Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 2537/UBND-THKH ngày 24/4/2008 về giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 và Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Trên cơ sở Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006-2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố (Quyết định 166/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2006) và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 1518/SNN-KHTC ngày 8/11/2006).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2008, kết quả như sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
1.1- Về quán triệt, học tập chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí:
Trong 6 tháng đầu năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban nhân dân thành phố, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tất cả các cán bộ chủ chốt của đơn vị và phòng ban, đoàn thể thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia đầy đủ các lớp học tập, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí; học tập và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh do Đảng uỷ khối dân chính đảng tổ chức.
Trong các cuộc họp giao ban, triển khai công tác, đánh giá tình hình sản xuất hàng tháng, Ban Giám đốc Sở luôn nhắc nhở các đơn vị, phòng ban về chủ trương, giải pháp cụ thể để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương của trung ương, thành phố, nhất là NQ 10/CP và Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
1.2- Về xây dựng và triển khai kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí:
Đến nay các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá, báo cáo tổng kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2007 và xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho năm 2008 theo chủ trương, kế hoạch của thành phố và của Sở.
1.2.1- Các đơn vị trực thuộc Sở đã điều chỉnh chương trình và kế hoạch công tác theo dự toán thu chi Ngân sách năm 2008 được thành phố giao; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định giao dự toán thu chi Ngân sách cho các đơn vị sau khi được Sở Tài chính thẩm định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên từ Ngân sách thành phố theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố (Văn bản số 3000/UBND-TM ngày15/5/2008), các đơn vị đã điều chỉnh lại dự toán để thực hiện trong năm 2008.
1.2.2- Các nội dung tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang được cơ quan Văn phòng Sở và các đơn vị triển khai thực hiện:
- Tiết kiệm trong sử dụng ngân sách chi thường xuyên, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức, chế độ qui định; Bổ sung, điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với nhiệm vụ, công tác phát sinh, hoạt động của từng đơn vị; quy chế sử dụng tài sản, nhất là trụ sở cơ quan làm việc, xe công tác và các phương tiện làm việc, tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm…
- Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng lao động, đảm bảo ngày công, giờ công, giảm hội họp.
- Tiếp tục củng cố sắp xếp lại bộ máy tổ chức, luân chuyển cán bộ, công chức để phát huy tốt trình độ, năng lực, thực hiện cải cách hành chính theo hướng tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo hoàn thành chức năng nhiệm vụ và kế hoạch, nhiệm vụ Sở giao, nhất là tiến độ, hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các chương trình mục tiêu chuyên ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc họp, giảm các cuộc họp không cần thiết; tăng cường sâu sát cơ sở để kịp thời phát hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc của nông dân, cơ sở sản xuất trong quá trình phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm giảm đơn thư kiến nghị, tăng thời gian sản xuất của nông dân.
- Nghiên cứu điều chỉnh các định mức kỹ thuật chuyên ngành theo hướng tiết kiệm, chống lãng phí, sát tình hình và nhu cầu thực tế.
- Khuyến khích các đơn vị đăng ký thực hiện tiết kiệm chi ngân sách vượt mức thành phố giao (trên 10%); sử dụng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên đúng quy định và chủ trương của thành phố; Đồng thời phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu nộp ngân sách (các đơn vị có nhiệm vụ thu).
- Rà soát lại các tài sản không sử dụng, vượt định mức hoặc không còn sử dụng được (của Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc) để làm thủ tục thanh lý, đề xuất để điều chuyển cho đơn vị khác.
- Hạn chế việc mua sắm, sửa chữa nhỏ nếu chưa thực sự cần thiết.
2. Kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2008:
- Từ đầu năm 2008 đến nay, cơ quan Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (trừ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, các công ty).
- Sở đã giao kế hoạch, dự toán thu chi Ngân sách năm 2008 cho các đơn vị theo dự toán thu chi ngân sách được thành phố giao và Sở Tài chính thẩm định. Các đơn vị đã lập thủ tục điều chỉnh dự toán thu chi Ngân sách theo QĐ số 2046/QĐ-UBND ngày 9/5/2008 và Văn bản số 3000/UBND-TM ngày 15/5/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.
2.1- Kết quả tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:
(Chi tiết theo biểu đính kèm)
2.2- Về thực hiện các quy định về công khai tài chính:
- Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện quy chế công khai tài chính theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hình thức công khai tài chính: báo cáo trong hội nghị cán bộ công chức, niêm yết tại văn phòng đơn vị, website.... đúng nội dung và thời gian công khai tài chính theo quy định.
- Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc đã sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; bổ sung nội quy cơ quan, quy định về sử dụng xe công tác và các phương tiện làm việc, quy định về sử dụng điện thoại, về tiết kiệm điện, nước, thực hiện khoán chi văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí... và việc mua sắm đảm bảo thiết thực nhu cầu công việc, trong phạm vi dự toán được duyệt, sử dụng có hiệu quả, đúng chế độ quy định.
2.3- Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng lao động, đảm bảo ngày giờ công, giảm hội họp:
- Cơ quan Văn phòng Sở và các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện đúng chế độ làm việc 40 giờ/tuần; cán bộ công chức làm thêm giờ phải đăng ký và được theo dõi, chấm công chặt chẽ, giải quyết chế độ làm thêm giờ theo đúng quy định của nhà nước. Sở đã triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2356/UBND-VX ngày 14/4/2008, Chỉ thị 05/2008-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước (Công văn số 68/BC-SNN-TCCB ngày 9/5/2008).
- Số cuộc họp trong 6 tháng đầu năm 2008 giảm đáng kể để cán bộ công chức có điều kiện đi thực tế cơ sở, nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của nông dân, cơ sở sản xuất, nhất là các vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh; kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình, dự án đầu tư...
2.4- Về tiết kiệm điện:
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 12/2008/CT-UBND ngày 25/4/2008 cua UBND thành phố về tăng cường thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện trên địa bàn thành phố, Văn phòng Sở và các đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp thực hiện chủ trương của thành phố về tiết kiệm điện như hạn chế sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, sử dụng đèn thắp sáng hợp lý, không sử dụng điện để đun nấu trong cơ quan.
2.5- Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản:
2.5.1- Định kỳ Ban Giám đốc Sở tổ chức làm việc với các chủ đầu tư, rà soát tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án Tham lương - Bến cát - Rạch nước lên, đê bao ven sông Sài Gòn, nạo vét rạch Suối Nhum, công tác chuẩn bị đầu tư Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm giao dịch - Triển lãm nông sản..., công trình phòng chống úng ngập, chương trình đầu tư hạ tầng 13 xã, phường điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Kết quả kiểm tra thực tế công trình và làm việc với các quận huyện cho thấy tiến độ thi công nhiều gói thầu xây lắp còn chậm, kết quả hạn chế do:
+ Mặt bằng thi công chưa được địa phương bàn giao hoặc không liền tuyến (do đơn giá bồi thường chưa được người dân chấp thuận).
+ Công tác vận động người dân hiến đất (không nhận kinh phí bồi thường) để xây dựng cơ sở hạ tầng (13 xã phường) kết quả rất hạn chế.
2.5.2- Kết quả thực hiện công tác đầu tư XDCB trong 6 tháng đầu năm 2008:
a- UBND thành phố đã có Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 10/1/2008 giao vốn đầu tư đợt 1/2008 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở 454,2 tỉ đồng, trong đó có 14 công trình chuyển tiếp: 400,6 tỉ đồng, 6 công trình khởi công mới: 35,3 tỉ đồng, 23 công trình chuẩn bị đầu tư: 10,3 tỉ đồng và 1 công trình chuẩn bị thực hiện dự án: 8 tỉ đồng.
- Đến ngày 10/5/2008, đã giải ngân 70,8 tỉ đồng, đạt 15,6% kế hoạch. Trong đó:
+ BQL DA Sở: 51,4 tỉ, đạt 15% kế hoạch.
+ Công ty Quản lý khai thác - Dịch vụ thủy lợi: 10,1 tỉ, đạt 20% kế hoạch.
+ Trung tâm Công nghệ sinh học: 684 triệu đồng, 6% kế hoạch.
+ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp: 179 triệu đồng, đạt 36% kế hoạch.
+ Chi cục Quản lý chất lượng và BVNL thủy sản: 80 triệu, đạt 6% kế hoạch.
+ BQL Trung tâm Thủy sản thành phố: 8,3 tỉ đồng, đạt 28% kế hoạch.
