1/ UBND 02 huyện Cần Giờ, Nhà Bè:
1.1/ Đối với vùng nuôi tôm Sú tập trung:
- Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 71/SNN-TS ngày 16/01/2008 cuả Sở Nông nghiệp và PTNT v/v: tăng cường công tác quản lý chỉ đạo nuôi tôm Sú vụ mùa 2008.
- Đối với các ao nuôi bị nhiễm bệnh liên tiếp nhiều vụ, cần khuyến cáo chủ hộ ngưng nuôi và tích cực xử lý, tiêu diệt mầm bệnh rồi mới nuôi lại.
- Đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh cần tuân thủ qui trình kỹ thuật, sử dụng có chọn lọc các loại chế phẩm sinh học đã được đăng ký chất lượng.
1.2/ Đối với vùng nuôi tôm chân trắng tập trung: Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo tại văn bản số 315/SNN-TS ngày 12/3/2008 cuả Sở Nông nghiệp và PTNT v/v phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng.
1.3/ Đối với các vùng nuôi riêng lẻ: Phối hợp Trung tâm Khuyến nông TP HCM tổ chức chọn đối tượng thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện cuả từng vùng sinh thái nhưng phải đảm bảo các điều kiện: có hiệu quả kinh tế, nuôi đúng kỹ thuật và không ảnh hưởng đến môi trường chung.
Tất cả các mô hình nuôi phải được quản lý chặt dựa trên vai trò chủ động cuả chính quyền các cấp, nhất là quan tâm đến việc hình thành các mô hình quản lý cộng đồng theo tổ hợp tác.
2/ Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
2.1/ Tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được chỉ đạo tại các văn bản số 71/SNN-TS ngày 16/01/2008 và văn bản số 315/SNN-TS ngày 12/3/2008 của Sở Nông nghiệp và PTNT.
2.2/ Tổ chức tuần tra, kiểm tra chặt chẽ các trường hợp vận chuyển, sản xuất kinh doanh giống tôm trên địa bàn TP HCM; kiên quyết xử lý các lô tôm giống không có nguồn gốc rõ ràng, không đạt chất lượng hoặc mang mầm bệnh có khả năng lây nhiễm.
2.3/ Phối hợp chính quyền các cấp kiểm tra thường xuyên vùng nuôi tôm, xử lý nghiêm những trường hợp nuôi tôm không đúng qui định, gây ô nhiễm môi trường, xổ xả nước thải làm lây lan dịch bệnh vùng nuôi. Tổ chức dập bệnh triệt để đối với những ao nuôi đã nhiễm bệnh không để lây lan thành dịch.
2.4/ Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các địa phương về các qui định cuả Ngành; hướng dẫn cụ thể cho các hộ nuôi danh mục các loại thức ăn, hoá chất, thuốc thú y được phép sử dụng, hạn chế và cấm sử dụng.
2.5/ Phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hoá chuyên ngành thủy sản, giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thông báo đến các địa phương những địa chỉ có uy tín hoặc những địa chỉ vi phạm quy định.
3/ Trung tâm Khuyến nông:
3.1/ Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được chỉ đạo tại văn bản số 71/SNN-TS ngày 16/01/2008.
3.2/ Chọn lọc được các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng nhưng phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, có hợp đồng tiêu thụ; tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi thật chi tiết và kèm theo cẩm nang rõ ràng để hướng dẫn nông dân nuôi luân canh trong vùng nuôi tôm Sú tập trung cũng như các vùng nuôi khác.
3.3/ Tham khảo và phối hợp các Viện, Trường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật các qui trình nuôi, tổ chức tập huấn bằng các phương pháp sinh động, dễ hiểu cho các hộ nông dân; quá trình tập huấn và hội thảo phải lồng ghép các qui định cuả Ngành, Thành phố.
3.4/ Phối hợp chính quyền địa phương, Chi cục Phát triển nông thôn vận động các hộ nông dân cùng tham gia các mô hình nuôi thủy sản theo hướng cộng đồng như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ; qua đó tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
3.5/ Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quốc gia và các tỉnh, thành nhằm chuyển giao công nghệ kỹ thuật và kinh tế cho các hộ nông dân nuôi thủy sản.
(Phòng Thủy sản)