I. Tình hình khí tượng, thủy văn:
Theo chu kỳ của thủy triều, tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn xuất hiện 02 đợt triều cường vào giữa và cuối tháng 01 năm 2009.
Ngày 07-01-2009, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đã có Thông báo triều cường số 01, theo đó mực nước đỉnh triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên mức cao trong những ngày từ ngày 09-01-2009 đến ngày 13-01-2009 (từ ngày 14 đến 18-12 Âm lịch). Đỉnh triều xảy ra vào buổi sáng từ 03 đến 07 giờ, buổi chiều từ 16 đến 20 giờ; mực nước cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) có khả năng dao động từ 1,40 m đến 1,45 m, tại Nhà Bè ở mức từ 1,38 m đến 1,42 m (lưu ý đây chỉ là dự báo tình hình thủy triều cho nhiều ngày, cần cập nhật mực nước tại các bản tin diễn biến thủy triều 05 ngày tiếp theo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ).
Ngoài ra, từ nay đến Tết Kỷ Sửu 2009, cần lưu ý đến các đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện có hướng di chuyển xuống phía Nam gây ra gió mùa Đông Bắc mạnh, tại khu vực Nam Bộ (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh) sẽ xuất hiện từ 02 đến 03 đợt mưa trái mùa có khả năng kết hợp gió mùa Đông Bắc và triều cường tạo nên tổ hợp bất lợi làm cho mực nước đỉnh triều tăng cao đột biến.
II. Biện pháp phòng, tránh, ứng phó:
Nhằm tránh chủ quan, thiếu sót, bị động để giảm thiểu tối đa các thiệt hại do triều cường gây ra, kể cả đợt triều cường có khả năng xảy ra vào cuối tháng 01 năm 2009, rơi vào thời điểm nghĩ Tết Âm lịch Kỷ Sửu 2009; Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị:
1. Ủy ban nhân dân các quận – huyện, đặc biệt quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh: thường xuyên phối hợp với các phường – xã – thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát các đoạn bờ bao xung yếu trên địa bàn mình phụ trách; tập trung chỉ đạo, ứng phó, xử lý ngay các sự cố do triều cường gây ngập úng, bể và tràn bờ bao; chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” nhằm kịp thời huy động và tổ chức khắc phục ngay khi sự cố xảy ra. Đặc biệt, cần tập trung kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm; cụ thể như: quận 12 (phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc, phường Thạnh Xuân); quận Thủ Đức (phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Trường Thọ, phường Linh Đông); quận Bình Thạnh (phường 28); quận Gò Vấp (phường 5, phường 6, phường 15); huyện Bình Chánh (xã Đa Phước, xã Phong Phú, xã Tân Nhựt); huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ, xã Trung An); huyện Hóc Môn (ấp 2 và ấp 4 – xã Nhị Bình).
Đối với các quận nội thành: chú ý các khu vực thấp trũng, các điểm thường xuyên ngập do triều tại quận 5, quận 6, quận 8, quận Bình Tân…
2. Các Sở - ban - ngành, quận- huyện, đơn vị, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Công văn khẩn số 6496/UBND-CNN ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó với triều cường trên địa bàn thành phố và Công văn số 372/PCLB ngày 25 tháng 10 năm 2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố về nhận định tình hình triều cường từ nay đến Tết Kỷ Sửu năm 2009 và chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó.
3. Các Sở - ban - ngành, đơn vị thành phố, quận - huyện tránh tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống, ứng phó triều cường, nhất là trong những ngày nghĩ Tết Âm lịch, tuyệt đối không để xảy ra tràn bờ, bể bờ gây ngập úng, giúp nhân dân an tâm vui xuân đón Tết Cổ truyền. Phải tổ chức trực ban, báo cáo nghiêm túc theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30-9-2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố ban hành Quy định về công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; thường xuyên theo dõi bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày và các chỉ đạo, thông báo, cảnh báo… của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố tại website: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn; khẩn trương tổ chức khắc phục sự cố bể bờ, tràn bờ ngay khi phát hiện (kể cả các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn sự cố)./.
|