Từ nhiều năm qua, huyện Cần Giờ đã có định hướng quản lý các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ và đã tiến hành điều tra sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn. Theo kết quả điều tra của huyện thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện khoảng 37.650 ha, có 1.166 hộ với 4.660 nhân khẩu đang hoạt động sản xuất xen cài trong rừng phòng hộ (từ tiểu khu 1 đến tiểu khu 24), giá trị sản xuất hàng năm trên 224 tỷ đồng. Các hình thức sản xuất gồm: đầm, đập: 457 hộ, số lượng 481 cái, diện tích khoanh bao 8.499 ha, diện tích sử dụng 3.461 ha, diện tích đang nuôi trồng thủy sản 2.784 ha, giá trị sản xuất 167 tỷ đồng/năm (2007). đóng đáy trên sông: 379 hộ, số lượng 497 khẩu đáy, giá trị sản xuất 34,80 tỷ đồng/năm; sản xuất muối: 298 hộ, diện tích khoanh bao 737 ha, diện tích sản xuất 518 ha, giá trị sản xuất 8,80 tỷ đồng/năm; ao nuôi thủy sản: 92 hộ, số lượng 114 ao, diện tích khoanh bao 148 ha,diện tích sản xuất 53 ha, giá trị sản xuất 5,50 tỷ đồng/năm; nuôi thủy sản trên bãi bồi: 16 hộ, diện tích sản xuất 62 ha, giá trị sản xuất 6,70 tỷ đồng/năm.
Các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ được tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển huyện Cần Giờ và gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ. Trong nhiều năm qua, giá trị sản xuất thu được từ việc sản xuất, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trong rừng phòng hộ là nguồn thu nhập chính của cư dân địa phương.
Hiện nay, các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ gặp nhiều khó khăn, một số hộ đã tạm ngưng sản xuất do không được lấy đất trong rừng để sửa chữa, tu bổ hệ thống ao nuôi, duy trì các công trình sản xuất do quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Quyết định 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng; Thông tư 99/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn một số điều của quy chế quản lý rừng ban hành kèm Quyết định 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và tại Điểm c Khoản 2 Điều 33 Quy chế Quản lý rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, thì “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quy định cụ thể việc sản xuất lâm, ngư, nông nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ”, nhưng đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động nêu trên. Do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố cần ban hành Quy định để quản lý các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ, nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp với đặc thù sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên rừng phòng hộ trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các quy định về quản lý các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ, với các nội dung chủ yếu về điều kiện hoạt động sản xuất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ; những việc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được làm, những việc không được làm trong quá trình sản xuất, các hình thức xử lý cụ thể khi có hành vi vi phạm.
Về điều kiện hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có đầy đủ các điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, địa điểm sản xuất phải phù hợp với quy hoạch và có thiết kế kỹ thuật công trình, phương án sản xuất cụ thể. Về trình tự thủ tục đăng ký sản xuất, sửa chữa, tu bổ và chấp thuận cho sản xuất, sửa chữa, tu bổ trong rừng phòng hộ dựa trên cơ sở phương án sản xuất, sửa chữa, tu bổ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất. Các hành vi được phép hoặc bị cấm thực hiện trong rừng phòng hộ như quy định các khu vực được lấy đất để duy tu, sửa chữa đầm. đập, ao; trình tự thủ tục cho phép lấy đất; quy mô, cách thức lấy đất; quy định các hành vi được sản xuất trong rừng phòng hộ gồm: khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; cấm những hành vi sản xuất làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn của huyện Cần Giờ trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp; công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát với nhiệm vụ thẩm định phương án sản xuất, sửa chữa, tu bổ công trình sản xuất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trong rừng phòng hộ; giám sát việc triển khai thực hiện theo phương án đã được duyệt và kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời đề xuất các hình thức xử lý đối với các vi phạm cụ thể trong quá trình hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ …
Việc quản lý các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là rất cần thiết để bảo vệ có hiệu quả và phát triển tài nguyên trong rừng phòng hộ. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm ban hành văn bản quy định nói trên ./.
Hoàng Thị Hồng
Phòng Kế hoạch- TC Sở