1. Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:
Ngày 29/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó Nghị định quy định các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể:
- Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá;
- Vi phạm các quy định về nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;
- Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản;
- Vi phạm các quy định về các ngành nghề dịch vụ thủy sản;
- Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
Nghị định quy định mức xử phạt thấp nhất từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi: sử dụng trang thiết bị cứu sinh chưa được cơ quan có thẩm quyền đăng kiểm, tàu cá bốc dỡ thủy sinh không đúng bến cảng cá theo quy định của UBND cấp tỉnh; không có sổ nhật ký khai thác, không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc không thực hiện chế độ báo cáo khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; không đánh dấu ngư cụ được sử dụng tại ngư trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT;… Và mức xử phạt cao nhất 40 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu tàu cá khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2010 và thay thế Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 154/2006/NĐ-CP ngày 25/12/2006 của Chính phủ về sửa đổi Điều 17 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
2. Nghị định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển:
Ngày 31/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển. Theo Nghị định vùng biển Việt Nam được phân thành 03 vùng khai thác thủy sản theo thứ tự: vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ; vùng lộng là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng; vùng khơi là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.
Nghị định còn quy định đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản:
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả;
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả;
- Các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các nghề và ngư trường hoạt động cho các tàu này;
- Ngoài quy định về công suất máy chính của tàu, tàu khai thác hải sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn khi tàu hoạt động trên từng vùng biển.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2010 và thay thế Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Đ.K (tổng hợp)
|