Với xu thế hội nhập hiện nay, để được ổn định về giá cả sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì rau sạch phải đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sản xuất rau theo VietGap là điều kiện bắt buộc hiện nay nếu như sản phẩm muốn tồn tại trên thị trường.
Theo báo cáo của Phòng kinh tế huyện Hóc Môn: Với 5900 ha diện tích sản xuất đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau: vụ Đông xuân (525,8 ha), vụ Hè Thu 448 ha, vụ Mùa 315,21 ha, năng suất bình quân 20,97 tấn/ha; tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh, Thới Tam Thôn, Nhị Bình… Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp nhưng màu xanh của rau màu vẫn tăng trưởng không ngừng. Thông qua các buổi tập huấn, tham quan, hội thảo – cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Hóc Môn kết hợp cùng cán bộ phòng kinh tế của huyện đã hướng dẫn, chuyển giao và làm thay đổi tư duy về kiểu canh tác cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con sản xuất rau hiện nay; giúp họ ý thức được về việc phải tuân thủ theo qui trình sản xuất, ghi chép nhật ký đồng ruộng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, giảm và sử dụng cân đối lượng phân hóa học, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng rau, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng rau.
Tính đến thời điểm này có trên 90% hộ trồng rau sử dụng phân hữu cơ: hữu cơ truyền thống đã ủ hoai (phân bò, phân gà…), hữu cơ sinh học, phân vi sinh….Bên cạnh đó, hướng dẫn tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng rau, hoặc luân canh 1 vụ lúa với 2 vụ rau trên một số vùng đã bị thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa.
Có thể nói, trong việc phát triển mô hình trồng rau theo chuẩn VietGap thì người tiêu dùng quyết định lớn đến thành công. Dù hàng tốt, nhưng không người tiêu thu cũng thất bại. Mà để người tiêu dùng thiết tha tìm đến rau an toàn – thực tế lại là việc rất khó. Vì thế, phải làm sao để người tiêu dùng hiểu nhiều hơn về mối nguy hiểm tiềm tàng của rau không an toàn; làm sao để người tiêu dùng hiểu và ủng hộ người sản xuất – người đang chăm lo cho sức khỏe của mình và cả cộng đồng…Chính điều này cho thấy; sản xuất, tiêu thụ rau phải nhắm đến số đông người dân – là tiêu thụ rau xanh hàng ngày chứ không phải số ít người đi siêu thị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các tổ sản xuất rau an toàn gặp không ít khó khăn do còn mang tính nhỏ lẻ, giá cả không ổn định…chưa đủ sức ký kết các hợp đồng lớn cho khách hàng nên phần nào tiêu thụ còn hạn chế. Đa số người trồng rau tại Hóc Môn là dân nhập cư cho biết; không sử dụng phân hóa học thì rau không xanh mướt, dài cọng, non và đẹp (rau không an toàn – lại bán được); trong khi đó ngược lại rau không đẹp mắt (rau an toàn – lại không thu hút khách hàng). Nghịch lý là vậy đã gây không ít tâm lý không an toàn cho người trồng rau.
Hiểu được vấn đề này và để thực hiện tốt chương trình sản xuất rau VietGap trên địa bàn, huyện Hóc Môn cần phải; vận động các hộ sản xuất rau vào HTX, liên tổ hoặc tổ sản xuất RAT. Và HTX, tổ hợp tác này phải có nhiệm vụ theo sát về việc quản lý, thực hiện đúng qui trình sản xuất rau theo hướng VietGap, đa dạng và phong phú các chủng loại để thu hút người tiêu dùng. Cho bà con hiểu được; sản xuất rau an toàn theo VietGap không những tạo thói quen, ý thức tốt trong việc sản xuất cho lao động nông thôn mà còn nâng cao thu nhập cho người nông dân.
“Bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình và bảo vệ cho cộng đồng mai sau” là điều mà người nông dân trồng rau tại đây đều có ý thức và quyết tâm xây dựng cho mình một thói quen sản xuất tốt. Cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông Hóc Môn cùng các ban ngành, đoàn thể tại địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân xem việc sản xuất RAT là nhiệm vụ của mỗi gia đình đối với toàn xã hội; mà còn là cầu nối liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp một cách lâu dài, đầu tư hỗ trợ sản xuất và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm khi đạt chứng nhận VietGap hiện tại và tương lai.