SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
3
7
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Ba 2006 4:15:00 CH

Tìm hiểu rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trọn trong huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn – Vàm Cỏ. Phía Đông giáp các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Tây giáp các tỉnh Long An, Tiền Giang, phía Bắc giáp huyện Nhà Bè, phía Nam giáp Biển Đông. Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay có tổng diện tích gần 35.000 ha, chiếm 50% diện tích huyện Cần Giờ.

   

 

Rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trên tuyến đường thủy quan trọng bậc nhất miền Nam nước ta, từ biển Đông đi vào Sài Gòn - Gia Định và tỏa khắp miền Nam.

 

Vị trí địa lý đặc biệt của Rừng ngập mặn Cần Giờ làm cho số phận của khu rừng này gắn liền với nhiều biến cố lịch sử của miền Nam nước ta.

 

Một số biến đổi của Rừng ngập mặn Cần Giờ

 

Năm 1296, sứ giả Trung Hoa là Châu Đạt Quan trên đường đi sứ Chân Lạp (Campuchia) mô tả đoạn qua cửa biển Cần Giờ xưa như sau: “Nhìn lên bờ chúng tôi thấy toàn là cây mây cao vút, cây cổ thụ, cát vàng và lau sậy trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào” (Chân Lạp phong thổ ký).

 

Năm 1698 nhà Nguyễn thiết lập chủ quyền trên miền Nam nước ta.

 

Từ năm 1698 đến năm 1858, rừng ngập mặn Cần Giờ hoang vu (xưa gọi là Rừng Sác Gia Định), dân cư thưa thớt, nhà Nguyễn cho thiết lập một số đồn để canh phòng cửa biển Cần Giờ, chỉ có lính canh và dân buôn bán, đánh cá ven đồn, trồng trọt trên các giồng đất cao ở các làng Cần Thạnh, Đồng Tranh.

 

Sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết năm 1776 như sau: “Đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định, từ các cửa biển lớn nhỏ và cửa Cần Giờ, cửa Soài Rạp đi vào (tức địa bàn huyện Cần Giờ ngày nay), toàn là những đám rừng hoang vu rậm rạp, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm”.

 

Rừng Sác Gia Định xưa có diện tích hơn 160.000 ha, kéo dài từ cửa biển Cần Giờ lên đến vùng Nhơn Trạch và Nhà Bè ngày nay, rừng bị thu hẹp dần theo quá trình khai khẩn đất đai.

 

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, xuất bản năm 1818, cho biết ở tổng An Thít và tổng Cần Giờ xưa có nhiều cọp, beo, hươu, nai, khỉ, rùa vàng. Dưới sông dồi dào hải sản, nhiều loài cá quý hiếm như cá chìa vôi vây dài 8 -10cm, cá đường bụng trắng dài tới 1m, cá mú có con dài tới 1,5m, cá heo, cá sấu, đồi mồi ... đặc biệt có cá voi thường giúp đỡ ngư dân, mỗi khi người dân bị đắm thuyền thì dìu họ vào bờ, do vậy nhân dân rất kính lễ và lập đền thờ như vị Thành Hoàng, nay còn đền thờ ở xã Cần Thạnh.

 

Rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 1776 – 1801,  05 lần kéo quân vào Gia Định dẹp Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đều đi bằng đường thuỷ từ Qui Nhơn đến cửa Cần Giờ, theo sông Lòng tàu vào thành Gia Định. Trên dòng sông này đã xảy ra một số trận thuỷ chiến lớn giữa quân Nguyễn Huệ và quân Nguyễn Ánh, người dân Cần Giờ còn truyền miệng cho nhau từ đời này qua đời khác về trận thuỷ chiến vào tháng 03 năm Nhâm Dần (1782) tại khúc sông Ngã Bảy hiện nay (xưa gọi là Thất kỳ giang), và tháng 02 năm Quí Mão (1783) tại khúc sông Nhà Bè - Thủ Thiêm.

 

Tháng giêng năm Ất Tỵ (1785), lần thứ 05 Nguyễn Huệ kéo quân vào Gia Định cũng đi qua cửa Cần Giờ, sau đó hợp với quân trấn thủ thành Gia Định của Trương Văn Đa kéo về Mỹ Tho tiêu diệt 20 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm – Xoài Mút.

 

Năm 1858 quân Pháp tấn công Đà Nẵng, âm mưu xâm lược nước ta, nhưng gặp sự kháng cự quyết liệt của quân dân Đà Nẵng, chúng buộc phải chuyển hướng vào đánh chiếm thành Gia Định.

