SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
7
9
3
9
6
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 24 Tháng Tám 2018 3:30:00 CH

Kết quả 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 hướng dẫn của Trung ương. Thành phố đã ban hành 447 văn bản chỉ đạo, điều hành, bao gồm: xây dựng khung pháp lý; kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; đẩy mạnh Phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo; điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tạo động lực khuyến khích nhiều đối tượng (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, tổ chức tín dụng...) tham gia đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua 2 năm triển khai (2016 – 2017), thành phố đã huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình với tổng kinh phí trên 12.427 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng trên 10.733 tỷ đồng, chiếm trên 86,3%. Có 2.254 hộ dân hiến đất, với trên 661.000 m2 (66,1 ha) để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội. Đầu tư thực hiện 1.384 công trình từ nguồn vốn ngân sách thành phố và nguồn huy động chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao thông 87 công trình, thủy lợi 31 công trình, trường học 29 công trình, cơ sở vật chất văn hóa 25 công trình, chợ 2 công trình, thông tin và truyền thông (bưu điện) 1 công trìnhhỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà tình thương, nhà tình nghĩa 1.209 công trình.

Thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã đến cuối năm năm 2017 là 49,18 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8% so với năm 2014 (39,72 triệu đồng). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn – thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,8 lần so với nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2016 là 1,39 lần.

Chương trình đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. GRDP ngành nông lâm ngư nghiệp thành phố năm 2017 tăng 6,3% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác năm 2017 đạt 450 triệu đồng, tăng 2,85% lần so với năm 2010 (158 triệu đồng), tăng 1,2 lần so với 2015 (375 triệu đồng). Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, phê duyệt 1.723 quyết định, cho 4.152 hộ được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 3.045,37 tỷ đồng; tổng vốn vay có hỗ trợ lãi vay 1887,13 tỷ đồng; tổng kinh phí hỗ trợ lãi vay 120,8 tỷ đồng.Với 1 đồng “vốn mồi” từ ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 23 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ ngân hàng là 14 đồng, huy động trong dân là 9 đồng) được xem là giải pháp quan trọng khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng thu nhập, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tại 56 xã xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn nâng chất, đến nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đặc thù của thành phố 10/19 tiêu chí và theo bộ tiêu chí của Trung ương mỗi xã đạt bình quân 12/19 tiêu chí. Số tiêu chí huyện nông thôn mới đạt bình quân mỗi huyện là 3/9 tiêu chí.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước thay đổi khá rõ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đặc biệt các cơ chế, chính sách đã giúp hộ dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, tăng thu nhập, giảm dần khoảng cách giàu nghèo, hưởng thụ các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội giữa đô thị và nông thôn.

 

 

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 43284    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm