Để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố theo nghị quyết được Đảng bộ thành phố lần thứ VIII và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng Khoá IX về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010;
Năm 2006, theo đề xuất của Sở nông nghiệp và PTNT, Thành phố đã có chủ trương và ban hành Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 về chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (giai đoạn 2006-2010) với mục tiêu là giảm tối đa diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả cao, phát triển bền vững làm nền tảng cho việc nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập nông dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, gắn chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với việc hình thành phong trào thi đua sản xuất, xây dựng và định hình các vùng sản xuất giống cây, giống con, thủy đặc sản;
Thành phố cũng đã ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2010 (Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17/7/2006) nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển ngành nghề nông thôn bao gồm: cải tạo đồng ruộng, xây dựng và nâng cấp bờ bao nội đồng, hệ thống tưới tiêu, đào ao, cải tạo ao, đầu tư chuồng trại, nhà lưới, nhà kính, thiết bị phục vụ sản xuất được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay (cụ thể: vay vốn sản xuất: mua giống, vật tư, phân bón, thức ăn, thuốc, nhiên liệu, trả công lao động được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy định và đầu tư sản xuất giống).
Cơ chế chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân tích cực đón nhận và triển khai thực hiện theo các phương án, đề án, dự án đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, ngành nghề nông thôn, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức chế biến, đầu tư sản xuất giống cây, con chất lượng cao phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 – 2010. Cụ thể :
Từ đầu năm 2006 đến nay đã có 653 phương án được các quận huyện phê duyệt triển khai thực hiện với tổng số hộ vay là 9.178 hộ; tổng vốn đầu tư 1.085.391 triệu đồng; tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 643.085 triệu đồng; trong đó 194 phương án thuộc diện XĐGN, với 1.380 hộ; tổng vốn đầu tư là 16.482 triệu đồng; tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 9.468,7 triệu đồng (Theo số liệu của Chi cục PTNT tổng hợp quyết định phê duyệt đề án của các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi đến ngày 21/8/2008)
Năm 2006, tổng số phương án vay vốn được các quận huyện phê duyệt: 96 phương án, với 1.224 hộ vay 110.526,00 triệu đồng; số vốn vay được hỗ trợ lãi suất 69.794,00 triệu đồng (trong đó huyện Cần Giờ 48 phương án, Nhà Bè 44 phương án, Củ Chi 05 phương án, quận 12: 01 phương án)
Năm 2007, tổng số phương án vay vốn được các quận huyện phê duyệt: 393 phương án, với 5.383 hộ vay 608.947,09 triệu đồng; trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi suất 364.122,70 triệu đồng (trong đó huyện Nhà Bè có 150 phương án, huyện Củ Chi có 116 phương án; huyện Hóc Môn có 78 phương án; huyện Bình Chánh có 10 phương án; huyện Cần Giờ có 11 phương án; Quận Thủ Đức có 13 phương án; Quận 12: 09 phương án; Quận Bình Tân: 02 phương án; Quận 9: 04 phương án);
Trong 8 tháng đầu năm 2008, tổng số phương án vay vốn được các quận huyện phê duyệt là 129 phương án với 1.1951 hộ vay, tổng vốn đầu tư 270.718,85 triệu đồng; vốn vay được hỗ trợ lãi suất 156.650,00 triệu đồng (trong đó, có 60 phương án thuộc diện xoá đói giảm nghèo với 104 hộ, tổng vốn đầu tư là 2.146,0 triệu đồng; tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 1.557,00 triệu đồng; trong đó huyện Nhà Bè 28 phương án, huyện Cần Giờ 7 phương án, củ chi 16 phương án);
Việc triển khai chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua đã có một số tác động tích cực trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân:
Một là ngành nông nghiệp và PTNT thành phố đã tập trung chỉ đạo theo các chương trình mục tiêu cây con cụ thể. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tiếp tục được duy trì và ở mức cao, bình quân 2006 - 2007 tăng 5,7%/năm; năm 2006 tăng 5%/ năm; năm 2007 tăng 6,5%/năm, 8 tháng đầu năm 2008 tăng 8,5 %/năm so cùng kỳ 2007, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện đô thị hóa, đất nông nghiệp giảm. Các chương trình mục tiêu đạt kết quả tích cực như phát triển và nâng cao năng suất đàn bò sữa, rau an toàn, trồng hoa - cây kiểng, cá sấu, cá cảnh, nuôi tôm sú ...
Hai là trình độ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nông nghiệp và nông dân ngày càng được nâng cao; chương trình tập huấn, huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được quan tâm, tăng cường đầu tư và được nhiều nông dân ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã sử dụng giống mới, giống chất lượng cao: rau ăn quả trên 90%, vùng mía tập trung: 100%, đàn heo: 90% ... Trên 90% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống máng ăn, máng uống theo hướng tự động và bán tự động, hệ thống làm mát ...
Ba là hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường hỗ trợ các hoạt động của xã viên, phát triển thêm ngành nghề. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, qui mô và đang chuyển dịch, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Phong trào nông dân sản xuất giỏi ở ngoại thành ngày càng tăng về số lượng và hiệu quả. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh, năng động, nhất là trong lĩnh vực nuôi tôm sú, bò sữa, rau an toàn, hoa - cây cảnh - cá kiểng, ba ba, cá sấu, sản xuất và dịch vụ giống cây, giống con, thủy sản.
Bốn là vấn đề hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh, thành lập hiệp hội chuyên ngành, xây dựng thương hiệu tiếp tục phát triển phát triển; xu hướng lao động nông nghiệp và khu vực nông thôn ngoại thành tiếp tục chuyển dịch nhanh sang các ngành phi nông nghiệp.
Năm là việc thực hiện chủ trương miễn giảm thuế và một số phí, lệ phí (thủy lợi phí, thu quỹ phòng chống lụt bão, … ) và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ nông dân khác (ngân hàng chính sách xã hội, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố …) điều kiện sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của nông dân được thuận lợi hơn; ngày càng giảm số hộ nông dân nghèo, tăng số hộ có thu nhập cao, khá giả.
Tuy vậy, Việc triển khai chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua cũng còn một số tồn tại, vướng mắc cần được các cấp các ngành nghiên cứu, tháo gỡ, cụ thể:
Thứ nhất là chương trình và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 đã triển khai được trên 2 năm nhưng chưa thành lập Ban Chỉ đạo (hoặc Ban Điều hành) cấp thành phố để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động của địa phương, cơ sở sản xuất; chưa có văn bản hướng dẫn chính thức cấp thành phố để thực hiện quy trình, thủ tục vay, hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố. Một số quận - huyện chưa mạnh dạn, hoặc còn hạn chế trong việc phê duyệt, hỗ trợ lãi vay phục vụ chuyển dịch cơ cầu kinh tế nông nghiệp như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 2, Quận 9, …
Thứ hai là tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp tuy khá, nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, đầu tư hạ tầng 13 xã phường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm (nhiều nguyên nhân): năng suất và thu nhập lao động nông nghiệp vẫn còn thấp so với bình quân chung toàn thành phố.
Thứ ba là chưa quy hoạch, xác định vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, lâu dài (đến năm 2020, 2025), trong khi quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 thực hiện đại trà, không xác định kế hoạch và tiến độ thời gian cụ thể; nhiều nông dân sang nhượng đất sản xuất, không an tâm đầu tư sản xuất, bỏ hoang háo đất canh tác.
Do phát triển mạnh một số loại cây có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa, cá sấu, … nên cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch chưa theo định hướng chung đến năm 2010, cụ thể: tỷ trọng giá trị trồng trọt năm 2006 là 27,2 %, năm 2007 là 28,1%; (mục tiêu 2010 là 23,5%; tỷ trọng giá trị thủy sản năm 2007 là 24,7% (mục tiêu 2010 là 29,5%); cơ sở hạ tầng nông nghiệp còn thiếu, yếu nhất là thủy lợi, giao thông nông thôn.
Thứ tư là chính sách khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là bước đột phá nhưng thực tế còn nhiều nông dân và cơ sở sản xuất chưa thể tiếp cận, hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như nhiều nông dân không có tài sản để thế chấp, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị ngân hàng giữ trong lần vay trước; thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 3 năm: chưa phù hợp đối với một số nông dân, chủ trang trại trồng mới cây ăn trái (giai đoạn kiến thiết cơ bản: 5 năm) ...
Để khắc phục những tồn tại trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu và đề xuất thành phố điều chỉnh một số nội dung về cơ chế ngân sách hỗ trợ lãi vay phù hợp tình hình biến động, tăng giá vật tư, phân bón, lãi suất tín dụng ngân hàng; đảm bảo hiệu quả và thu nhập của nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn để đảm bảo thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010./.
Hoàng Thị Hồng
Phòng Kế hoạch Tài chính
|