 

Ngày 10/02/1859 quân Pháp bắt đầu bắn phá pháo đài Phước Thắng ở núi Lại Sơn, Hòn Rái, bờ bắc cửa biển Cần Giờ, sau đó chúng vừa đánh các đồn canh phòng dọc sông Lòng Tàu vừa dò dẫm vượt qua rừng Sác Cần Giờ để tiến vào đánh chiếm thành Gia Định.

 

Rừng Sác hoang vu, nhiều bất trắc hiểm nguy, người dân trong vùng làm nghề đốn củi, đánh cá, mò cua, bắt ốc thường tụ tập thành từng đoàn ghe để tương trợ lẫn nhau, đã hiệp với quân triều đình tại các đồn dọc cửa biển Cần Giờ chống quân xâm lược, mặc dù tay không đương cự với tàu sắt, súng đồng nhưng đã kìm chân quân Pháp gần một tuần lễ, đánh đắm 01 tàu Pháp tại cửa biển Cần Giờ.

 

 Người nông dân hai bên bờ sông Soài Rạp hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Trương Định với tinh thần vô cùng quả cảm: “Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ theo theo vòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ; chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có; thà thác  mà đặng câu định khái về theo tổ phụ cũng vinh; còn hơn chịu chử đầu Tây ở với Man di rất khổ” và rằng: “Một trận nghĩa đánh Tây tuy mất, tiếng vẫn còn vang như mõ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu). Đó là nghĩa khí của người nông dân sống bên bờ sông Soài Rạp nơi cửa ngõ của thành Gia Định xưa.

 

Năm 1863, khi căn cứ Tân Hoà ở Tiền Giang thất thủ, nghĩa quân Trương Định lui về dựng căn cứ tại xã Lý Nhơn, Cần Giờ, đóng tại rạch Trú. Rừng Cần Giờ trở thành chiến khu của nghĩa quân Trương Định, tiếp tục cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp.

 

Sau khi chiếm xong Sài Gòn - Lục tỉnh (1859 – 1874), người Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa, rừng Cần Giờ bị thu hẹp do người Pháp phá rừng lập đồn điền, hơn 5.000 ha rừng bị phá (Khu vực xã Bình Khánh, xã An Thới Đông thuộc huyện Cần Giờ và một phần huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai ngày nay), nhưng vì đất nhiễm mặn nên các đồn điền không mở rộng thêm và diện tích rừng Cần Giờ ổn định khoảng 35.000 – 40. 000 ha cho đến những năm 1960.

 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, rừng Sác Cần Giờ là một địa chỉ đỏ của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển: Đầm Bui, xã Long Hoà; Mũi Nai, xã Lý Nhơn là nơi tiếp nhận các chuyến tàu bí mật chở vũ khí, đạn dược, cán bộ từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam. Từ năm 1962 – 1969 rừng Sác Cần Giờ đón 120 lượt tàu thuyền với hàng ngàn tấn hàng hoá chuyển vào phục vụ chiến trường, và từ Cần Giờ những chuyến ghe xuồng  của cơ sở cách mạng, bí mật vượt sông Lòng Tàu, Thị Vãi đi vào các chiến khu miền Đông Nam bộ.

 

Từ năm 1966, Rừng Sác Cần Giờ là chiến khu của Đoàn 10 đặc công rừng Sác, Cần Giờ là nơi xuất phát của những trận đánh vang dội: Ngày 23/08/1966, Đặc công rừng Sác đánh chìm tàu Victory trọng tải 10.000 tấn, chở máy bay, xe tăng và đại bác, sông Lòng Tàu bị ách tắc 17 ngày. Đêm 03/12/1972, Đặc công rừng Sác đánh cháy kho xăng Nhà Bè, hơn 200.000 triệu lít xăng bị đốt cháy. Đêm 13/12/1972, Đặc công rừng Sác lần thứ hai đánh nỗ tung kho bom thành Tuy Hạ, hơn 100.000 tấn vũ khí đạn dược và 80 dãy nhà kho bị phá huỷ.

 

Những trận đánh rung rinh Sài Gòn và nước Mỹ.

 

Từ năm 1962 đến năm 1970, để bảo vệ tuyến đường thủy huyết mạch vận tải vũ khí, đạn dược vào cung cấp cho chế độ Sài Gòn, Mỹ đã rãi thảm bom đạn, chất độc hoá học và tiến hành nhiều trận càn quét lớn nhằm phá hoại chiến khu rừng Sác, đẩy bộ đội ta ra xa bờ sông Lòng Tàu.

