Năm 2010, thiên tai có những diễn biến bất thường và phức tạp, những tháng đầu năm hạn hán đã xảy ra gay gắt, kéo dài trên diện rộng, lũ quét, lốc xoáy, mưa đá ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây thiệt hại về người và tài sản, đã có 01 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Tại thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng qua, đã xảy ra 5 đợt lốc xoáy, mưa giông, 01 đợt triều cường cao trên báo động II, làm chết 01 người, thiệt hại 77 căn nhà, bể 05 đoạn bờ bao, ngập trên 14 ha đất nông nghiệp, thiệt hại trên 3,3 tấn muối, giá trị thiệt hại trên 3,2 tỷ đồng.
Dự báo những tháng cuối năm 2010, thời tiết, thiên tai có xu hướng cực đoan, diễn biến khó lường, có khả năng xuất hiện những cơn bão có cường độ mạnh và những cơn mưa có vũ lượng lớn, triều cường dâng cao.
Nhằm thu hẹp phạm vi, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ban - ngành, đơn vị thành phố, các Tổng Công ty đóng trên địa bàn thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ động triển khai và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó như sau:
1. Khi xảy ra triều cường, mưa lớn, xả lũ, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực và địa bàn thành phố, các sở - ngành, đơn vị thành phố, quận – huyện triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010; Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 và Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2355/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các biện pháp chủ động và tự giác tổ chức phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường theo phương án, kế hoạch đã định đến từng phường - xã - thị trấn, các khu phố - ấp, tổ dân phố, hộ dân và các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp, cơ quan ban - ngành, đoàn thể đóng tại địa bàn; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh từng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo yêu cầu phòng, chống, ứng phó khi lụt, bão, thiên tai xảy ra tại đơn vị, địa phương mình.
2. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố:
a) Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn... để kịp thời thông tin, cảnh báo đến các địa phương, đơn vị, triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó ở từng quận, huyện đạt hiệu quả.
b) Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai cho cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng dân cư tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng hoặc có nguy cơ cao khi thiên tai xảy ra để người dân luôn tự ý thức tự giác và chủ động phòng, tránh, ứng phó.
c) Kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các Phương án đã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành: Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường; Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố và Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.
d) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành chức năng xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn – cứu hộ trên địa bàn thành phố để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố và các quận – huyện tổ chức tập huấn công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các sở - ngành, quận - huyện.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đặc biệt huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức và quận 12:
a) Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 và năm 2009, nỗ lực hoàn thành dứt điểm các công trình trước tháng 9 năm 2010; đồng thời, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra về chất lượng thi công các công trình nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những khiếm khuyết, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão năm 2010.
Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức, các Sở - ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn và các cống ngăn triều trên địa bàn các quận - huyện ven sông.
b) Phân công các phòng, ban, đơn vị, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn quận – huyện phụ trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các phường, xã, thị trấn, các khu vực trọng điểm của địa phương để kịp thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó đạt hiệu quả khi thiên tai xảy ra. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng vật tư và nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời xử lý, gia cố các điểm xung yếu và chủ động nạo vét bồi lắng, thông thoáng dòng chảy để đảm bảo phòng, chống triều cường, mưa lớn, xả lũ.
c) Tổ chức lực lượng dân quân, xung kích của các phường, xã, thị trấn giúp dân chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão.
d) Thường xuyên thông báo trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho nhân dân địa phương biết và chủ động phòng, tránh, ứng phó.
đ) Ủy ban nhân dân quận 12 và quận Thủ Đức khẩn trương tổ chức thí điểm việc thành lập và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại 05 phường trọng điểm ảnh hưởng triều cường, riêng các quận – huyện khác có đê cần nghiên cứu chuẩn bị phương án để thành lập lực lượng này tại địa phương mình.
4. Giao Sở Giao thông Vận tải thành phố:
a) Tiến hành duy tu, sửa chữa các tuyến kè bảo vệ bờ sông Đồng Điền cầu Hiệp Phước, kè bến đò Hiệp Phước (ấp 4), xã Hiệp Phước và kè bảo vệ bờ sông cầu Bà Sáu, xã Nhơn Đức trên địa bàn huyện Nhà Bè và khu vực sạt lở bờ sông Sài Gòn thuộc phường An Lợi Đông (đoạn đường cầu phao 23) để hạn chế sạt lở và đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án gia cố bảo vệ mố cầu Giồng Ông Tố 1, trên đường Nguyễn Thị Định, phường An Phú để đảm bảo an toàn cho người dân và công trình cầu Giồng Ông Tố 1, thuộc địa bàn quận 2.
b) Thường xuyên kiểm tra diễn biến sạt lở tại 45 vị trí có nguy cơ sạt lở đã được cảnh báo để kịp thời thông báo cho nhân dân sinh sống xung quanh phòng, tránh và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động di dời hoặc vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; đẩy nhanh tiến độ các dự án phòng chống sạt lở đang triển khai trên địa bàn thành phố.
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận – huyện có các công trình giao thông, tiêu thoát nước đang thi công trên địa bàn thường xuyên kiểm tra công trình để đảm bảo thực hiện các quy định về rào chắn an toàn, lưu ý các vị trí hố ga, các khe rãnh, nơi mặt đường gồ ghề; tổ chức canh gác, cảnh báo và hướng dẫn cho người dân lưu thông an toàn khi có mưa lớn, triều cường gây ngập úng.
d) Kiểm tra hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố và tiến hành chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…
5. Giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố:
a) Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Cải tạo kênh Ba Bò và các dự án cải thiện môi trường, tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố, đặc biệt cần lưu ý các gói thầu thuộc dự án Cải thiện môi trường nước thành phố (lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ) và dự án Vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) để tăng dung tích chứa nước khi có mưa lớn.
b) Phối hợp Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý các dự án thoát nước, dự án cấp nước đang trong quá trình thi công đã chặn dòng gây tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến làm phát sinh các điểm ngập mới, đặc biệt các dự án liên quan đến hướng tiêu thoát nước dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tân Hóa – Lò Gốm.
6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố:
a) Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình có biện pháp đảm bảo an toàn các tuyến bờ bao thuộc công trình thủy lợi Bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam – Bắc rạch Tra), đặc biệt tại các gói thầu mới khởi công, các vị trí đê quây, hố móng các cống; đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công chuẩn bị thiết bị, bố trí nhân lực để sẵn sàng giúp địa phương giải quyết những sự cố trong mùa mưa bão năm 2010.
b) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh, neo đậu đảm bảo an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố theo dõi tiến độ và tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố giao kế hoạch vốn cho các quận - huyện để sớm triển khai thi công các hạng mục công trình phòng, chống lụt, bão nhằm phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống triều cường trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ khẩn trương kiểm tra và sửa chữa, bảo dưỡng cột phát tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, đảm bảo vận hành hiệu quả; đồng thời tổ chức phát tín hiệu, bắn pháo hiệu kịp thời khi áp thấp nhiệt đới, bão có hướng di chuyển hoặc đổ bộ vào địa bàn thành phố.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiến hành rà soát các Phương án tổ chức, phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ứng với từng loại hình thiên tai, tình huống, cấp độ thiệt hại để tổ chức điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.
10. Sở Xây dựng thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận – huyện chủ động lập kế hoạch di dời dân đang sinh sống trong các nhà ở tạm bợ, vùng ven sông, rạch có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp, các công trình, kiến trúc xuống cấp đến nơi tạm cư an toàn khi có thiên tai xảy ra. Tập trung kiểm tra, cảnh báo, hướng dẫn việc gia cố, sửa chữa, tháo dỡ hoặc xây dựng mới các công trình nhất là những công trình ngầm, công trình cao tầng, các biển panô quảng cáo bị hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng; kiểm tra các thiết bị trên cao (cần cẩu, trụ tiếp phát sóng…) đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tăng cường kiểm tra các kho tàng, kho hóa chất… nhằm ngăn ngừa tình trạng rò rỉ nước bẩn hoặc hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh khi có lụt, bão, thiên tai. Hoàn chỉnh Phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần và Phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
12. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp với Thành Đoàn thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và kinh phí để chủ động tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai và công tác cứu nạn, cứu hộ. Phối hợp với Công an thành phố tăng cường lực lượng hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra ngập lụt, thiên tai.
13. Tổng Công ty Điện lực thành phố tiến hành kiểm tra các hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa, bão; đồng thời, bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều… trong thời gian xảy ra lụt, bão, thiên tai.
14. Các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo, đặc biệt là khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra và trong những ngày nghỉ, ngày lễ. Giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố sớm xây dựng quy chế trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành để triển khai thực hiện có hiệu quả trong mùa mưa, bão năm 2010.
15. Các cơ quan thông tấn, báo chí thành phố tăng cường thông tin kịp thời các dự báo của cơ quan chức năng, cảnh báo, chỉ đạo của thành phố để các cơ quan, đơn vị, người dân biết và chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, các Tổng Công ty đóng trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên địa bàn thành phố./.
Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB.
|