định hướng
phát triển lâu dài trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ra văn bản điều chỉnh bổ sung sửa đổi vào hạng mục được hưởng
hỗ trợ lãi vay.

7. Phòng Kinh tế quận - huyện có trách nhiệm xây dựng dự toán và sử dụng kinh phí Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc thực hiện Chính sách và trình Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt áp dụng theo Công văn số 7113/UB-TM ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các Thành viên, Ban chỉ đạo, Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc.

Điều 13. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành thành phố

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Sở, ban, ngành đoàn thể phổ biến, tuyên truyền nội dung về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị cho các Tổ chức, cá nhân. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

- Hướng dẫn các Tổ chức, Cá nhân về tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.

- Hàng năm có trách nhiệm xem xét và ra văn bản điều chỉnh bổ sung quy định về danh mục lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và địa bàn ưu tiên được hưởng Chính sách.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn vay, tham mưu xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích đối với các Phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

-  Xây dựng dự toán và sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc thực hiện Chính sách và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm. Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các thành viên các Sở, ngành và Tổ giúp việc của thành phố áp dụng theo Công văn số 7113/UB-TM ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các Thành viên, Ban chỉ đạo, Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc. Giao Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Căn cứ vào kế hoạch và tổng kinh phí hỗ trợ lãi vay chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Ủy ban nhân dân các quận - huyện gửi về, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao kế hoạch chỉ tiêu cấp bù lãi vay.

- Cân đối đủ kinh phí hỗ trợ theo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm để thực hiện Chính sách.

- Phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các quận - huyện.

3. Giao Sở Tài chính:

- Hướng dẫn các Phòng, ban quận - huyện về thủ tục chuyển trả tiền hỗ trợ lãi vay cho các Tổ chức, Cá nhân thông qua các tổ chức tín dụng.

- Phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các quận - huyện.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:

- Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

- Hàng tháng có văn bản thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các quận, huyện về mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng (loại lãi trả sau) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (theo Khoản 4, Điều 4 của
Quy định này).

5. Kho bạc Nhà nước thành phố:

- Hướng dẫn và thực hiện việc chuyển trả phần kinh phí hỗ trợ lãi vay cho các Phương án theo quy định.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình chuyển trả lãi vay thực hiện theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

6. Các tổ chức tín dụng (kể cả Quỹ giảm nghèo - tăng hộ khá; Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã):

- Phối hợp với Hội đồng thẩm định quận - huyện thẩm định các Phương án vay vốn của các Tổ chức, Cá nhân thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

- Tự chịu trách nhiệm về việc xét duyệt, quyết định cho vay và lập thủ tục cho vay trực tiếp đối với các Tổ chức, Cá nhân do Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt theo quy định và có trách nhiệm giải ngân vốn vay trong vòng 3 tháng kể từ ngày phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14. Các Tổ chức, Cá nhân thực hiện vay vốn được hỗ trợ lãi vay của chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị

- Thực hiện đăng ký hoặc xây dựng Phương án vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo đúng quy định.

- Sử dụng vốn vay đúng mục đích theo các Phương án do các cấp thẩm quyền đã phê duyệt.

- Thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc; lãi vay cho các tổ chức tín dụng theo đúng quy định.

Điều 15. Kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các Tổ chức, Cá nhân theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

2. Định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện tại các quận - huyện.

3. Xử lý các Tổ chức, Cá nhân sử dụng vốn vay không đúng mục đích như sau: Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm ra quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ lãi vay đối với trường hợp do Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt phương án, tham mưu đề xuất Hội đồng thẩm định cấp Thành phố đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

 Các Tổ chức, Cá nhân đã vi phạm sử dụng vốn vay không đúng mục đích sẽ không được tiếp tục xem xét giải quyết hỗ trợ lãi vay cho các Phương án khác theo Quy định này.

4. Trường hợp thực hiện Phương án sản xuất kéo dài, không phải do
thiên tai, bệnh dịch, ngân sách thành phố sẽ không xem xét để tiếp tục hỗ trợ lãi vay, chủ phương án vay vốn tự chịu trách nhiệm thanh toán phần lãi do
nợ quá hạn.

5. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do các nguyên nhân
khách quan (thiên tai, dịch bệnh), việc thực hiện xử lý rủi ro áp dụng theo
các quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010
của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành, đoàn thể liên quan,
Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức hướng dẫn kiểm tra thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có sự không phù hợp với thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp thông qua Hội đồng thẩm định Thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 


Số lượt người xem: 7779    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm