1. Tình hình cung, cầu phân bón trên địa bàn thành phố:
- Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là đầu mối giao thông, thương mại trong khu vực, nên lượng phân bón nhập khẩu, sản xuất và phân phối đi các nơi khác là khá lớn. Tính đến hết tháng 6 năm 2012, có khoảng 182 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có khoảng 23 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón đăng ký tiếp nhận công bố hợp quy tại Sở Nông nghiệp và PTNT với 87 sản phẩm. Hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có khả năng cung ứng trên 1,5 triệu lít phân bón lá và 2 triệu tấn phân bón gốc các loại (bao gồm cả phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh.
- Nhu cầu 6 tháng cuối năm 2012 trên địa bàn thành phố ước khoảng trên 22.825 tấn, trong đó urea là 6.429 tấn, lân 11.594 tấn, kali là 4.805 tấn (không tính nhu cầu phân hữu cơ). Ước tính trong năm 2012, các doanh nghiệp tại thành phố sản xuất, nhập khẩu 2 triệu lít phân bón lá và 2,6 triệu tấn phân bón gốc các loại). Do đó, các công ty có khả năng cung cấp đủ phân bón cho sản xuất của thành phố. (Chi tiết tại Phụ lục 3).
- Giá phân bón Urea Trung Quốc tăng nhanh từ tháng 4 đến tháng 6/2012, so với đầu năm 2012, giá giá phân Urea Trung Quốc tháng 6/2008 đã tăng từ 9.833 lên 11.300 đ/kg (tăng 15%). Phân Urea Phú Mỹ tăng 7,2% so với đầu năm.
- Giá phân DAP và phân Super lân giảm nhẹ. Hiện nay giá phân DAP là 16.600 đ/kg, so với đầu năm 2012 giảm 4,6%; Giá phân Super lân 13.200 đ/kg, giảm 4,3% so với đầu năm 2012. Phân Kali có giá không đổi. (Chi tiết tại Phụ lục 4).
2. Công tác thanh, kiểm tra phân bón năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012:
a) Kết quả:
- Trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức 02 đợt thanh, kiểm tra phân bón với nội dung:
+ Kiểm tra đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng sản xuất, kinh doanh phân bón theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT;
+ Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa: điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân bón; thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa phân bón; lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân bón theo quy định.
Tổng số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón đã kiểm tra 35 doanh nghiệp, cơ sở. Kết quả cụ thể như sau:
+ Về điều kiện sản xuất kinh doanh: Kết quả 35/35 doanh nghiệp, cơ sở được kiểm tra có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất kinh doanh phân bón, có máy móc thiết bị để sản xuất phân bón, có hoặc thuê phòng phân tích để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm phân bón, có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp.
+ Về thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá phân bón: Kiểm tra 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, doanh nghiệp với 137 sản phẩm. Kết quả 100% sản phẩm thực hiện công bố theo quy định và phù hợp với Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.
+ Về thực hiện ghi nhãn hàng hoá: Kiểm tra 15 sản phẩm, hàng hóa phân bón đang sản xuất kinh doanh tại 21 doanh nghiệp, cơ sở. Kết quả 15/15 sản phẩm, hàng hóa phân bón thực hiện đầy đủ các nội dung ghi nhãn bắt buộc (tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng hàng hóa; ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản; thành phần và hướng dẫn sử dụng).
+ Về kết quả kiểm tra chất lượng phân bón: Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 10 mẫu phân bón đại diện cho 10 lô sản phẩm, hàng hóa phân bón tại kho thành phẩm của các doanh nghiệp để kiểm tra chất lượng. Kết quả 10/10 sản phẩm đều đạt chất lượng theo chỉ tiêu chất lượng theo chỉ tiêu của doanh nghiệp công bố và nằm trong mức cho phép tại Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/06/2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về việc sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón.
- Trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 01 đợt kiểm tra với 11 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố. Kết quả 11/11 doanh nghiệp, cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa.
(Chi tiết tại Phụ lục 5).
b) Những thuận lợi, khó khăn:
- Thuận lợi:
+ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật mới về phân bón cho các doanh nghiệp.
+ Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về phân bón đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định. Đã có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong đoàn kiểm tra liên ngành nên công tác kiểm tra được tiến hành thuận lợi, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Khó khăn:
+ Trên địa bàn thành phố còn tồn tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phân bón có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo đơn đặt hàng, không có hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm.
+ Quy định về điều kiện sản xuất, gia công phân bón tại Quyết định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 chưa cụ thể như địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình công nghệ, phòng phân tích, nhân lực.
c) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT:
Ban hành Quy chuẩn quốc gia về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón.