1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
a) Triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi quận – huyện để chủ động ứng phó cơn bão số 01 đang di chuyển vào đất liền và có khả năng đổ bộ hoặc ảnh hưởng đến thành phố Hồ Chí Minh. Khẩn trương thực hiện các biện pháp theo Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố ban hành tại Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Chỉ thị số 08/2012/CT-UBND ngày 29 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2012.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố (Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) khẩn trương thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố (ban hành tại Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2011của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố).
Bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo và kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn. Hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng quy định, không để xảy ra thiệt hại tại nơi neo đậu, đồng thời kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, các chòi canh, sở đáy nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển.
Kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên trên mỗi tàu, duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thông báo thường xuyên và hướng dẫn cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết vị trí, diễn biến của bão số 01 để chủ động phòng, tránh, ứng phó, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (được xác định từ 9 độ vĩ Bắc đến 14 độ vĩ Bắc).
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện triển khai ngay phương án chi tiết để huy động lực lượng, vật tư, phương tiện giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước bão và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập và giúp đỡ các gia đình bị nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chuẩn bị ngay Phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn ngay khi có lệnh.
Riêng huyện Cần Giờ sẵn sàng chuẩn bị việc di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn khi có lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Bộ Tư lệnh thành phố triển khai các phương án, kế hoạch cứu nạn - cứu hộ, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị; huy động, bố trí cán bộ chiến sĩ và lực lượng cơ động, dân quân tự vệ; kiểm tra và có kế hoạch sử dụng các trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu (trên biển, cửa biển, cửa sông, vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp… ). Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, chi viện cho các quận – huyện ngay khi có yêu cầu.
3. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố cập nhật và phát tin liên tục tình hình diễn biến của cơn bão số 01; các quận - huyện phát tin cảnh báo thường xuyên diễn biến cơn bão cho toàn thể cộng đồng nhân dân trên địa bàn biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó an toàn, hiệu quả.
4. Tổng Công ty Điện lực thành phố bảo đảm nguồn điện liên tục, phục vụ cho cơ quan đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo thông tin liên lạc, bơm tiêu ở cấp thành phố và từng quận - huyện khi xảy ra bão, ngập lụt. Bảo vệ hệ thống điện, thiết bị điện, trạm biến thế, vấn đề an toàn trong sử dụng điện; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi thành phố bị ảnh hưởng của bão, ngập lụt.
5. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố chuẩn bị vật tư, thuốc men cần thiết để chủ động đáp ứng nhu cầu cứu thương và khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế cho nhân dân, vệ sinh môi trường. Các Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, quận - huyện, Trạm Y tế các phường - xã - thị trấn triển khai phương án huy động lực lượng y - bác sỹ tại chỗ, chuẩn bị đủ cơ số thuốc men các phương tiện, thiết bị chuyên ngành để cấp cứu, chữa bệnh, phòng dịch kịp thời. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh.
6. Sở Giao thông vận tải triển khai phương án, kế hoạch chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã; không để ùn tắc giao thông do ngã, đổ cây xanh khi mưa to, gió lớn, đảm bảo an toàn cho cầu, phà, kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy phù hợp với địa hình thành phố khi xảy ra bão, ngập lụt để kịp thời đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu hộ - cứu nạn, cứu trợ
7. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phải trực tiếp xuống địa bàn quận – huyện được phân công phụ trách, lãnh đạo quận – huyện trực tiếp xuống địa bàn phường – xã – thị trấn để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng, chống bão số 01 có hiệu quả.
8. Các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó kịp thời. Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống bão ở đơn vị, địa phương mình về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định.