 

Quân Mỹ đã rãi xuống rừng Cần Giờ 1.017.515 Gallons (tương đương 4 triệu lít) chất độc hoá học các loại để khai quang, phá trắng rừng Cần Giờ (nguồn Ross 1975).

 

Hậu quả là chất độc hoá học đã hủy diệt gần như hoàn toàn cây rừng và chim thú trong rừng Cần Giờ, hàng ngàn héc ta rừng dọc sông Lòng Tàu chết trụi, hệ động thực vật rừng Cần Giờ thoái hoá hoàn toàn, các loài động vật quý như cọp, báo, hươu, nai biến mất.

 

Từ đó, mỗi khi thuỷ triều lên, cả Cần Giờ là một đồng nước mênh mông, chỉ có sóng và gió, bờ sông bị xói lở, ruộng đồng nhiễm mặn, mất mùa, đói kém liên miên.

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc (30/4/1975), toàn dân bước vào công cuộc xây dựng lại Đất  Nước.

 

Năm 1978, Thành Uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định khôi phục lại rừng ngập mặn Cần Giờ.

 

Đây quả là quyết định vô cùng sáng suốt của các nhà Lãnh đạo trong bối cảnh Thành phố sau ngày giải phóng với muôn vàn khó khăn, lo toan chồng chất.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo thành phố, nhân dân Cần Giờ nô nức đi trồng rừng, vẫn còn in đậm mãi trong lòng cán bộ và nhân dân, hàng ngàn người dân các xã: Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa, Cần Thạnh và đội viên Thanh niên xung phong các quận nội thành, các nhà khoa học, nhà quản lý bì bõm lội sình cắm từng trái đước xuống “vành đai trắng” Cần Giờ. Lực lượng lao động trồng rừng có khi lên đến 6.000 người.

 

Đến năm 1998 cơ bản hoàn thành công tác trồng lại rừng tại Cần Giờ, tiếp theo là chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng.

 

Kết quả sau 30 năm kiên trì trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thành phố Hồ Chí Minh đã khôi phục thành công rừng ngập mặn Cần Giờ.   

 

Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang hóa trơ trụi do chất độc hoá học huỷ diệt năm xưa trở thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật trên bầu trời, trên cạn và dưới nước sinh sôi phát triển. Nhiều loài chim thú quý trở lại sinh sống và phát triển rất nhanh, tại tiểu khu 21 có đàn khỉ đuôi dài đã phát triển trên 1.000 con, tại tiểu khu 15 đàn dơi nghệ khoảng 500 con và sân chim Vàm Sát có khoảng 2.000 con thuộc 26 loài. Heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thú khác có mặt khắp các gò đất cao trong rừng ngập mặn Cần Giờ.

 

Theo kết quả điều tra của Nguyễn Bội Quỳnh năm 1997, khu hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ có 42 loài thuộc 36 chi, 24 họ. So với các nước Đông Nam Á thì hầu hết các loài thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn nhiệt đới đều có mặt ở rừng Cần Giờ.

 

Theo Hoàng Đức Đạt, khu hệ động vật rừng ngập mặn Cần Giờ đã được phục hồi như sau: Khu hệ động vật không xương sống, thủy sinh có 70 loài, thuộc 44 họ (Cua biển, tôm sú, tôm bạc, tôm thẻ, sò huyết...), phân bố hầu hết ở lưu vực các con sông, vùng trũng trong rừng; khu hệ cá có 137 loài, thuộc 39 họ (Cá chìa vôi, cá đường, cá ngát, cá bông lau, cá dứa....), phân bố trên các sông rạch nước lợ; khu hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát (Kỳ đà nước, hổ mang chúa, trăn gấm …) sống trong các khu rừng mới phục hồi, dày kín; khu hệ chim có 130 loài, 47 họ, 17 bộ (Bồ nông chân xám, diệc xám, vạc, già đãy, giang sen…), thường thấy ở các đầm nước trong rừng; khu hệ thú có 19 loài thú, thuộc 13 họ, 7 bộ (Heo rừng, mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím, rái cá...) phân bố ở các khu rừng rậm.

 

Năm 2000, nhờ kết quả tốt đẹp của việc khôi phục, chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, gia nhập vào hệ thống các khu dự trữ sinh quyển trên toàn cầu.

 

Công việc tiếp theo đối với rừng ngập mặn Cần Giờ là tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, khai thác sử dụng rừng có khoa học, bền vững, cả về mặt diện tích và chất lượng rừng, khôi phục toàn vẹn hệ sinh thái rừng ngập mặn.

 

 (Trong bài có sử dụng số liệu và hình ảnh của một số tác giả)


Số lượt người xem: 14935    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm