Thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện, kết quả thực hiện năm 2012 như sau:
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT HOA, CÂY KIỂNG NĂM 2012:
1. Tình hình sản xuất:
Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố năm 2012 đạt 2.010 ha, tăng 2,4% so với năm 2011 (1.963 ha). Chủng loại hoa, cây kiểng có diện tích tăng so với cùng kỳ là: bonsai, kiểng đạt 500 ha (tăng 6,4% so với cùng kỳ), hoa lan đạt 210 ha (tăng 5,0% so với cùng kỳ), mai đạt 500 ha (tăng 1,4% so với cùng kỳ). Cụ thể như sau: (Đính kèm phụ lục).
Trong tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012, diện tích sản xuất phục vụ Tết là 1.172,95 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ (1.112,12 ha). Lượng hoa, cây kiểng sản xuất tại thành phố phục vụ dịp Tết Nhâm Thìn 2012 ước khoảng 1,6 triệu chậu mai vàng (tăng 6,6% so với cùng kỳ), 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ), 3,6 triệu cành lan (tăng 33,3% so với cùng kỳ), 6,3 triệu chậu hoa nền (tăng 1,6% so với cùng kỳ), và 500 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 25% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nhâm Thìn khoảng 1.307 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ).
2. Kết quả thực hiện công tác trọng tâm:
2.1. Công tác ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến; xây dựng mô hình hoa, cây kiểng:
a) Về Thực hiện Chương trình ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến; xây dựng mô hình hoa, cây kiểng ở các xã nông thôn mới; nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất:
- Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 43 mô hình trình diễn về hoa, cây kiểng. Trong đó, có 05 mô hình trình diễn về ghép và chăm sóc mai sau ghép tại Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, quận 9, 12; 32 mô hình trồng lan Dendrobium, Mokara cắt cành tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức, Quận 9, 12; 01 mô hình trồng hoa Huỳnh hoa đăng tại Gò Vấp, quận 12; 01 mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun bán tự động cho lan trên địa bàn quận 12; 04 mô hình sản xuất hoa đồng tiền, cúc, vạn thọ tại huyện Hóc Môn, quận 12. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành, kỹ thuật trồng và chăm sóc mai ghép, cúc, kiểng lá; 11 cuộc hội thảo về hoa kiểng, 10 chuyến tham quan mô hình hoa lan, cây kiểng - bon sai có hiệu quả trên địa bàn Củ Chi, Thủ Đức cho bà con nông dân Bình Chánh, Nhà Bè, Gò Vấp, quận 7, quận 12, Thủ Đức và 01 cuộc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng trước và sau tết Nguyên đán tại các quận, huyện.
- Chi cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 7 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa kiểng tại các xã nông thôn mới: 02 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa lan tại huyện Bình Chánh (Qui mô 5.000 m2/mô hình), 02 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa lan tại huyện Củ Chi (Qui mô 2.000 m2/mô hình), 01 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa lan tại huyện Hóc Môn (Qui mô 2.000 m2), 01 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa lan tại huyện Nhà Bè (Qui mô 3.000 m2) và 01 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên hoa dừa cạn tại huyện Bình Chánh (Qui mô 4.000 m2). Ngoài ra còn tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng với số lượng 10 lớp trên các địa bàn của thành phố.
b) Các hoạt động khác:
- Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho cán bộ kỹ thuật và nhân viên bảo vệ thực vật nhận dạng sinh vật hại hoa lan, cây kiểng; định kỳ hàng tháng điều tra tình hình sinh vật hại hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố, theo dõi tình hình sinh vật hại tập trung các chủng loại hoa chủ lực của thành phố như hoa lan, mai vàng, cây kiểng các loại…
- Hội Làm vườn và Trang trại:
+ Tổ chức tập huấn miễn phí cho trên 300 nông dân, với người giảng dạy là chủ trang trại, doanh nghiệp, nghệ nhân, nhà vườn có kinh nghiệm; tổ chức 4 cuộc hội thảo với trên 300 lượt nhà vườn tham dự.
+ Tổ chức khảo sát tình hình sản xuất hoa lan tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi. Qua đó, nắm bắt tình hình sản xuất hoa lan thành phố.
- Hội Hoa lan cây cảnh:
+ Phối hợp cùng Hội Làm vườn và Trang trại tổ chức thành công hội thảo “Định hướng phát triển hoa lan”, qui tụ hơn 70 nhà vườn, nghệ nhân đến từ các quận huyện nội, ngoại thành phố HCM. và các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
+ Phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức tập huấn kỹ thuật tạo bonsai với 98 học viên tham dự và kỹ thuật nuôi trồng hoa lan với 97 học viên đến từ các quận, huyện của thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
+ Tổ chức thành công chuyến tham quan học hỏi hoa cảnh tại Chiang Mai- Thái Lan trong thời gian 5 ngày cho 14 hội viên và người yêu thích hoa cảnh.
2.2. Công tác sưu tập, nhập nội, chọn tạo và nhân giống hoa kiểng:
a) Về thực hiện Đề án lai tạo, chọn tạo, nhập nội, thuần hóa và khảo nghiệm các giống hoa, cây kiểng mới phục vụ sản xuất:
- Trung tâm Công nghệ sinh học: Đã sưu tập được hơn 329 giống hoa lan, thuộc 12 nhóm giống khác nhau (Mokara, Dendrobium, Phalenopsis, Oncidium…). Tiếp tục nuôi cấy và lưu giữ 22 giống lan rừng, bảo quản đông lạnh hạt phấn của 27 giống lan rừng và bảo quản đông lạnh hạt lan của 8 giống lan rừng, chăm sóc 16 tổ hợp lai ngoài vườn ươm. Phân tích sự đa dạng di truyền của các cá thể con lai và bố mẹ của tổ hợp lai (Dendrobium Burana White x Dendrobium. anosmum) bằng chỉ thị phân tử SSR.
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi đã thực hiện:
+ Theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 10 giống hoa Đồng Tiền được trồng từ hạt, có nguồn gốc ở Mỹ. Bước đầu theo dõi, cây phát triển khá tốt, điều kiện chăm sóc nghiêm ngặt và môi trường gieo trồng quyết định chính trong quá trình phát triển của cây. Tuy nhiên, thời gian ra hoa chậm hơn so với cây trồng cấy mô. Hiện nay đã có bốn giống ra hoa.
+ Thử nghiệm 4 giống hoa lyly và nghiên cứu các biện pháp tác động đến sự ra hoa Lili trong điều kiện trồng trong nhà kính ở thành phố Hồ Chí Minh.
+ Thử nghiệm 16 giống hoa lan, gồm 06 giống Denbro và 11 giống Mokara với diện tích 400 m2. Hiện cây đang trong giai đoạn ra hoa, màu sắc hoa đẹp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
+ Ngoài ra, Trung tâm đã sưu tập thêm 05 giống Sứ Thái lan và 02 giống kiểng lá. Đã tiến hành nhân các giống trong bộ sưu tập hoa, cây kiểng có số lượng 1.400 cây gồm các loại: Huỳnh hoa đăng, Ngọc Minh Châu, Sứ, Hoàn cầu….
b) Các hoạt động khác:
- Tiếp tục thực hiện công tác nhân giống hoa lan, kết quả năm 2012 đã nhân giống 49.645 cây con các loại và đã cung cấp cho nhà vườn 19.374 cây. Tính từ khi thực hiện chương trình đến nay đã nhân giống 564.838 cây con các loại và đã cung cấp cho nhà vườn 378.457 cây.
- Trung tâm đang tiếp tục tạo kit ELISA phát hiện nhanh 2 loại virus ORSV và CyMV trên lan; Khảo sát ảnh hưởng của tia Gamma (nguồn Co60) đến sự biến đổi hình thái và di truyền trên nhóm lan rừng thủy tiên (Dendrobium) giai đoạn in vitro.
- Tiếp tục thực hiện các đề tài khoa học cấp thành phố:
+ Đề tài “Nghiên cứu tạo một số dòng lan Dendrobium kháng virus khảm vàng (Cymbidium mosaic virus) bằng kỹ thuật chuyển gen RNAi”: Đang hoàn thiện quy trình chuyển gen cho lan Dendrobium bằng vi khuẩn Agrobacterrium và tạo cây lan chuyển gen mang cấu trúc RNAi.
+ Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm các giống lan Mokara cắt cành tại Đồng Nai”: Đã xuống giống (12600 cây lan Mokara) trên diện tích 3000m2. Hiện nay, toàn bộ cây giống đang sinh trưởng phát triển tốt, ra rễ nhanh.
2.3. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm:
Thực hiện Đề án xây dựng và đẩy mạnh kênh tiêu thụ, tiếp thị hoa kiểng thành phố:
- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện các hoạt động sau:
+ Phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức thành công chợ hoa Tết Nguyên đán 2012 tại Công viên 23/9 với 150 gian hàng đại diện cho 700 nông dân của 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố (tăng 6 gian hàng, 70 nông dân so với cùng kỳ), các loại hoa, cây kiểng gồm những chủng loại sau: mai (114 gian hàng), tắc (07 gian hàng), lan (13 gian hàng), bonsai (12 gian hàng), kiểng lá, hoa nền (04 gian hàng), với tổng giá trị hàng hóa tại khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố ước khoảng 90,17 tỉ đồng, tăng 4,36% so với cùng kỳ.
+ Tổ chức hội nghị giao lưu liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các tiểu thương chợ Đầm Sen, chợ Hồ Thị Kỷ và các chủ shop kinh doanh hoa với các nhà vườn trồng hoa lan ở Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn tại vườn lan Mỹ Vân, xã Tân Thông Hội, Củ Chi.
+ Điều tra hiện trạng kênh tiêu thụ cho hoa, cây kiểng; biên soạn và phát hành cẩm nang kết nối nơi tiêu thụ với nông dân (địa chỉ đỏ) hoa kiểng; Điều tra khảo sát tình hình tiêu thụ, nhu cầu thị hiếu, khả năng cung ứng biến động giá cả hoa, cây kiểng và các sản phẩm nông sản trước và sau Tết Nguyên đán năm 2012. Điều tra khảo sát thu thập thông tin tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có hoa cây kiểng tại các xã nông thôn mới.
+ Đã tham gia 08 đợt triển lãm trong và ngoài thành phố,nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm lan Mokara chậu và cắt cành; lan Dendro; Lan treo, trồng cây trong chậu thủy tinh, bon sai, tiểu cảnh lan; các chế phẩm sinh hóa, dụng cụ, thiết bị phục vụ trồng hoa lan và cung cấp cho người tham quan cẩm nang địa chỉ đỏ hoa cây kiểng: địa chỉ hộ nông dân, trang trại và các thành phần kinh tế khác nuôi trồng, dịch vụ hoa kiểng trên địa bàn Thành phố.
+ Thực hiện đa dạng hóa các kênh truyền thông: Chương trình truyền hình “Nông dân hội nhập”: thực hiện 2 kỳ phát sóng về hoa cây kiểng, cụ thể là: Kỳ 2 chủ đề “Thú vui bon sai”, Kỳ 13 chủ đề “Phát triển giống hoa lan ứng dụng công nghệ cao – Hướng đi mới của ngành nông nghiệp thành phố”.
+ Hỗ trợ xây dựng website cho 11 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hoa, cây kiểng gồm: vườn lan Thanh My, vườn lan Thanh Vân, hoa lan Vân Triển, vườn lan Tư Hoàng, vườn lan 9 Xành, vườn lan Lộc Phát (huyện Củ Chi) và vườn lan Bích Câu, cơ sở hoa kiểng Song Long (huyện Hóc Môn), vườn hoa sứ Ba Đô, vườn hoa lan, cây kiểng Kiều Lương Hồng, vườn lan Lê Thái Quyên (huyện Bình Chánh); Hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho 14 đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng website cho 18 đơn vị; thiết kế logo, nhãn hiệu cho 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
- Hội Nông dân: Vận động hội viên nông dân, các nghệ nhân tham gia hội hoa xuân Tết Nhâm Thìn năm 2012 và chợ hoa Tết tại công viên 23/9; chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp tổ chức hội hoa xuân tại các quận, huyện.
