SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
2
4
4
2
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 Tháng Mười Hai 2010 9:40:00 SA

Kế hoạch sản xuất - tiêu thụ hoa, cây kiểng phục vụ Tết Tân Mão 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh

 
  -

       I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT – TIÊU THỤ:

1. Diện tích:

Diện tích hoa cây kiểng của toàn Thành phố năm 2010 ước đạt 1.910 ha, trong đó diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên Đán Tân Mão (2011) là 1.087,7 ha, tăng  khoảng 16,7% so với cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu sẽ tập trung vào mai vàng và hoa lan. Riêng diện tích trồng hoa nền và cây kiểng sẽ không tăng nhiều.

2. Cơ cấu, chủng loại:

- Mai vàng sẽ chiếm tỉ trọng cao nhất trong diện tích sản xuất hoa, cây kiểng Tết của Thành phố. Diện tích mai vàng khoảng 483,4 ha, tăng 63,4 ha so với Tết Canh Dần năm 2010. Địa bàn sản xuất tập trung ở quận Thủ Đức, 12, Q.Gò Vấp, Q.2, Q.9 và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

- Bonsai, kiểng: chiếm tỉ trọng lớn thứ hai trong diện tích sản xuất hoa, cây kiểng Tết của thành phố. Tuy nhiên, diện tích cây kiểng và Bonsai sẽ tăng không nhiều. Địa bàn sản xuất cây kiểng, bon sai tập trung ở quận Gò Vấp, 12, huyện Củ Chi và phân bố rải rác ở một số quận Thủ Đức, 2, 9, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

- Hoa lan: là chủng loại tăng khá cao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011, ước tăng khoảng 65,4 ha so với Tết Nguyên đán năm 2010, tập trung vào hai giống Dendrobium và Mokara. Địa bàn sản xuất cây kiểng, bon phân bố rộng khắp các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh.

- Hoa nền bao gồm các loại như cúc, vạn thọ, sống đời, huệ, mồng gà, mãn đình hồng, thược dược, hướng dương… Diện tích sản xuất hoa nền trong dịp Tết năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, ước khoảng 144,8 ha (Tết Nguyên đán Canh Dần 156 ha), tập trung tại quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi.

3. Ước sản lượng và giá trị sản xuất:

Ước sản lượng hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên Đán Tân Mão năm 2011 khoảng 5 triệu chậu lan, cây kiểng và mai; trong đó mai vàng 2 triệu chậu, lan trên 6 triệu cành các loại.

4. Tình hình tiêu thụ hoa kiểng:

Hoa, cây kiểng sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là cung cấp cho nhu cầu tại chỗ. Riêng cây mai vàng ngoài thị trường chủ lực là thành phố Hồ Chí Minh còn có một số thị trường tiêu thụ khác như  một số tỉnh phía Bắc và một số nước có kiều bào người Việt sinh sống.

Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ lớn. Lượng và chủng loại hoa kiểng sản xuất tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu, nên chắc chắn sẽ có lượng lớn hoa kiểng từ các tỉnh và từ nước ngoài nhập về để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của cư dân thành phố, như hoa ôn đới sẽ được nhập về từ Lâm Đồng; hoa nền từ Đồng bằng Sông Cửu Long; mai vàng từ nhiêu tỉnh: Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định; cây kiểng từ Bến Tre, Đồng Tháp; hoa lan, một số giống hoa mới, cây kiểng từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.

Mặc dầu mai vàng vẫn là chủng loại truyền thống có sức tiêu thụ lớn nhất trong dịp Tết và là thế mạnh của thành phố. Nhưng thị trường tiêu thụ mai vàng năm nay sẽ gặp phải sự cạnh tranh do mai được sản xuất nhiều từ các tỉnh nhập về.

Ngoài ra, hiện nay lượng hoa nền, bonsai, cây kiểng được sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt và giá thành rẻ từ các tỉnh bạn, cũng sẽ là những thách thức lớn đối với sản xuất hoa kiểng thành phố.

II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT HOA KIỂNG PHỤC VỤ TẾT:

1. Mục tiêu:

Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân trong sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng trong dịp Tết Tân Mão 2011, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất thuận nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng hoa kiểng.

2. Giải pháp:

2.1. Giải pháp về giống:

- Nhân rộng một số giống hoa lan, cây kiểng và hoa nền đã sưu tập và thử nghiệm có chất lượng và hiệu quả như:

+ Kiểng lá và kiểng hàng năm: Môn điểm Thái, môn nhung, môn đỏ, Trầu bà da beo, Phát tài Nam mỹ, Thanh tâm, Đại phú, Hạnh phúc lá cẩm thạch, Lộc xoan, Ráng tướng quân, Son môi, Ngâu tàu, Dương xỉ Đài Loan, Tiên đồng, Nguyệt quế Thái, Rau trai Thái, Thiên lý, Đinh lăng lá lớn;

+ Hoa: Cát tường, Tử La lan, Dạ uyên thảo, Hải đường, Cúc.

- Du nhập từ Thái Lan và Singapore một số giống hoa mới như hoa hậu Thái, thịnh vượng, Hồng nhung, Hồng tỷ muội, Hồng ngọc mai, Mạn đà trang, địa lan.

2.2 Giải pháp về kỹ thuật:

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh, kỹ thuật xử lý ra hoa, các biện pháp khắc phục trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, chính sách hỗ trợ vốn, thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa kiểng.

* Riêng đối với cây mai vàng, tình trạng cây mai nở hoa sớm trước tết âm lịch có thể xảy ra ở nhiều khu vực trồng mai trọng điểm như quận Thủ Đức, quận 12 - TP. Hồ Chí Minh, để giải quyết tình trạng trên, cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để hiểu rõ lý do mai nở sớm và có cách xử lý thích hợp như sau:

a) Nếu cây mai bị ngập nước do vỡ bờ bao, triều cường…, cây mai bị ngập nước lâu ngày dẫn đến rễ bị thối, tầng lông hút bị hư hại nhiều, làm lá mai chuyển từ xanh sang vàng, lá rụng, mai nở sớm và một số cây mai bị hết dần. Cách xử lý:

- Kê chậu cao khỏi mặt nước.

- Đục thủng, mở rộng lỗ thoát nước ở đáy chậu, khai thông lỗ thoát nước.

- Sử dụng phân super lân từ 100 - 500g, phun thuốc kích thích ra rễ để phục hồi bộ rễ cho cây.

- Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh kết hợp xới đất phun vào chậu để chặn tình trạng thối rễ.

- Tăng cường phân bón lá nhiều đạm để giữ bộ lá chậm chuyển màu đồng thời tăng cường dinh dưỡng qua thân, lá mai (2 tuần/lần).

b) Trường hợp mai nở sớm do thời tiết, mùa mưa kéo dài và ngắt quãng, nhiệt độ trong ngày thay đổi nhanh. Buổi trưa nắng gắt, buổi chiều thường có những cơn mưa lớn, có những ngày mưa liên tục tiếp nối những ngày khô hạn làm khả năng tích lũy dinh dưỡng nhanh, nụ mai, lá mai trưởng thành và già sớm hơn bình thường, cây mai nở hoa rải rác từ tháng 9 âm lịch đến nay. Cách xử lý:

- Đưa cây mai vào chỗ mát, ít ánh sáng như đặt dưới bóng cây lá lớn, hàng hiên hoặc che bằng lưới nylon đen, không thắp đèn vào ban đêm.

- Sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao để lá chậm vàng.

- Sử dụng phân DAP, 2 lần/tháng, liều lượng từ nửa muỗng cà phê đến 2 muỗng canh tùy chậu lớn hay nhỏ. Cây mai có thể nở từ 10 - 20% nụ nhưng khi tược lá phát triển được 10 - 20 cm, những nụ mai còn lại sẽ không nở tiếp cho đến khi lảy lá. Lưu ý không được uốn, cắt, sửa, tỉa cảnh lá mai trong giai đoạn này vì cây mai có thể nở sớm.

2.3. Giải pháp về xúc tiến thương mại:

Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, để nông dân các nghệ nhân trồng hoa kiểng tham gia trong các Hội chợ, Hội hoa xuân vào dịp  Tết nguyên đán Canh Dần 2010.

2.4. Giải pháp về chính sách:

Hỗ trợ người dân có thể nhanh chóng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các nguồn vốn vay từ thành phố và các đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...), khuyến khích người dân gieo trồng, sản xuất hoa kiểng tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã...

 

(P. Nông nghiệp)

Số lượt người xem: 7337    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm