Thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hoa, cây kiểng như sau:
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT HOA, CÂY KIỂNG QUÝ I NĂM 2012:
1. Tình hình sản xuất:
Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố trong quý 1 năm 2012 đạt 1.252 ha, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2011 (1.180 ha); trong đó diện tích sản xuất phục vụ Tết nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 là 1.172,95 ha, tăng 5,5 ha so với cùng kỳ (1.112,12 ha). Diện tích tăng tập trung vào bonsai và cây kiểng (tăng 11,6% so với cùng kỳ), hoa lan (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Riêng diện tích hoa nền và mai tăng không đáng kể.
2. Kết quả thực hiện công tác trọng tâm:
2.1. Về công tác khuyến nông:
a) Về hoạt động xây dựng mô hình trình diễn:
Trong quí 1 năm 2012, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 10 mô hình trình diễn về hoa, cây kiểng. Trong đó, có 04 mô hình trồng hoa nền qui mô 5,6 ha tại các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và 06 mô hình ứng dụng cơ giới hóa tưới tự động cho cây lan (6.000m2, 6 hộ) tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.
b) Về hoạt động thông tin quảng bá:
Tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa lan, kỹ thuật xử lý mai ra hoa đúng tết.
Ngoài ra Trung tâm đã triển khai 01 cuộc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và kinh doanh hoa, cây kiểng phục vụ tết Nguyên đán tại các quận, huyện.
2.2. Về công tác sưu tập, nhập nội, chọn tạo và nhân giống hoa kiểng:
a) Trung tâm Công nghệ sinh học:
- Công tác sưu tập: Sưu tập thêm 6 giống lan rừng mới: Hoàng thảo xoắn mắt đen, Thắt đốt mắt đen, Thắt đốt họng vàng và 2 giống lan mới đang định danh. Đến nay, Trung tâm đã sưu tập và tuyển chọn được 372 dòng lan, hiện giữ lại 280 dòng tại vườn lan Trung tâm. Có khoảng 60 dòng lan có giá trị kinh tế và quý hiếm đã được đưa vào lưu giữ trong phòng thí nghiệm.
- Trung tâm đang tiếp tục tạo kit ELISA để phát hiện nhanh hai loại virus ORSV và CyMV trên lan, nghiên cứu các giống lan kháng bệnh virus, tiếp tục theo dõi và triển khai các mô hình sản xuất hoa cắt cành và nhân giống lan Mokara và tiếp tục theo dõi các mô hình trồng lan Mokara cắt cành tại các xã nông thôn mới.
b) Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:
Tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 16 giống hoa Đồng Tiền (12 giống cắt cành và 04 giống trồng chậu), bước đầu xác định được 03 giống hoa Đồng Tiền cắt cành có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của thành phố, cho sản phẩm hoa đẹp và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
2.3. Về công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm:
a) Chương trình xúc tiến thương mại:
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 150 gian hàng đại diện cho 700 nông dân của 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố (tăng 6 gian hàng, 70 nông dân so với cùng kỳ), các loại hoa, cây kiểng gồm những chủng loại sau: mai (114 gian hàng), tắc (07 gian hàng), lan (13 gian hàng), bonsai (12 gian hàng), kiểng lá, hoa nền (04 gian hàng), với tổng giá trị hàng hóa tại khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố ước khoảng 90,17 tỉ đồng, tăng 4,36% so với cùng kỳ.
b) Xây dựng website, logo, nhãn hiệu:
- Trong quý 1 năm 2012, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng website cho 2 vườn lan là: vườn lan Thanh My huyện Củ Chi và vườn lan Bích Câu huyện Hóc Môn; Trung tâm hiện đang hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho cơ sở hoa kiểng Mỹ Vân và vườn lan Lộc Phát huyện Củ Chi.
- Lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng website cho 11 đơn vị; thiết kế logo, nhãn hiệu cho 13 đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
2.4. Công tác bảo vệ thực vật:
- Chi cục Bảo vệ thực vật định kỳ hàng tháng điều tra tình hình sinh vật hại trên hoa lan và cây kiểng trên địa bàn thành phố, theo dõi tình hình sinh vật hại tập trung các chủng loại hoa chủ lực của thành phố như hoa lan, mai vàng, cây kiểng các loại…
- Thường xuyên lấy mẫu giám định tác nhân gây bệnh trên hoa, cây kiểng làm cơ sở khuyến cáo công tác phòng trừ cho người dân.
2.5. Về công tác phát triển kinh tế tập thể:
- Tính đến tháng 3/2012, trên địa bàn thành phố có 06 Hợp tác xã hoa, cây kiểng: Hợp tác xã Ngọc Tú (huyện Hóc Môn), Hợp tác xã Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), Hợp tác xã Đại Lộc (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Lan Việt, Hợp tác xã Hòa Phú, Hợp tác xã hoa lan Đất Việt (huyện Củ Chi) và 26 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Một số Tổ hợp tác được thành lập và chuyển đổi theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP bước đầu hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ viên, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định như Tổ hợp tác phong lan Vân Triển; Tổ hợp tác bonsai Minh Tân – xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.
- Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chương trình hoa kiểng, phát triển kinh tế tập thể được tổ chức phổ biến rộng đến người nông dân.
- Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên.
2.6. Hoạt động của các hội và đoàn thể:
a) Hội Nông dân:
- Vận động nông dân tham gia hội Hoa xuân Tết Nhâm Thìn năm 2012 và chợ hoa Tết tại công viên 23/9.
- Tổ chức Hội hoa xuân tại các quận, huyện.
b) Hội Sinh vật cảnh:
Hội Sinh vật cảnh thành phố và quận, huyện đã chỉ đạo và huy động lực lượng tham gia các chợ hoa trong dịp Tết Nhâm Thìn đạt kết quả tốt.
c) Hội hoa lan cây cảnh:
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các Hội hoa xuân Nhâm Thìn tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, công viên Tao Đàn.
- Thường xuyên tổ chức các buổi hội thi về hoa lan cây kiểng cho các nghệ nhân, nhà vườn, tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và thị trường tiêu thụ cho các nhà vườn, nghệ nhân.
- Tích cực đẩy mạnh phong trào nuôi trồng hoa cảnh phục vụ nhu cầu cải tạo môi trường, cảnh quan thành phố, kết hợp du lịch và các dịch vụ liên quan.
3. Nhận xét chung:
- Chương trình hoa, cây kiểng phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng 3 tháng đầu năm đạt 1.252 ha, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn là 1.172,95 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ (1.112,12 ha). Diện tích tăng tập trung vào bonsai và cây kiểng (tăng 11,6% so với cùng kỳ), hoa lan (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Riêng diện tích trồng hoa nền và mai tăng không đáng kể.
- Lượng hoa, cây kiểng sản xuất tại thành phố phục vụ dịp Tết Nhâm Thìn 2012 ước khoảng 1,6 triệu chậu mai vàng (tăng 6,6% so với cùng kỳ), 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ), 3,6 triệu cành lan (tăng 33,3% so với cùng kỳ), 6,3 triệu chậu hoa nền (tăng 1,6% so với cùng kỳ), và 500 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 25% so với cùng kỳ).
- Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nhâm Thìn khoảng 1.307 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ).
- Chủng loại hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đa dạng và phong phú. Ngoài các loại hoa, cây kiểng được sản xuất tại thành phố, còn có nhiều loại hoa, cây kiểng từ các tỉnh nhập về như hoa mai từ các tỉnh miền Tây, miền Trung; hoa nền (hoa cúc, mào gà…) từ miền Tây, các loại hoa ôn đới (ly, hồng, kiết tường…) từ Lâm Đồng. Ngoài ra có hoa lan nhập từ Đài Loan, Thái Lan, hoa đỗ quyên, trạng nguyên nhập từ Trung Quốc.
- Trong 3 tháng đầu năm 2012, công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho người trồng hoa kiểng tiếp tục được ngành nông nghiệp phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả, cung cấp thông tin thị trường kịp thời, góp phần nâng cao trình độ cho người sản xuất từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ hoa kiểng trên địa bàn thành phố.
- Công tác nhân giống, lai tạo giống đã có được những thành công nhất định, đã có thể nhân nhanh một số giống hoa lan cung cấp cho nhu cầu sản xuất.