- Dự kiến giá trị thực hiện đến ngày 30/6/2008: 95 tỉ đồng, đạt 21% kế hoạch.
b- Về đầu tư cơ sở hạ tầng tại 13 xã phường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:
Theo báo cáo của 5 huyện và quận 9, đến ngày 15/5/2008 trong tổng số 213 công trình, dự án theo văn bản số 8566/UBND-CNN ngày 08/12/2007 của UBND thành phố đã có 28 công trình đã khởi công, 96 công trình đã phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa khởi công, 45 công trình đang lập, trình duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật, 40 công trình chưa có Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
c- Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, tình hình và tiến độ thực hiện các công trình, dự án triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu:
- Sự biến động tăng giá nguyên liệu, nhiên vật liệu và chậm hướng dẫn điều chỉnh của cơ quan quản lý xây dựng cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công xây dựng.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn, chậm; mặt bằng thi công không liền tuyến, đồng bộ (kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn khu vực quận 12 - huyện Hóc Môn …).
- Các chủ đầu tư chưa thực hiện các biện pháp chế tài đối với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công (chậm tiến độ, chất lượng công trình …).
2.6- Về kiểm tra, giám sát:
+ Định kỳ 3 tháng cơ quan Văn phòng Sở và đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra về kết quả hoạt động theo kế hoạch đã giao, việc sử dụng kinh phí trong dự toán thu chi ngân sách, quĩ tiền mặt tại cơ quan, đơn vị;
+ Kiểm tra việc mua sắm tài sản cố định, phương tiện làm việc theo chủ trương của cấp thẩm quyền, phương thức mua sắm theo quy định (đấu thầu, chào hàng cạnh tranh…); việc thực hiện các chế độ, chính sách; thu và sử dụng các khoản phí, lệ phí.
+ Tổ giám sát, đánh giá đầu tư, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình, dự án đã và đang triển khai, nhất là các dự án sử dụng vốn Ngân sách.
2.7- Công tác kiểm tra tình hình sử dụng nhà đất, tài sản thuộc sở hữu nhà nước:
- Đã thống kê, báo cáo Ban chỉ đạo 09/CP, Sở Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại các đơn vị; phối hợp tổ chuyên viên Ban chỉ đạo 09 thành phố kiểm tra tình hình thực tế tại các cơ sở.
- Các đơn vị trực thuộc Sở đã hoàn thành cơ bản việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản theo yêu cầu của Ban chỉ đạo 13 thành phố (theo NĐ số 13/2006/NĐ-CP ngày 24/1/2006 của Chính phủ) (Công văn số 702/SNN-KHTC ngày 21/5/2008);
3. Một số nhận xét và đánh giá chung:
3.1- Mặt tích cực:
- Các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở đã có nhận thức tốt và hưởng ứng tích cực chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đã tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố về tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong đợt học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trong thời gian qua.
- Về quản lý thu chi ngân sách, các đơn vị đã lập dự toán, thông qua Sở và được Sở Tài chính thẩm định, kể cả khi phát sinh, được cấp bổ sung kinh phí. Việc sử dụng kinh phí được giao theo đúng định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ, chính sách của Nhà nước.
- Các đơn vị đã thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách vào việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc (trong 6 tháng đầu năm: không đơn vị nào mua mới xe ô tô). Các phương tiện, thiết bị, tài sản được mua sắm đều đưa vào sử dụng kịp thời, có hiệu quả; được quản lý theo đúng chế độ công sản.
- Việc nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc, thiết bị và phương tiện theo đúng chủ trương, thủ tục, định mức, tiêu chuẩn và chế độ qui định.
- Qua kiểm tra chưa phát hiện đơn vị sử dụng công quĩ để chi tiếp khách, tặng quà trái qui định Nhà nước.
3.2- Một số tồn tại:
- Một số đơn vị chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: báo cáo chậm hoặc có đơn vị không báo cáo, nội dung báo cáo của nhiều đơn vị chưa đầy đủ, sơ sài (báo cáo thiếu biểu tổng hợp các chỉ tiêu cụ thể), gây khó khăn cho việc tổng hợp để kịp thời báo cáo cấp trên.
- Một số thiết bị, tài sản đầu tư chưa khai thác, sử dụng hết công suất. Một số công trình, dự án xây dựng kéo dài, chậm đưa vào khai thác sử dụng.
4- Định hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2008:
Một số giải pháp trọng tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện đến cuối năm 2008:
4.1- Trong lĩnh vực mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công:
- Tiếp tục rà soát, kiểm tra, phân tích thực trạng tình hình quản lý, sử dụng trụ sở, mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước trong phạm vi quản lý của Sở; thực hiện biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng nhà đất không đúng mục đích, lãng phí.
- Các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉnh quy chế nội bộ về sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc đúng mục đích, nghiêm cấm sử dụng vào việc riêng; xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản không cần sử dụng hoặc không còn sử dụng được bằng hình thức điều chuyển, thu hồi, thanh lý hoặc bán theo quy định. Đồng thời phân công người quản lý, sử dụng và mở sổ theo dõi các loại phương tiện, thiết bị làm việc.
- Việc mua sắm, trang bị mới phương tiện, thiết bị làm việc phải thực hiện đúng qui định của Nhà nước về đấu thầu, chào hàng cạnh tranh...
- Các đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện đi lại phải thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm trong việc bảo quản phương tiện đi lại, sử dụng nhiên liệu theo đúng định mức tiêu hao; đề xuất thanh lý kịp thời các phương tiện đi lại không còn đảm bảo an toàn với cơ quan có thẩm quyền.
- Việc trang bị mới và sử dụng phương tiện thông tin, liên lạc tại trụ sở phải theo yêu cầu công việc, trong phạm vi định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ.
- Việc trang bị, sử dụng phương tiện thông tin cho cá nhân hoặc tại nhà riêng của cán bộ, công chức phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và dự toán được duyệt, thực hiện chế độ khoán đối với người sử dụng.
- Từng đơn vị dự toán phải rà soát, điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ theo chủ trương tiết kiệm của Thành phố, qui chế quản lý, sử dụng công sản, nhất là trang thiết bị làm việc, sử dụng tiết kiệm phương tiện thông tin liên lạc, rà soát để thực hiện việc trang bị, điều chuyển phương tiện thông tin, liên lạc phù hợp với yêu cầu công việc, tiết kiệm, hiệu quả.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng tinh thần Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
4.2- Trong lĩnh vực quản lý chi ngân sách:
- Chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác lập, điều chỉnh dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn kinh phí, vốn được giao, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định về chi ngân sách, chủ trương tiết kiệm của Thành phố; nhất là kinh phí phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Hạn chế tối đa việc đề xuất, xin bổ sung kinh phí phát sinh (trừ trường hợp rất cần thiết).
- Hoàn thành việc kiểm tra, quyết toán của các đơn vị trực thuộc sử dụng vốn Ngân sách năm 2007 theo đúng qui định; kiên quyết không thanh toán, quyết toán đối với các khoản chi không đúng chế độ, không đúng với thực tế nhiệm vụ hoạt động và không có trong dự toán kinh phí đã được duyệt.
- Các đơn vị sử dụng ngân sách phải xây dựng và thực hiện quy chế nội bộ về quản lý sử dụng điện, nước tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện khoán chi văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí đến người sử dụng và việc mua sắm phải xuất phát từ nhu cầu công việc và trong phạm vi dự toán được duyệt.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành phố về nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để cho, tặng ngoài chế độ quy định; Cán bộ, công chức Nhà nước không được nhận quà biếu, quà tặng không được pháp luật cho phép. Kiểm tra việc kê khai, nộp lại cơ quan để quản lý, sử dụng công khai, minh bạch cho hoạt động của cơ quan, đơn vị đối với các khoản huê hồng (nếu có) phát sinh trong quá trình mua sắm phương tiện đi lại, tài sản trang thiết bị làm việc, hoặc thanh toán dịch vụ; việc sử dụng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định.
- Thực hiện nghiêm ngặt quy chế công khai tài chính trong việc sử dụng ngân sách đối với tất cả đơn vị trực thuộc.
4.3- Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản:
- Chỉ đạo công tác kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản chuyên ngành, công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố, sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện việc rà soát và đề xuất cắt giảm các công trình, dự án đầu tư chưa cần thiết, chưa đủ điều kiện khởi công hoặc không đảm bảo tiến độ trong năm 2008.
- Đảm bảo chất lượng công trình xây dựng; chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, nhất là trong thời gian biến động tăng giá các loại vật tư.
- Phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng Thành phố giao, đầu tư hạ tầng 13 xã - phường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
|