Được sự thống nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01/1998-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, ngày 18/03/2009, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã ra quyết định số 62/QĐ-KTBVNL về việc tổ chức phối hợp kiểm tra liên tỉnh năm 2009 tại địa bàn các tỉnh, thành Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu. thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, BếnTre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, nhằm mục đích huy động lực lực lượng kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thuỷ sản; tăng cường công tác quản lý tàu cá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các vùng biển giáp ranh; đồng thời, thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nói chung và việc thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tường Chính phủ nói riêng. Ngày 12/02/2009, Thanh tra Thủy sản và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 10 tỉnh, thành phố nói trên đã họp tại Bến Tre và thống nhất kế hoạch thực hiện đợt phối hợp kiểm tra liên tỉnh ven biển Nam bộ năm 2009 về việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg và kiểm tra việc thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào tháng 04/2009.
Địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh có một số đặc điểm địa hình chung đều là những khu vực có nhiều sông rạch chằng chịt, có rừng ngập mặn và các cửa sông tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh trưởng và phát triển. Mặt khác, các địa phương trên có vùng biển nối liền, tàu cá của các địa phương cùng khai thác chung thủy vực, trong đó chủ yếu là các tàu cá có công suất nhỏ khai thác ven bờ; phạm vi hoạt động của các tàu cá hầu như không có sự phân biệt địa giới giữa các tỉnh, thành phố; các đối tượng hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực này đa số là dân nghèo, trình độ dân trí thấp nên ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi còn rất hạn chế.
Trong thời gian qua, mặc dù Thanh tra thủy sản cũng như các lực lượng chức năng các tỉnh, thành thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước, cũng như của ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, về công tác quản lý tàu cá trên địa bàn, tuy nhiên tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, tình trạng tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, hoạt động sai tuyến, sử dụng xung điện, chất nổ và các nghề bị cấm để khai thác thuỷ sản còn diễn ra khá phổ biến.
Kết quả thực hiện như sau:
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 12/4/2009 đến ngày 17/4/2009.
- Địa bàn kiểm tra: gồm 10 tỉnh, thành: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
- Phương tiện tham gia gồm 14 tàu kiểm ngư và các ca nô hỗ trợ. Nhân sự tham gia kiểm tra gồm 70 người, là Thanh tra viên, Kiểm soát viên, Thuyền trưởng và thuyền viên các tàu Kiểm ngư và Đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Đoàn phối hợp kiểm tra liên tỉnh còn có sự tham gia của các lực lượng: Bộ đội biên phòng; Bộ đội; Công An các tỉnh, thành phố; các phóng viên báo chí, Đài Phát thanh truyền hình được mời đến ghi hình và đưa tin về hoạt động của đoàn.
Kết quả kiểm tra được ghi nhận như sau:
- Tổng số phương tiện kiểm tra: 900 phương tiện. Đã phát hiện có 212 phương tiện với 229 trường hợp vi phạm, bao gồm: 16 trường hợp vi phạm sử dụng xung điện, 116 trường hợp vi phạm về giấy phép khai thác, 02 trường hợp vi phạm về tàu thiếu trang thiết bị an toàn, 06 trường hợp vi phạm về tàu trễ hạn đăng kiểm, 02 trường hợp vi phạm về việc sử dụng ánh sáng khai thác thuỷ sản, 14 trường hợp vi phạm về cào tại tuyến bờ và vùng cấm, 17 trường hợp vi phạm về bảo hiểm thuyền viên, 17 trường hợp vi phạm về sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng, 32 trường hợp vi phạm về sử dụng cào bay, 09 trường hợp vi phạm về sử dụng mặt lưới nhỏ hơn quy định, 13 trường hợp vi phạm về khai thác thuỷ sản nhỏ hơn kích thước cho phép, 01 trường hợp vi phạm về sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản.
Đoàn đã lập các biên bản vi phạm hành chính và trực tiếp xử lý theo thẩm quyền. Xử phạt hành chính 150 triệu đồng. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra kiểm soát trên biển, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và bắt giữ 01 tàu cá của tỉnh Bình Thuận không có số đăng ký sử dụng thuốc nổ để khai thác thuỷ sản, tịch thu 15 kg thuốc nổ. Đã chuyển giao người, phương tiện, tang vật vi phạm cho cơ quan Công an để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong khi hành trình trên biển, tàu Kiểm ngư Côn Đảo đã tham gia tổ chức cứu hộ một phương tiện xà lan của Singapore bị tai nạn (cháy). Đã đưa được phương tiện về Côn Đảo an toàn.
Nhìn chung, công tác phối hợp kiểm tra liên tỉnh đã biểu dương và tập trung được sức mạnh của lực lượng thanh tra thủy sản trong khu vực. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương, đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát của các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và Thanh tra thủy sản các tỉnh, thành phố có dịp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thống nhất các biện pháp, trình tự, thủ tục xử lý các vi phạm hành chính về thủy sản trong khu vực. Mối quan hệ giữa Lực lượng Thanh tra thủy sản và các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các ngành, các cấp như Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền tại các địa phương và cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình… ngày càng được thắt chặt, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị số 01/1998/TTg, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ngày thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm trong công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Tuy đã qua 8 năm thực hiện phối hợp kiểm tra liên tỉnh, nhưng đây là lần đầu tiên công tác phối hợp được triển khai trên biển. Các thành viên của Đoàn đã nghiêm chỉnh thực hiện các quy định đề ra, đã thể hiện tính kỷ luật cao, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của cấp chỉ huy trong khi thực hiện nhiệm vụ, không quản ngại khó khăn về thời tiết, điều kiện sinh hoạt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do Đoàn kiểm tra hoạt động trên biển với điều kiện khắc nghiệt và có nhiều rủi ro nên việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trong toàn bộ hành trình là một trong những thành công lớn nhất của Đoàn.
Các đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, đều biết rằng sử dụng kích điện là vi phạm pháp luật, nhưng do quá nghèo, chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp; ý thức chấp hành pháp luật kém, nên vẫn cố tình sử dụng các công cụ cấm để khai thác thuỷ sản. Tình trạng sử dụng kích điện và lưới có kích thước mắc lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thuỷ sản còn khá phổ biến ở các tỉnh nội đồng, do ở các tỉnh này, việc trang bị phương tiện và nhân lực phục vụ cho hoạt động thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thủy sản hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
TVM