- Hội Sinh vật cảnh:
+ Trong dịp Tết Nhâm Thìn, Hội Sinh vật cảnh thành phố và Hội Sinh vật cảnh các quận, huyện đã vận động hội viên sinh vật cảnh, các nghệ nhân, nhà vườn tham gia Hội hoa xuân Tao Đàn, công viên 23/9, các chợ hoa tết ở các quận, huyện. Tạo đầu ra cho các sản phẩm sinh vật cảnh và phục vụ vui xuân cho người dân thành phố.
+ Các Hội Sinh vật cảnh Gò Vấp, Củ Chi, Tân Phú, Quận 6, Giao Châu tham gia Festival hoa Đà Lạt đạt kết quả tốt.
+ Khuyến khích Hội sinh vật cảnh các quận, huyện tổ chức hội chợ hàng quý, đưa phong trào sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng phát triển.
- Hội Làm vườn và Trang trại:
+ Vận động hội viên nông dân, các nghệ nhân tham gia hội hoa xuân Tết Nhâm Thìn năm 2012 và chợ hoa Tết tại công viên 23/9.
+ Tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế 2012 tại Nhà thi đấu Phú Thọ có 16 gian hàng trưng bày sản phẩm hoa lan và có hàng trăm sản phẩm hoa lan dự thi, kết quả 28 sản phẩm đoạt giải được Thành Hội khen thưởng.
- Hội Hoa lan cây cảnh thành phố: Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các hội chợ hoa xuân Nhâm Thìn 2012 tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, công viên Tao Đàn.
2.4. Công tác phát triển kinh tế tập thể:
a) Về thực hiện Thực hiện Đề án đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoa, cây kiểng:
+ Điều tra cập nhật cơ sở dữ liệu về Tổ hợp tác, Hợp tác xã (bao gồm lĩnh vực hoa, cây kiểng). Qua đó, đánh giá thực trạng công tác điều hành quản lý ở các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong lĩnh vực hoa, cây kiểng.
+ Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên.
b) Công tác khác:
- Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn thành phố có 06 Hợp tác xã hoa, cây kiểng: Hợp tác xã Hoa kiểng Gò Vấp (quận Gò Vấp), Hợp tác xã Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), Hợp tác xã Ngọc Tú (huyện Hóc Môn), Hợp tác xã Đại Lộc (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phú (quận 2), Hợp tác xã Hoa Lan Đất Việt (huyện Củ Chi) và 26 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Một số Tổ hợp tác thành lập và chuyển đổi theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP thì bước đầu hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ viên, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định như Tổ hợp tác mai vàng Thạnh Lộc (quận 12), Tổ hợp tác hoa lan Lan Việt, Tổ hợp tác phong lan Vân Triển và Tổ hợp tác Bonsai Minh Tân (huyện Củ Chi).
- Trong năm 2012, có 141 hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất hoa, cây kiểng với tổng vốn đầu tư là 234.223 triệu đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 159.687 triệu đồng.
- Hội Làm vườn và Trang trại:
+ Thành lập Câu lạc bộ Trang trại Hoa lan thành phố vào ngày 22/6/2012 tại Bình Chánh, với khoảng 60 trang trại hội viên.
+ Thành lập Câu lạc bộ Trang trại Bon sai, cây kiểng huyện Củ Chi vào ngày 14/11/2012, thay thế cho Câu lạc bộ Trang trại huyện Củ Chi hoạt động yếu, đã bị giải thể.
- Hội Hoa lan cây cảnh: Thành lập Câu lạc bộ Lan Việt (Viet Orchids Club), tập hợp những người trồng lan, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần phát triển và bền vững ngành trồng lan của thành phố.
3. Nhận xét chung:
- Chương trình phát triển hoa, cây kiểng phù hợp với tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Diện tích hoa, cây kiểng trong năm 2012 đạt 2.010 tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích hoa mai: 500 ha, lan: 210 ha, hoa nền: 800 ha, bonsai và cây kiểng: 500 ha.
- Lượng hoa, cây kiểng sản xuất tại thành phố phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012 ước khoảng 1,6 triệu chậu mai (tăng 6,6% so với cùng kỳ), 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ), 3,6 triệu cành lan (tăng 33,3% so với cùng kỳ), 6,3 triệu chậu hoa nền (tăng 1,6% so với cùng kỳ), và 500 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 25% so với cùng kỳ).
- Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nhâm Thìn khoảng 1.307 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ).
- Chủng loại hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012 đa dạng và phong phú. Ngoài các loại hoa, cây kiểng được sản xuất tại thành phố, còn có nhiều loại hoa, cây kiểng từ các tỉnh nhập về như hoa mai từ các tỉnh miền Tây, miền Trung; hoa nền (hoa cúc, mào gà…) từ miền Tây, các loại hoa ôn đới (ly, hồng, kiết tường…) từ Lâm Đồng. Ngoài ra có hoa lan nhập từ Đài Loan, Thái Lan, hoa đỗ quyên, trạng nguyên nhập từ Trung Quốc.
- Năm 2012, công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho người trồng hoa, cây kiểng tiếp tục được ngành nông nghiệp phối hợp với các hội, đoàn thể quan tâm góp phần nâng cao trình độ, cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho người sản xuất từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
- Công tác nhân giống, lai tạo giống đã có được những thành công nhất định, đã có thể nhân nhanh một số giống hoa lan cung cấp cho nhu cầu sản xuất.
- Công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho người nông dân trồng hoa kiểng thành phố ngày càng được sự hưởng ứng của người nông dân và sự quan tâm của các sở, ngành và các đơn vị có liên quan.
- Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nên việc áp dụng các công nghệ mới còn gặp rất nhiều khó khăn, giá thành cao, sức cạnh tranh kém.
II. KẾ HOẠCH NĂM 2013:
1. Mục tiêu:
Tập trung triển khai Kế hoạch số 4889/KH-UBND ngày 21/9/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Đề án phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; tiếp tục tập trung triển khai Chương trình phát triển hoa, cây kiểng, Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015. Phấn đấu đến cuối năm 2013, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố đạt 2.060 ha; trong đó: Hoa lan đạt 220 ha, mai đạt 500 ha, hoa nền đạt 820 ha, kiểng, bonsai đạt 520 ha; nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất từ 2 – 3 giống hoa lan mới và từ 2 – 3 giống hoa nền mới; sưu tập, bảo tồn từ 5 – 10 giống lan, giống hoa địa phương.
2. Giải pháp:
Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án thành phần trong Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.
2.1. Giải pháp quy hoạch vùng sản xuất:
Triển khai công tác quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung trên địa bàn thành phố.
2.2. Giải pháp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ:
- Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan.
- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về hoa, cây kiểng tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa trong canh tác hoa, cây kiểng, các biện pháp kỹ thuật khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.
2.3. Giải pháp về chính sách và phát triển kinh tế tập thể:
- Tiếp tục giải quyết chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015.
- Kịp thời trình Ủy ban nhân dân thành phố Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 – 2015 thay thế Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tăng cường, củng cố, nâng cao năng lực của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác.
2.4. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm:
- Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng Trung tâm trưng bày, mua bán, giao dịch, hội chợ sinh vật cảnh tại quận Gò Vấp.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giao dịch triển lãm nông sản tại huyện Củ Chi.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất hoa, cây kiểng:
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn quận, huyện.
- Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn quận, huyện năm 2013.
- Tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất hoa, cây kiểng vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3.2. Đề nghị các Hội, Đoàn thể:
- Đề nghị Hội Sinh vật cảnh thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
- Đề nghị Hội hoa lan cây cảnh chuẩn bị kế hoạch Hội hoa xuân thành phố và Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Quý Tỵ 2013.
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tuyên truyền, vận động người sản xuất tham gia vào Hợp tác xã, Tổ hợp tác chuyên ngành như: Bonsai, kiểng cổ, mai vàng, hoa lan; hỗ trợ người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng.
- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3.3. Giao các đơn vị trực thuộc Sở:
Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
a) Trung tâm Khuyến nông:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến; xây dựng mô hình hoa, cây kiểng ở các xã nông thôn mới; nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chú ý công tác xây dựng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan ở các xã nông thôn mới.
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện, các đơn vị trực thuộc Sở tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa kiểng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
b) Trung tâm Công nghệ sinh học:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án lai tạo, chọn tạo, nhập nội, thuần hóa và khảo nghiệm các giống hoa, cây kiểng mới phục vụ sản xuất, cụ thể:
+ Sưu tập, lập bảng mô tả các giống hoa, cây kiểng được sưu tập, nhập nội.
+ Đánh giá một số chỉ tiêu nông học của các giống hoa, kiểng lá.
+ Xây dựng quy trình nhân giống in vitro một số giống hoa, kiểng lá có triển vọng.
- Tăng cường nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan phục vụ sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống lan, giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.
- Hướng dẫn nông dân sản xuất hoa, cây kiểng sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất.
- Đánh giá hiệu quả sử dụng các giống hoa lan của Trung tâm cung cấp cho thị trường.
c) Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:
- Giới thiệu các giống hoa mới đã khảo nghiệm thành công phục vụ sản xuất. Kết hợp với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng giống hoa, đánh giá đặc điểm giống hoa mới nhập nội. Tiếp tục nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất từ 2 – 3 giống hoa lan mới, 2 – 3 giống hoa nền mới phù hợp với điều kiện sản xuất của thành phố. Tiếp tục thử nghiệm và theo dõi bộ giống hoa đồng tiền chậu, hoa lili. Hoàn chỉnh quy trình chăm sóc hoa đồng tiền cắt cành và trồng trong chậu.
- Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống lan, giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống. Tiếp tục chăm sóc và nhân giống bộ sưu tập hoa kiểng.
- Điều tra, cập nhật thông tin từ các cơ sở cung ứng giống hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố.
d) Chi cục Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoa, cây kiểng:
+ Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ điều hành Hợp tác xã, Tổ hợp tác kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng.
+ Tổ chức cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham quan các mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng điển hình ở các tỉnh, thành.
- Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, hướng dẫn các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất hoa, cây kiểng, nhất là các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động yếu.
- Phối hợp với các Hội, Đoàn thể tiếp tục hướng dẫn nông dân, các doanh nghiệp sản xuất hoa, cây kiểng thủ tục vay vốn phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố; hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách thay thế chính sách được ban hành theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.
e) Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng và đẩy mạnh kênh tiêu thụ, tiếp thị hoa kiểng thành phố.
- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hình thành Trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục cập nhật, tổng hợp thông tin về tình hình tiêu thụ hoa, cây kiểng, giới thiệu thông tin nhu cầu mua bán trên website của Trung tâm.
- Tiếp tục giới thiệu các sản phẩm hoa, cây kiểng các loại trong các đợt Hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thiết kế website, logo, bao bì cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hoa, cây kiểng.
- Tổ chức các cuộc giao lưu liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị kinh doanh và các nhà sản xuất trong lĩnh vực hoa, cây kiểng.
f) Chi cục Bảo vệ thực vật:
- Tiếp tục điều tra phát hiện dự tính dự báo định kỳ sinh vật hại hoa lan, cây kiểng. Hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ tổng hợp các đối tượng sinh vật hại.
- Tiếp tục thực hiện các mô hình quản lý dịch hại trên hoa lan, cây kiểng tại các xã nông thôn mới./.