SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
5
5
5
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 Tháng Mười Một 2009 5:15:00 CH

Một số giải pháp cần tập trung để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trong năm 2010

Mục tiêu kế hoạch trong năm 2010 là phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Trên cơ sở kết quả sản xuất nông nghiệp trong 10 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã dự kiến kết quả sản xuất nông nghiệp và PTNT trong năm 2009 vẫn tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất nông nghiệp trong 10 tháng đầu tăng 6,8% so cùng kỳ, với cả năm tăng trên 7% so năm 2008; diện tích trồng lúa tiếp tục giảm, diện tích trồng hoa – cây kiểng tăng 16,3%, trồng cỏ tăng 8%, đàn bò sữa tăng 10,5% …. Các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp ở các tỉnh nhưng địa bàn thành phố được giữ ổn định, không phát sinh gây thiệt hại cho người nông dân nhờ các biện pháp kiểm soát chặc chẽ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Mục tiêu kế hoạch trong năm 2010 là phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 tăng trên 6% so năm 2009 để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thành phố giao trong giai đoạn 2006 - 2010: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp bình quân đạt trên 6%, giá trị gia tăng 5%. Đảm bảo tiến độ, mục tiêu chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung và chuyên canh, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để lai tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Tiếp tục giảm diện tích trồng lúa thêm 2.000 ha để chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng diện tích trồng rau; đến cuối năm 2010 diện tích trồng hoa – cây kiểng đạt 1.900 – 2.000 ha, đồng cỏ chăn nuôi khoảng 3.000 ha, cá kiểng 60 triệu con, cá sấu 170.000 con …. Hoàn thành chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo chủ trương và Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở từ nay đến năm 2010 cần tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt là tập trung triển khai Quyết định số  10/2009/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; chương trình hành động của Thành ủy về đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ngoại thành đến năm 2010, về chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn thành phố; triển khai chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp ở nông thôn. Cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch Triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố, Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn … Hoàn chỉnh và đưa vào khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm Quản lý Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi (2009); phát huy hiệu quả Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trạm kiểm dịch Thủy sản Cần Giờ và các công trình khác. Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã thí điểm mô hình nông thôn mới, xã phát triển nông thôn toàn diện và các xã điểm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng. Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, triều cường, cải tạo, bồi dưỡng đất sản xuất; hạn chế ảnh hưởng xâm nhập mặn; sự cố tràn dầu, chống xói lở … Trong chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; đổi mới hình thức sản xuất kinh tế trang trại, HTX và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế ...

Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực tạo đột phá để hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông thôn; phát triển cơ khí hóa nông nghiệp; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất theo GAP. Tập trung đầu tư, hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp như củng cố, tổ chức lại hệ thống khuyến nông, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại nông sản: theo hướng gắn liền người sản xuất - cán bộ nông nghiệp - nhà doanh nghiệp, ký kết hợp đồng tư vấn, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các bên cùng có lợi. Các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư như tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cần đổi mới nội dung và phương thức thực hiện để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi được tập huấn đầy đủ các qui trình, thủ tục về sản xuất và vay vốn để đầu tư. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, Trường đại học, Viện nghiên cứu ... với nông dân, hộ sản xuất và với vùng nguyên liệu trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống mới, công nghệ sau thu hoạch và giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ nông sản phẩm. Tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cơ sở, đảm bảo nắm vững tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong các hoạt động, kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả.

Nâng cao năng lực của các cộng tác viên thuộc các đơn vị như Chi cục Thú Y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục QLCL và BVNL Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông để phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Thống kê quận huyện trong việc thu thập, cập nhật thông tin; đảm bảo tính chính xác và thống nhất của nguồn thông tin, số liệu, đồng thời cải tiến phương pháp thu thập cơ sở dữ liệu tại địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu từ xã phường đến quận huyện một cách đồng bộ và thống nhất.

Tập trung các giải pháp để tiếp tục phát triển mạnh các loại cây con và nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản (sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, các chất kháng sinh trong sản xuất, chế biến…). Xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch, phòng chống úng ngập, chương trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, phát triển cơ giới hóa theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện có hiệu quả các phương pháp trên, ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố sẽ đạt mục tiêu Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp theo kế hoạch năm 2010 và chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010./.

 

                                                                                Nguyễn Văn Thành

                                                                                    Phòng KTHC


Số lượt người xem: 13854    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm