SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
1
9
8
1
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Mười Một 2010 9:25:00 SA

Cảnh báo đợt triều cường đầu tháng 11 năm 2010 và triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó

Theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày số 308/2010, ngày 04-11-2010 của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, mực nước thực đo vào sáng ngày 04-11-2010 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn)là 1,48 m (lúc 2 giờ 30 phút) xấp xỉ mức báo động cấp III (1,50 m) và tại trạm Nhà Bè là 1,45 m (lúc 1 giờ 30 phút); dự báo nhiều khả năng đợt triều cường đầu tháng 11 năm 2010 có mực nước tại trạm Phú An sẽ lên cao hơn so với năm 2008 (là 1,54 m, ngày 13-11-2008) và năm 2009 (là 1,56 m, ngày 14-11-2009).
 
 
 
 
  -

        Theo Thông báo ngày 04-11-2010 của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, mức nước đỉnh triều cường sẽ duy trì ở mức cao từ ngày 04-11-2010 đến ngày 10-11-2010 và thời gian đỉnh triều xuất hiện vào buổi sáng từ 02 giờ đến 08 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 20 giờ. Cụ thể như sau:

- Tại trạm Phú An: ngày 05-11-2010 là 1,46 m (lúc 4 giờ), ngày 06-11-2010 là 1,49 m (lúc 17 giờ) và 1,49 m (lúc 5 giờ), ngày 07-11-2010 là 1,53 m (lúc 18 giờ), ngày 08-11-2010 là 1,56 m (lúc 18 giờ 30 phút).

- Tại trạm Nhà Bè: ngày 05-11-2010 là 1,42 m (lúc 2 giờ 30 phút), ngày 06-11-2010 là 1,46 m (lúc 16 giờ), ngày 07-11-2010 là 1,51 m (lúc 17 giờ), ngày 08-11-2010 là 1,55 m (lúc 18 giờ).

Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều ngày 03 tháng 11 năm 2010, vùng áp thấp trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định – Ninh Thuận đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 04 giờ ngày 04-11-2010, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 đến 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 đến 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên – Ninh Thuận 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. 

Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do đợt triều cường nhiều khả năng sẽ lên cao kết hợp với mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao vào đầu tháng 11 năm 2010 có thể gây ra (nhằm đầu tháng 10 Âm lịch); Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị:

1. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn khẩn số 4678/UBND-CNN ngày 22 tháng 9 năm 2010 về tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với tình hình sạt lở, mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố và Phương án phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt cần tập trung kiểm tra toàn diện các khu vực xung yếu, trọng điểm đã được cảnh báo, nhất là các khu vực đã xảy ra bể bờ, tràn bờ trong đợt triều cường vừa qua như: quận 12 (phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc, phường Thạnh Xuân); quận Thủ Đức (phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Trường Thọ, phường Linh Đông); quận Bình Thạnh (phường 28); quận Gò Vấp (phường 5, phường 6, phường 15); huyện Bình Chánh (xã Đa Phước, xã Phong Phú, xã Tân Nhựt); huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ, xã Trung An); huyện Hóc Môn (xã Nhị Bình) để chủ động phòng, chống, ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”.

2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, đặc biệt là quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt bão, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư năm 2008 và năm 2009.

Riêng quận 12 phải tập trung hoàn thành dứt điểm việc gia cố cấp bách các vị trí xung yếu đã được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu tại Công văn số 378/PCLB ngày 02 tháng 11 năm 2010.

3. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình, Công ty TNHH một thành viên Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi thành phố và Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị thành phố: kiểm tra tiến độ thi công các dự án thủy lợi, cải thiện môi trường, tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố; đảm bảo thông suốt của hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên, tuyệt đối không để cản dòng chảy trong quá trình thi công. Chỉ đạo đơn vị trực tiếp quản lý các cống, đập ngăn triều, trạm bơm, máy bơm nước di động phối hợp với địa phương chuẩn bị lực lượng, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện; thường xuyên kiểm tra các cửa xả, cống - đập ngăn triều đảm bảo vận hành hiệu quả.

4. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố) tăng cường lực lượng hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra triều cường.

5. Đề nghị các Sở - ngành, quận – huyện, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30-9-2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố; thường xuyên theo dõi Bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày và các chỉ đạo, thông báo trên website của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (địa chỉ: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn) để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống. Báo cáo nhanh về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố khi có các tình huống bất lợi; địa chỉ 176 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1; điện thoại: 38.297.598; fax: 38.232.742./.

 

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB


Số lượt người xem: 5268    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm