NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRÊN CON ĐƯỜNG CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA
Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Sài Gòn - Gia Định trở thành trung tâm đầu não quan trọng nhất của chế độ thực dân cũ và mới. Chiến tranh càng khốc liệt thì vùng ven đô và ngoại thành càng bị tàn phá, hủy diệt; nông thôn thành vành đai trắng, bom mìn vương vãi khắp nơi.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bắt tay ngay vào công cuộc khai hoang, phục hóa, khôi phục lại sản xuất, xây dựng lại nông thôn. Từ chiến trường ác liệt ngày xưa, từ những vùng đất chết, chúng ta xây dựng thành vành đai xanh, vành đai lương thực thực phẩm và đang hình thành vành đai nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Ba mươi lăm năm qua là cả một chặng đường đấu tranh đầy gian khổ và kiên cường, cần cù và thông minh của các thế hệ.
Đến nay chúng ta có thể tự hào đã đưa nông nghiệp - nông thôn thành phố tiến lên một bước khá dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống Kinh Đông kéo dài từ Tây Ninh cho đến Củ Chi, Hóc Môn, Bắc Bình Chánh, đưa nước ngọt về tưới tiêu cho hàng vạn hecta đất canh tác ở phía Tây Bắc của Thành phố; từ một vụ sản xuất bấp bênh, thậm chí khô cằn không canh tác được, đến nay thời vụ gieo trồng kéo dài quanh năm, đời sống nhiều hộ nông dân được cải thiện rõ rệt. Rừng Sác Cần Giờ vốn là những bãi bờ hoang mạc, đến nay là những khu rừng bạt ngàn với gần 35.000 ha đước và cây chịu măn, trở thành khu dự trữ sinh quyển độc đáo của thế giới. Trên lĩnh vực sản xuất, chúng ta đã kết hợp vận dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thống với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hình thành trung tâm giống và dịch vụ quan trọng ở phía Nam. Đàn bò sữa, đàn heo hướng nạc, các giống loài thủy sản, giống rau, màu, hoa kiểng,…; các dịch vụ về dinh dưỡng, bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc và thiết bị chuyên dùng ngày càng phong phú, đa dạng và không ngừng cải tiến đã góp phần vào việc nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của khu vực và cả nước.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế và xã hội bao gồm điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sạch, nhà ở, chuồng trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học… đã làm thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hơn một triệu người sống ở vùng nông thôn.
Các tổ chức - chính trị xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng khuyến nông, các cơ sở kinh tế… ngày càng thực thi có hiệu quả trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện; vận động và hướng dẫn nông dân về kiến thức kinh nghiệm, kỹ năng thực hành, xúc tiến thương mại, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và hội nhập. Các chương trình hỗ trợ vốn, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chống dột, vệ sinh, phòng bệnh, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng… đã phần nào làm vơi bớt nỗi đau do chiến tranh để lại.
Năm năm gần đây, thành phố đã xây dựng hoàn tất chủ trương và định hướng cơ bản có ý nghĩa lâu dài. Đó là chiến lược biển, quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển nông nghiệp đô thị.
Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân tăng 5,7%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 140 triệu đồng/ha (2010), một số mô hình tiên tiến trồng hoa, kiểng, cá cảnh… đạt 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, khẳng định hiệu quả của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và những tiến bộ mới trong chăn nuôi, trồng trọt. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp như Metro, Sài Gòn Co.op Mart, Vinamilk, Dutch Lady và các doanh nghiệp đã phối hợp trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu tư và tiêu thụ sản phẩm được đông đảo nông dân đồng tình, ứng dụng vào sản xuất. Kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng năng động và sáng tạo, số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng, về số lượng và hiệu quả. Các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất đã quen dần với các hình thức ký kết và thực hiện các hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc đầu tư, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng. Các hoạt động hội chợ, triển lãm, thông tin, quảng bá ngày càng rộng rãi, tạo điều kiện tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Công tác quản lý nhà nước ngày càng đi sâu vào chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, kiểm tra có hiệu quả chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đầu tư thâm canh, chuyên canh, hiện đại hóa sản xuất làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Có thể rút ra 3 bài học sau đây:
Một là: Đảm bảo đủ thông tin về thị trường và chọn sản phẩm chủ lực phải có cơ sở thực tiễn và khoa học.
Việc chuyển dich cơ cấu kinh tế phải xuất phát từ hiểu biết về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp được lựa chọn (sữa, tôm, rau sạch, hoa…), dự báo khả năng và giá cả tiêu thụ ngay khi sản lượng cây con ngày càng gia tăng trong tương lai.
Hai là: Phải đảm bảo đồng bộ các yếu tố đầu vào và đầu ra.
Các yếu tố về giống, dinh dưỡng, phòng trị bệnh, thiết bị chuyên dung, lao động kỹ thuật, vốn liếng, đất đai, nguồn nước càng được đảm bảo thì giá trị sản xuất và hiệu quả càng được nâng cao; số lượng, chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm phải đảm bảo thực hiện cam kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Ba là: Phải tăng cường sự phối hợp giữa sự lãnh đạo của tổ chức Đảng với các cơ quan quản lý của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, xã hội nghề nghiệp trong việc đinh hướng, cung cấp thông tin, hướng dẫn, khuyến khích hoặc hạn chế, tổ chức, đào tạo, huấn luyện trao đổi kinh nghiệm nhất là học tập các mô hình tiên tiến, các cơ sở trình diễn đối với từng loại hình sản xuất.
Tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, trong 5 năm tới thành phố tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ngoại thành, coi đó là một bộ phận quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố.
Trong giai đoạn 2011 – 2015 thành phố ra sức phát huy mọi nguồn lực, tăng nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách giữa ngoại thành với nội thành; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ ra sức xây dựng vùng nông thôn ngoại thành tương xứng với thành phố văn minh, hiện đại.
Mục tiêu nhiệm vụ 2011 – 2015 là:
-        Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp bình quân đạt trên 6%/năm, giá trị gia tăng trên 5%/năm.
-        Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất giống chất lượng cao, sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh.
-        Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp xã và huyện Cần Giờ.
-        Đưa nhanh tiến độ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất. Phát triển công nghệ sinh học, triển khai xây dựng các khu, vùng và doanh nghiệp công nghệ cao.
-        Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo yêu cầu và phát triển sản xuất nông nghiệp năng suất - chất lượng - hiệu quả - bền vững và xây dựng nông thôn mới.
-        Ứng phó kịp thời và có hiệu quả biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Đến năm 2015 đạt chỉ tiêu chủ yếu như sau:
·       Diện tích trồng rau              15 000 ha
·       Hoa – cây kiểng                   2 100 ha
·       Cỏ                                       3 500 ha
·       Muối                                    1 000 ha
·       Đàn bò sữa                        80 000 con
·       Đàn heo                           300 000 con
·       Tôm các loại                       10 000 Tấn
·       Cá kiểng                          100 triệu con
·       Cá sấu                             195 000 con
·       Độ che phủ rừng và mảng xanh 40%, trong đó độ che phủ của rừng và cây lâm nghiệp là 19,1%.
·       Hoàn thành xây dựng 25 xã nông thôn mới.
·       Nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 100% hộ nông thôn.
·       Nhà tiêu hợp vệ sinh: 100% hộ nông thôn.
·       Hầm biogas xử lý chất thải: 90% hộ chăn nuôi.

        Tóm lại, qua thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Thành uỷ, các chương trình mục tiêu của Uỷ ban nhân dân thành phố, đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc hình thành trung tâm giống con, giống cây chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới… Tuy nhiên, thế mạnh và tiềm lực về khoa học kỹ thuật, vốn liếng, cơ sở vật chất và cả truyền thống, ý chí cách mạng cũng như đất đai, nguồn nước, thị trường, thông tin… chưa được phát huy đúng mức. Để trở thành trung tâm giống chất lượng cao; kỹ thuật công nghệ và dịch vụ tiên tiến, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của cả nước, thành phố cần nổ lực hơn nữa, dồn sức hơn nữa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mục tiêu về phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX.

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm