1/ Đối với nuôi tôm Sú:
- Diện tích thả nuôi: chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 94,3% so năm 2007, trong đó diện tích bị nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ 1,8%
- Sản lượng thu hoạch: chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 95,1% so với 6 tháng đầu năm 2007.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch giảm là do giá các loại chi phí nuôi tăng cao nhưng giá bán lại giảm, người nuôi không còn lời nhiều như trước.
Tình hình ao tôm nhiễm bệnh giảm (bằng 37,2% so với 6 tháng đầu năm 2007) vì ngay từ đầu vụ Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo số 71/SNN-TS ngày 16/01/2008 V/v Tăng cường công tác quản lý chỉ đạo nuôi tôm Sú vụ mùa 2008 chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý và các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền tập huấn kỹ thuật nuôi và công tác kiểm tra kiểm soát nguồn giống thả nuôi.
Đồng thời căn cứ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị 1415/CT-BNN-NTTS ngày 22/5/2008, Ủy ban nhân dân TP HCM cũng đã có văn bản số 3946/UBND-CNN ngày 21/6/2008 về việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho tôm, quản lý chất lượng tôm Sú, tôm Thẻ giống và các điều kiện vùng nuôi, trong đó đã chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ.
2/ Đối với nuôi tôm Thẻ chân trắng:
Căn cứ Quyết định 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 và Chỉ thị 228/CT-BNN-NTTS ngày 25/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản 315/SNN-TS ngày 12/3/2008 V/v phát triển nuôi tôm Thẻ chân trắng chỉ đạo các địa phương tổ chức khảo sát các vùng có đủ điều kiện để qui hoạch nuôi tôm chân trắng; các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền tập huấn và thẩm định điều kiện nuôi cho các hộ đăng ký và tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm soát.
Sau khi có đề xuất về vùng nuôi tôm chân trắng của các địa phương, kết hợp với kết quả thẩm định điều kiện nuôi của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản 871/SNN-TS ngày 20/6/2008 để xác định các vùng đủ điều kiện phát triển nuôi tôm chân trắng và phân công các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã giao. Đến nay, chưa có báo cáo về tình hình nuôi tôm chân trắng của các huyện và đăng ký nuôi của nông dân .
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng mới được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo phát triển rộng ở khu vực phía nam, đây là đối tượng dễ nuôi nên có khả năng phát triển mạnh để thay thế tôm sú vì đang bị suy thoái do môi trường dịch bệnh và giá bán thấp. Vì vậy Bộ cần có qui hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng khu vực, địa phương, tránh tình trạng phát triển quá mức về sản lượng, khó tiêu thụ như trường hợp cá tra, cá basa hiện nay.
|