Căn cứ Công điện khẩn số 1085/CĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động dập tắt dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và triển khai thực hiện Công điện số 29/CĐ-BNN ngày 13 tháng 6 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục theo dõi, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa Hè thu 2008 và chỉ đạo sản xuất lúa Thu đông và Mùa 2008; Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành các cấp thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy lúa đồng loạt và tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ rầy nâu.
Tuy nhiên theo Công văn số 88/BNN-BVTV-BCĐ-TB ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa các tỉnh phía Nam thì trong tuần qua, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu đã tăng cao nhất từ đầu vụ với 156.759 ha nhiễm bệnh. Rầy nâu xuất hiện trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, mật số rầy nâu trung bình từ 1000 - 3000 con/m2. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ có đợt rầy nâu di trú từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, do đó nguy cơ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên lúa vụ Mùa 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn.
Để ngăn chặn triệt để sự lây lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá của rầy nâu sang lúa Hè thu muộn, mạ mùa và lúa Mùa 2008, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phường-xã, thị trấn, Thủ trưởng các Sở - ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1. Tiếp tục tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá các cấp; tích cực chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng trừ rầy nâu và ngăn chặn triệt để sự lây lan của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên mạ mùa và lúa mùa 2008.
2. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các phường - xã:
- Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra trường hợp dịch bệnh bộc phát trên địa bàn.
- Đối với lúa Hè thu:
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi kiểm tra đồng ruộng, tập trung phòng trừ rầy nâu đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nông dân kiểm tra và phòng trị rầy nâu hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng.
- Đối với mạ Mùa, lúa Mùa:
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp ngành nông nghiệp (Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông), các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tại địa phương và đảm bảo thời gian gieo sạ tập trung trên từng cánh đồng để “né rầy”, bố trí thời vụ gieo sạ ít nhất sau thu hoạch lúa vụ Hè thu 15 đến 20 ngày tại vùng có lúa Hè Thu và từ 1 - 3 ngày sau khi rầy vào đèn rộ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đối với mạ mùa hoặc lúa cấy có thể che chắn để ngăn sự xâm nhập của rầy nâu.
+ Ủy ban nhân dân các quận - huyện có hình thức tuyên truyền sâu rộng, đưa nội dung phòng, chống dịch rầy nâu-bệnh hại lúa đến từng hộ dân ngay từ đầu vụ; vận động nông dân xuống giống đồng loạt để “né rầy”, đồng thời tích cực kiểm tra, phun diệt rầy đồng loạt khi có mật số 3 con/tép; kiên quyết tiêu hủy triệt để diện tích mạ mùa nhiễm bệnh hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của rầy nâu và bệnh hại lúa.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, các đơn vị trực thuộc Sở huy động, bố trí lực lượng cán bộ trực tiếp phối hợp với quận, huyện kiểm tra tình hình rầy nâu, bệnh hại lúa ở các địa phương và thực hiện một số nghiệp vụ sau:
+ Đối với lúa Hè thu: tích cực kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến rầy nâu và bệnh hại lúa Hè thu, đặc biệt lưu ý đến những giống lúa nhiễm rầy để phòng trị kịp thời.
+ Đối với mạ Mùa, lúa Mùa:
- Điều tra nắm chắc và dự báo tình hình dịch bệnh hại lúa trên đồng ruộng, đặc biệt tăng cường lấy mẫu mạ Mùa để xét nghiệm, phát hiện nhanh mầm bệnh trên mạ.
- Tăng cường công tác giám sát rầy nâu, mật số rầy vào đèn, tỷ lệ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa trên đồng ruộng để dự báo chính xác tình hình rầy nâu và bố trí hợp lý thời vụ gieo sạ, xuống giống đồng loạt để “né rầy” cho từng địa bàn cụ thể.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức chặt chẽ công tác phun xịt diệt rầy đồng loạt khi có mật số 3 con/tép, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện mầm bệnh nhanh trên lúa Hè thu, mạ Mùa 2008 phát hiện kịp thời và tiêu hủy triệt để diện tích mạ mùa nhiễm bệnh.
- Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh hại lúa tại thành phố, trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ nhằm kịp thời đối phó với tình hình rầy nâu và dịch bệnh.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, khuyến cáo nông dân tăng cường việc sử dụng phân bón tổng hợp NPK, phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh để thay thế một phần phân DAP nhập khẩu; áp dụng biện pháp canh tác cải tiến, mở rộng mô hình “3 giảm, 3 tăng" nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở ngành liên quan có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân các biện pháp phòng, chống rầy nâu, gieo sạ đồng loạt để “né rầy”; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền để nông dân nhận thức đúng về dịch rầy nâu-bệnh hại lúa, nâng cao tính chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ có hiệu quả.
5. Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, cơ quan thông tấn báo chí… cần tăng thời lượng tuyên truyền, có các chương trình chuyên đề, đưa tin nhiều lần trong ngày để kịp thời thông tin về tình hình dịch hại.
6. Sở Tài chính:
- Bố trí đủ kinh phí kịp thời để mua trang thiết bị, hóa chất, dụng cụ và các kinh phí phòng, chống dịch khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, trừ rầy nâu, bệnh hại lúa.
- Hướng dẫn các Ủy ban nhân dân quận - huyện, Sở - ngành lập dự toán kinh phí phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc thực hiện kinh phí, đảm bảo cho yêu cầu công tác hoạt động phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh hại lúa năm 2008.
7. Sở Công thương:
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt nghiêm các trường hợp tăng giá thuốc, mua bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng…
8. Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành Đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch rầy nâu-bệnh hại lúa theo kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo cấp thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của rầy nâu và bệnh hại lúa.
Để kịp thời ngăn chặn tình hình dịch hại trên lúa, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các Sở -ngành thành phố, khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo này./.
|