I. Giống cây trồng:
1. Tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại địa phương:
Hiện nay, thành phố có 46 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 41 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hạt giống. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã sản xuất được 9.221,3 tấn hạt giống (bắp chiếm 30,9%, lúa chiếm 60,8%) tăng 14,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ nhập khẩu và xuất khẩu hạt giống giảm so với cùng kỳ năm 2011.
Diện tích sản xuất giống năm 2011 là 4.468 ha tăng 9,6% so với năm 2010, trong đó diện tích sản xuất bắp giảm 23,2% so với cùng kỳ 2010 do mức tiêu thụ thấp và do tâm lý nông dân thích dùng hạt nhập ngoại, ngoài ra ở nhóm rau củ, quả và hoa cũng có sự giảm diện tích. Ở các loại hạt giống khác đều có sự mở rộng diện tích sản xuất, tăng cao nhất là hạt giống rau gia vị và hạt giống đậu. (Chi tiết tại Phụ lục 1).
Lượng giống kinh doanh trên địa bàn thành phố năm 2011 đối với nhóm lúa, rau gia vị và đậu tăng hơn so với năm 2010, tăng mạnh nhất 116,7% ở nhóm rau gia vị. Lượng giống ở các nhóm còn lại đều có sự giảm sụt cao nhất là nhóm rau ăn lá, giảm 87,4% và cây ăn trái, giảm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất 4.240 ha giống, gồm 1.240 ha lúa giống; 2.408 ha bắp giống F1; 593 ha rau giống các loại. Trong đó sản xuất giống trên địa bàn thành phố đạt 482 ha, bao gồm 445 ha sản xuất hạt giống bắp lai, 37 ha sản xuất hạt giống rau các loại, ước đạt trên 2.105 tấn giống các loại.
Tỷ lệ giống được sản xuất trong nước ở nhóm cây trồng chủ lực lúa, bắp, chiếm khoảng 90% so tổng lượng sản xuất, nhập khẩu. Ở nhóm rau, lượng giống tự sản xuất chỉ chiếm 20% - 30% còn lại nhập khẩu là chính, do giá thành sản xuất trong nước cao, chiết khấu từ nhà sản xuất cho các đại lý thấp, chất lượng giống không ổn định.
2. Tình hình cung ứng và phân phối giống:
Tính đến trong năm 2011, lượng hạt giống sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đạt trên 15.316 tấn hạt giống, trong đó lượng giống tự sản xuất đạt trên 13.324 tấn (chiếm 86,9%) (chi tiết tại Phụ lục số 2 đính kèm).
Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất 4.240 ha giống, gồm 1.240 ha lúa giống; 2.408 ha bắp giống F1; 592,5 ha rau giống các loại. Trong đó sản xuất giống trên địa bàn thành phố đạt 482 ha, bao gồm 445 ha sản xuất hạt giống bắp lai, 37 ha sản xuất hạt giống rau các loại, ước đạt trên 2.105 tấn giống các loại.
Ước tính lượng giống do các công ty giống trên địa bàn thành phố trong 6 tháng năm 2012 cung cấp cho thành phố và các tỉnh trong cả nước đáp ứng trên 280.000 ha gieo trồng. Như vậy, lượng giống cây trồng thành phố tự sản xuất đủ cung cấp cho nhu cầu của thành phố. Hàng năm, thành phố xuất khẩu khoảng gần 800 tấn hạt giống.
Giống cây trồng được phân phối tới nông dân thông qua các đại lý phân phối giống trên địa bàn thành phố.
3. Tình hình quản lý giống cây trồng của thành phố:
a) Hệ thống quản lý giống cây trồng trên địa bàn thành phố:
Hiện nay, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý giống trên địa bàn thành phố.
Thực hiện công tác thử nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng các loại giống cây trồng; tổ chức cấp mã số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; hướng dẫn thủ tục tiếp nhận công bố bố hợp quy giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống cây trồng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa về giống.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tham gia thực hiện các nhiệm vụ thanh kiểm tra các quy định về sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn thành phố.
b) Về công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng:
- Trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thanh kiểm tra 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, kết hợp lấy 39 mẫu hạt giống để kiểm tra chất lượng, kết quả:
+ 100% đơn vị đạt điều kiện sản xuất kinh doanh theo quy định về giấy phép đăng ký kinh doanh và các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống.
+ Về nhãn hàng hóa: 54/54 nhãn hàng hóa có nội dung ghi nhãn phù hợp với quy định.
+ Về chất lượng hạt giống: 01/39 mẫu không đạt về chất lượng. Đã xử lý vi phạm theo đúng quy định nhà nước.
- Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổ chức thanh kiểm tra 05 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, kết hợp lấy 11 mẫu hạt giống để kiểm tra chất lượng hạt giống. Kết quả cụ thể như sau:
+ 100% đơn vị đạt điều kiện sản xuất kinh doanh theo quy định: có giấy phép đăng ký kinh doanh, có thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ là trung cấp hoặc kỹ sư trở lên để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống.
+ 02/11 mẫu hạt giống không đạt chất lượng (tỷ lệ nảy mầm thấp hơn so với công bố). Đã xử lý vi phạm theo đúng quy định nhà nước.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và công khai các văn bản pháp luật, các quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống để các tổ chức cá nhân có thể tham khảo thông tin dễ dàng như trong năm 2011 đã tổ chức 01 lớp phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy về giống cây trồng, xây dựng và công khai trên trang Web điện tử thủ tục đăng ký cấp mã số doanh nghiệp, công bố hợp quy đối với sản phẩm giống cây trồng.
d) Các chính sách của thành phố liên quan đến giống cây trồng:
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến giống cây trồng, cụ thể:
+ Quyết định số 5997/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố.
+ Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015.
4. Những thuận lợi, khó khăn trong quản lý giống cây trồng:
a) Thuận lợi:
Thành phố đã có chủ trương, chính sách về phát triển giống như: Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố, Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 – 2015.
Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định. Đã có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong đoàn thanh, kiểm tra nên công tác kiểm tra được tiến hành thuận lợi, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật mới về giống cho các doanh nghiệp.
b) Khó khăn:
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, nhu cầu chủng loại giống cây trồng đa dạng, khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất và cung cấp giống.
Công tác quản lý nhà nước, khảo nghiệm, kiểm nghiệm chưa bắt kịp tiến bộ của ngành giống, mới chỉ dừng ở mức độ hình thái, vì vậy độ chính xác chưa cao.
c) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Ban hành quy định cụ thể về điều kiện sản xuất giống cây trồng (cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật …).
- Ban hành quy định mức sai số định lượng cho phép khi phân tích kiểm tra đối với các chỉ tiêu chất lượng như độ ẩm, độ nẩy mầm,…so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa giống cây trồng (tương tự như với sản phẩm phân bón) nhằm đảm bảo tính khách quan trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng và phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa giống cây trồng.
- Công bố kịp thời danh sách các giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh theo hệ thống năm trên trang website của Cục Trồng trọt.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chính sách hỗ trợ các các doanh nghiệp sản xuất giống mua bản quyền giống cây trồng.