SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
9
4
2
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Mười 2008 11:05:00 SA

Một số kết quả thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại 3 xã điểm trên địa bàn huyện Hóc Môn

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn đã đạt một số kết quả tích cực, chuyển đổi được 237 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác, xây dựng được gần 100 mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, phê duyệt đề án vay vốn cho gần 1.000 hộ với tổng vốn vay là 20,2 tỉ đồng.

Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 ban hành Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010 và các quyết định số 147/2006/QĐ-UBND và 5478/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại 13 xã phường. Huyện Hóc Môn có 3 xã được chọn và phê duyệt đề án thí điểm là Xuân Thới Sơn, Nhị Bình và Thới Tam Thôn.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố, huyện Hóc Môn và các xã đã thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện kế hoạch và chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND. Theo báo cáo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hóc Môn (báo cáo số 65/BC-NN-PTNT ngày 15/10/2008), sau hơn hai năm triển khai thực hiện, tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn đã đạt một số kết quả tích cực, chuyển đổi được 237 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác, xây dựng được gần 100 mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, phê duyệt đề án vay vốn cho gần 1.000 hộ với tổng vốn vay là 20,2 tỉ đồng.

Xã Thới Tam Thôn với tổng diện tích tự nhiên là 894 ha, trong đó đất nông nghiệp là 566 ha, đất trồng lúa 284 ha (2005), từ năm 2006 đến nay có 65 hộ đã chuyển đổi được 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lan, cây kiểng, rau an toàn, cỏ chăn nuôi, đạt 16% kế hoạch (20/125 ha) giai đoạn 2006 - 2010. Xã Xuân Thới Sơn với tổng diện tích là 1.502 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.087 ha, đất trồng lúa: 416 ha, đã có 98 hộ nông dân chuyển đổi 34 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng hoa - cây kiểng, đồng cỏ, chăn nuôi bò, heo … Xã Nhị Bình có tổng diện tích 853 ha, đất nông nghiệp 607 ha, đất trồng lúa 94 ha, đã chuyển đổi 156 ha đất canh tác kém hiệu quả sang đối tượng khác hiệu quả cao hơn. Các đối tượng chuyển đổi sang chủ yếu là hoa kiểng (hoa lan), các loại rau, đồng cỏ chăn nuôi và cây ăn trái.

Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (chi nhánh huyện Hóc Môn) xây dựng và ban hành qui trình, thủ tục vay vốn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của UBND thành phố; định kỳ tổ chức họp giao ban với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các phòng ban và các xã, thị trấn để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chuyển đổi sản xuất, giải quyết vốn vay kịp thời cho nông dân. Từ năm 2006 đến nay, huyện Hóc Môn đã giải quyết cho gần 1.000 hộ được vay 20,2 tỉ đồng để chuyển đổi sản xuất trên địa bàn huyện, đồng thời đã hỗ trợ lãi vay cho 232 hộ với kinh phí trên 400 triệu đồng. Riêng 3 xã điểm có 99 hộ được vay với tổng số vốn vay 5,4 tỉ đồng, trong đó xã Thới Tam Thôn có 46 hộ vay 1,38 tỉ đồng, xã Nhị Bình có 43 hộ vay 2,5 tỉ đồng, xã Xuân Thới Sơn có 10 hộ vay 1,5 tỉ đồng, đã giải ngân trên 90% vốn vay.

Huyện Hóc Môn cũng đã quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã điểm. Tuy vậy, tiến độ xây dựng các công trình, dự án còn rất chậm, mặc dù Ủy ban nhân dân thành phố đã có chủ trương và chỉ đạo từ tháng 12/2007. Đến nay, Ban quản lý dự án huyện đang lập dự án đầu tư 42 công trình với tổng vốn trên 70 tỉ đồng, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ khởi công xây dựng 18 công trình. Các công trình phòng chống lụt bão, nạo vét kênh mương cũng được quan tâm đầu tư và kiên cố hóa hàng năm, phục vụ phòng, chống ngập vào các đợt triều cường, tình hình ngập úng tại khu vực xã Nhị Bình đã được cải thiện đáng kể.

Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành triển khai thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đem lại một số kết quả tích cực. Tuy vậy, phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Hóc Môn vẫn còn một số tồn tại cần sớm có giải pháp khắc phục để đảm bảo tiến độ và kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố, nhất là vấn đề thực hiện đề án xây dựng 3 xã điểm.

Đáng chú ý là diện tích đất canh tác tại 3 xã thực hiện đề án chuyển đổi hiện nay có 745/2044 ha bỏ hoang hóa, chiếm 36% diện tích dất nông nghiệp. Diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng các loại cây khác trong hơn 2 năm qua chỉ được 237 ha, bằng 31,8% diện tích đang bỏ hoang hóa. Tiến độ chuẩn bị thủ tục, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các xã điểm còn quá chậm. Từ ngày 08/12/2007, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản số 8566/UBND-CNN chấp thuận chủ trương đầu tư 213 công trình, dự án hạ tầng phục vụ 13 xã phường thực hiện đề án chuyển đổi thí điểm với trên 399 tỉ đồng, trong đó huyện Hóc Môn có 3 xã với 40 công trình, dự án vốn đầu tư trên 70 tỉ đồng. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện sử dụng vốn dầu tư phân cấp để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư (mỗi huyện dã được giao vốn phân cấp đợt 1/2008: 10 tỉ đồng/huyện). Đến tháng 10/2008, huyện Hóc Môn vẫn chưa khởi công xây dựng công trình, dự án nào. Vấn đề khó khăn khách quan khác là từ đầu năm 2008 đến nay, giá cả thị trường biến động và tăng mạnh, tuy từ tháng 9/2008 đến nay có giảm nhưng giá cả các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao (so với cùng kỳ năm 2007 tăng bình quân trên 30%, một số loại phân bón tăng 1,5 - 2 lần) nhưng giá nông sản tăng chậm, có loại không tăng (như sữa tươi ...) đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và vấn đề đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, vấn đề tăng lãi suất của các ngân hàng cũng dã tác động đáng kể đến việc vay vốn phục vụ chương trình chuyển đổi (do mức hỗ trợ lãi suất của thành phố theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND chậm điều chỉnh).

Đây là những vấn đề huyện Hóc Môn và các ngành, các cấp cần quan tâm nghiên cứu, có giải pháp khắc phục để thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, đặc biệt hoàn thành mục tiêu xây dựng 13 xã phường điểm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

 

 

(Phòng Kế hoạch Tài chính)
 


Số lượt người xem: 9186    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm