SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
7
2
1
4
2
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Tư 2006 4:15:00 CH

Lợi ích kinh tế và môi trường của rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng Cần giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, rừng có tác dụng hấp thụ khí độc hại thải ra từ sản xuất công nghiệp và khói xe máy, đồng thời trả lại cho môi trường dưỡng khí oxy cần thiết cho quá trình sống của con người, lọc nước thải từ các quận nội thành đổ về, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.

   

Lợi ích của rừng, trước hết phải kể đến sản phẩm truyền thống là gỗ, củi.

 

Từ xưa, nhân dân trong vùng đã khai thác gỗ củi để làm nhà ở, chất đốt, đem bán để đổi vải vóc, lúa gạo và các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống.

 

Sách Địa chí Gia Định xuất bản trước năm 1945 cho biết nhân dân Cần Giờ đã khai thác gỗ củi chở về bán cho các nhà máy ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các hãng tàu sông để đốt lò hơi; khai thác võ cây già, đước đem bán cho các chủ vựa ở Chợ Lớn, giá mỗi ký 30 xu, đổi được 5 - 6 kg gạo thời đó. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, việc khai thác gỗ củi bị hạn chế song có khi khai thác lên đến 80 ster/ha.

 

Từ khi khôi phục thành công rừng ngập mặn Cần Giờ, công tác tỉa thưa chăm sóc rừng trồng đã thu được hàng chục ngàn ster cừ củi, góp phần đáng kể vào việc cung cấp chất đốt, làm nhà ở, lán trại cho nhân dân trong vùng.

 

Ngoài việc cho gỗ củi, cây rừng ngập mặn còn có thể làm bột giấy, ván ghép, ván dăm, vỏ cây sản xuất tanin dùng trong thuộc da, nhuộm vải lưới, làm keo dán, cây phục hồi nhanh và có thể khai thác lâu dài. Lá cây, nhất là cây mắm có thể làm thức ăn gia súc rất tốt.

 

Ngoài cây gỗ, còn có cây dừa nước rất quen thuộc với đời sống người dân trong vùng, lá lợp nhà rất tốt, lợp kỷ có thể ở hơn 10 năm, bắp dừa làm dây buộc, bện thừng thích hợp với vùng nước mặn. Cơm dừa có vị ngọt, ăn ngon và mát. Có thể trồng dừa nước để lấy nhựa cây chế biến thành đường, 01 héc ta có thể sản xuất được 5-7 tấn đường/năm, ở Cần Giờ chưa có tập quán sản xuất đường từ cây dừa nước.

 

Nhiều loài cây trong rừng ngập mặn có thể làm thuốc như cây ô rô, cây lức, cây chùm gọng, cây xu, cây quao… trước đây bộ đội ta nhờ vào cây rừng để chữa bệnh và chiến đấu.

 

Đối với các vùng rừng ngập mặn, một nguồn lợi quan trọng khác phải kể đến là nguồn lợi thủy sản, như đã nói ở trên, rừng Cần Giờ rất dồi dào tôm cá, có nhiều loài có giá trị kinh tế rất cao như cá mú, cá chẽm, cá đường, cá dứa, cá ngát, lịch củ, tôm thẻ, tôm sú, cua gạch soong, nghêu, sò huyết… 

 

Sau khi rừng được phục hồi, lá và các bộ phận khác của cây rụng xuống, phân hủy thành chất mùn bả hữu cơ chính là nguồn thức ăn dồi dào của các loài động vật nước, nghề nuôi nghêu sò, tôm sú phát triển nhanh từ năm 1993 đến nay chính là kết quả tốt đẹp của việc khôi phục thành công rừng ngập mặn Cần Giờ.

 

Nhờ có rừng, với nguồn thức ăn dồi dào và hệ thống rễ cây chằng chịt là môi trường sống thuận lợi và là nơi sinh đẻ trú ngụ của các loài thủy sản tôm, cua, cá, nghêu, sò, nhờ đó mà nguồn giống của chúng cũng cao hơn ở những nơi không có rừng.

 

Từ khi rừng được phục hồi, sản lượng thủy sản khai thác được ngày càng tăng, trong đó nghề nuôi nghêu, sò, nghề nuôi tôm sú phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của nhân dân.

 

Rừng có tác động rất rõ đến khí hậu trong vùng, rừng làm cho khí hậu trở nên mát mẽ hơn, và mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ít hơn. Trên thế giới có rất nhiều thí dụ điển hình về về việc mất rừng ngập mặn kéo theo sự thay đổi khí hậu trong vùng. Sau khi thảm cây rừng không còn làm cho cường độ bốc hơi nước tăng cao dẫn đến độ mặn của nước và đất tăng, mặn vào sâu trong đồng ruộng, có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, tốc độ gió tăng lên đột ngột, gió to gây ra sóng lớn làm xói lở bờ sông, bờ biển mà việc gia cố bờ sông hoặc di dời khu dân cư tốn rất nhiều tiền của của xã hội và gây bất an cho đời sống người dân. Vì bị mất rừng mà ở vùng núi thì xảy ra thảm họa lũ quét, ở đồng bằng xảy ra lũ lụt, sạt lở bờ sông có khi mất cả một khu dân cư lâu đời thật đáng tiếc.

 

So sánh thực tế tại Cần Giờ trước và sau ngày khôi phục thành công rừng, chúng ta thấy sự thay đổi rất khác biệt về môi trường khí hậu theo chiều hướng thuận lợi cho đời sống và sản xuất, nay đi vào rừng không khí ấm áp, mát mẽ dễ chịu, hít thở sảng khoái lồng ngực, đặc biệt là khi vừa từ nội thành ra Cần Giờ.

 

Ở vùng cửa sông, các loài cây mắm, bần mọc dày đặc với hệ thống rễ chằng chịt tạo điều kiện cho việc lắng tụ phù sa nhanh, hình thành các bãi bồi mới, các hạt giống và mầm cây từ trong rừng trôi ra được rễ cây giữ lại phát triển thành rừng làm phong phú thêm quần thể thực vật mới. Kết quả là diện tích đất được mở rộng cùng với rừng cây mới hình thành.

 

Bên cạnh các lợi ích truyền thống kể trên, lợi ích về môi trường sinh thái là rất to lớn.

 

Rừng Cần giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, rừng có tác dụng hấp thụ khí độc hại thải ra từ sản xuất công nghiệp và khói xe máy, đồng thời trả lại cho môi trường dưỡng khí oxy cần thiết cho quá trình sống của con người, lọc nước thải từ các quận nội thành đổ về, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.

 

Ngày nay, huyện Cần Giờ với 50% diện tích là rừng, cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành, mang đậm dấu ấn lịch sử, rất hấp dẫn du khách đến nghỉ ngơi, tham quan, học tập, nghiên cứu, thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức sản vật của rừng ngập mặn.

 

 Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, một nơi thuận lợi để học tập, nghiên cứu về rừng nhiệt đới và điều đặc biệt là có một khu rừng rộng lớn, nằm bên cạnh một đô thị lớn thành phố Hồ Chí Minh.


Số lượt người xem: 18590    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm