Mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình liên tịch cụ thể như sau:
1. Phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND và Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND về chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh. Cụ thể:
Trong giai đoạn 2006 – 2010 giảm tối đa diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Bình Chánh, chuyển đất sang sản xuất cây con hiệu quả thấp sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững (chủ yếu là rau - màu, hoa – cây kiểng – cá cảnh, bò, heo, nuôi trồng thủy sản); phấn đấu từ nay đến năm 2010:
- Diện tích canh tác lúa khoảng 5.500 ha.
- Cây rau: Diện tích canh tác 800 ha.
- Hoa lan, cây kiểng: Diện tích 200 ha.
- Diện tích đồng cỏ: 50 ha.
- Phát triển các loại vật nuôi: Bò, cá sấu, ba ba, dê, thỏ...
- Diện tích nuôi trồng thủy sản: 1.000 ha.
2. Nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập khu vực nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách chênh lệch hiện nay giữa khu vực thành thị và nông thôn. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn liền với việc hình thành phong trào thi đua sản xuất đạt 100 triệu/ha/năm.
3. Tổ chức các hoạt động tư vấn sản xuất, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, mở rộng phạm vi hoạt động và tăng tỷ trọng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện. từng bước hình thành phương thức liên kết sản xuất liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ - tiêu thụ trên địa bàn huyện. Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống; đặc biệt là các làng nghề gắn với du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu. Tiêu thụ kịp thời nông sản của nông dân thông qua hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản, phấn đấu đến năm 2010 có 60% sản phẩm tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế ổn định.
4. Quy hoạch, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy lợi, giao thông nông thôn phục vụ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại huyện.
5. Xây dựng một số mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn toàn diện trên quy mô cấp xã trên địa bàn huyện.
Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo tham luận về Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Tân Nhựt giai đoạn 2006 –2010, ứng dụng “Hệ thống quản lý đồng bộ” trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện Bình Chánh của Trung tâm Sao Việt (Cty Cổ phần BVTV An Giang) . . .
Cũng trong dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển giao cho Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh dữ liệu ngành nông nghiệp chi tiết đến từng xã trên địa bàn huyện, bao gồm các số liệu thống kê về diện tích trồng trọt, thống kê chăn nuôi, bản đồ hệ thống thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2010. Các số liệu trên đều đã được số hóa nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, thống kê trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Phòng Hành chính Tổng hợp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn