TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC
Giới thiệu
Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh (HCMBiotech) được thành lập theo Quyết định số 161/2004/QĐ-UB ngày 02 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Trụ sở chính của Trung tâm được xây dựng trên một khuôn viên 23 ha trên Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 12 km về phía Tây Bắc.
Trung tâm CNSH TP. Hồ Chí Minh là một mô hình mới với các chức năng như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực CNSH phục vụ cho nông nghiệp, y tế và môi trường. Đây sẽ là nơi ứng dụng các công nghệ gene vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất vaccine và dược sinh học (protein tái tổ hợp có đặc tính dược phẩm). Dự án xây dựng Trung tâm dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2005, hoàn thành giai đoạn I trong 3 năm và hoàn thành giai đoạn II vào năm 2010. Trong giai đoạn đầu, khu nhà nghiên cứu chính về CNSH hoàn thành sẽ đáp ứng cho 200 cán bộ nghiên cứu làm việc. Các xưởng sản xuất vaccine và đóng gói các chế phẩm dược sinh học cũng sẽ được xây dựng theo các dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Chức năng của Trung tâm
Dựa vào kinh nghiệm của các nước phát triển để xây dựng một trung tâm CNSH có quy mô lớn với 4 chức năng sau:
Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến CNSH nông nghiệp, y tế và môi trường;
Tiếp nhận, chuyển giao, dịch vụ, tư vấn và triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại về CNSH để sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế và môi trường.
Đào tạo thực nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật viên về CNSH nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất;
Tổ chức sản xuất và kinh doanh, thương mại hoá các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực CNSH.
Phương Hướng Hoạt Động
Nghiên cứu ứng dụng: Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong nước gồm hợp tác với các trường, viện trong nước để hoàn thiện các đề tài có tiềm năng ứng dụng lớn đã có kết quả tốt ở mức độ phòng thí nghiệm; tiến tới thử nghiệm ở quy mô sản xuất thử các kết quả nghiên cứu về y tế, nông nghiệp và môi trường. Hợp tác với các nước trên thế giới gồm hợp tác với các nước có ưu thế về CNSH, nhất là trong lĩnh vực y học để hoàn thiện các đề tài ở mức độ thử nghiệm cuối cùng hay tiền lâm sàng.
Đào tạo và hợp tác quốc tế: Nhiệm vụ đào tạo một lực lượng đội ngũ có chuyên môn cao về CNSH được đặt lên hàng đầu. Trung tâm phải là nơi tập trung các chuyên gia, cán bộ khoa học giỏi trong lĩnh vực CNSH ứng dụng. Việc đào tạo đội ngũ sẽ được gắn liền với nghiên cứu ứng dụng, với sản xuất tại chỗ, phục vụ cho từng công đoạn sản xuất. Mục tiêu đề ra sau năm 2010 trở đi, khi Trung tâm đã định hình và đi vào hoạt động hiệu quả, hàng năm có thể tiếp nhận sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến nghiên cứu.
Sản xuất: Đối với các sản phẩm dược sinh học, Trung tâm sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói theo tiêu chuẩn GMP, từ công nghệ do Trung tâm nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao từ nước ngoài hay các cơ quan nghiên cứu khác trong nước. Nhà máy sẽ xây dựng trên tiêu chuẩn GMP với độ an toàn cấp 2. Dây chuyền hoàn chỉnh để sản xuất từ khâu giữ giống, nhân giống, lên men, chuẩn bị môi trường, thu hoạch, chiết tách, tinh chế các sản phẩm protein có hoạt tính. Ngoài ra, sẽ xây dựng các xưởng sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Về cây trồng, sẽ có một bộ phận trồng thử nghiệm cây chuyển gene, sản xuất cây giống sạch bệnh ở quy mô lớn.
Kinh doanh: Mô hình phát triển Trung tâm dự kiến sẽ phát triển theo mô hình một công ty đa quốc gia về CNSH. Do vậy, bộ phận kinh doanh của Trung tâm sẽ là bộ phận mạnh, gồm các chuyên viên về CNSH, kinh tế, quản trị kinh doanh nhằm đưa nhanh sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh sẽ phục vụ cho việc mở rộng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất.