Năm 2023, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, ngành nông nghiệp Thành phố tập trung thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”. Đồng thời, với chủ đề Thành phố “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”, ngành nông nghiệp xây dựng và thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp tập trung ban hành kế hoạch và triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các chương trình, đề án trọng điểm của ngành giai đoạn 2021 - 2025 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; trong đó, tập trung thực hiện Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 (đây là 01 trong 49 chương trình, đề án thuộc các chương trình đột phá, trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI). Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại như: tổ chức Chợ hoa Tết Nguyên đán tại các quận, huyện ngoại thành; Chợ phiên nông sản an toàn; Festival hoa lan, Hội thi trái ngon an toàn Nam Bộ, Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao Thành phố. Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất nông nghiệp; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; chủ động phòng chống hạn hán xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo, dự báo đến người dân nhằm chủ động trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cây trồng phù hợp; quản lý tốt hoạt động bảo vệ rừng, động vật hoang dã, phòng chống thiên tai, triều cường và phòng cháy, chữa cháy rừng... Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.089,1 tỉ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,73%); trong đó, trồng trọt tăng 1,36% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,97%), chăn nuôi tăng 0,69% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,23%), thủy sản tăng 5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,3%). Chuyển dịch cơ cấu: trồng trọt chiếm tỷ trọng 23,2% (cùng kỳ 22,7%), chăn nuôi 39,2% (cùng kỳ 42,8%), thủy sản 30,2% (cùng kỳ 27,5%).
Giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng chiếm tỷ trọng khoảng 68% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Một số chỉ tiêu, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tăng so với kỳ cùng, như: diện tích gieo trồng rau các loại 10.622 ha (tăng 1,3% so cùng kỳ), sản lượng rau đạt 265.760 tấn (tăng 4,1% so cùng kỳ), sản lượng thịt heo hơi 16.075 tấn (tăng 3,5%), sản lượng tổ yến 9,72 tấn (tăng 4,5% so cùng kỳ), tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 15.550 tấn (tăng 11,4%).
Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao: Diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao là 459,6 ha, 28 cơ sở chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với tổng đàn 79.170 con (chiếm khoảng 57% tổng đàn heo), 54 cơ sở chăn nuôi bò và 08 cơ sở nuôi gia cầm công nghệ cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu 56,25 tấn hạt giống rau và 6 triệu con cá cảnh; nhân giống trên 100.000 cây cấy mô (chủ yếu hoa lan), thuần dưỡng và sản xuất 9,5 tỉ con giống thủy sản mặn lợ và 127 triệu con cá giống nước ngọt các loại.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định công nhận 39 sản phẩm của 11 đơn vị đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (trong đó, 15 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 24 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao). Nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận đạt chuẩn 03 sao trở lên là 66 sản phẩm (gồm: 36 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao). Đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm bột rau má có đường đạt chuẩn 5 sao.
Công tác cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng ban, đơn vị trực thuộc trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Kết quả, 6 tháng thực hiện đạt 7/10 chỉ tiêu và 35/52 nhiệm vụ trọng tâm ở 6 nội dung: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử - chuyển đổi số. Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận và giải quyết 5.119/5.119 hồ sơ (đạt 100%); trong đó, giải quyết trước hạn 4.979/5.119 hồ sơ (đạt 97,26%) và 100% người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng thông qua phiếu khảo sát.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, đề đạt được mục tiêu tốc độ tăng GRDP và giá trị sản xuất tăng từ 2,0 - 2,5%, giá trị sản xuất đạt từ 640 - 660 triệu đồng/ha; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 42 - 46% trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; 70 - 75% hợp tác xã nông nghiệp đạt hiệu quả.... toàn ngành nông nghiệp tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
- Thực hiện đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các chương trình, đề án của ngành giai đoạn 2021 – 2025 (đặc biệt là Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố). Rà soát, điều chỉnh, tham mưu ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như trình Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; tổ chức các hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trao đổi và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp. Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ sản xuất sản lượng sang nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả bền vững.
- Đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần xây dựng Thành phố thông minh, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
- Phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố./.
Đặng Kiệt