Để thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và thiết lập khung pháp lý cho việc bảo tồn và quản lý đàn cá di cư, Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, về bảo tồn và quản lý đàn cá di cư đã được thông qua ngày 04/8/1995 và có hiệu lực từ ngày 11/12/1995. Căn cứ Hiệp định, các tổ chức quản lý nghề cá quốc tế đã được thành lập nhằm đảm bảo quản lý và bảo tồn có hiệu quả các đàn cá di cư, trong đó có 05 tổ chức quản lý nguồn lợi cá Ngừ khu vực: Ủy ban cá Ngừ Nhiệt đới liên Mỹ (Inter-American Tropical Tuna Commission – IATTC), Ủy ban Quốc tế Bảo tồn cá Ngừ Đại Tây dương (International Commission for Conservation of Atlantic Tuna – ICCAT), Ủy ban cá Ngừ Ấn Độ dương (Indian Ocean Tuna Commission – IOTC), Ủy ban bảo tồn cá Ngừ vây xanh phương Nam (Commission for the Conservation of Southern Bluefin Tuna – CCSBT) và Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình dương (Western and Central Pacific Fisheries Commission – WCPFC).
WCPFC là tổ chức nghề cá khu vực được thành lập với nhiệm vụ bảo tồn các loài cá di cư xa tại khu vực Trung và Tây Thái Bình dương như cá Ngừ vằn, cá Ngừ vây vàng, cá Ngừ mắt to, cá Ngừ vây dài, cá Kiếm… đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác đối với nguồn lợi biển. Cá Ngừ là loài cá di cư có số lượng lớn trên thế giới, có môi trường sống trong vùng biển quốc tế và các vùng nước thuộc quyền tài phán của nhiều quốc gia khác nhau; vì vậy việc khai thác quá mức cá Ngừ ở một nước có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi của nhiều nước khác. WCPFC sẽ xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn nhất định, trên cơ sở đó phân bổ hạn ngạch khai thác cho các nước thành viên và quy định các phương pháp khai thác nhằm bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lợi cá Ngừ.
Ngày 25/7/2005, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản số 538/VPCP-NC giao cho Bộ Thủy sản (cũ) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu nội dung Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá di cư. Việc gia nhập Hiệp định đối với mỗi nước gắn liền với việc gia nhập các tổ chức quản lý nghề cá khu vực - với Việt Nam, đó là WCPFC. Mặc dù VN chưa có đội tàu viễn dương có thể đánh bắt ở vùng biển quốc tế và cũng chưa đủ khả năng khai thác cá Ngừ ở vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của WCPFC, nhưng do đặc tính di cư cao của loài cá này nên các nước và các tổ chức quốc tế vẫn có thể đơn phương áp đặt các rào cản thương mại đối với cá Ngừ VN, ngay cả khi VN chứng minh được cá Ngừ đó được đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cụ thể: từ cuối năm 2007, Tây Ban Nha đã từ chối nhập khẩu cá Ngừ và cá Kiếm từ VN với lý do “VN không phải là thành viên của WCPFC, tàu cá VN không được đăng ký tại tổ chức này và vùng biển Đông mà các tàu cá VN hoạt động lại nằm trong khu vực quản lý của WCPFC”.
Để giải quyết vấn đề này, VN đã xúc tiến các bước tiếp cận với WCPFC, tìm hiểu các thủ tục và trình tự gia nhập tổ chức này; đã được ông Andrew Wright – Giám đốc điều hành WCPFC trực tiếp sang thăm và làm việc với lãnh đạo và một số đơn vị trực thuộc Bộ Thủy sản (cũ) hướng dẫn thủ tục. Hiện nay, WCPFC đang đề xuất và tìm nguồn kinh phí thực hiện 1 dự án chung giúp 3 nước VN, Indonesia, Philippin chuẩn bị hội nhập từng bước, tiến tới gia nhập tổ chức này.
Đối với vấn đề cấm nhập khẩu cá Ngừ VN của Tây Ban Nha, qua đấu tranh tích cực của VN, đến nay Ủy ban Châu Âu đã có chỉ thị gửi các nước thành viên hủy bỏ lệnh cấm này và các nước thành viên - trước hết là Tây Ban Nha đang xem xét thi hành chỉ thị này. Tuy nhiên, có thể thấy những rào cản thương mại tương tự sẽ được các nước nhập khẩu luôn tìm cách áp đặt đối với các nước xuất khẩu thủy sản và trong hầu hết các trường hợp, phần thua thiệt luôn thuộc về các nước đang phát triển xuất khẩu thủy sản.
Trịnh Biên
Phòng Thủy sản