Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhận được Văn bản số 206/TT-QLCL ngày 16/02/2012 của Cục Trồng trọt về việc báo cáo kết quả thực hiện chứng nhận VietGAP năm 2011; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả như sau:
Căn cứ Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN ngày 28/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế chứng nhận Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả và chè an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-SNN-TCCB ngày 08/01/2010 về việc Chỉ định Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp là Tổ chức chứng nhận Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả trên địa bàn thành phố.
1. Kết quả chứng nhận VietGAP cho rau, quả năm 2011:
Trong năm 2011, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 72 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 34,16 ha.
(Đính kèm danh sách các tổ chức cá nhân được chứng nhận VietGAP trên địa bàn thành phố năm 2011).
2. Những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động chứng nhận VietGAP:
2.1. Thuận lợi:
- Thực hiện Nghị định số 02/CP của Chính phủ về Khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông thành phố, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn, xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn có hiệu quả trên địa bàn thành phố.
- Thành phố đã có chủ trương, chính sách về phát triển rau an toàn theo VietGAP như: Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015, Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 – 2015.
- Bằng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hỗ trợ thiết kế in ấn logo, bao bì nhãn hiệu, website, hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ, triển lãm, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã trở thành cầu nối liên kết giữa những hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với các doanh nghiệp tiêu thụ, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
- Nhận thức người sản xuất, người tiêu dùng thành phố về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao.
2.2. Khó khăn:
Về chủ quan:
- Diện tích canh tác nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu áp dụng VietGAP như đầu tư kho chứa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhà vệ sinh.
- Nhận thức của nông dân: Công tác tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia chưa đủ mạnh để thay đổi tập quán canh tác cũ.
- Hiệu quả kinh tế sản xuất rau VietGAP chưa cao do mạng lưới tiêu thụ rau VietGAP trên địa bàn còn ít.
Về khách quan:
- Các quy định nhà nước về sản xuất, kinh doanh rau an toàn chưa đầy đủ, chồng chéo: Chưa có quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nông sản lưu thông trên thị trường; chồng chéo về chỉ tiêu đánh giá, chứng nhận VietGAP cụ thể về quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Thị trường tiêu thụ: Giá cả không ổn định, đặc biệt là giá của sản phẩm trồng theo qui trình VietGAP chưa khác biệt so với sản phẩm canh tác thông thường.
3. Kiến nghị:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn theo GAP.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nông sản lưu thông trên thị trường.