I. Tình hình áp thấp nhiệt đới, bão, triều cường:
1. Tình hình áp thấp nhiệt đới, bão:
- Ngay đầu tháng 11 năm 2010, trên biển Đông đã xuất hiện một vùng áp thấp, ngày 04-11-2010 vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên đến ngày 05-11-2010, áp thấp nhiệt đã suy yếu trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên.
- Ngày 12-11-2010, trên biển đông đã xuất hiện vùng áp thấp nhiệt đới, đến ngày 14-11-2010, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố triển khai công tác phòng, chống vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới (Công điện số 05 CĐ/PCLB ngày 03-11-2010 và các văn bản cảnh báo: Văn bản số 387/PCLB ngày 03-11-2010, Văn bản số 409/PCLB ngày 12-11-2010, Văn bản số 422/PCLB ngày 20-11-2010). Đồng thời, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, nắm toàn bộ tàu thuyền, thường xuyên thông tin, liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ (bao gồm vị trí, số lượng, số thuyền viên). Thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh và thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm (có 19 báo cáonhanh về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trước diễn biến của vùng áp thấp và áp thấp nhiệt đới trong tháng 11 năm 2010).
2. Tình hình triều cường:
Trong tháng 11 năm 2010, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có 03 văn bản cảnh báo triều cường, mưa lớn và yêu cầu các quận – huyện, đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó (Công văn số 392/PCLB ngày 04-11-2010, Công văn số 417/PCLB ngày 17-11-2010, Công văn số 421/PCLB ngày 19-11-2010 ). Đồng thời đã yêu cầu Ủy ban nhân dân quận 12, quận Thủ Đức khẩn trương gia cố và xử lý các vị trí xung yếu có nguy cơ tràn bờ, bể bờ trên địa bàn quận.
a) Đợt triều cường đầu tháng 11 năm 2010 (lớn nhất kể từ đầu năm): từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 11 năm 2010, do triều cường lên cao kết hợp gió mùa Đông Bắc mạnh, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,55 m (lúc 17 giờ 30 phút ngày 06-11-2010 và lúc 18 giờ ngày 07-11-2010), đã làm bể 12 đoạn bờ bao, tại quận Bình Thạnh (2 đoạn), quận 12 (2 đoạn), quận Gò Vấp (1 đoạn), quận Thủ Đức (3 đoạn), huyện Hóc Môn (1 đoạn), huyện Củ Chi (3 đoạn).
b) Đợt triều cường cuối tháng 11 năm 2010: đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,41 m (lúc 18 giờ 30 phút ngày 23-11-2010 và 22 giờ ngày 27-11-2010), tuy nhiên đợt triều cường này ảnh hưởng không đáng kể.
3. Tình hình mưa và tích nước 03 hồ chứa lớn:
Trong tháng 11 năm 2010: có 04 ngày mưa với lượng lớn hơn 50 mm (ngày 07-11-2010, tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 71,4 mm; ngày 18-11-2010, tại trạm Tân Sơn Nhất là 62,7 mm; ngày 19-11-2010, tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 88,8 mm, trạm Tân Sơn Nhất là 56,0 mm và ngày 25-11-2010, tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 56,8 mm) đã gây ngập một số tuyến đường nội thị.
Tính đến ngày 29-11-2010 lượng nước tích tại các hồ chứa đều rất thấp so với mực nước dâng bình thường: hồ Trị An là 54,43 m, hồ Thác Mơ là 207,48 m và hồ Dầu Tiếng là 22,90m.
II. Kết quả thực hiện công tác tháng 11 năm 2010:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành:
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã trình Ủy ban nhân dân thành phố:
- Công văn số 5649 /UBND-CNN ngày 05-11-2010 về chỉ đạo các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện về khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng, chống, ứng phó với tình hình triều cường vào đầu tháng 11 năm 2010.
- Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.
- Dự thảo Kế hoạch tìm kiếm cứu nạn – cứu hộ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố (lần 5).
- Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ tại thành phố (lần 4).
2. Công tác kiểm tra, đầu tư:
- Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận:
+ Chủ trương thực hiện cấp bách gia cố bờ bao xung yếu trên địa bàn phường 28, quận Bình thạnh theo Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 6/6/2005 của Chính phủ (Công văn số 5888/UBND-CNN ngày 18 tháng 11 năm 2010)
+ Chủ trương thực hiện cấp bách gia cố bờ bao rạch Võ thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức theo Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06-6-2005 của Chính phủ (Công văn số 5659/UBND-CNN ngày 08 tháng 11 năm 2010).
- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Sở Tài chính đã trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cấp kinh phí trang cấp ca nô chống lật phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn huyện Cần Giờ.
- Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với Trung tầm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Công ty TNHH một thành viên Khai thác dịch vụ Thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Đô thị và các quận – huyện thực hiện nghiêm túc và kịp thời công tác ứng phó, khắc phục sự cố tràn bờ, bể bờ bao trước, trong và sau các ngày triều cường nhất là tại quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh.
3. Công tác trọng tâm khác:
- Dự thảo Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 95/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố (đang lấy ý kiến các sở - ngành, quận – huyện).
- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố góp ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Phối hợp với huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè tổ chức 14 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai tại các xã trực thuộc 2 huyện (mỗi xã 1 lớp).
- Phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố phát thanh chương trình tuyên truyền kiến thức phòng, tránh, ứng phó thiên tai cho người dân trên sóng của Đài (mỗi tuần 02 ngày, mỗi ngày phát 02 lần) theo từng chuyên đề về bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, lũ lụt, triều cường, động đất, sóng thần…
- Phối hợp với quận – huyện cập nhật, xây dựng bản đồ hệ thống công trình đê kè và bản đồ cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố.
- Nâng cấp, cập nhật tin trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố kịp thời, đầy đủ, chính xác.
- Tổ chức trực ban định kỳ và đột xuất để thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả.
III. Nhiệm vụ công tác phòng chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện tháng 12 năm 2010:
1. Khẩn trương triển khai thực hiện gia cố, nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống ngập lụt, tiêu thoát nước, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn; Các sở - ban - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã tập trung công tác phòng, chống 02 đợt triều cường đầu và cuối tháng 12 năm 2010 hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
2. Các sở - ngành, quận – huyện, đơn vị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 và xây dựng kế hoạch năm 2011; tổng kết 03 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong năm 2010.
3. Các quận - huyện, sở - ngành khẩn trương hoàn thành việc mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2010 theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố để chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt, bão, thiên tai để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh.
4. Phòng, chống, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai:
a) Đảm bảo công tác ứng trực của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trong mùa mưa, bão. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai để nắm chắc diễn biến tình hình và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả.
b) Triển khai các biện pháp quản lý phương tiện, tàu thuyền theo quy định, đặc biệt theo dõi quản lý chặt chẽ tàu thuyền và ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và ven bờ. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc kết hợp truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai tới tàu thuyền và công trình, chòi canh trên biển, ven biển.
c) Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập; Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hoàn chỉnh Phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần và Phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
6. Tổng Công ty Điện lực thành phố tiến hành kiểm tra các hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa, bão; đồng thời, bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều… trong thời gian xảy ra lụt, bão, thiên tai.
7. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Công ty TNHH một thành viên Khai thác dịch vụ Thủy lợi rà soát lại kế hoạch huy động và bố trí máy bơm nước tại các khu vực xung yếu để xử lý kịp thời các sự cố khi mưa lớn, triều cường, xả lũ không để ngập úng cục bộ, kéo dài.
8. Quận 12, Thủ Đức tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân tại 05 phường trên địa bàn theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.
9. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Kế hoạch Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố.
10. Tăng cường công tác thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2010 và quyết toán nguồn kinh phí đã cấp phát từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho các sở - ngành, quận – huyện qua các năm.
V. Kiến nghị:
Để công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kiến nghị:
1. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ tại thành phố (theo Tờ trình số 390/TTr-PCLB ngày 04-11-2010 của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố).
2. Sở Nội vụ sớm có ý kiến đối với các văn bản:
- Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (theo Phiếu chuyển số 27981/VP-CNN ngày 23-9-2010 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố).
- Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố (theo Văn bản số 7869/VP-CNN ngày 27-10-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố).
3. Sở Quy hoạch – Kiến trúc sớm thẩm định Quy hoạch chi tiết đô thị 1/2000 để Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè có cơ sở pháp lý giao đất, địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn của thành phố cho Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (Thông báo số 124/TB-UBND ngày 25-5-2010 và Công văn số 1034/UBND ngày 21-10-2010 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè)./.
Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB