Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thành phố nói riêng và cả nước nói chung, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố với nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ và huy động tiềm lực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố. Năm 2007, đã tổ chức tổng kết 5 năm tình hình phát triển kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn ngoại thành theo chương trình hành động của Thành ủy và tinh thần Nghị quyết số 13 Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể”. Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đến năm 2010 (theo Chỉ thị 20/CT-TW ngày 2/1/2008 của Ban bí thư TW Đảng). Đến nay, thành phố có 46 HTX và 225 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ngoại thành. Các loại hình hợp tác khác của nông dân vẫn tiếp tục phát triển như câu lạc bộ khuyến nông-VAC (120 câu lạc bộ), câu lạc bộ chăn nuôi bò sữa, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các hội, chi hội ngành nghề như trồng hoa, cây kiểng, nuôi thủy sản … Câu lạc bộ làm vườn và trang trại thành phố đã được thành lập trên 20 năm, huy động vốn và nhiều nghệ nhân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nhiều trang trại trên địa bàn thành phố và mở rộng liên doanh liên kết ra địa bàn nhiều tỉnh.
Các sở ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ nên hợp tác kinh tế của tư nhân, nông dân được củng cố, nâng cao hiệu quả và có bước phát triển khá. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn ngoại thành vẫn còn nhiều hạn chế: qui mô nhỏ, năng lực và nội lực các tổ chức HTX, tổ hợp tác còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp, chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước do không có tài sản thế chấp, vốn góp của xã viên rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Từ năm 2002, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho các hộ nông dân phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (Văn bản số 419/UBND-CNN ngày 5/2/2002). Nông dân thuộc diện chương trình xoá đói giảm nghèo được ngân sách hỗ trợ lãi suất ở mức 7%/năm trên số dự nợ gốc, phần còn lại nông dân tự trả; nếu vay từ quỹ xoá đói giảm nghèo/TP được hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Các hộ nông dân khác: ngân sách hỗ trợ lãi suất ở mức 4%/năm trên số dư nợ gốc, phần chênh lệch lãi suất ngân hàng còn lại nông dân tự trả. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có Quyết định số 56/2003/QĐ-UB ngày 25/4/2003 ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố. Ngày 17/7/2006 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND và điều chỉnh theo Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 với một số nội dung chủ yếu như sau:
Lũy tiến từ khi thực hiện Chương trình: từ 27/7/2006 đến ngày 15/6/2009, tổng số phương án được phê duyệt là 1.000 phương án (trong đó, huyện Nhà Bè: 426 phương án, Cần Giờ: 67 phương án, Bình Chánh: 18 phương án, Củ Chi: 316 phương án, quận 12: 20 phương án, Hóc Môn: 105 phương án, quận 2: 08 phương án, quận Bình Tân: 05 phương án, quận 9: 10 phương án và Quận Thủ Đức: 25 phương án). Tổng số hộ vay là 11.106 hộ, tổng vốn đầu tư là 1.573,1 tỉ đồng, vốn vay được hỗ trợ lãi suất 938,8 tỉ đồng. Trong đó, có 288 phương án thuộc diện xóa đói giảm nghèo với 1.890 hộ, tổng vốn đầu tư là 23,7 tỉ đồng; tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 13,6 tỉ đồng.
Hội đồng nhân dân thành phố đã có Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND ngày 05/7/2007 về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; trong 6 tháng đầu năm ước ngân sách cấp bù (do miễn thu thủy lợi phí) khoảng 5.000 triệu đồng/KH cả năm 6.900 triệu đồng; miễn thu quĩ phòng chống lụt bão, thiên tai.
Đến nay, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp được miễn thủy lợi phí, ngân sách đã cấp bù 10.914 triệu đồng (2007: 4.600 triệu đồng, 2008: 6.314 triệu đồng); kế hoạch 2009: 7.392 triệu đồng).
Các hộ dân còn được ngân sách hỗ trợ để thực hiện chương trình vệ sinh môi trường nông thôn: trong năm 2008, các hộ dân đã xây dựng 2.191 nhà vệ sinh, 643 hầm biogas, kinh phí ngân sách hỗ trợ đầu tư cho hộ nông dân 1.519,4 triệu đồng; hỗ trợ lãi vay: 0 (vốn ngân sách cho Hội Liên hiệp phụ nữ mượn cho hộ dân vay với lãi suất 0%).
Trong các năm qua, ngân sách thành phố đã chi kinh phí khá lớn để thực hiện công tác phòng chống và hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng; rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa; phòng chống dịch bệnh tôm sú, tiêm phòng miễn phí và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, chương trình thú y bò sữa; hỗ trợ duy trì đàn giống gốc gia súc …
Kinh tế tư nhân đã năng động và đạt nhiều thành quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Trong điều kiện giá cả vật tư đầu vào tăng cao, diễn biến bất lợi của thời tiết nhưng cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển đúng hướng. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục tăng như rau an toàn, hoa cây kiểng, đồng cỏ, thức ăn gia súc; sản lượng sữa bò, thịt heo hơi, sản lượng tôm nước lợ, cá cảnh, cá sấu ... Diện tích gieo trồng lúa giảm; diện tích và sản lượng rau an toàn, đậu phộng, hoa cây kiểng tăng khá. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, số lượng đàn bò sữa, cá sấu đạt mục tiêu kế hoạch 2006-20010. Sản lượng thủy sản giảm do bị ảnh hưởng của các yếu tố khách quan (sự cố tràn dầu, giá nhiên liệu tăng). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tiếp tục được duy trì và ở mức cao; bình quân giai đoạn 2006 - 2008 tăng 6,2%/năm, trong đó chăn nuôi tăng mạnh (12,4%/năm), trồng trọt tăng trưởng 5%/năm;
Kinh tế - xã hội ngoại thành tiếp tục phát triển nhanh, điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trình độ sản xuất, kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nông nghiệp và nông dân ngày càng được nâng cao. Hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường hỗ trợ các hoạt động của xã viên, phát triển thêm ngành nghề. Kinh tế tư nhân hoạt động trang trại phát triển nhanh về số lượng, qui mô và đang chuyển dịch, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Phong trào nông dân sản xuất giỏi ở ngoại thành ngày càng tăng về số lượng và hiệu quả; phát triển, năng động, nhất là trong lĩnh vực nuôi tôm, bò sữa, rau an toàn, hoa - cây cảnh - cá kiểng, cá sấu, sản xuất và dịch vụ giống cây, giống con, thủy sản; đã tổ chức hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, thành lập hiệp hội chuyên ngành, xây dựng thương hiệu đang phát triển. Thu nhập hộ nông dân tăng do giá trị sản xuất mỗi đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao; lao động nông nghiệp và khu vực nông thôn ngoại thành tiếp tục chuyển dịch nhanh sang các ngành phi nông nghiệp. Công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành, quản lý kinh tế tư nhân và nông dân được tăng cường chỉ đạo, với cơ chế, chính sách đổi mới, được nông dân ủng hộ đạt kết quả tốt. Nông dân, các hộ và cơ sở sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản có nguồn gốc động thực vật, thủy sản theo chủ trương của TW và thành phố. Các đơn vị chức năng của Sở đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng các loại nông thủy sản nhập vào thành phố; tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, đặc dụng; diễn tập phòng chống cháy rừng hàng năm; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh lâm sản và động vật hoang dã. Kinh tế tư nhân được thông tin, dự báo và được hướng dẫn thực hiện các giải pháp đối phó với diễn biến phức tạp của khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường. Các đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát giá vật tư, phân bón, sản phẩm nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ nông dân thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu để hỗ tăng cường sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Tuy vậy, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa thật bền vững, tiến độ thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm. Năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập của nông dân ngoại thành còn thấp so với bình quân chung toàn thành phố. Tuổi bình quân lao động nông nghiệp cao, trình độ sản xuất và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn rất hạn chế. Chưa có chính sách và giải pháp khả thi để khuyến khích lao động trẻ có trình độ văn hóa, chuyên môn ở lại nông thôn, trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tham gia quản lý, điều hành trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm. Giá nhiên liệu và các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi có lúc đột biến, tăng cao so cùng kỳ đã ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng vật nuôi của ngành nông nghiệp. Vấn đề hợp tác, liên kết của kinh tế tư nhân còn rất hạn chế; kinh tế tập thể ở nông thôn, trong lĩnh vực nông nghiệp qui mô nhỏ, chưa mở rộng được ngành nghề; hoạt động của các tổ hợp tác chỉ ở một số công việc, chưa thể hiện được vai trò đầu mối cung ứng các yếu tố đầu vào và đầu ra cho các thành viên. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là giao thông, thủy lợi các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, một số xã huyện Hóc Môn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngoại thành.
Để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh tế tư nhân tích cực tham gia, phối hợp thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thành uỷ và Ủy ban nhân dân thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xác định mục tiêu nhiệm vụ để phát triển kinh tế tư nhận trong nông nghiệp - nông thôn ngoại thành là xây dựng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần ngày được nâng lên, khoảng cách mức sống giữa nội thành và ngoại thành được kéo giảm, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tổ chức thực hiện các giải pháp để kinh tế tư nhân, nông dân chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó, tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển, cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm; kiên cố hóa kênh mương, các công trình phòng, chống ngập úng, ngăn mặn, triều cường; chủ động tưới tiêu để khai thác toàn bộ đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và làm muối./.
Phòng Kế hoạch Tài chính Sở
|