- Công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho người nông dân trồng hoa kiểng thành phố ngày càng được sự hưởng ứng của người nông dân và sự quan tâm của các sở ngành và các đơn vị có liên quan.
- Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nên việc áp dụng các công nghệ mới còn gặp rất nhiều khó khăn, giá thành cao, sức cạnh tranh kém.
II. KẾ HOẠCH QUÝ II NĂM 2012:
1. Mục tiêu:
Tiếp tục tập trung triển khai Chương trình phát triển hoa, cây kiểng, Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 và Quyết định số 5997/QĐ-UBND ngày 09/12/2011, phấn đấu đến cuối năm 2012 diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố đạt 2.100 ha; trong đó, hoa lan đạt 250 ha, mai đạt 550 ha, hoa nền đạt 800 ha, kiểng, bonsai đạt 500 ha; nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất từ 2 – 3 giống hoa lan mới và từ 2 – 3 giống hoa nền mới; sưu tập, bảo tồn từ 5 – 10 giống lan, giống hoa địa phương.
2. Giải pháp:
- Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án thành phần trong Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011.
- Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan.
- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về hoa, cây kiểng tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa trong canh tác hoa, cây kiểng, các biện pháp kỹ thuật khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.
- Tăng cường củng cố, nâng cao năng lực của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác.
- Giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất hoa, cây kiểng:
- Rà soát và xác định cụ thể vùng trồng hoa, cây kiểng trên địa bàn từng quận, huyện gắn với quy hoạch phát triển xã nông thôn mới theo Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
- Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn quận, huyện năm 2012.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất hoa, cây kiểng vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3.2. Đề nghị các Hội, đoàn thể:
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tuyên truyền, vận động người sản xuất tham gia vào Hợp tác xã, Tổ hợp tác chuyên ngành như: Bonsai, kiểng cổ, mai vàng, hoa lan; hỗ trợ người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng.
- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3.3. Giao các đơn vị trực thuộc Sở:
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hoa, cây kiểng định kỳ hàng quý.
a) Trung tâm Khuyến nông:
- Tăng cường công tác khuyến nông về chuyển giao, ứng dụng các giống hoa, cây kiểng mới, tập trung xây dựng các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa hoa lan, tập trung tại các xã nông thôn mới.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
b) Trung tâm Công nghệ sinh học:
- Tăng cường nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan phục vụ sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống lan, giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.
- Hướng dẫn nông dân sản xuất hoa, cây kiểng sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất.
- Đánh giá hiệu quả sử dụng các giống hoa lan của Trung tâm cung cấp cho thị trường.
c) Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:
- Giới thiệu các giống hoa mới đã khảo nghiệm thành công phục vụ sản xuất. Kết hợp với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng giống hoa, đánh giá đặc điểm giống hoa mới nhập nội. Tiếp tục nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất từ 2 – 3 giống hoa lan mới, 2 – 3 giống hoa nền mới phù hợp với điều kiện sản xuất của thành phố.
- Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống lan, giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.
- Điều tra, cập nhật thông tin từ các cơ sở cung ứng giống hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
d) Chi cục Phát triển nông thôn:
- Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, hướng dẫn các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất hoa, cây kiểng, nhất là các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động chưa mạnh.
- Phối hợp với các Hội, đoàn thể (Hội Sinh vật cảnh, Hội Hoa lan cây kiểng, Hội Làm vườn và Trang trại…) và các đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo theo hướng nông nghiệp đô thị theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất hoa, cây kiểng vay vốn để phát triển sản xuất.
e) Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp:
- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hình thành Trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục cập nhật, tổng hợp thông tin về tình hình tiêu thụ hoa, cây kiểng, giới thiệu thông tin nhu cầu mua bán trên website của Trung tâm.
- Tiếp tục phối hợp với hãng phim Cửu Long thực hiện và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình HTV9 chương trình “Nông dân hội nhập” về hoa, cây kiểng.
f) Chi cục Bảo vệ thực vật:
- Tích cực đẩy mạnh công tác hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại trên hoa, cây kiểng.
- Khẩn trương xây dựng mô hình phòng trừ sâu bệnh hại hoa lan tại các xã nông thôn mới.
- Tiếp tục điều tra và lấy mẫu định kỳ về sinh vật hại trên hoa và cây kiểng.