SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
1
5
0
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 Tháng Giêng 2007 4:00:00 CH

Đẩy mạnh công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ các chương trình trồng rừng

Bước vào thế kỷ 21, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành nông nghiệp nước ta là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để có đủ năng lực cạnh tranh. Đáp ứng yêu cầu này, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp và tăng cường công tác quản lý cần được đẩy mạnh, đặc biệt đối với lĩnh vực giống cây lâm nghiệp vì giống là yếu tố sinh học có tính quyết định trong năng suất và chất lượng sản phẩm, là tiền đề để phát huy các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác trong chu kỳ sản xuất. Sử dụng giống tốt là một biện pháp thâm canh mũi nhọn làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả của trồng rừng, nhất là đối với trồng rừng sản xuất.

 

Trong thời gian gần đây, giống lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho thành tựu của ngành lâm nghiệp. Đã đảm bảo cung cấp đủ giống, góp phần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng; đã tuyển chọn và lai tạo được các tổ hợp Bạch đàn, Keo là cây sinh trưởng nhanh, có năng suất chất lượng cao được sản xuất bằng công nghệ mô hom phục vụ Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đặc biệt là cho trồng rừng sản xuất đạt tỷ lệ khoảng 70% diện tích được trồng bằng giống mới; đã tuyển chọn và công nhận được 115 nguồn giống của 34 loài với diện tích 3.700ha đây là những nguồn giống được cải thiện để cung cấp giống cho các chương trình, dự án trồng rừng; Một hệ thống vườn ươm để sản xuất cây giống được hình thành, cả nước có trên 2000 vườn ươm (trong đó quốc doanh 600 vườn, doanh nghiệp tư nhân 1.400 vườn, các thành phần khác 20 vườn), trong đó có 192 vườn giâm hom, 43 phòng nuôi cấy mô.

Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất hiện nay do nhận thức của người sử dụng giống còn hạn chế, cơ chế chính sách của nhà nước đối với phát triển rừng còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch, kế hoạch về giống, công tác quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến trình trạng một khối lượng hạt giống, cây con chưa được cải thiện, không rõ nguồn gốc, năng suất chất lượng thấp vẫn được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong trồng rừng ảnh hưởng lớn tới năng suất chất lượng rừng trồng.

Triển khai thực hiện Pháp lệnh giống cây trồng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua (số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo giao cho các Cục, Vụ chức năng đẩy mạnh công tác quản lý để nâng cao chất lượng giống cây trồng, trong đó có giống cây lâm nghiệp. Ngay sau đó, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng và ban hành một số văn bản quản lý, những định hướng về phát triển giống lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, bao gồm:

1. Về văn bản quản lý nhà nước:

- Đã ban hành 4 Danh mục về giống cây lâm nghiệp làm cơ sở cho việc thực hiện Quy chế giống: 1) Danh mục giống cây lâm nghiệp chính (số 13 2005/QĐ-BNN ngày 15/3/2005), 2) Danh mục giống cây lâm nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn ngành (số 15/2005/QĐ-BNN ngày 15/3/2005), 3) Danh mục giống cây lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh (số 14/2005/QĐ-BNN ngày 15/3/2005), 4) Danh mục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng sản xuất theo 9 vùng sinh thái lâm nghiệp (số 16/2005/QĐ-BNN ngày 15/3/2005).

- Đã ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (Số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005)

- Đã Phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 (Số 62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006).

Chiến lược phát triển giống lâm nghiệp được ban hành đã thể hiện rõ định hướng của Bộ là phấn đấu thực hiện để đạt được mục tiêu xây dựng ngành giống lâm nghiệp hiện đại, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng; áp dụng khoa học công nghệ mới theo hướng sử dụng ưu thế lai, áp dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống; hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ phù hợp với cơ chế thị trường. Về cung cấp giống, đến năm 2010 bảo đảm cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận (trong đó 40% giống từ nhân giống sinh dưỡng) cho trồng rừng, đến năm 2015 bảo đảm cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận (trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng) cho trồng rừng. Về quản lý giống, đến hết năm 2006 xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các văn bản có liên quan đến quản lý giống cây lâm nghiệp, đến hết năm 2008 cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật về giống cây lâm nghiệp, hoàn thiện bộ máy và công cụ quản lý đủ để kiểm soát chất lượng giống theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với các loài cây trồng chính vào năm 2007. Về nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại, đảm bảo rừng được trồng từ sau năm 2020 đối với cây mọc nhanh năng suất bình quân 30m3/năm, cây gỗ lớn đạt 15m3/năm. Về nguồn lực, đến năm 2010 về cơ bản bảo đảm đủ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống, hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hoá nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần tham gia (các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và cá nhân).

2. Về tổ chức thực hiện:

Trong một thời gian ngắn, các cấp từ Trung ương xuống địa phương đã chuyển đổi nhận thức về trách nhiệm, vai trò và vị trí của giống cây lâm nghiệp, đã tích cực triển khai thực hiện được một số việc chủ yếu chuyển dần tập quán sản xuất, sử dụng giống không rõ nguồn gốc sang giống có nguồn gốc rõ ràng, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh giống:

a) Ở cấp Trung ương:

+ Một số các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục Lâm nghiệp triển khai Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp về công nhận nguồn giống và quản lý sản xuất kinh doanh giống; hướng dẫn sử dụng các giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận trong năm đưa vào sản xuất phục vụ trồng rừng ở những nơi phù hợp để làm tăng giá trị của rừng.

+ Kết hợp các hội nghị giao ban lâm nghiệp, triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất để phổ biến Quy chế quản lý giống cho các cán bộ quản lý nhà nước thuộc Sở NN & PTNT và Chi cục lâm nghiệp, các nhà khoa học trong ngành nhằm hiểu rõ để tổ chức quản lý và nâng cao nhận thức về giống cây lâm nghiệp.

+ Phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực và thể chế ngành giống lâm nghiệp Việt Nam do DANIDA tài trợ mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ thuộc các đơn vị sự nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh giống các kiến thức về giống cây lâm nghiệp và thực hiện các thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với các loài cây trồng chính. Xây dựng trang Web về giống lâm nghiệp.

+ Thúc đẩy triển khai chương trình giống theo Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp, xây dựng các dự án giống giai đoạn 2006-2010 theo định hướng của chiến lược.

b) Ở cấp tỉnh: đã có chuyển biến tích cực về thực hiện quy chế quản lý giống từ nhận thức tới tổ chức thực hiện bằng tổ chức công nhận các nguồn giống, đơn vị đủ diều kiện sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh theo quy chế để sản xuất cung ứng giống cho nhu cầu trồng rừng ngay trong năm 2006 và những năm tiếp theo, điển hình là các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Lào Cai, Kon Tum...

3. Một số công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác quản lý, nâng cao chất lượng giông cây lâm nghiệp:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và chính sách hỗ trợ phát triển về giống cây lâm nghiệp.

- Chỉ đạo kiểm tra các hoạt động về giống lâm nghiệp trong phạm vi cả nước để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý giống. Quy hoạch hệ thống nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo cung cấp đấy đủ giống chất lượng tốt cho kế hoạch trồng rừng hàng năm.

- Hỗ trợ các tỉnh về đào tạo cán bộ, trang thiết bị tin học nhằm tăng cường năng lực quản lý giống.

- Xây dựng kế hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình dự án về công nghệ sinh học, các đề tài nghiên cứu giống cây lâm nghiệp; thực hiện công nhận giống mới theo Quy chế quản lý giống lâm nghiệp.

- Đảm bảo vốn cấp cho các hoạt động phục vụ sản xuất, nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp.

- Các đơn vị nghiên cứu các cấp tập trung vào việc tuyển chọn, lai tạo, khảo nghiệm các loài cây mới có năng suất và tính chống chịu phù hợp với vùng sinh thái.

- Các đơn vị đào tạo lâm nghiệp tập trung đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chuyên về giống lâm nghiệp, chuyên sâu về tuyển chọn, lai tạo giống mới, công nghệ sinh học, công nghệ gen, di truyền phân tử, kỹ thuật về nhân giống và quản lý vườn ươm.

- Các tỉnh tiếp tục thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giống, trọng tâm là Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp theo tiến trình đã quy định; Hình thành bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách về quản lý giống cây lâm nghiệp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giống lâm nghiệp; Xây dựng và quản lý nguồn giống được cải thiện di truyền trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp giống có kiểm soát trong tỉnh và cho các tỉnh khác; Phát triển kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế, sản xuất và cung ứng giống tốt góp phần nâng cao chất lượng nguồn giống cây rừng, nâng cao giá trị của rừng trồng.

(Nguồn: Cục Lâm nghiệp)

Số lượt người xem: 11146    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm