Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là 01 trong 11 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của Trung ương và 01 trong 06 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích đất tự nhiên của xã là 1.788,14 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.122,9 ha; dân số 30.771 nhân khẩu, 8.084 hộ gia đình (bao gồm hộ đăng ký tạm trú trên 6 tháng); lực lượng lao động 23.682 người, chiếm 75% dân số toàn xã, trong đó lao động làm trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp 7.965 người; thu nhập bình quân đầu người năm 2009 18,6 triệu đồng/người, số hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố 12 triệu đồng/người/năm là 1.390 hộ, chiếm 17,2% trên tổng số hộ toàn xã. Về diện tích sản xuất nông lâm ngư nghiệp: cây lúa 60 ha, rau 90 ha, đậu 4 ha, cây ăn quả 20 ha, hoa lan – cây kiểng 8 ha, lâm nghiệp 97 ha; đàn heo 4.500 con, bò thịt 890 con, cá sấu 400 con, bò sữa 1.350 con; có Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa với 50 xã viên, thu mua 90 tấn sữa/tháng và một doanh nghiệp cá kiểng với sản lượng 12 triệu con/năm, doanh thu 5,4 triệu USD…
Để nâng cao thu nhập của người dân tại xã năm 2010 là 24,2 triệu đồng/người/năm và năm 2011 là 27,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần thu nhập bình quân của người dân huyện Củ Chi, Ông Trần Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội khẳng định mục tiêu trong thời gian tới là cần sự đồng lòng của nhân dân và các ban ngành, cụ thể: chuyển đổi 60 ha lúa kém hiệu quả sang các mô hình cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nông nghiệp đô thị, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh, môi trường; khuyến khích phát triển các loại hình nông nghiệp và phi nông nghiệp theo hướng đô thị, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; tăng cường công tác khuyến nông và thông tin thị trường, liên kết sản xuất giữa nông dân để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; đào tạo nghề phi nông nghiệp phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang các ngành nghề khác, từng bước góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Được biết, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4564/QĐ-UBND ngày 02/10/2009 về phê duyệt đề án nông thôn mới xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với 19 tiêu chí, 39 chỉ tiêu. Để góp phần thực hiện tiêu chí 10, 11, 12, 13 giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 1,5 lần so với bình quân của thành phố ở khu vực nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và có tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Theo bà Lê Hồng Hoanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố nhấn mạnh tại hội nghị: Thứ nhất, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Thông Hội xây dựng kế hoạch củng cố và phát triển Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất, cùng tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 07 – 10 người theo từng lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ trong tương lai; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp như Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH nấm Phương Nam, Công ty TNHH rau an toàn Thỏ Việt,... để làm tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản phẩm; điều tra nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, để có phương án đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Thứ hai, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có kế hoạch cụ thể giúp đỡ, hỗ trợ, gắn kết với chủ trương xây dựng mô hình nông thôn mới thông qua các hoạt động phổ biến cơ chế chính sách, tập huấn, tham quan, xây dựng mô hình, xây dựng thương hiệu sản phẩm...; cụ thể: mô hình sản xuất lúa và rau an toàn theo quy trình VietGAP, mô hình hoa - cây kiểng, nấm, thủy đặc sản, cá cảnh. Thứ ba, tùy theo mối quan hệ của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT có thể giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp, các chợ đầu mối giúp nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi để làm tốt các dịch vụ về vốn, giống, vật tư kỹ thuật nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn…) và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đặng Kiệt
|