SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
6
9
4
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 Tháng Bảy 2008 4:15:00 CH

Tọa đàm “Giải pháp nào để phát triển sản xuất - kinh doanh rau an toàn?”

Ngày 12 tháng 07 năm 2008, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM (HCACS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nào để phát triển sản xuất - kinh doanh rau an toàn?”. Buổi tọa đàm được tổ chức tại văn phòng của BSA với hơn 32 đại biểu tham dự bao gồm đại diện các doanh nghiệp kinh doanh, các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các nhà khoa học và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp của TPHCM và thành phố Cần Thơ.
 
   

Với 5 báo cáo đề dẫn gồm: Văn hóa ẩm thực và vai trò của rau dược tính của GS Nguyễn Văn Luật, nguyễn Viện trưởng Viện lúa Ô Môn; Giới thiệu 1 số kết quả nghiên cứu rau bản  địa Việt Nam  của PGS-TS Nguyễn Văn Kế - Giảng viên trường Đại học Nông Lâm TPHCM; Giới thiệu tổng quan về tiêu chuẩn VietGap của KS Nguyễn Quang Hưng – chuyên viên Cục trồng trọt; Các yêu cầu tiếp cận thị trường EU đối với rau quả của ThS Từ Minh Thiện, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp và báo cáo giới thiệu về dự án xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất rau an toàn tại Phong Điền của Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc công ty TNHH cơ khí công nông nghiệp Bùi Huy Ngọ, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề liên quan đến những khó khăn, thuận lợi cũng như những vướng mắc khi thực hiện các biên pháp nhằm phát triển sản xuất và kinh doanh rau an toàn.

5 vấn đề được đưa ra trong tọa đàm được các đại biểu đóng góp ý kiến đó là:

  1. Tại sao RAT chưa hấp dẫn người tiêu dùng và nhà sản xuất mặc dù ai cũng nhận thức được sự cần thiết?
  2. Giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiện đại hóa với thực trạng sản xuất phân tán, qui mô nhỏ, thủ công trong sản xuất kinh doanh rau an toàn trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu?
  3. Vai trò của các nhà phân phối, hiệp hội các nhà bán lẻ, hiệp hội người tiêu dùng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng rau an toàn như thế nào?
  4. Chi phí sản xuất rau an toàn thấp hơn hay cao hơn chi phí sản xuất rau theo cách thông thường?
  5. Rau bản địa: làm thế nào để phát triển sản xuất và tiêu thụ?

Hai báo cáo đề dẫn của GS Nguyễn Văn Luật và Nguyễn Văn Kế cho thấy tiềm năng của rau bản địa cũng như rau có dược tính cao ở nước ta là rất lớn. Đây là một nguồn lợi không nhỏ chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian vừa qua. Báo cáo của ThS Từ Minh Thiện cũng đã cho thấy xu hướng tiêu dùng và triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU. Ngoài ra, ông Bùi Phong Lưu cũng đã trình bày những suy nghĩ chân thật của mình trong việc chuyển hướng đầu tư từ ngành công nghiệp sang sản xuất nông nghiệp với nhiều rủi ro và thách thức.

Buổi tọa đàm đã được hâm nóng qua phát biểu của bà Bùi Hạnh Thu – Phó Tổng giám đốc Sàigòn Coop về thực tế trong công tác thu mua rau an toàn của Coop mart và hiệu quả của việc kinh doanh ngành hàng rau quả tươi trong chuỗi siêu thị Sàigòn Coop.. Theo bà Thu, với chuỗi 30 siêu thị Coopmart trong cả nước, mỗi ngày hệ thống này tiêu thụ khoảng 40 tấn rau, trong đó có khoảng 14 tấn rau ăn lá và 26 tấn rau củ quả. Nguồn cung cấp chủ yếu là tư Lâm Đồng chiếm hơn 70% lượng cung, số còn lại 30%  là từ các huyện ngoại thành TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Trong khi nhu cầu của cả thành phố ước tính khoảng 2000-3000 tấn/ ngày. Như vậy, lượng cung cấp từ siêu thị đối với rau an toàn còn rất ít. Bà Thu cũng thừa nhận siêu thị bị lỗ trong kinh doanh mặt hàng rau an toàn và phải lấy lãi từ các mặt hàng khác bù qua, nhưng đây là chiến lược kinh doanh nên Coopmart vẫn phải giữ ngành hàng này. Ngoài ra, Bà Thu còn nêu ra 1 số khó khăn như xác định vùng nguyên liệu ở đâu trong khi đất sản xuất nông nghiệp đang bị đô thị hóa, lao động không gắn với đồng ruộng, các chi phí đều tăng, ngay cả chi phí vận chuyển từ ngoại thành vào thành phố đã tốn hơn 1000đ/kg rau? Song song đó, nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết như: Quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất, thu hoạch cho đến tập kết, vận chuyển, đến tay người tiêu dùng chưa có; công tác quản lý nhà nước chưa rõ ràng, chi phí cho việc xây dựng kho trữ hàng hóa rất lớn thế thì ai sẽ là người hỗ trợ nhà sản xuất, nhà phân phối; chất lượng giống rau ở nước ta hiện nay đang bị sút giảm so với các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan…

Ông Tạ Minh Tuấn, phụ trách phòng nghiên cứu thị trường của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đề nghị phải có những biện pháp thực hiện mạnh mẽ hơn trong quản lý rau an toàn. Các doanh nghiệp phải tự đăng ký với các cơ quan chứng nhận và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đã đăng ký, cần thay đổi cách phân cấp quản lý rau an toàn…

Ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường và chất lượng TP, cũng đã nêu lên thông điệp chung của Việt Nam cũng như của thế giới hiện nay là “xây dựng tiêu chuẩn vì một thế giới an toàn hơn”, cần thực hiện quan điểm “một chứng chỉ được công nhận ở nhiều nơi”, các doanh nghiệp và các nhà sản xuất có thể liên hệ với Sở KHCN địa phương trong chương trình “Phong trào nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm” và tích cực liên với các tổ chức tư vấn được nhận sự hỗ trợ của chương trình quốc gia trong việc đầu tư xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh rau an toàn, ông Trần Duy Phát thuộc Dự án đa dạng sinh học Hóa An, TP vần Thơ, cho rằng chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất rau theo cách thông thường. Bên cạnh đó, hình dáng và mẫu mã không được đẹp bằng rau có phun xịt thuộc BVTV cũng là 1 khó khăn cho người sản xuất trong việc tiêu thụ rau an toàn.

Các câu hỏi và ý kiến trao đổi cũng đã được nêu lên xoay quanh nội dung và cách triển khai tiêu chuẩn VietGap trong tương lai, cách triển khai quản lý chất lượng rau quả,  …Mặc dù đã hơn 12g trưa, nhưng các ý kiến trao đổi trong tọa đàm vẫn còn tiếp tục được đưa ra, điều này cho thấy sự quan tâm của các đại biểu đối với vấn đề bức xúc hiện nay trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta.

Kết thúc buổi tọa đàm, Ông Từ Minh Thiện – Giám đốc HCACS – và bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc BSA – đều mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức các buổi tọa đàm với các huyên đề sâu hơn nhằm có thể tìm ra các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề có liên quan đến mục tiêu phát triển sản xuất và kinh doanh rau an toàn..

TMT

 

()

Số lượt người xem: 6035    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm