SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
7
3
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 Tháng Bảy 2012 10:15:00 SA

Kết quả thực hiện công tác chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất chăn nuôi năm 2011 và chương trình công tác năm 2012

 I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

          Trong những năm qua, cùng với sự hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của cả nuớc, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước và khu vực, các hoạt động thương mại dịch vụ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa thành phố với các tỉnh, thành phố và với các nước ngày càng phát triển, đa dạng, nhu cầu về chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, dư luận xã hội ngày càng quan tâm đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Từ đó, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y, bảo vệ môi trường phải ngày càng chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của xã hội, đồng thời phục vụ sự phát triển kinh tế.

         Năm 2011, tình hình kinh tế xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường không ổn định, luôn biến động theo chiều hướng tăng. UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội, ổn định đồi sống cho người dân. Ngành nông nghiệp thành phố đã tổng kết đánh giá các chương trình trọng điểm giai đoạn 2006-2010, tiếp tục xây dựng triển khai các chương trình ở giai đoạn 2011-2015, đồng thời tập trung triển khai chương trình xây dựng xã nông thôn mới tại 28 xã trên địa bàn thành phố. Năm 2011 cũng là năm đầu tiên triển khai Luật an toàn thực phẩm, theo đó trách nhiệm phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đã có sự thay đổi giữa các bộ ngành. Các chính sách của thành phố đã được triển khai kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp củng cố, phát triển và mở rộng liên kết sản xuất nhằm đáp ứng cho cho cầu thị trường.

         Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2011 cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động về môi trường, thị trường, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới. Thời tiết bất thường, bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và Tây nam bộ dẫn đến dịch bệnh trên gia súc gia cầm có những diễn biến phực tạp (18 tỉnh phát sinh dịch cúm gia cầm; 37 tỉnh có dịch lở mồm long móng; 12 tỉnh xảy ra dịch PRRS, đặc biệt dịch bệnh PRRS đã tái phát trên diện rộng tại các tỉnh lân cận của thành phố như Long An, Tây Ninh và Tiền giang từ tháng 9 đến tháng 11/2011) đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

         Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật của thành phố gần 9 triệu dân rất lớn, đa dạng. Mức tiêu thụ bình quân mỗi ngày 750 - 820 tấn, tương đương khoảng 760 con trâu, bò, 9.500 con heo, 136.600 con gia cầm, ngoài ra mức tiêu thụ thực phẩm nguồn gốc động vật nhập khẩu khoảng 100 tấn/ ngày. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi của thành phố chỉ đáp ứng được 18 - 20%  nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật.

         Ngành chăn nuôi của thành phố phát triển ổn định, với xu hướng phát triển tập trung theo hướng trang trại hoặc hộ gia đình có đầu tư mang tính chuyên nghiệp.

II. CÁC VĂN BẢN VỀ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM

1. Các văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố:

         - Quyết định số 313/QĐ-UBND, ngày 20/1/2011 về việc Phê duyệt Phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015”.

         - Quyết định số 446/QĐ-UBND, ngày 27/01/2011 về việc phê duyệt Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp  - nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

         - Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND, ngày 01/3/2011 về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. .

         - Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND, ngày 09/3/2011 về việc phê duyệt chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

         - Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 9/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015.

         - Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố đến 2020 định hướng đến năm 2025; Quyết định số 4320/QĐ-UBND ngày 12/9/2011 chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban nhân thành phố phê duyệt ban hành.

         - Quyết định 5997/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 của UBND thành phố về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

         - Công văn số 4165/UBND-CNN, ngày 22/8/2011 về việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố  .     

2. Các văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

         - Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến cáo mạnh dạn loại thải, chọn lọc thay thế đàn có năng suất thấp, kém hiệu quả; tập trung xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông đồng bộ, gắn kết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức tuyên truyền để người dân biết về các nguyên nhân gây biến động giá sản phẩm chăn nuôi, không bán gia súc gia cầm chưa đến tuổi giết thịt. Khuyến cáo người chăn nuôi yên tâm sản xuất, thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi, tái cấu trúc đàn, mạnh dạn loại thải, chọn lọc thay đàn, giữ lại những con có năng suất cao nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

         - Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm theo Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 10/4/2011 của Thủ Tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm trên phạm vi cả nước;   

         - Công văn số 1228/SNN-NN, ngày 18/8/2011 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

         - Công văn số 1445/SNN-NN, ngày 29/9/2011 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch heo tai xanh trên địa bàn thành phố.

III. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI NĂM 2011

         1. Tình hình sản xuất chăn nuôi:

         - Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2011 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó ngành chăn nuôi tăng 5,5% so với cùng kỳ, chiếm 45,1% về cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.

         - Tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố đến ngày 15/12/2011 gồm:

            + Tổng đàn heo là 385.646 con heo (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2010), trong đó đàn nái 45.842 con, đàn thịt 200.737 con, được nuôi tại 9.654 hộ chăn nuôi (9.651 hộ dân và 3 trang trại quốc doanh). Đàn heo tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Củ Chi (chiếm 46,7%), Bình Chánh (14,7%), Hóc Môn (12,8%). Quy mô chăn nuôi bình quân là 39,9 con/hộ.

            + Tổng đàn trâu bò là 111.595 con (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2010), được nuôi tại 14.219 hộ chăn nuôi (14.217 hộ dân, 1 trại quốc doanh và 1 trại có vốn đầu tư nước ngoài):

               ▪ Đàn trâu là 5645 con (tăng 18,8%);

               ▪ Đàn bò 105.950 con (tăng 2,6%), bao gồm bò sữa 82.281 con (tăng 3,1%); bò lai Sind 22.319 con (giảm 7,3%); bò thịt 1.530 con (tăng 5,7%).

            + Tổng đàn gia cầm là 190.346con (tăng 20,08% so với cùng kỳ năm 2010)  được nuôi tại 3 cơ sở chăn nuôi khép kín, đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, thực hiện tốt vệ sinh thú y trong chăn nuôi, với quy mô bình quân từ 70.000 - 80.000 con/cơ sở.

         - Sản lượng sản phẩm chăn nuôi đạt 96,6% so với kế hoạch năm 2011, trong đó 62.000 tấn thịt heo, 10.800 tấn thịt trâu bò, 224.475 tấn sữa bò tươi.

 

Loài gia súc

Quy mô chăn nuôi

Dưới 10 con

Từ 10 – 50 con

Trên 50 con

Heo

 

 

 

        Tỷ lệ/Số hộ (%)

43,43

46,68

09,89

        Tỷ lệ/Tổng đàn (%)

06,01

35,65

58,35

Trâu bò

 

 

 

        Tỷ lệ/Số hộ (%)

69,47

29,89

0,64

        Tỷ lệ/Tổng đàn (%)

38,49

53,99

7,52

 

         2. Giá cả thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi:

         - Giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2010:

            + Giá bình quân thức ăn cho heo là 11.160 đồng/kg, tăng 10,71% so với đầu năm 2011 và 27,98% so với cùng kỳ năm 2010.

            + Giá thức ăn cho bò sữa bao gồm thức ăn tinh 7.580 đồng/kg, hèm bia 1.350 đồng/kg; xác mì 500 đồng/kg; cỏ 400 - 600 đồng/kg, rơm 1.000 – 1.200 đồng/kg; giảm bình quân 7,19% so với đầu năm 2011 và tăng bình quân 21,93% so với cùng kỳ năm 2010.

         - Giá một số sản phẩm chăn nuôi:

            + Giá heo hơi là 52.500 đồng/kg, giảm 15,32% so với đầu năm 2011 và tăng 36,4% so với năm 2010.

            + Giá bò sữa : 32,5 triệu /con (đang mang thai) tăng 35,4% ; giá bê cái 15 triệu đồng/con (tăng 66,7% ) so với cùng kỳ năm 2010

            + Giá sữa tươi nguyên liệu là 10.900 đồng/kg, tăng 7,89% so với đầu năm 2011 và tăng 21,67% so với cùng kỳ năm 2010.

3. Công tác quản lý và kiểm định giống vật nuôi:

3.1. Công tác giống bò sữa:

         - Tổ chức giám định, bình tuyển 6.025 con bò sữa, trong đó 85% đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; khảo sát và theo dõi khả năng sinh sản, phối giống, năng suất sữa 4.000 con; đánh giá chất lượng đời sau các dòng tinh bò sữa 2.145 con bê; giám định ngoại hình 2.250 con bò sữa.

         - Qua bình tuyển cũng đã xác định được 18,22% đàn bò có năng suất sữa >4.600 kg/chu kỳ (ngoại lệ đạt 5.200 kg/chu kỳ). Đây là đàn giống tốt sẽ được tiếp tục kiểm tra năng suất cá thể và giám định ngoại hình, thể chất, để làm cơ sở xây dựng đàn bò sữa hạt nhân của thành phố trong những năm tới.

         - Dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Israel gói dự án đầu tư trại bò sữa công nghệ cao (DDEF): Tháng 7/2011, khởi công xây dựng với 04 gói thầu ( gói san lấp đạt 90%; gói xây dựng chuồng trại, giao thông ) đến nay ước đạt 65%. Theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12 và đưa vào vận hành đầu năm 2012. Công tác giải ngân, tính từ đầu năm đến nay đã giải ngân 21,374 tỷ đồng, đang chờ bổ sung vốn đợt III.

3.2. Công tác giống heo:

         - Giám định 657 con heo đực giống khai thác thụ tinh nhân tạo ( tăng 64% so với cùng kỳ năm 2010) tại các xí nghiệp chăn nuôi heo trong và ngoài quốc doanh, trong đó 100% đối với trại quốc doanh và 95% đối với trại tư nhân đạt cấp I trở lên theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đực giống được sử dụng nhiều nhất là Duroc: 28,33%, Landrace: 26,11%, PiDu: 16,72%, Pietrain: 10,5%, Yorshire: 11,24% còn lại là các giống lai khác.

         - Tiếp tục thực hiện thu thập số liệu các chỉ tiêu sinh sản, sinh trưởng, độ dày mỡ lưng… trên đàn heo giống các trại chăn nuôi quốc doanh, nhằm hướng đến chứng nhận thí điểm đánh giá chất lượng heo giống theo phương pháp BLUP.

4. Công tác khuyến nông:

4.1. Trên bò sữa:

         - Thực hiện 07 lớp tập huấn, bao gồm 05 lớp chăn nuôi bò sữa theo quy trình VietGAHP cho nông dân xã Trung Lập Thượng, Tân Thạnh Tây, An Nhơn Tây, huyện Củ Chi và xã Xuân Thới Đông, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn; 01 lớp trồng cỏ VA06 cho nông dân xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; 1 lớp chăn nuôi bò thịt tại quận 9.

         - Tổ chức 3 chuyến tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh và mô hình trồng cỏ VA06 tại Củ Chi.

- Hội thảo (01 cuộc): Định hướng phát triển nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Q.12.

         - Tổ chức 1 cuộc khảo sát xây dựng đề án phát triển cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

         - Xây dựng 09 mô hình trình diễn về trồng cỏ VA06 thâm canh (1 ha, 5 hộ) tại huyện Củ Chi; 06 mô hình hỗ trợ máy vắt sữa cho 30 hộ (30 máy) tại quận 12, Hóc Môn, Củ Chi; 02 mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh (hỗ trợ đầu tư hệ thống làm mát chuồng trại) tại huyện Củ Chi, Bình Chánh.

         - Tổ chức Hội thi triển lãm bò sữa thành phố lần thứ 3, trong đó đã trao giải cho 18 con bò sữa giống tốt (1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 13 giải khuyến khích), 5 mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả bền vững.

4.2. Trên heo:

         - Xây dựng 13 mô hình nuôi heo hướng nạc và nái đảm bảo VSMT (123 hộ 273 con), huyện Củ Chi; Nhà Bè (5 hộ, 30 con); Bình Chánh; (trong đó có 04 hộ XĐGN); 07 mô hình nuôi heo nái sinh sản hướng nạc đảm bảo VSMT (61 hộ - 142 nái) Tại huyện Củ Chi; Bình Chánh và Quận 9. 

         - Xây dựng 01 mô hình nuôi heo rừng lai (20 con, 2 hộ) tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

4.3. Vật nuôi khác:

         Xây dựng 06 mô hình nuôi thỏ sinh sản 27 hộ nuôi 468 con tại các địa bàn quận 9, 12, Gò Vấp, Cần Giờ; Bình Chánh, Hóc Môn.

         Thẩm định điều kiện địa điểm chăn nuôi gia cầm của 31 hộ đăng ký, đã xác nhận 21 hộ đủ điều kiện về địa điểm phù hợp với quy hoạch của địa phương. Đến nay, có 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm hoàn tất xây dựng, đảm bảo điều kiện sinh hoạt chuẩn bị chăn nuôi trong thời gian tới.

II. CÔNG TÁC THÚ Y VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM

1. Trên gia cầm:

         - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về việc phân công tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố tại Công văn số 563/VP-CNN ngày 22/01/2010 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, 4 đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã có buổi làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các quận huyện: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè; đồng thời kiểm tra tình hình thực tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, với các nội dung tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác phòng chống dịch, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm.

         - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố; hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; tuyên truyền cho người dân các biện pháp cảnh báo sớm khi phát hiện gia cầm chết trên địa bàn, nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

         - Kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm sống và sản phẩm gia cầm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, đảm bảo có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hợp lệ. Đồng thời, tăng cường công tác tiêu độc sát trùng trên các phương tiện vận chuyển gia cầm sống và sản phẩm gia cầm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông.

         - Chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tăng cường kiểm tra các điểm nóng kinh doanh gia cầm trái phép còn tồn tại, chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ trong công tác xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn và các khu vực giáp ranh các quận – huyện.

         - Chi cục Thú y thành phố đã xét nghiệm 5.058 mẫu gồm 4.449 mẫu máu, 591 mẫu swab và 12 mẫu bệnh phẩm trên gà, vịt, cút, heo và các mẫu từ các tỉnh Bến tre, Bình Dương, Bình Phước, Đồng nai, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh gửi về. Phát hiện có 18 mẫu có kháng thể kháng virus cúm gia cầm trên gà ta và gà đá, nhưng không rõ tình trạng tiêm phòng. Phát hiện 2 mẫu vịt và 1 mẫu gà nhiễm virus cúm gia cầm do khách hàng tại Bình Dương, Long An và cơ quan Thú y vùng 6 gửi. Kết quả này đã được thông báo cho Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương và Long An để xử lý.

         - Khảo sát tại các cơ sở giết mổ: có 4 đàn không tiêm phòng với 55 mẫu cho kết quả âm tính về huyết thanh học và giám sát virus; có 60 đàn tiêm phòng vacxin vô hoạt cho kết quả 171/550 mẫu có kháng thể bảo hộ đạt tỷ lệ 31,09% cao hơn 2010 (26,26%) và 16/55 đàn đạt tỷ lệ bảo hộ 26,67%.

2. Trên gia súc:

         - Thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT_UBND về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Chi cục Thú y đã tăng cường công tác kiểm tra dịch tễ tại các hộ chăn nuôi nhập cư, các khu vực giáp ranh, ổ dịch cũ…; quản lý tình hình nhập xuất đàn gia súc; thống kê, cập nhật số liệu đàn gia súc, tiêm phòng và kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng; phối hợp với các ban ngành tăng cường công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép…

         - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện tổ chức các đợt tiêm phòng cho đàn gia súc và thường xuyên tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi theo đúng quy định của ngành thú y. Kết quả tiêm phòng đợt II/2011 (tính đến 25/11/2011):

            + Trên heo: LMLM heo 97,99%

            + Trên trâu bò: LMLM 85,11%; THT 83,52%, trong đó bò sữa LMLM 91,07%, THT 93,32%.

         - Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật:

            + Thành phố có 5 trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngã ra vào thành phố, kiểm soát nguồn thực phẩm từ các tỉnh vào thành phố tiêu thụ, giết mổ và chế biến. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch gần 252.000 con trâu bò, 2.900.000 con heo, 1.165 triệu con gia cầm và 1.160 triệu trứng gia cầm các loại vào thành phố để giết mổ và tiêu thụ.

         - Thành phố hiện có 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 1 cơ sở giết mổ gia cầm, 23 cơ sở giết mổ gia súc. Số lượng giết mổ bình quân trên heo 6.000 con/ngày; gia cầm 8.000 – 10.000 con/ngày.

         - Thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đoàn liên ngành về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố và các quận, huyện kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, tại các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố và vùng giáp ranh với các tỉnh. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định, không rõ nguồn gốc.

         - Kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, đảm bảo có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hợp lệ, lưu ý các nguồn từ các tỉnh, thành đang xảy ra dịch. Đồng thời, tăng cường công tác tiêu độc sát trùng trên các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông. Xử lý các phương tiện vận chuyển gia súc để rơi vãi chất thải gia súc trong quá trình vận chuyển.

         - Triển khai đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2011 với 11 cơ sở mới, tái công nhận 26 cơ sở chăn nuôi đăng ký gia hạn. Lũy kế tính từ năm 2003, có 50 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 09 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 38 cơ sở chăn nuôi heo, 03 cơ sở chăn nuôi gia cầm.

3. Trên bò sữa:

         - Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua sữa, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Kiểm soát sản phẩm sữa thông qua việc xác nhận hợp đồng thu mua sữa của người dân, công tác hỗ trợ kiểm soát việc chấp hành tiêm phòng trên đàn bò sữa, kiến thức vệ sinh toàn thực phẩm sữa, đánh giá tình trạng viêm vú trên đàn bò sữa, cấp phát khay thử hoá chất, hướng dẫn đọc kết quả CMT, bình nhúng núm vú và hoá chất khử trùng, từ đó nâng cao chất lượng sữa của bà con nông dân.

         - Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Chi cục Thú y và tổ chức Thú y Đông Tây (CEVEO - trường Đại học Nông Lâm và Đại học Lyon -Pháp) giai đoạn 2011-2013, thực hiện chương trình hợp tác thú y với nội dung tập huấn và hỗ trợ điều trị bệnh cho bò sữa (từ 19 – 26/6 đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng thú y cho 22 CBTY và BS thú y tư nhân; lớp điều trị bệnh bệnh trên bò sữa cho 15 CBTY và mạng lưới thú y viên), góp phần nâng cao tay nghề cho lực lượng thú y về chăm sóc và điều trị cho bò sữa phù hợp với tốc độ phát triển, kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

       Thực hiện bấm 91.981 thẻ tai cho bò sữa (trong đó 63.585 thẻ theo QĐ 49/BNN ngà 28 thẻ theo TT 16/BNN).  Xác nhận 2.817 hợp đồng thu mua sữa của Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk với nội dung chấp hành quy định tiêm phòng, áp dụng các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi và khai thác sữa.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá:

         - Tiếp tục thực hiện Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND, ngày 24/10/2008 về Đề án chiến lược phát triển chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh, tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015, các sở ngành và doanh nghiệp tham gia chương trình đã tổ chức liên kết với các tỉnh, liên kết với các trường giáo dưỡng của Lực lượng Thanh niên Xung phong, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức sản xuất, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm cho thành phố.

         Hiện nay có 9 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và Đề án chiến lược phát triển chăn nuôi, đến năm 2015, với tổng năng lực sản xuất là:

         - Chăn nuôi heo: có 23 trại chăn nuôi heo với tổng đàn 75.835 con, trong đó đàn nái là 11.195 con, 42.940 con heo thịt, cung ứng 250.000 con heo thương phẩm, tương ứng 22.500 tấn thịt heo hơi/năm, đáp ứng 10,85% nhu cầu thịt tiêu dùng thịt heo của thành phố.

         - Chăn nuôi gia cầm: 

            + Gà thịt: có 86 trại chăn nuôi gia cầm thịt, bao gồm 26 trại gà với tổng đàn 778.000 con gà thịt; đồng thời liên kết hợp tác với 60 trại vịt với tổng đàn 300.000 con vịt thịt, cung cấp 13.500 tấn thịt gia cầm hơi/năm, đáp ứng 10,95% nhu cầu thịt gia cầm của thành phố.

            + Gà trứng: có 242 trang trại chăn nuôi gia cầm trứng với tổng đàn 1,5 triệu con gà đẻ và 620.000 con vịt đẻ, trong đó đầu tư xây dựng 17 trại gà, 25 trại vịt với tổng đàn với 405.000 con gà đẻ và 120.000 con vịt đẻ liên kết với 150 trại gà và 50 trại vịt tại các tỉnh, cung cấp 495 triệu quả trứng/năm và 69.500 con gia cầm đẻ trứng loại thải, đáp ứng 34,27% nhu cầu trứng gia cầm của thành phố.

IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

1. Thuận lợi:

         - Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ủy ban nhân dân các quận huyện và các sở ngành có liên quan, nên tình hình dịch tễ đàn gia súc của thành phố ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh thường xuyên được chú trọng, nên không phát sinh dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

         - Chăn nuôi đã dịch chuyển về các huyện ngoại thành (nhất là huyện Củ Chi), đặc biệt là bò sữa, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của một số địa phương (Gò Vấp, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh) và chuyển sang chăn nuôi tập trung, có sự đầu tư đồng bộ, đạt hiệu quả trong chăn nuôi.   

         - Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi đã được cải thiện một bước, giúp cải thiện các tính trạng về sinh sản, sinh trưởng. Đàn heo nái của thành phố hầu hết là giống thuần hoặc lai ngoại 2 máu; đàn bò sữa luôn được thuần hóa bằng các dòng tinh Holstein Friesland của Mỹ, Canada, Israel; nhập và chọn lọc những giống vật nuôi dê, bò thịt chất lượng cao, như giống dê Boer, giống bò thịt Brahman, Drought Master.

         - Công tác quản lý, kiểm định giống vật nuôi được cải thiện; tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp đánh giá di truyền giống bằng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction), việc nhập thêm đàn giống có năng suất cao, giúp từng bước cải thiện chất lượng đàn heo giống của thành phố.

         - Các doanh nghiệp của thành phố đã đầu tư, liên kết với các tỉnh để phát triển chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm an toàn, giá cả phù hợp, cung cấp cho thị trường thành phố.

2. Những tồn tại:

         - Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát không đảm bảo vệ sinh chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến công tác quản lý giống, dịch tễ và tiêm phòng.

         - Giá thành các sản phẩm chăn nuôi còn cao, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

         - Công tác giống vật nuôi trên địa bàn thành phố trong thời gian qua tuy có nhiều bước tiến đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cải thiện chất lượng giống, nhưng quy mô còn hạn chế, chưa toàn diện, chưa theo kịp một số nước trong khu vực.

         - Dịch bệnh từ các tỉnh thành lân cận và trong cả nước luôn tạo áp lực cho thành phố trong kiểm dịch vận chuyển động vật và kiểm soát sản phẩm động vật nhập vào thành phố, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến kiểm soát an toàn dịch bệnh cho các trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

         - Tốc độ đô thị hóa tại một số quận huyện khá nhanh, nhất là các quận 12, Hóc Môn, quận Thủ Đức, nên đất nông nghiệp bị thu hẹp, người dân không chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.

         - Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND, các doanh nghiệp đã chủ động liên kết đầu tư các vùng nguyên liệu nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn để tiếp cận với các nguồn vốn vay (đầu tư đàn giống ông bà cố (GGP), xây mới chuồng trại, hệ thống ấp nở, các nhà máy giết mổ, chế biến, thức ăn gia súc) để đầu tư, phát triển sản xuất.          

V. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐẾN CUỐI NĂM 2011 VÀ NĂM 2012

         - Tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai các quy hoạch, chương trình liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi như Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Chiến lược phát triển chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh, tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015; Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

         - Đẩy mạnh thực hiện Công văn số 4165/UBND-CNN, ngày 22/8/2011 về việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố, trong đó trọng tâm là triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, người chăn nuôi có thể vay đủ vốn duy trì và nhanh chóng mở rộng chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi và các dịch vụ chăn nuôi. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích tư nhân, các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu các hình thức liên kết, hợp tác để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp vùng, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa cho đầu ra xuất khẩu.

         - Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thông tin dịch bệnh trong cả nước; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi; vận động người chăn nuôi sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch bệnh.

         - Tổ chức ký kết với các cơ quan quản lý nhà nước (ngành nông nghiệp, công thương…) của các tỉnh trong việc phối hợp phát triển chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của các tỉnh trong phối hợp hợp tác với thành phố và thực hiện có hiệu quả những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.

         - Tiếp tục củng cố và xây dựng chuỗi các ngành hàng, liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp thời cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành.

        

            Trên đây là báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh về tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn năm 2011 và định hướng phát triển năm 2012.


Số lượt người xem: 7959    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm