SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
7
1
7
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 Tháng Giêng 2013 2:00:00 CH

Sơ kết tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2012 và Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2012 - 2013.

 

I. Tình hình chung:

 

1. Thuận lợi:

- Thành phố đã ban hành chủ trương chính sách về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình trọng điểm phát triển ngành nông nghiệp, do vậy cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, các chương trình, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn được đẩy mạnh.

- Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai.

- Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; công tác khuyến nông tại địa phương được quan tâm, đạt nhiều kết quả tốt.

- Diễn biến giá nông sản trong năm 2012 tăng cao hơn các năm trước, trong đó giá rau quả và giá gạo có xu hướng tăng cao hơn năm trước đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho bà con nông dân.

 

2. Khó khăn:

- Tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố năm 2012 diễn biến tương đối phức tạp, trên biển Đông đã xuất hiện 10 cơn bão (trong đó, cơn bão số 1 ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố) cùng với các đợt áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa giông, triều cường lớn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

- Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa đã được ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương kiểm soát phòng trừ hiệu quả, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn có nguy cơ lây lan và gây thiệt hại trong sản xuất lúa.

- Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Nông sản hàng hóa nhập về từ các tỉnh chưa kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc, gây áp lực nhiều đối với công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

- Do lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng khan hiếm, giá công lao động tăng trong khi giá cả nông sản tăng không tương xứng khiến cho hàng nông sản thành phố gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nông sản các tỉnh, thành khác.

 

II. Tình hình sản xuất năm 2012:

 

1. Lúa:

 

1.1. Diện tích gieo trồng:

Tổng diện tích lúa năm 2012 đạt 20.376 ha, giảm 5,7% so với năm 2011; năng suất trung bình 4,6 tấn/ha, tăng 5,6% so với năm 2011; sản lượng ước đạt 94.442 tấn, giảm 0,4% so với năm 2011, trong đó:

* Vụ Đông Xuân:

- Diện tích gieo trồng là 6.152 ha, tăng 13,8% so với cùng kỳ; năng suất trung bình 5,2 tấn/ha, tăng 4,0% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 31.990 tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 24 giống lúa được gieo trồng, trong đó trên 70% các giống lúa được trồng phổ biến như: OM 4900 (26,1%), IR 50404 (12,8%), OM 3536 (12,3%), OM 576 (11%), VND 99-3 (8,6%).

* Vụ Hè Thu:

- Diện tích gieo trồng là 5.424 ha, giảm 9,9% so cùng kỳ; năng suất trung bình đạt 4,7 tấn/ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 25.491 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 20 giống lúa được gieo trồng, trong đó trên 60% các giống lúa được trồng phổ biến như: OM 4900 (25,3%), OM 6162 (17,5%), OM 3536 (10,7%), OM 576 (10,7%).

* Vụ mùa:

- Diện tích gieo trồng là 8.800 ha, giảm 13,5% so với cùng kỳ; năng suất trung bình ước đạt 4,2 tấn/ha, tăng 5,0% so với cùng kỳ; sản lượng cả vụ ước đạt 36.960 tấn, giảm 9,2% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 32 giống lúa được nông dân gieo trồng, trong đó các giống chủ lực là OM 4900 (20,1%), Nàng Thơm (15,3%), Tài Nguyên (9,6%), OM 576 (9,0%), OM 3536 (4,8%).

 

1.2. Tình hình sinh vật hại:

- Công tác phòng trừ sinh vật hại, đặc biệt là phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa đã có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Kịp thời dự báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ như gieo sạ đồng loạt vào đúng thời điểm để né rầy, kiên quyết tiêu hủy các ruộng mạ bị nhiễm bệnh nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.

- Kết quả, trong vụ Đông Xuân 2011 – 2012, không phát hiện diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và vụ trong Hè Thu 2012, phát hiện 1,5 ha nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. Vụ mùa 2012, phát hiện có 33,43 ha bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, giảm 61,2% so với cùng kỳ năm 2011 (86,19 ha), trong đó có 28 ha nhiễm nhẹ, 4,6 ha nhiễm trung bình và 0,8 ha nhiễm nặng. Chưa phát hiện bệnh lùn sọc đen hại lúa.

2. Rau:

 

2.1. Diện tích sản xuất:

 

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.024 ha. Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố năm 2012 ước đạt 14.456 ha, tăng 7,0% so với năm 2011; năng suất trung bình đạt 22,4 tấn/ha, tăng 1,4% so với năm 2011; sản lượng 324.270 tấn, tăng 8,4% so với năm 2011, trong đó:

* Vụ Đông Xuân:

Diện tích gieo trồng là 5.977 ha, tăng 16,9% so với năm 2011; năng suất trung bình 23,0 tấn/ha, tăng 1,3% so với năm 2011; sản lượng 137.471 tấn, tăng 18,4% so với năm 2011.

* Vụ Hè Thu:

Diện tích gieo trồng là 3.979 ha, tăng 4,7% so với năm 2011; năng suất trung bình 21,5 tấn/ha, không tăng so với năm 2011; sản lượng 85.549 tấn, tăng 4,7% so với năm 2011.

* Vụ Mùa:

Diện tích gieo trồng đạt 4.500 ha, giảm 2,2% so với năm 2011; năng suất trung bình 22,5 tấn/ha, tăng 2,3% so với năm 2011; sản lượng 101.250 tấn, không tăng so với năm 2011.

 

2.2. Tình hình sinh vật hại trên cây rau:

- Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, vụ Đông Xuân 2011 – 2012, vụ Hè Thu 2012 không có diện tích nhiễm sinh vật hại nặng trên cây rau. Vụ Mùa 2012, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại là 2.743 lượt ha, thấp hơn so với vụ Mùa 2011 (2.759,6 lượt ha), toàn bộ nhiễm ở mức nhẹ.

- Sinh vật hại chủ yếu trên rau là sâu ăn tạp, sâu xanh, sâu đục trái, bọ nhảy, bọ trĩ, rầy xanh, rầy xám, bọ phấn; bệnh thối nhũn,bệnh rỉ trắng, vàng lá và ốc bươu vàng.

 

2.3. Công tác tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng nhận chuyên môn, chứng nhận VietGAP về sản xuất, sơ chế rau an toàn:

Trong năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn cho 962 người tham dự. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6.084 người được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

Trong năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức xây dựng mô hình, hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP cho 376 hộ tham gia với tổng diện tích 145 ha. Kết quả có 202 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích canh tác 74,14 ha, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2011 (Tương đương với 305 ha diện tích gieo trồng); sản lượng 6.437 tấn/năm, tăng 86,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích canh tác là 68,7 ha, sản lượng dự kiến 5.144 tấn/năm.

Tính lũy tiến đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 290 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích canh tác 132,7 ha, (tương đương với 592 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 13.019 tấn/năm.

 

2.4. Công tác phát triển kinh tế tập thể:

Trên địa bàn thành phố hiện có 09 Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau (Hợp tác xã nông nghiệp Phước Bình, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh mới thành lập trong tháng 7, Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh rau an toàn Thanh Niên, HTX Ba Lúa Vàng, HTX Tân Phú Trung đã giải thể) và 33 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

 

2.5. Công tác kiểm soát dư lượng và kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

Trong năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức thanh tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cụ thể như sau:

- Đã kiểm tra 199 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố kết hợp lấy 85 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, có 01 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, Đoàn kiểm tra đã ra Quyết định cảnh cáo, nhắc nhở cửa hàng, phát hiện 01 cửa hàng vi phạm các quy định kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục đã ra văn bản cảnh cáo.

 

- Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 226 hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9, 12, Thủ Đức, chưa phát hiện hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định của Nhà nước.

- Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau, quả kiểm tra các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm, kết quả như sau:

 

+ Tại vùng sản xuất: tổng số mẫu kiểm tra 916 mẫu, trong đó phân tích định lượng 199 mẫu, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và 25 mẫu chưa có kết quả phân tích.

 

 

Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức kiểm tra 07 cơ sở sản xuất giá đỗ và lấy 16 mẫu giá đỗ, 07 mẫu đậu nguyên liệu và 03 mẫu hóa chất trên địa bàn huyện Hóc Môn để kiểm tra hàm lượng Cytokinin. Kết quả, có 02 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục đã tịch thu 287 gói hóa chất và chuyển hồ sơ vi phạm cho Ủy ban nhân dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 200.000 đồng/cơ sở đối với 02 cơ sở vi phạm.

+ Tại 3 chợ đầu mối: tổng số mẫu kiểm tra 6.389 mẫu rau, quả, trong đó số mẫu phân tích định lượng 128 mẫu, kết quả phát hiện 02 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Chi cục đã ra thông báo nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức lấy 60 mẫu rau các loại trên địa bàn thành phố để kiểm tra hàm lượng formaldehyde. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không phát hiện mẫu rau có dư lượng formaldehyde vượt ngưỡng cho phép.

 

 

+ Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Trong năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra 58 doanh nghiệp kết hợp lấy 142 mẫu (trong đó có 10 mẫu rau mầm). Khi phân tích định lượng các mẫu rau trên, kết quả có 01 mẫu rau cải thìa có nguồn gốc Tiền Giang có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Chi cục đã ra thông báo nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và 02 mẫu rau mầm có hàm lượng Coliforms và Samonella vượt mức giới hạn tối đa cho phép, 08 mẫu có hàm lượng Coliforms vượt ngưỡng cho phép, Chi cục đã ra thông báo nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh có mẫu rau có hàm lượng vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép và 82 mẫu chưa có kết quả phân tích.

 

 

2.6. Công tác xúc tiến thương mại:

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện:

+ Chương trình ”Nông dân hội nhập” với 5 kỳ phát sóng với chủ đề ”Chuẩn bị thực phẩm ngày Tết”, ”Rau VietGAP, sự lựa chọn của người tiêu dùng thành phố”, ”Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh” và ”Hội thi tìm hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh lần II năm 2012”, ”Vườn rau dinh dưỡng gia đình”; thực hiện phóng sự nông nghiệp – nông thôn với chủ đề ”Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ quản lý nhà nước cấp cơ sở”. Ngoài ra, còn thực hiện:

+ Tiếp tục  thiết kế website cho 09 đơn vị: Trại măng tây Út Công, Cơ sở nấm Công Đức, Trại nấm Nấm Việt, HTX Thỏ Việt, Công ty CP sinh học Trường Xuân, HTX Phước Bình, HTX Hưng Điền, Nông trại Hà Sơn, trại sản xuất nông nghiệp Bình Minh. Hỗ trợ thiết kế logo cho 09 đơn vị: Cơ sở rau Mai Hoa, cơ sở nấm Thuận Thái, HTX Phước Bình, Trại nấm Bảy Yết, trại nấm Hà Sơn, Cơ sở sản xuất rau Lê Ngọc, HTX Phú Lộc, Trại măng tây Út Công, Cơ sở nấm Liên Trí. Hỗ trợ thiết kế bao bì cho 03 đơn vị Trại rau Thiện Mỹ, trại sản xuất nông nghiệp Bình Minh, Trại nấm Bảy Yết. Hỗ trợ thiết kế tờ gấp cho 06 đơn vị HTX Phú Lộc, trại nấm Hà Sơn, Trại nấm Nấm Việt, HTX Ngã Ba Giòng,  HTX Phước An, Trại nấm Công Đức, HTX Nhuận Đức, trại sản xuất nông nghiệp Bình Minh.

+ Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho các HTX sản xuất rau an toàn tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội tam nông (05-08/01/2012), Ngày hội VAC an toàn tại Đồng Tháp (15-20/4/2012), hội chợ mua sắm tết (08-13/01/2012), triển lãm thành tựu 10 năm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (27/4-01/5/2012), Hội chợ triển lãm nông nghiệp thương mại Đồng bằng sông Cửu Long (07-12/6/2012).

+ Tổ chức hội nghị giao lưu kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGAP giữa các siêu thị Big C, Lotte, Á Châu, Metro và các hợp tác xã trên địa bàn thành phố vào ngày 08/11/2012.

- Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Đài truyền hình VTV1, HTV9 thực hiện phóng sự về hội nghị tổng kết mô hình thí điểm và trao Giấy chứng nhận VietGAP về sản xuất, sơ chế rau an toàn của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (phát sóng ngày 20/7/2012) và quy trình sản xuất, sơ chế rau an toàn của Hợp tác xã Phước An (phát sóng ngày 22/7/2012), xây dựng vùng trồng rau an toàn và công tác quản lý nhà nước về rau an toàn; phóng sự về công tác kiểm tra rau, quả, trái cây ngoại nhập tại chợ đầu mối Thủ Đức.

 

2.7. Triển khai các dự án phát triển rau an toàn:

- Dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm”: Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc áp dụng thực hành VietGAP tại Liên tổ Tân Trung và HTX Phước An sau chứng nhận.

 

- Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học: Tiếp tục triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.

 

 

3. Hoa, cây kiểng:

- Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố năm 2012 đạt 2.010 ha, tăng 2,4% so với năm 2011 (1.963 ha). Chủng loại hoa, cây kiểng có diện tích tăng so với cùng kỳ là: bonsai, kiểng đạt 500 ha (tăng 6,4% so với cùng kỳ), hoa lan đạt 210 ha (tăng 5,0% so với cùng kỳ), mai đạt 500 ha (tăng 1,4% so với cùng kỳ).

- Trong tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012, diện tích sản xuất phục vụ Tết là 1.172,95 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ (1.112,12 ha). Lượng hoa, cây kiểng sản xuất tại thành phố phục vụ dịp Tết Nhâm Thìn  2012 ước khoảng 1,6 triệu chậu mai vàng (tăng 6,6% so với cùng kỳ), 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ), 3,6 triệu cành lan (tăng 33,3% so với cùng kỳ), 6,3 triệu chậu hoa nền (tăng 1,6% so với cùng kỳ), và 500 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 25% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nhâm Thìn khoảng 1.307 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ).

- Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn thành phố có 06 HTX hoa, cây kiểng: HTX Hoa kiểng Gò Vấp (quận Gò Vấp), HTX Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), HTX Ngọc Tú (huyện Hóc Môn), HTX Đại Lộc (huyện Bình Chánh), HTX Nông nghiệp Đồng Phú (quận 2), HTX Hoa Lan Đất Việt (huyện Củ Chi) và 26 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Một số Tổ hợp tác thành lập và chuyển đổi theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP thì bước đầu hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ viên, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định như Tổ hợp tác mai vàng Thạnh Lộc (quận 12), Tổ hợp tác hoa lan Lan Việt, Tổ hợp tác phong lan Vân Triển và Tổ hợp tác Bonsai Minh Tân (huyện Củ Chi).

 

4. Cây ăn trái:

Tính đến cuối năm 2012, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 10.000 ha, tăng 2,0% so với năm 2011; sản lượng ước đạt 90.000 tấn, tăng 3,4% so với năm 2011.

 

III. Về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp:

Trong năm 2012, có 141 hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất hoa, cây kiểng với tổng vốn đầu tư là 234.223 triệu đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 159.687 triệu đồng; 15 hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất rau với tổng vốn đầu tư là 13,55 tỷ đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 11,5 tỷ đồng, trong đó có 10 hộ vay vốn để sản xuất nấm với tổng số vốn đầu tư 13,3 tỷ đồng, tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 11,4 tỷ đồng.

 

IV. Nhận xét, đánh giá:

 

1. Mặt làm được:

- Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên lúa nhưng ngành nông nghiệp phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời.

- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị được ban hành kịp thời và tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

- Đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng như thay đổi cơ cấu giống, nuôi cấy mô, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật tiên tiến.

- Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả, đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 290 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích canh tác 132,7 ha, (tương đương với 592 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 13.019 tấn/năm.

 

2. Mặt hạn chế:

 

- Quy mô của HTX còn nhỏ về diện tích và số hộ tham gia, hoạt động của một số HTX, Tổ hợp tác còn hạn chế do chưa có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, trình độ quản lý của ban điều hành HTX, Tổ hợp tác còn hạn chế. 

 

- Sản xuất chưa ổn định do giá cả đầu vào biến động, chưa tạo được vùng chuyên canh tập trung.

V. Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013:

1. Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2012 - 2013:

- Lúa: Diện tích sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2012-2013 dự kiến là 5.400 ha, chủ yếu tập trung ở Củ Chi, Hóc Môn; năng suất dự kiến đạt 5,3 tấn/ha; sản lượng dự kiến đạt 28.620 tấn.

- Rau an toàn: 6.300 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12; năng suất dự kiến đạt 23,2 tấn/ha; sản lượng ước đạt 146.160 tấn.

 

2. Các giải pháp thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị: Tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhân nhanh các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phòng trừ dịch hại cây trồng có hiệu quả.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi,... trên địa bàn thành phố.

 

2.1. Một số giải pháp cụ thể trong sản xuất lúa:

 

a) Giống:

 

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, giống bổ sung, giống triển vọng, các giống lúa kháng rầy nâu, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

b) Thời vụ gieo sạ:

 

Thời gian gieo sạ lúa Đông Xuân 2012-2013 bắt đầu từ 20/11/2012, chậm nhất đến ngày 05/01/2013.

 

c) Một số biện pháp phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa:

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình rầy nâu và bệnh hại lúa trên địa bàn thành phố, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để dự tính, dự báo chính xác khả năng phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh hại lúa nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh hại lúa, lưu ý gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm; áp dụng “ba giảm, ba tăng”: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, “một phải, năm giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch.

- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.

 

2.2. Một số giải pháp cụ thể phát triển rau an toàn:

 

- Triển khai công tác quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn thành phố.

- Tập trung công tác tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới, xây dựng mô hình rau an toàn.

- Tập trung các giải pháp thẩm định và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận VietGAP, hỗ trợ vay vốn, củng cố và phát triển các HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

 

2.3. Một số giải pháp cụ thể trong phát triển hoa, cây kiểng:

- Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan.

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về hoa, cây kiểng tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa trong canh tác hoa, cây kiểng, các biện pháp kỹ thuật khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng.

VI. Tổ chức thực hiện:

 

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp:

 

            - Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2012 – 2013 phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

            - Tăng cường chỉ đạo các ban ngành, phường, xã phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Sở tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2012 – 2013 đạt hiệu quả.

 

2. Đề nghị các Hội, Đoàn thể:

 

Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn thành phố chỉ đạo các cấp Hội, Đoàn thể quận, huyện tăng cường tuyên truyền vận động nông dân thực hiện Chương trình Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

 

3. Giao các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở:

 

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013, có báo cáo kịp thời kết quả thực hiện. Cụ thể triển khai một số nội dung chính như sau:

 

3.1. Chi cục Bảo vệ thực vật:

 

- Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra dự tính dự báo, phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp phòng chống dịch hại lúa, đặc biệt đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. 

 

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.

- Tiếp tục kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các hộ nông dân tại khu vực sản xuất.

- Tiếp tục tổ chức lấy mẫu rau, quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, kinh doanh rau.

- Tăng cường công tác điều tra, theo dõi tiến độ sản xuất rau an toàn, lúa,… về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng đến từng xã (nhất là xã nông thôn mới). Báo cáo định kỳ về Sở theo quy định.

 

3.2. Trung tâm Khuyến nông:

- Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất hoa, cây kiểng, mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP, mô hình cơ giới hóa, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.

- Tăng cường công tác điều tra, theo dõi tiến độ sản xuất hoa, cây kiểng, cây ăn trái,… về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng đến từng xã (nhất là xã nông thôn mới). Báo cáo định kỳ về Sở theo quy định.

 

3.3. Chi cục Phát triển nông thôn:

- Rà soát, hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách thay thế chính sách được ban hành theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho HTX, Tổ hợp tác nhất là HTX, Tổ hợp tác tại các xã nông thôn mới và các HTX, Tổ hợp tác hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm.

 

3.4. Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp:

- Xây dựng kế hoạch chứng nhận sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, chủ động gắn công tác chứng nhận VietGAP với hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận VietGAP.

- Tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản.

- Nghiên cứu, đề xuất mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả trang Website, thiết kế website, logo, nhãn hiệu cho các đơn vị về sản xuất, tiêu thụ nông sản của thành phố.

- Triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho nông dân các xã nông thôn mới tham gia các sự kiện được tổ chức trong và ngoài thành phố.

 

3.5. Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

- Giới thiệu các giống mới đã khảo nghiệm thành công phục vụ sản xuất. Tiếp tục nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất các giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của thành phố.

- Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.

- Điều tra, cập nhật thông tin từ các cơ sở cung ứng giống trên địa bàn thành phố.

 

3.6. Thanh tra Sở:

- Tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống và vệ sinh an toàn thực phẩm

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu vật tư nông nghiệp; đặc biệt các trường hợp sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

 

3.7. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão:

 

          - Xây dựng kế hoạch cung cấp, điều tiết nước trong khu vực do đơn vị quản lý.

            - Thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu đảm bảo hiệu quả sản xuất./.


Số lượt người xem: 4682    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm