Trong thời gian qua, chính sách khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học – công nghệ cho nông dân thành phố thực hiện theo Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/4/2006, số 50/2007/TTLT-BTC-BNN-BTS ngày 21/5/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản. Theo đó, hộ nông dân nghèo được hỗ trợ 50% chi phí về giống và các loại vật tư chủ yếu; đối với hộ nông dân khác mức hỗ trợ tối đa 40% chi phí về giống và 20% chi phí vật tư chính (thức ăn, phân bón, hoá chất, thuốc). Tuy vậy, kết quả các mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư trong thời gian qua trên địa bàn thành phố nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng còn hạn chế; việc nhân rộng mô hình khó khăn, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo do không có nguồn vốn đối ứng.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho hộ nông dân góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình giảm hộ nghèo của thành phố và đảm bảo các mô hình khuyến nông, khuyến ngư thành công, bền vững, ngoài việc áp dụng chính sách khuyến nông, khuyến ngư theo Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005, các Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/4/2006, số 50/2007/TTLT-BTC-BNN-BTS ngày 21/5/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản. Thành phố cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt để nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trên địa bàn huyện. Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu và đề xuất Thành phố cho vận dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và huyện khó khăn trong các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, giống mới trên địa bàn huyện Cần Giờ. Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT thì các hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện Cần Giờ (tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm - có mã số) có đất canh tác, trực tiếp sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp) tham gia thực hiện các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học, giống mới; được ngân sách tăng mức hỗ trợ. Đối với các mô hình phát triển các loại cây ngắn ngày, vật nuôi, thủy sản có thời gian từ khi trồng, chăn nuôi đến khi thu hoạch dưới 12 tháng trong năm đầu được ngân sách hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các loại vật tư chính (phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoá chất, thuốc phòng trừ sâu, bệnh); thời gian hỗ trợ trong vòng 12 tháng nhưng tối đa không quá 2 vụ sản xuất trong năm (vận dụng mục 2.1/II – Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH). Năm thứ 2 ngân sách sẽ hỗ trợ 20% chi phí mua các loại vật tư chính và cán bộ kỹ thuật khuyến nông tiếp tục hướng dẫn nội dung thực hiện qui trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản, diêm nghiệp theo qui trình mới đã áp dụng trong năm đầu. Đối với các mô hình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có thời gian sinh trưởng, nuôi dưỡng trên 12 tháng thì trong năm đầu được ngân sách hỗ trợ 100% chi phí mua giống và vật tư chính (phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hoá chất, thuốc phòng chống dịch bệnh, sâu rầy). Năm thứ 2 (năm kế tiếp) được ngân sách hỗ trợ 20% chi phí mua phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc phòng chống dịch bệnh và cán bộ kỹ thuật khuyến nông tiếp tục theo dõi, hướng dẫn qui trình chăm sóc, bảo vệ đã áp dụng trong năm đầu. Các hộ nông dân nghèo ở huyện Cần Giờ có nhu cầu mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản, muối, phát triển ngành nghề được ngân sách hỗ trợ 50% giá trị máy móc, thiết bị và được vay vốn trung hạn theo qui định của ngân hàng. Mức hỗ trợ mua máy móc, thiết bị cho hộ nông dân tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ (mục 2.1/II – Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH).
Các mô hình khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học, giống mới và sản xuất muối của các hộ nông dân không thuộc hộ nghèo trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng đưọc ngân sách tăng mức hỗ trợ các mô hình phát triển các loại cây ngắn ngày, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối có thời gian sinh trưởng đến thu hoạch dưới 12 tháng trong năm đầu được ngân sách hỗ trợ 60% chi phí mua giống, 30% chi phí mua các loại vật tư chính: phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hoá chất, thuốc phòng trị sâu rầy, dịch bệnh; (tăng 50% so với Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTS - mục 3.a – Phần II). Thời gian hỗ trợ trong vòng 12 tháng nhưng tối đa không quá 2 vụ sản xuất trong năm. Năm thứ 2 (năm kế tiếp): Cán bộ kỹ thuật khuyến nông tiếp tục theo dõi, hướng dẫn qui trình sản xuất, phòng chống dịch bệnh đã áp dụng trong năm đầu. Các mô hình phát triển các loại cây lâu năm, vật nuôi, thủy sản có thời gian sinh trưởng trên 12 tháng thì trong năm đầu được ngân sách hỗ trợ 60% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư chính (phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hoá chất, thuốc phòng trị sâu rầy, dịch bệnh). Năm thứ 2 (năm kế tiếp): Cán bộ kỹ thuật khuyến nông tiếp tục theo dõi, hướng dẫn qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ cây trồng vật nuôi đã áp dụng trong năm đầu.
Mức hỗ trợ chi phí về tài liệu, đi lại, ăn, ở cho nông dân, cán bộ kỹ thuật tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ thực hiện theo qui định hiện hành của ngành tài chính, (mục 2.1/II – Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH).
Để thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo theo tiêu chí mới, Thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nông dân huyện Cần Giờ./.
Nguyễn Nam Tuấn
P. Kế hoạch – Tài chính Sở
|